Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / Lễ Sanh THƯỢNG VUI THANH

Image result for OLD BOOKS

ĐỒNG CẢM VÀ CHIA SẺ

Tôi đọc bài “Người Đạo Cao Đài Với Văn Hóa Đọc” (Văn Uyển tập Hanh, số 22, tr. 89-92), nghe trong lòng dâng lên một nỗi buồn khó tả, nên viết ra đây ít kỷ niệm đời tôi để chia sẻ với bạn đọc Văn Uyển.
Qua báo chí, tôi được biết trong năm 2016 sản lượng bia các loại của cả nước Việt Nam đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với năm 2015. Vào cuối năm 2016 Việt Nam đã chính thức lọt vào mười thị trường lớn nhất thế giới (Top Ten) xét về lượng bia tiêu thụ. Theo tính toán, năm 2017 thị trường bia Việt Nam sẽ cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít.([1]) Ngoài bia, người Việt còn uống khoảng 70 ngàn lít rượu các loại.([2]) Thế mà, cũng theo báo chí, suốt năm mỗi người Việt Nam chưa đọc trọn hết một cuốn sách!
Nhắc lại lời của Giáo Sư Chu Hảo: “Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trng là t học, mà trong vic t hc thì đc sách là quan trng nhất.” Tôi rất đồng tình và hoan nghinh ý kiến này. Bản thân tôi đã phải tự học bằng cách đọc nhiều sách.
Khoảng năm 1959, vì gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi không thể thi lên bực đại học, phải đành rời ghế nhà trường để về sống bên cha mẹ cao tuổi.
Từ khi nhập môn Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tôi vẫn luôn tự học qua sách ngoài đời và kinh điển trong đạo. Mỗi tháng tôi thường để dành tiền để mua ba, bốn cuốn sách của các nhà xuất bản như Phạm Văn Tươi, Thế Giới, v.v… Loại sách “Học Làm Người” tôi mua hầu hết. Các tác giả như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng… tôi rất quý trọng và xem là các bực thầy đáng kính.
Năm 1963, tôi về Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (tại Bến Tre) học đạo và làm công quả ở Văn Phòng Cửu Viện. Thời gian sau đó, tôi hân hạnh được làm quen với hiền huynh Chí Tín (Lê Văn Bá) ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (trên Sài Gòn); nhờ vậy, mỗi tháng tôi đều được hiền huynh gởi cho một tập Cao Đài Giáo Lý. Từ từ, tôi sưu tầm được các kinh sách như Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Đại Thừa Chơn Giáo, Tam Thừa Chơn Giáo (giải rành ba bực tu, có chương “Nữ Nhơn Luyện Đạo” rất đặc biệt), Nho Giáo (của Trần Trọng Kim), Đạo Đức KinhNam Hoa Kinh (do Nguyễn Duy Cần dịch), Phật Học Phổ Thông (của Thích Thiện Hoa), Kinh Cảm Ứng Chú Giải, Con Đường Giải Thoát (của Nguyễn Văn Lượng), Dưới Chơn Thầy (của Krishnamurti), Liễu Phàm Tứ Huấn... Năm 1964, tôi lập nguyện vào hàng tu sĩ xuất gia. Năm 1969, tôi được Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo xét công hạnh, ban cho phẩm Lễ Sanh. Năm 1971, tôi xin nhập khóa tu tịnh ba mươi sáu ngày, được quý chức sắc đàn anh chỉ dạy tận tình và tặng cho tôi vài cuốn kinh sách, khuyên tôi thường xem, thường đọc. Nhân đó, tôi tìm thêm nhiều sách để tham khảo về tu thiền, tịnh luyện, yoga, dưỡng sinh… (nếu chép hết các nhan đề sách nơi đây thì dài dòng lắm).
Nhớ lại trong cuốn Tự Học Một Nhu Cầu Thời Đại của Nguyễn Hiến Lê có khuyên: “Muốn tìm hiểu một chủ đề nào đến nơi đến chốn, ta nên đọc thêm nhiều sách, nghe nhiều tiếng chuông, rồi so sánh, phân tích ý kiến của mỗi người…” Mỗi ngày đêm, khi có giờ rỗi rảnh, tôi đem sách ra xem rồi cất kỹ, ráng thực hành theo lời kinh sách dạy.
Tôi thường thấy không ít đồng đạo siêng đi cúng ở thánh thất, thuộc lòng nhiều bài kinh mà không hiểu nghĩa nên hay đọc sai lời kinh, chỉ vì không chịu đọc sách. Tôi nhớ Văn Uyển tập Nguyên (số 21, Xuân Đinh Dậu) có trích thánh giáo Đức Quan Âm Bồ Tát cảnh tỉnh những tín đồ không chịu học hỏi giáo lý, không siêng xem kinh sách:
Không phải Phật thiếu kinh thường dụng
Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe
Tụng kinh như thể nói vè
Nghĩa sâu không biết, lối lề không thông.
Chẳng khác nào nghe ong vò vẽ
Tiếng nhỏ to thỏ thẻ vu vu
Tụng nhiều mới gọi là tu
Đọc nhiều cho Phật công phu mới nhiều.
Đó là tu theo chiều mê tín
Biết bao giờ tâm thánh mở mang
Sách kinh là đuốc rọi đàng
Dạy đời học đạo hành tàng thể nao.
Vì lẽ đó cùng nhau ráng hiểu
Đọc kinh coi Phật biểu làm chi
Ráng làm ăn ở cho y
Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời.
Đọc kinh rồi hiểu lời Phật dạy
Thì chớ làm trái lại sách kinh
Nếu khi mình đã thông minh
Lảu thông đạo pháp, xem kinh làm gì?
Nói trở lại bài “Người Đạo Cao Đài Với Văn Hóa Đọc”, tôi buồn quá khi thấy Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đang giảm bớt số lượng. Chẳng hạn, mỗi tập Văn Uyển trước đây in 5.000 bản, 3.000 bản, bây giờ rút xuống 2.500 bản.” Tôi sợ là sẽ còn giảm thêm nữa. Để cải thiện tình trạng này, tôi nghĩ các độc giả “trung thành” của Chương Trình Ấn Tống nên siêng giới thiệu sách hay, sách mới để tăng thêm số người ham đọc kinh sách. Tôi ước ao mỗi thánh thất đều có lập tủ kinh sách ấn tống để cho mượn đọc hay tặng luôn cho bổn đạo thỉnh về nhà. Có như vậy trình độ hiểu biết giáo lý của đạo hữu mới mau phát triển.
Thượng Lễ Sanh LÊ VĂN VUI (25-5-2017)



([1]) Tin này được Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra ngày 18-4-2017. Nguồn: http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/9738/du-kien-tieu-thu-4-ty-lit-bia-trong-nam-2017.aspx
([2]) Tin này được báo Đồng Nai (điện tử) đăng ngày 17-8-2014 tại http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/201408/quan-tu-goc-2332552/