Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / LÊ ANH MINH


Ý NGHĨA MÙA VU LAN
Khoảng rằm tháng 7, một mùa lễ Phật Giáo được tổ chức khắp Đông Nam Á. Ở Nhật gọi là lễ Obon. Chữ Bon này là tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana; Trung Quốc phiên âm từ Phạn ra Hán là Vu Lan Bồn hoặc Ô Lam Bà Na; Việt Nam gọi tắt là Vu Lan.
Nhiều người hiểu chữ Bồn theo âm Hán Việt, nghĩa là cái bồn, cái chậu, mà không ngờ đây chỉ là mượn âm Hán để phiên âm tiếng Phạn, không liên quan gì đến ý nghĩa nói trên. Lý do ngộ nhận của nhiều người là vì mùa lễ này tín đồ cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện vong linh thân nhân được siêu thoát; cái bồn là vật đựng thức ăn cúng dường. Nếu hiểu trại như vậy (vu: cái bát; bồn: cái chậu) thì không giải thích được chữ Lan nghĩa là gì trong ngữ cảnh này (mặc dù nghĩa thông thường là hoa lan). Do đó, để hiểu đúng thuật ngữ này phải quay về gốc tiếng Phạn của nó. Ullambana có nghĩa là treo ngược, ngụ ý sự thống khổ của các vong linh đói khát bị đọa đày (treo ngược) nơi địa ngục.
Sự cúng dường Tam Bảo cũng là nhân dịp kết thúc mùa an cư (vãrsika), tức là ba tháng mùa mưa từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 để tăng ni tu học, niệm kinh và tham thiền liên tục trong tự viện, không bước ra ngoài. Tại Việt Nam, Phật Giáo Bắc Tông tổ chức mùa an cư từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (giống như ở Nhật và Trung Quốc) và Phật Giáo Nam Tông tổ chức từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9. Mùa này cũng gọi là kiết hạ, Trung Quốc gọi là tọa hạ, Nhật cũng gọi là an cư (ango), tọa hạ (zage).
Như vậy cuối mùa an cư kiết hạ là lễ Vu Lan. Chính thức là rằm tháng 7, nhưng đa số các chùa Bắc Tông đã tổ chức từ mồng một lễ tụng Kinh Vu Lan và từ rằm đến cuối tháng thì lễ tụng Kinh Địa Tạng. Bên chùa Nam Tông thì khác, chủ yếu là tổ chức giảng giáo lý lấy ra từ tạng kinh, chứ không tổ chức lễ Vu Lan, không sử dụng Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng, v.v... như Bắc Tông.
Tập quán cúng dường Tam Bảo để độ rỗi vong linh đói khát nơi địa ngục không rõ bắt nguồn tự bao giờ, nhưng người ta hay liên hệ đến câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên (Maudgalyãyana), một đại đệ tử của Phật Thích Ca. Tôn giả hỏi Đức Phật cách cứu độ mẹ ông hiện là quỷ đói (preta) nơi địa ngục. Đức Phật bảo muốn thế thì phải cầu sự hộ trì của thập phương chúng hội (tức là tăng lữ). Đó là nguyên do của Vu Lan Bồn Kinh.
Như vậy Phật Giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đã pha trộn với tín ngưỡng gia tiên (ancestor worship) bản địa mà hình thành phong tục cúng dường để độ rỗi vong linh gia tiên bảy đời đang đói khát, đồng thời người ta cũng cúng tế thực phẩm và đốt y phục giấy cho vong linh của thân nhân. Lễ Vu Lan rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam. Tại Nhật, cuối mùa Vu Lan, trên các ngọn núi người ta đốt các ngọn lửa xếp thành chữ Hán như chữ đại , diệu , pháp , v.v... xem như là những ngọn lửa dẫn đường các vong linh trở về cõi âm.
Việc cúng dường cầu xin cho cha mẹ và tổ tiên đã khuất được siêu thoát đã toát ra nét đẹp rất văn hóa và nhân bản của Vu Lan, bởi vì mùa Vu Lan cũng được xem là mùa báo hiếu. Trong nền đạo đức phương Đông, hiếu là đức hạnh đứng đầu trăm hạnh khác (Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên). Chữ hiếu đã xuất hiện tại Trung Quốc từ thời xa xưa. Những mảnh xương và mai rùa (giáp cốt) thời Ân-Thương ghi chép lời bói (bốc từ) đã có ghi khắc chữ hiếu (theo dạng giáp cốt văn). Hứa Thận thời Đông Hán giải thích chữ hiếu trong Thuyết Văn Giải Tự là: Khéo phụng sự cha mẹ, chữ hiếu gồm chữ lão (người già) bị lược nét và chữ tử (con). Ý nói con cái vâng lời cha mẹ già. (Thiện sự phụ mẫu giả. Tòng lão tỉnh, tòng tử. Tử thừa lão da.)
Như vậy hiếu là nét văn hóa có sẵn tại Trung Quốc lâu đời, trước khi tiếp thu Phật Giáo Ấn Độ. Cách nói thông thường của người Trung Quốc: Dưỡng nhi phòng lão (nuôi con để trông cậy lúc tuổi già) đã thể hiện khát vọng chung của các bậc cha mẹ trên thế gian. Đó cũng là mục tiêu cơ bản của giáo dục tại Trung Quốc ngày xưa. Chữ giáo (từ tố trong giáo dụctôn giáo) nghĩa là dạy bảo. Thuyết Văn Giải Tự giảng: Người trên thi hành cho kẻ dưới bắt chước. (Thượng sở thi hạ sở hiệu dã.) Phân tích chữ giáo , ta thấy chữ này gồm chữ hiếu ghép với bộ phộc (đánh khẽ), ý nói dạy bảo cho người ta đạo hiếu (nếu cần, cũng nên có roi vọt: phộc). Do đó nền tảng của giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn dạy cho người ta biết kính yêu phụng dưỡng cha mẹ và tri ân tổ tiên nguồn cội. Một tôn giáo hay một hệ giáo dục nếu bỏ qua yếu tố này sẽ là một thực thể phi nhân bản.
Tam Giáo phương Đông đều coi trọng đạo hiếu. Trường A Hàm Kinh (quyển 11), các chiếu thư khắc trên đá (số 2 và số 4) của vua A Dục (Asoka, tại vị khoảng 274-237 trước Công Nguyên), v.v... đều nhấn mạnh hành thiện mà quan trọng nhất là kính yêu, vâng lời, và phụng dưỡng cha mẹ.
 Nho Giáo càng đề cao đạo hiếu qua các kinh điển như: Hiếu Kinh, Lễ Ký, Tả Truyện, Thi Kinh, Thượng Thư, Tứ Thư, v.v... Giáo dục con trẻ (khải mông) phải lấy đạo hiếu làm nền và điều này thấy rõ trong các tác phẩm dạy trẻ như: Ấu Học Quỳnh Lâm, Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh, Tiểu Học, Tiểu Nhi Ngữ, v.v...
Đạo Giáo tuy tôn chỉ là tu luyện thành Tiên (gọi là Tiên Đạo) nhưng không coi thường nhân đạo (đạo làm người) bởi lẽ đơn giản: Làm người còn chưa xong lẽ nào thành Tiên cho được? Trong nhân đạo thì trunghiếu là trên hết, và đó cũng là gốc rễ của Đạo Giáo như đạo gia Lý Thúc Hoàn nói: “Đạo Giáo lấy trung hiếu làm gốc, lấy kính trọng Trời - noi theo pháp tắc tổ tiên - gây lợi cho vật - cứu giúp người mà làm nhiệm vụ.” (Đạo Giáo thị dĩ trung hiếu vi bản, dĩ kính Thiên pháp tổ lợi vật tế nhân vi vụ.) Vì thế có giáo phái của Đạo Giáo là Tịnh Minh Đạo lấy trung hiếu làm tôn chỉ nên còn gọi là Tịnh Minh Trung Hiếu Đạo (hưng khởi ở Nam Xương, Tây Sơn, vào giữa đời Tống và đời Nguyên, thờ Hứa Tôn [239-?] làm tổ sư). Các kinh điển Đạo Giáo từ Thái Bình Kinh đời Hán cho đến Bão Phác Tử Nội Thiên đời Tấn và cả những sách khuyến thiện (gọi là thiện thư) của Đạo Giáo như Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, Công Quá Cách, v.v... đều giảng dạy về đạo hiếu.
Xem thế, truyền thống đạo đức phương Đông gồm những quy luật đạo đức phổ quát dân gian dung hợp với quy luật đạo đức Tam Giáo (Nho, Thích, Đạo) đều coi trọng đạo hiếu. Cho nên mùa Vu Lan không chỉ dành riêng tăng ni và Phật tử tại gia mà còn dành cho tất cả mọi người có dịp nhìn lại bản thân: Cảm nhận thâm ân dưỡng dục của cha mẹ và ân đức khải đạo của tổ tiên; xót thương vong linh thân nhân đang đói lạnh; hành thiện để hồi hướng cho cửu huyền thất tổ được siêu thoát; và nhất là tận tâm phụng dưỡng cha mẹ chu đáo khi cha mẹ còn tại thế.
Nhân mùa Vu Lan, nêu lại vấn đề đạo hiếu là một điều thiết thực. Một gia đình đề cao đạo hiếu tức là gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, là thành trì ngăn cản mọi tệ nạn của xã hội. Như Hiếu Kinh đã nói, để thể hiện đạo hiếu người ta phải lập thân (nếu không thể tự nuôi thân, lấy gì nuôi cha mẹ?), làm những việc tốt đẹp cho đời để rạng rỡ mẹ cha và gia tiên. Xã hội hiện nay bước dần theo xu hướng đa văn hóa. Để khỏi lạc nẻo, những người con phải ý thức mình đang đứng ở đâu và làm gì. Những gì đã, đang và sẽ làm có tác hại gì đến danh dự cha mẹ, tổ tiên, có tác hại xã hội hay không? Sự tự vấn để răn mình này tăng cường ý thức công dân, giúp xã hội thêm lành mạnh.
LÊ ANH MINH
(Mùa Vu Lan 2000)