Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / HỒ THÍCH



MẸ HIỀN CỦA TÔI
Nguyên tác (Hoa văn): NGÃ ĐÍCH MẪU THÂN
Tác giả: HỒ THÍCH
Dịch giả: LÊ ANH MINH
Lời người dch:
Hồ Thích (1891-1962) tự là Thích Chi, quê ở Tích Khê, tỉnh An Huy. Năm 1910, ông được Đại Học Thanh Hoa tuyển đi học ở Mỹ, đỗ cử nhân triết học (Đại Học Cornell, 1915), và tiến sĩ triết học (Đại Học Columbia, 1917). Ông là học trò triết gia John Dewey (1859-1952) và là tiến sĩ danh dự của Trung Quốc trên ba mươi năm. Năm 1917 ông trở về Trung Quốc giảng dạy tại Quốc Lập Bắc Kinh Đại Học.
Năm 1919 Hồ Thích viết bài Văn Học Cải Lương Xô Nghị (Bàn Về Cải Cách Văn Học) trên tạp chí Tân Thanh Niên (do Trần Độc Tú sáng lập).([1]) Hồ Thích đề xướng việc sử dụng văn bạch thoại (văn nói bình dân thường ngày) thay thế cho thể văn cổ điển (văn ngôn). Bài báo gây chấn động dư luận, từ đó phong trào Tân Văn Học phát động, đưa đến cuộc cách mạng văn học Bốn tháng Năm (Ngũ Tứ vận động 1919). Kết quả, Bộ Giáo Dục chấp nhận việc dạy bạch thoại trong các trường học kể từ 1920.
Năm 1931 Hồ Thích làm viện trưởng Bắc Đại Văn Học Viện (Viện Văn Học thuộc Đại Học Bắc Kinh). Thời kháng Nhật, ông làm đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Sau thời kháng Nhật, ông làm hiệu trưởng Đại Học Bắc Kinh. Năm 1948 ông sang Mỹ dạy tại Đại Học Cornell và đồng thời làm chủ nhiệm khoa Trung Văn của đại học này. Năm 1958 ông qua Đài Loan làm viện trưởng Trung Ương Nghiên Cứu Viện và qua đời tại nhiệm sở này ngày 24-02-1962. Ông trứ tác rất nhiều. Tác phẩm chính có Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương, Bạch Thoại Văn Học Sử, Hồ Thích Văn Tồn, Hồ Thích Luận Học Cận Trứ, v.v...
Ngoài những tác phẩm danh tiếng nói trên, Hồ Thích có viết một hồi ức, trong đó ông kể lại những năm tháng ngắn ngủi được mẹ dạy dỗ khi cha đã mất.([2]) Tuy chỉ ở bên mẹ đến năm mười bốn tuổi, ông chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của mẹ ông - một bà mẹ hiền mà cũng là một người cha nghiêm khắc. Như ông bộc bạch, sự nghiệp đời ông do mẹ mà có.

*
Tôi sinh ngày 17 tháng 11 năm Quang Tự 17 (tức là 17-12-1891). Bấy giờ gia đình tôi cư trú phía ngoài Đại Đông Môn của Thượng Hải. Sau khi tôi chào đời được hai tháng, tuần phủ Thiệu Hữu Liêm tấu trình lên trên để thuyên chuyển cha đến Đài Loan. Tuần phủ ở Giang Tô có can thiệp cho cha nhưng không hiệu quả. Cuối tháng 2 năm Quang Tự 18 (1892), cha đến Đài Loan, mẹ con tôi dọn về Xuyên Sa (phía đông Thượng Hải) và cư trú ở đó được một năm.
Ngày 26 tháng 2 năm Quang Tự 19 (1893), cả nhà tôi gồm mẹ, chú tư Giới Như, anh hai Tự Cự, anh ba Tự Phi, và tôi từ Thượng Hải cùng dọn đến Đài Loan. Chúng tôi ở Đài Loan mười tháng. Tháng 5 năm Quang Tự 19, cha làm tri châu của châu Trực Lệ ở Đài Đông kiêm nhiệm tổng quản các doanh trại hậu quân ở Trấn Hải. Bấy giờ Đài Đông mới được thành lập, mọi thứ đều mới mẻ nên cha không mang gia quyến đi theo. Cuối năm Quang Tự 19, chúng tôi mới dọn đến Đài Đông và cả gia đình cư trú ở đó trọn một năm.
Năm Giáp Ngọ (1894) chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ. Đài Loan cũng thuộc vùng có chiến sự. Cha bèn nhờ chú tư đưa gia đình trở về cố hương An Huy, chỉ có anh hai Tự Cự còn ở lại Đài Đông với cha.
Tháng Giêng năm ấy, Trung-Nhật nghị hòa thành công nhưng Đài Loan bị cắt nhượng cho Nhật. Các thân sĩ và cư dân Đài Loan cực lực phản đối sự cắt nhượng này và yêu cầu tuần phủ Đường Cảnh Tung phải cố thủ. Đường Cảnh Tung thỉnh cầu các nước phương Tây ra tay can thiệp nhưng không ai nhận lời. Dân chúng Đài Loan thỉnh cầu Đường Cảnh Tung làm đại tổng thống của nước Đài Loan Dân Chủ. Bang biện quân vụ là Lưu Vĩnh Phúc ([3]) làm chủ quân đại tổng thống. Cha làm nhiệm vụ phòng giữ Hậu Sơn ở Đài Đông. Lúc đó điện báo bị cắt liên lạc. Còn cha thì bị bệnh, chân trái không cử động được. Cha cố thủ đến mồng 3 tháng 5 nhuận thì bắt đầu rời bỏ Hậu Sơn. Lúc cha đến An Bình, Lưu Vĩnh Phúc nài giữ để xin cha trợ giúp, chứ không chịu ra hàng. Đến ngày 25 tháng 6, hai chân cha bị liệt hẳn, Lưu Vĩnh Phúc đem cha ra hàng Nhật. Ngày 28 tháng 6, Nhật đến Hạ Môn, bấy giờ cả tứ chi cha đều tê liệt và qua đời tại Hạ Môn ngày mồng 3 tháng 7 năm Ất Mùi (1895).
Khi cha tôi mất, mẹ tôi mới hai mươi ba tuổi.
Sau khi kết hôn không lâu, cha tôi đưa mẹ tôi đến chung sống tại Thượng Hải, giúp mẹ tôi thoát cảnh khổ sở của một đại gia đình. Cha rất yêu mẹ. Dù bận bịu trăm công ngàn việc, nhưng cha vẫn dành thời giờ để dạy mẹ tôi nhận biết mặt chữ Hán. Những năm ấy gia đình cực kỳ hạnh phúc. Thuở thơ ấu, tôi rất được cha yêu thương chìu chuộng. Khi tôi chưa đầy ba tuổi, cha lấy những tờ giấy hồng điều có viết chữ Hán mà trước đây cha đã từng dạy cho mẹ đem ra dạy lại cho tôi. Cha là thầy giáo của tôi và mẹ tôi đứng bên cạnh làm phụ giảng. Khi tôi học chữ mới thì mẹ cũng có dịp ôn lại những chữ mẹ đã học. Lúc cha quá bận rộn thì mẹ thay cha dạy chữ cho tôi.
Lúc gia đình chúng tôi rời Đài Loan, mẹ đã nhận biết được non một ngàn chữ Hán và tôi thì biết được trên bảy trăm chữ. Những chữ Hán vuông vuông trên giấy hồng điều là do đích thân cha viết chân phương theo lối chữ khải và mẹ đã trân trọng gìn giữ những tấm giấy hồng điều có chữ ấy trọn cả một đời, bởi vì đó là kỷ vật thiêng liêng ghi dấu những ngày tháng đoàn viên ấm cúng và hạnh phúc nhất của cha, mẹ, và tôi.
Hồi ở Đài Loan tôi bệnh nặng nửa năm, sức khỏe rất yếu. Lúc trở về quê cũ, tôi đã năm tuổi mà chưa thể nhảy qua khỏi cái ngạch cửa cao mấy tấc. Nhưng mẹ rất tha thiết cho tôi học tiếp chữ Hán ngay. Mẹ gởi tôi đến trường học của chú tư Giới Như cho tôi tiếp tục học chữ. Bấy giờ vóc người tôi rất nhỏ bé, phải có người ẵm lên ghế hay ẵm xuống ghế mới được. Nhưng trong trường tôi không phải là học sinh lớp thấp nhất vì trước khi vào đây tôi đã biết gần một ngàn chữ Hán rồi.
Mỗi sáng sớm mẹ đánh thức tôi dậy, bảo mặc quần áo. Tôi không rõ mẹ thức dậy hồi nào và đã ngồi bên tôi được bao lâu. Mẹ đợi tôi tỉnh táo hẳn rồi mới bảo tôi biết ngày hôm qua tôi đã làm chuyện gì sai, đã nói lời gì không phải. Rồi mẹ bảo tôi phải nhận lỗi và phải hứa cố gắng học hành. Đôi khi mẹ kể cho tôi nghe những việc làm tốt đẹp của cha: “Con phải noi theo bước chân của cha. Trọn đời mẹ chỉ biết có một người toàn diện, chính là cha con đó. Con phải học tập gương cha con, đừng để cha con phải xấu hổ mất mặt vì con, con nhé!” Khi nói đến chỗ thương tâm, mẹ xúc động không cầm được nước mắt.
Khi trời thật sáng hẳn, mẹ mới mặc quần áo đẹp cho tôi và đưa tôi đến trường. Chìa khóa cổng trường thì để ở nhà thầy giáo. Đến trường, tôi nhìn xem cổng đã mở chưa. Nếu chưa thì tôi chạy ù sang nhà thầy lấy chìa khóa rồi chạy về trường mở cổng và bắt đầu học bài mới. Trong mười ngày đi học thì có đến tám chín ngày tôi là học sinh đến trường sớm nhất. Khi thầy giáo đến trường thì tôi đã thuộc bài rồi. Sau đó mới về nhà ăn sáng.
Mẹ quản tôi rất nghiêm. Mẹ vừa là một từ mẫu vừa là một nghiêm phụ. Nhưng mẹ không bao giờ mắng nhiếc tôi hoặc đánh tôi trước mặt người khác. Mỗi khi tôi phạm lỗi, mẹ chỉ nhìn tôi một cái. Thấy ánh mắt nghiêm nghị của mẹ là tôi sợ và thôi ngay. Nếu tôi phạm lỗi nhỏ mẹ đợi đến sáng sớm hôm sau, sau khi tôi tỉnh giấc hẳn, bấy giờ người mới dạy bảo. Nếu tôi phạm lỗi lớn, ngay buổi tối hôm đó, đợi mọi người ngủ yên thì mẹ gài cửa phòng lại, trước tiên là khiển trách tôi, sau đó lại ra hình phạt: hoặc quỳ gối, hoặc cấu véo da thịt tôi. Dù hình phạt nào, không bao giờ mẹ để người khác nghe tiếng tôi khóc. Đối với mẹ, việc dạy con không phải là giận thét ầm ĩ để người khác nghe thấy.
Một chiều đầu thu, ăn cơm xong, tôi chơi trước cửa, trên người mặc phong phanh chiếc áo cộc. Dì Ngọc Anh là em gái của mẹ cùng ở chung với chúng tôi thấy thế, sợ tôi cảm lạnh bèn đi vào lấy áo khác và bảo tôi mặc. Tôi không chịu. Dì khuyên: “Mặc vào đi cháu, kẻo lạnh đấy.” Tôi vọt miệng trả lời: “Dì này á. Lạnh lẽo cái quái gì?” Ngay lúc nói xong, quay đầu lại tôi thấy mẹ từ trong nhà bước ra. Tôi vội vội vàng vàng xỏ áo. Nhưng mẹ đã nghe hết những lời hỗn hào tôi nói với dì Ngọc Anh rồi. Tối hôm ấy, khi mọi người đã ngủ yên, mẹ phạt tôi quỳ và trách mắng một trận dữ dội: “Con không còn cha nữa nên đắc ý ăn nói mồm mép như vậy hả?” Mẹ giận lắm, ngồi mắng tôi mà cứ run cả người. Rồi mẹ không cho tôi đứng dậy đi ngủ. Tôi quỳ mãi và khóc, tay lau nước mắt, không ngờ tay bẩn làm sau đó bị viêm mắt kéo dài hơn một năm, chạy thầy chạy thuốc không khỏi. Mẹ quá ân hận. Nghe nói bệnh viêm mắt này có thể dùng đầu lưỡi rơ vào thì khỏi. Một tối nọ, mẹ đánh thức tôi dậy, dùng đầu lưỡi rơ mắt cho tôi. Ôi, mẹ tôi, một người cha nghiêm khắc mà cũng là một mẹ hiền!
Mẹ đối đãi với người khác rất nhân từ và ôn hòa, chưa bao giờ thốt một lời xúc phạm làm người khác phải đau lòng. Nhưng mẹ rất cương trực và khẳng khái, không để ai xúc phạm đến mình. Trong gia đình tôi, chú năm là một lãng tử, không nghề nghiệp chính đáng. Một hôm tại quán nước chú la lối bất mãn cho rằng trong gia đình tôi hễ có việc cần thì nhờ người ngoài giúp đỡ chứ không để việc tốt ấy cho chú. Lời nói này đến tai mẹ. Mẹ rất giận và khóc, rồi thỉnh mời tất cả mọi người trong đại gia đình lại, trách chú năm trước mặt đông đủ mọi người, rồi buộc chú năm nhận lỗi, mẹ mới thôi.
Tôi được mẹ thương yêu dạy dỗ nghiêm khắc được chín năm, chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của mẹ. Khi tôi mười bốn tuổi (thực ra là mười hai tuổi ba tháng) thì phải rời mẹ xa nhà đi học hơn hai mươi năm không ai quản thúc. Nếu tôi học tập được mảy may tính chất tốt đẹp nào, nếu tôi học tập được thái độ ôn hòa trong cư xử với tha nhân, nếu tôi có thể khoan dung thứ tha được người khác, thì tất cả là nhờ ở mẹ hiền của tôi mà có.
LÊ ANH MINH
Dịch từ Hoa văn



([1]) Trần Độc Tú (1879-1942) là một trong những lãnh tụ buổi đầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
([2]) Mẹ ông là Phùng Thuận Đệ (1873-1918), kết hôn với Hồ Phó, tự Thiết Hoa (1841-1895) hai năm sau sinh ra ông. Cha ông từng làm quan nhiều nơi như Đông Tam Tỉnh, Quảng Đông, v.v... cuối cùng làm tri châu của châu Trực Lệ ở Đài Đông (thuộc Đài Loan).
([3]) Lưu Vĩnh Phúc có lẽ cũng là tướng “giặc Cờ Đen” có liên quan tới lịch sử nước ta đời nhà Nguyễn. (Văn Uyển chú)