Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / NGUYỄN THANH LỢI 2

ĐỊA DANH BẢY NÚI


Bảy Núi (Thất Sơn) là địa danh vùng chỉ các hòn núi nằm trên địa bàn hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Địa danh Bảy Núi trước đây là tên huyện cũ thuộc tỉnh An Giang, được thành lập năm 1977, do sáp nhập hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Con kênh nối liền bờ biển tỉnh Kiên Giang chảy qua huyện Bảy Núi cũng mang tên Bảy Núi. Trước nay có nhiều cách hiểu về địa danh này. Bài viết này góp phần vào việc tìm hiểu về một địa danh nổi tiếng ở An Giang mà cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Địa danh Bảy Núi trong thư tịch
Sách Gia Định Thành Thông Chí (1820), ghi nhận trấn Vĩnh Thanh có mười tám ngọn núi gồm: Ba Thê, Thoại Sơn, Tà Chiếu, Trà Nghinh, Tượng, Ca Âm, Nam Sư, Khê Lạp, Chút, Tà Biệt, Ba Xùi, Ất Giùm, Chơn Giùm, Nam Vi, Đoài Tốn, Sâm Đăng, Đại Bà Đê, Tiểu Bà Đê.([1])
Trong mục Sơn Xuyên, sách Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn thời Tự Đức (1848-1883), ghi chép hai mươi ba ngọn núi ở tỉnh An Giang, gồm các núi: Ba Xùi Sơn, Ca Tích Sơn, Cấm Sơn, Châm Biệt Sơn, Châm Chiếu Sơn, Chân Sâm Sơn, Đài Tốn Sơn, Đại Bà Đê Sơn, Hoa Thê Sơn, Khê Liệp Sơn, Nam Sư Sơn, Nam Vi Sơn, Ngất Sâm Sơn, Nhân Hòa Sơn, Ốc Nhâm Sơn, Tiểu Bà Đê Sơn, Tô Sơn, Tốt Sơn (Tụy Sơn), Tượng Sơn, Thâm Đăng Sơn, Thị Vi Sơn, Thụy Sơn, Trà Nghinh Sơn. Sách này ghi bảy núi gồm: Cấm Sơn, Châm Biệt Sơn, Đài Tốn Sơn, Nam Vi Sơn, Nhân Hòa Sơn, Ốc Nhâm Sơn, Tốt Sơn (Tụy Sơn). Bắt đầu từ đây xuất hiện khái niệm “Bảy Núi”.([2])
Trương Vĩnh Ký trong Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ (1875) đã liệt kê “những quả núi nổi tiếng nhất của xứ Nam Kỳ” trong tỉnh Châu Đốc (An Giang) gồm: 1. Núi Sam, 2. Núi Xà Tón, 3. Núi Két, 4. Núi Dài, 5. Núi Trà Sư, 6. Núi Bà Đắc, 7. Núi Rô, 8. Núi Bà Đội Om, 9. Núi Than, 10. Núi Sập hay Thoại Sơn.([3]) Phải chăng do “Bảy Núi” là khái niệm địa lý dân gian nên ông không đề cập đến, nhưng trong đó đã kể ra được một số “danh sơ” của vùng Bảy Núi như Núi Sam, Núi Két, Núi Dài.
Trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca (1909), Nguyễn Liên Phong đã viết: “Tiếng đồn Châu Đốc, Thất San / Kể sao cho hết cả ngàn danh nham”. Trong phần viết về Châu Đốc dù không kể ra Bảy Núi là những ngọn núi nào nhưng ông cũng nhắc đến Núi Sam, núi Trà Sư, Núi Giài (Núi Dài), Núi Két thuộc khái niệm “Thất Sơn”.([4])
Việt Nam Tự Điển viết về địa danh Bảy Núi: “Bảy hòn núi trong các tổng Châu Phú, Thanh Lễ, Thanh Y, Thanh Ngãi, tỉnh Châu Đốc là: Núi Sam, Núi Két, Núi Dài, núi Tà Béc, Núi Cấm, Núi Voi và núi Cô Tô”.([5])
Theo ông Lương Văn Phụng, tục gọi Chín Tròn ở thôn Vĩnh Thạnh Trung (Châu Đốc), trước theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, sau theo Phật Giáo Hòa Hảo, thì Thất Sơn bao gồm: Anh Vũ Sơn (Núi Két), Ngũ Hồ Sơn (Núi Giài Năm Giếng, ở gần Núi Két), Thiên Cẩm Sơn (Núi Gấm hay Núi Cấm), Liên Hoa Sơn (Núi Tượng), Thủy Đài Sơn (Núi Nước, ở gần Núi Tượng), Ngọa Long Sơn (Núi Dài), Phụng Hoàng Sơn (Núi Tô).([6])
Nhà văn Hồ Biểu Chánh thì cho rằng tuy gọi là “Bảy Núi” nhưng do: “Người xưa có đặt cho mỗi chỏm cao một cái tên riêng như: núi Tà Chiếu, núi Trà Nghịch, núi Tượng, núi Thốt, núi Ca Âm, núi Năm Sư, núi Khê Lập, núi Ba Xoáy, núi Ngất Sung, núi Nam Vi, núi Đoài Tốn, núi Chơn Sum.
“Đó có lẽ là hồi mới khai mở tỉnh An Giang, quan Tổng đốc viết sách địa dư dưng [dâng] lên triều đình đã do theo thổ âm hoặc hình thể hay phương hướng mà đặt tên cho các ngọn núi trên đây. Mặt khác, dân chúng ở vùng sơn cước này, vì không biết được sách địa dư nói trên, hoặc vì trọng phong tục sử sách nên gọi là núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Ông Tô; còn mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa (Ba Xoái, Ngất Sung, Nam Vi, Đoài Tốn) thì họ kêu chung là vùng Núi Cấm.([7])
Nguyễn Văn Hầu dẫn lại ý kiến của một nhà nghiên cứu nước ngoài [không nêu tên] cho rằng Thất Sơn gồm: núi Trà Sư, Núi Két, núi Bà Đội Om, Núi Cấm, Núi Dài, Núi Tượng và Núi Tô.([8])
Sách Những Trang Về An Giang chép: “Ở vùng này, tính có đến hơn mười ngọn núi lớn. Ngoài núi Ba Thê, Núi Sập và Núi Sam, An Giang còn có một dãy núi nằm nối đuôi nhau chạy dài giáp vùng biên giới Việt Nam và Campuchia, gọi là Bảy Núi hoặc Thất Sơn. Dãy núi ấy có rất nhiều ngọn núi nhỏ bao bọc chung quanh bảy ngọn núi chính, đó là Núi Nước (Bích Thủy Sơn), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Két (Ô Thước Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Cấm (Bạch Hổ Sơn), Núi Tượng (Kỳ Lân Sơn), Núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn).” ([9])
Sách Lịch Sử Cuộc Đấu Tranh Chống Thực Dân Pháp Và Đế Quốc Mĩ Của Quân Và Dân An Giang (tập 1, 1986) có kể ra bảy ngọn núi trong khái niệm “Bảy Núi” nhưng tên chữ có sự khác biệt đôi chút: Núi Cấm (Bạch Hổ Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn, Núi Dài nhỏ), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn, Núi Dài Văn Liên), Núi Tượng (Kỳ Lân Sơn), Núi Két (Ô Thước Sơn), Núi Nước (Bích Thủy Sơn).([10])
Vương Hồng Sển chỉ kể ra được bốn ngọn núi thuộc dãy Thất Sơn gồm: Núi Dài ở làng An Túc, tổng Thanh Lễ, tỉnh Châu Đốc; Núi Giai ở làng Vĩnh Trung, tổng Thanh Y, tỉnh Châu Đốc; Núi Két nằm trên địa phận hai làng Xuân Tô và Nhà Bàng, tổng Quy Đức; Núi Sam ở làng Vĩnh Tế, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc.([11])
Theo các nhân sĩ kỳ cựu ở xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn), cách nay trên nửa thế kỷ, Thất Sơn gồm bảy tên núi: Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi Dài (Ngũ Hồ Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn), Núi Dài Văn Liên (Ngọa Long Sơn), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn).([12])
Sổ Tay Địa Danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh ghi: “tên gọi chung bảy hòn núi ở tỉnh An Giang xưa, là núi Cẩm, núi Đài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Thụy Sơn, núi Ba Thê, núi Sập.” ([13])
Địa Chí An Giang liệt kê các ngọn núi của Thất Sơn gồm: Tượng Sơn, Tô Sơn, Cấm Sơn, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa.([14])
Theo Phạm Bích Hợp, vùng Thất Sơn nằm trong khu tam giác Tri Tôn - Nhà Bàng - Tịnh Biên, một vùng đồi núi gồm những ngọn núi: Trà Sư, Két, Bà Đội Om, Dài, Tượng, Tô, Cấm, cùng với vùng đồng bằng và sông nước thuộc Châu Đốc.([15])
Sách Sổ Tay Địa Danh Việt Nam viết: “[Thất Sơn] vùng đất thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang, nơi có bảy ngọn núi thấp (NTL nhấn mạnh), cao vài trăm mét, nổi trên đồng bằng Tây Nam Bộ là: Núi Cấm (Bạch Hổ Sơn 710m), Núi Dài (Ngọa Long Sơn 549m), Núi Tượng (Kỡ Lân Sơn 145m),([16]) Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn 614m), Núi Két (Ô Thước Sơn), Núi Nước (Thủy Sơn) và núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn). Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên Núi Cấm.” ([17])
Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ cũng ghi nhận về địa danh Bảy Núi: “vùng đất có bảy ngọn núi thuộc tỉnh An Giang, gồm: Núi Tượng, Núi Tô, Núi Cấm, núi Ốc Nhâm (núi Dài), núi Nam Vi, núi Châm Biệt, núi Nhân Hòa.” ([18])
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, các ngọn núi ở vùng Thất Sơn gồm:
Núi Sam (Sam Sơn): cao 228m, còn gọi là Hậu Lãnh, Vĩnh Tế Sơn, trên đỉnh có pháo đài.
Núi Trà Sư: cao 146m, tên khác là Nam Sư, Kỳ Lân Sơn, Phnom Trà.
Núi Kéc: cao 282m, đỉnh núi có hình giống mỏ chim kéc, tên khác là Anh Vũ Sơn, Ô Thước Sơn.
Núi Châm Biệt: tên khác là Tà Biệt, Tà Biệc, Phnom Cơn Kanlan.
Núi Giài Năm Giếng: cao 265m, tên khác Ngũ Hồ Sơn.
Núi Bà Đội Om: cao 261m, tên khác Bà Đội, Phnom Ta Thugiôk.
Núi Cấm: cao 705m, các tên khác là Cấm Sơn, Cẩm Sơn, Gấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn, Bạch Hổ Sơn, Núi San, Núi Than, Phnom Popéal Sama.
Núi Nam Quy: cao 213m, tên khác Nam Vi, Phnom Pi.
Núi Tô: cao 614m, tên khác Cô Tô, Phnom Ktô, Phụng Hoàng Sơn, núi Xà Tón.
Núi Dài Văn Liêng: cao 554m, tên khác là Núi Dài, Ngọa Long Sơn, Phnom Ok-Giôm.
Núi Ốc Nhâm: cao 259m, tên khác Ốc Nhẩm, Ất Gium, Ok Dum, Ak Yom.
Núi Tượng: cao 145m, tên khác Núi Vôi, Krăn Cai, Tà Lôn Tà Lăng, Liên Hoa Sơn, Kỳ Lân Sơn (trùng tên núi Trà Sư).
Núi Nước: cao 54m, tên khác Hà Sơn, Thủy Đài Sơn, Bích Thủy Sơn (nằm trong Núi Tượng).
Núi Đất: Núi Đất Lớn cao 120m, Núi Đất Nhỏ cao 80m; tên khác Tà Lọt, Giang Lanh, Phnom Chmâl, Phnom Dei.
Núi Ca Âm: tên khác Ca Tích, Phnom Dưn.
Núi Nhân Hòa: tên khác Láng Cháy, Sáng Cháy.
Núi Doi: cao 60m, tên khác đồi Doi Đớp Prathéath.
Núi Trà Chiếu (Tà Chiếu): tên khác Phnom Crak, Châm Chiếu Sơn.
Núi Tà Nghinh (Trà Nghinh): tên khác Phnom Tà Só.
Núi Tụy Sơn: tên khác Núi Thốt, Núi Tốt.
Núi Đài Tốn: tên khác Đại Tố, Đoài Tốn, Phnom Khtô.
Núi Thị Vi.
Núi Ba Xôi: cao 58m, tên khác Bà Xôi, Ba Xoay, Ba Xùi, Phnom Polpal.
Núi Khe Săn: tên khác Khê Lạp, Khê Lập, Khê Liệp, Phnom Crak Cơn Kan.
Núi Ngất Sum: tên khác Ất Gium, Ác Giùm, Phnom Ak Yom.
Núi Chân Sum: tọa lạc ở đoạn giữa kinh Vĩnh Tế.
Núi Thâm Đăng: tên khác Thông Đăng, Phnom Prén Thom.
Núi Đại Bà Đê (Đại Bà Đế): tên khác Phnom Crom Rôniel Thom.
Núi Tiểu Ba Đê (Tiểu Bà Đế): tên khác Phnom Crom Rôniel Tuốt.
Núi Sập: cao 85m, tên khác Núi Sáp, Lập Sơn, Núi Lấp, Khâu Sơn, Thoại Sơn, Thụy Sơn, Phnom Thom.
Núi Ba Thê: cao 221m, tên khác Vọng Thê, Phnom Tà Thner (cũng gọi Ba Thê Lớn để phân biệt với núi Ba Thê Nhỏ).
Núi Tượng: cao 60m, ở huyện Thoại Sơn, trùng tên với Núi Tượng ở huyện Tri Tôn.
Núi Bửu Sơn (Bảo Sơn): tên khác Núi Cậu, trùng tên với Núi Cậu ở huyện Tịnh Biên và Núi Cậu là một ngọn nhỏ của Núi Sam ở thành phố Châu Đốc.
Núi Trà Chao: cao 180m, tên khác Phnom Sdăch Chao.
Núi Phú Cường: cao 282m, tên khác Bạch Hổ Sơn, trùng tên với Núi Cấm cũng có tên khác là Bạch Hổ Sơn.([19])
Nhưng theo tác giả, bảy ngọn núi “tiêu biểu nhất và hợp lý nhất” ở vùng Thất Sơn là: Núi Sam, Núi Kéc, Núi Cấm, Núi Dài, Núi Tô, Núi Tượng, Núi Sập. Và ông cho rằng, các ngọn núi ấy đều có những “cái nhất tích cực”, không thể hiểu khác về phương diện địa chí.([20])
Nhưng hai năm sau, cũng chính Nguyễn Hữu Hiệp lại cho rằng Bảy Núi gồm: Anh Vũ Sơn (núi Két, còn gọi O Thước Sơn [sic]), Liên Hoa Sơn (núi Tượng, còn gọi Kỳ Lân Sơn), Ngọa Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Giài Năm Giếng, tức núi Dài Nhỏ), Phụng Hoàng Sơn (núi Tổ [sic]), Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, còn gọi Bạch Hổ Sơn), Thủy Đài Sơn (núi Nước, còn gọi Bích Thủy Sơn).([21])
Hiện nay, nhiều ngọn núi đã được gọi theo tục danh hoặc bị mất tên gọi hoàn toàn như: Tà Chiếu, Trà Nghinh, Ca Âm, Khê Lạp, Ba Xùi, Ất Sum, Chơn Sum, Đoài Tốn, Sâm Đăng, Đại Bà Đề, Tiểu Bà Đề, Nhân Hòa, Thị Vi, Ca Tích...


Địa danh Bảy Núi theo quan niệm dân gian
Địa danh “Bảy Núi” theo quan niệm dân gian bao gồm: Núi Két, Núi Dài Năm Giếng, Núi Tô, Núi Cấm, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Nước chỉ là một phần trong khái niệm “Bảy Núi”, ra đời sớm nhất vào năm 1849, từ thời Đoàn Minh Huyên với thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương.([22]) Ông đã rao giảng về ngày tận thế, vùng Thất Sơn sẽ là nơi lập hội Long Hoa, nên Thất Sơn được xem là vùng đất linh thiêng, huyền bí mà ngay đến bây giờ không phải ảnh hưởng đó đã hết.
Trong sách Mười Đỉnh Núi Thiêng, Liêm Châu viết: “Ngoài cái tên Chân Lạp, tên Bảy Núi kết hợp bằng ngôn từ văn học cổ điển. Một nhà viết tiểu thuyết kỳ cựu ở miền Nam nhận xét, mỗi đỉnh núi cao mang một tên riêng: núi Trà Chiến, núi Trà Nghịch, núi Ca Âm, núi Ngất Sum, núi Đoài Tốn... Do đó, vùng này gom chung thành vùng Núi Cấm cộng thêm núi Trà Sư, Núi Két, Núi Dài, Núi Tượng, núi Bà Đội Om và núi Ông Tô... tạo thành Thất Sơn”.([23]) Trong cuốn sách này ông viết về các truyền thuyết, huyền thoại về cụm núi biên giới Tây Nam, những chuyện về hổ, voi, heo rừng, cá sấu, vương điểu... nhuốm màu huyền bí.
Vấn đề đặt ra là tại sao lại có khái niệm “Thất Sơn” ở vùng biên giới An Giang. Thực ra khu vực đồi núi ở Tri Tôn - Tịnh Biên có đến ba mươi bảy ngọn núi, liên kết thành một mạch núi trải dài 35km và rộng 17km với diện tích gần 600km2, giữ một vị trí chiến lược quan trọng ở biên giới Tây Nam.([24])
Số 7 là con số thiêng trong nhiều nền văn hóa Đông Tây từ xưa đến nay. Trong các tôn giáo của người Sumer, Babylon, Hebre, Islam, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã... đó là con số thần thánh, có tính chất thần bí. Các giáo sĩ Cơ Đốc thời trung cổ xem đó là một con số phổ biến và tuyệt đối: “7 là một con số đầy đủ và hoàn mỹ”, “đại biểu cho trật tự không gian vũ trụ.” Con số 7 có mặt trong nền văn hóa bản địa Hoa Hạ (Trung Quốc), là “con số tuần hoàn cực hạn”, về sau nó chịu ảnh hưởng từ việc cúng tế của Phật Giáo.
Thất Sơn chính là “Bửu Sơn” (ngọn núi báu), nơi nhiều vị tu hành chứng quả Phật, Tiên, Thần, Thánh. Phái Bửu Sơn Kỳ Hương phát xuất từ nơi này. Về mặt địa lý, các ngọn núi ở Thất Sơn không cao nhưng là nơi lập hội Long Hoa nên tất linh hiển (Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh). Theo cách hiểu đó, Cửu Long Giang cũng không phải chỉ là chín cửa sông của sông Mékông đổ ra Biển Đông ở Tây Nam Bộ.
Lời kết
Có sự khác biệt trong nhận thức về khái niệm “Thất Sơn / Bảy Núi” với tên các ngọn núi trong sử sách và trong quan niệm dân gian, điều này đã tạo ra sự phức tạp trong việc tìm hiểu địa danh này do sự ghi chép khác nhau của các sử quan, nhà nghiên cứu với nhiều nguyên nhân bởi trình độ khoa học, cách đặt tên, phiên âm... làm xuất hiện gần như đồng thời hai hệ thống địa danh: chính thống và dân gian.
Địa danh Thất Sơn/ Bảy Núi giờ đây đã trở thành một địa danh tâm linh, một “thánh địa” tôn giáo trong tâm thức dân gian hơn là một khái niệm về địa lý thuần túy. Thất Sơn / Bảy Núi đã khoác lên nó chiếc áo lịch sử - văn hóa đầy thú vị ở vùng đất biên cương Tây Nam của Tổ Quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Định Thành Thông Chí, Tái bản lần thứ nhất, Lý Việt Dũng dịch và chú giải. Nxb Tổng Hợp Đồng Nai.
2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1973), Đại Nam Nhất Thống Chí, Lục Tỉnh Nam Việt, Tập hạ, Nguyễn Tạo dịch. Sài Gòn: Nha Văn Hóa Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa.
3. Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn Mầu Nhiệm. Sài Gòn: Nxb Từ Tâm.
4. Huỳnh Lê Triều Phú (2012), “Tìm Hiểu Nguồn Gốc Danh Xưng Bảy Núi”. Hà Nội: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 11.
5. Vương Hồng Sển (1993), Tự Vị Tiếng Việt miền Nam. Hà Nội: Nxb Văn Hóa.
6. Liêm Châu (1995), Mười Đỉnh Núi Thiêng. Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian An Giang & Hội Văn Nghệ Châu Đốc.
7. Nhiều tác giả (2003), Địa Chí An Giang. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang.
8. Phạm Bích Hợp (2007), Người Nam Bộ Và Tôn Giáo Bản Địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
9. Nguyễn Hữu Hiệp (2010), An Giang Đôi Nét Văn Hóa Đặc Trưng Vùng Đất Bán Sơn Địa. Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin.
10. Trần Đức Lâm, Trúc Chi (2009), Văn Hóa Trung Hoa Trong Các Con Số. Hà Nội: Nxb Từ Điển Bách Khoa.
NGUYỄN THANH LỢI



([1]) Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, Tái bản lần thứ nhất, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, 2006, tr. 66-70.
([2]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí - Lục Tỉnh Nam Việt, Tập hạ, Nguyễn Tạo dịch. Sài Gòn: , Nha Văn Hóa Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa 1973, tr. 12-16.
([3]) Trương Vĩnh Ký, Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích. TpHCM: Nxb Trẻ, 1997, tr. 23.
([4]) Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca, Nguyễn Q. Thắng chú dịch, giới thiệu Hà Nội: Nxb Văn Học, 2012, tr. 350-352.
([5]) Lê Văn Đức, Việt Nam Tự Điển, Quyển hạ. Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1970, tr. 233.
([6]) Nguyễn Văn Hầu, Thất Sơn Mầu Nhiệm. Sài Gòn: Nxb Từ Tâm, 1972, tr. 16.
([7]) Nguyễn Văn Hầu, Sách đã dẫn (Sđd), tr.16-17.
([8]) Nguyễn Văn Hầu, Sđd., tr.17.
([9]) Trần Thanh Phương, Những Trang Về An Giang. Văn Nghệ An Giang xb, 1984, tr. 15.
([10]) Huỳnh Lê Triều Phú, “Tìm Hiểu Nguồn Gốc Danh Xưng Bảy Núi”. Hà Nội: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 11, 2012, tr. 67.
([11]) Vương Hồng Sển, Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam. Hà Nội: Nxb Văn hóa, 1993, tr. 498, 502, 503, 510.
([12]) Liêm Châu, Mười Đỉnh Núi Thiêng. Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian An Giang & Hội Văn Nghệ Châu Đốc, 1995, tr. 5.
([13]) Đinh Xuân Vịnh, Sổ Tay Địa Danh Việt Nam. Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2002, tr. 53-54.
([14]) Nhiều tác giả, Địa Chí An Giang, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang, 2003, tr. 112.
([15]) Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ Và Tôn Giáo Bản Địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo). Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2007, tr. 77.
([16]) Do lỗi in sai, đúng ra là Kỳ Lân Sơn.
([17]) Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ Tay Địa Danh Việt Nam. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2008, tr. 24.
([18]) Huỳnh Công Tín, Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ. Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2009, tr. 139.
([19]) Nguyễn Hữu Hiệp, An Giang Đôi Nét Văn Hóa Đặc Trưng Vùng Đất Bán Sơn Địa. Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2010, tr. 33-36.
([20]) Nguyễn Hữu Hiệp, Sđd., tr. 41-46.
([21]) Nguyễn Hữu Hiệp, Địa Danh Chí An Giang Xưa Và Nay, Hà Nội: Nxb Thời đại, 2012, tr. 117.
([22]) Sơn Nam, Lịch Sử An Giang. Nxb Tổng Hợp An Giang, 1988, tr. 58-59.
([23]) Liêm Châu, Sđd., tr. 5.
([24]) Nhiều tác giả (2003), Địa Chí An Giang. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang, tr. 106.