Nhìn ra thế giới: Sáng
kiến góp phần xây dựng một xã hội đa văn hóa bền vững cho nước Úc thế kỷ 21
Nước Úc chẳng những có nhiều sắc tộc mà còn là một quốc gia có nhiều tôn
giáo. Thật vậy, theo thống kê của chính phủ Úc công bố vào ngày 21-6-2012, thì
kết quả tổng điều tra số dân năm 2011 cho biết thành phần tôn giáo ở đất nước
này như sau (xếp thứ tự theo tỷ lệ phần trăm):
25,3% - Công Giáo La Mã;
22,3% - Không tôn giáo;
18,7% - Các giáo hội khác thuộc Kitô Giáo;
17,1% - Anh Giáo;
09,4% - Không xác định rõ ràng;
02,5% - Phật Giáo;
02,2% - Islam;
01,3% - Ấn Giáo;
01,2% - Các tôn giáo khác như Baha’i, Bái
Hỏa Giáo, Cao Đài Giáo, Kỳ Na Giáo (Jainism),
Lão Giáo, Sikh Giáo (Sikhism), Thần Đạo
Nhật Bản (Shinto, Kami no Michi),
Thông Thiên Học (Theosophy),([1]) v.v...
Lịch sử thế giới xưa nay cho thấy một xã
hội đa sắc tộc và đa tôn giáo bất kỳ nếu không khéo có chính sách hợp nhân tâm
và đạo lý thì rất dễ hỗn loạn, thậm chí là xảy ra nội chiến. Đầu thế kỷ 21, ở Úc
đã có sáng kiến thành lập một tổ chức (hiện nay mang tên APRO) để góp phần xây
dựng một xã hội đa văn hóa (gồm đa sắc tộc, đa tôn giáo) cho nước Úc trong thế
kỷ này.
APRO tức
là Liên Hiệp Các Tổ Chức Tôn Giáo Của Úc (Australian
Partnership of Religious Organisations), được thành lập năm 2003, bao gồm
đại biểu các tôn giáo lớn và các tổ chức cộng đồng đa văn hóa mang tầm cỡ quốc gia
(national-level
multicultural community organisations).
Bối cảnh ra đời
của APRO
Úc là một
trong nhiều quốc gia rất quan tâm tới vấn đề cộng tồn đa văn hóa (multiculturalism),([2]) tức là sự đồng thời cùng hiện hữu hay cùng
tồn tại (co-existence) nhiều truyền
thống văn hóa trong phạm vi lãnh thổ một nước, thường là văn hóa của người bản
địa cộng tồn (co-existing) cùng với
văn hóa của những người nhập cư. Những xung đột ý thức hệ khi đã bị đẩy lên tới
đỉnh điểm để rồi biến thành chiến tranh thì nó chính là một nguyên nhân phổ
biến tạo ra những làn sóng di dân đông đảo chạy sang các nước khác để tìm “đất hứa”. Người nhập cư với ngôn ngữ, tín ngưỡng, nếp sống cố hữu của họ
một khi được chấp nhận ở nước nào thì đòi hỏi nước ấy phải khôn khéo đưa ra
chánh sách thích hợp ngõ hầu đối trị thực trạng cộng tồn đa văn hóa trên lãnh
thổ của mình để xây dựng và duy trì một xã hội phát triển bền vững.
Ý tưởng
về sự hình thành APRO manh nha vào tháng 2 năm 2003 trong cuộc họp tại Sydney là
thủ phủ bang New South Wales nằm bên bờ biển đông của nước Úc. Cuộc họp này do
CMA (Hội Đồng Đa Văn Hóa Úc: the Council
for Multicultural Australia) triệu
tập. CMA do chánh phủ Úc thành lập vào tháng 7 năm 2000, mục đích là để nâng
cao hiểu biết về sự cộng tồn đa văn hóa.
Tiếp
theo cuộc họp của CMA, Chủ tịch FECCA (Liên Đoàn Các Hội Đồng Sắc Tộc Của Úc: the Federation of Ethnic Communities’
Councils of Australia, thành lập năm 1979) triệu tập cuộc họp ngày
04-3-2003 bao gồm một số đại biểu các tôn giáo và nhóm sắc tộc.
Trong
cuộc họp đó, FECCA đã bàn về việc hình thành một tổ chức với các mục đích như
sau:
1. Tư
vấn cho chính phủ ở tầm mức quốc gia (kể cả các bộ trưởng, nghị sĩ quốc hội) về
những vấn đề liên quan tới các tôn giáo và nhóm sắc tộc.
2. Khuyến khích và tán trợ sự hòa hợp
cộng đồng liên tôn giáo và liên sắc tộc.
3. Trao đổi thông tin về các vấn đề
quan trọng liên quan tới các tôn giáo và nhóm sắc tộc.
4. Đưa ra các tuyên bố chung (joint statements) về những giá trị chung
của cộng đồng (shared values / các
giá trị được chia sẻ).
5. Phúc trình về những hành vi kỳ
thị, phân biệt tôn giáo và sắc tộc; trợ giúp các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo
khi họ gặp nguy cơ.
Thế là APERO (Liên Hiệp Các Tổ Chức
Sắc Tộc Và Tôn Giáo Của Úc: the
Australian Partnership of Ethnic and Religious Organisations) ra đời. Đến
tháng 7 năm 2006 APERO được rút gọn tên là APRO, nghĩa là trong danh xưng chỉ
nói tới “tôn giáo / religious”, và lược
bớt từ “sắc tộc / ethnic”.
Mục đích của APRO:
1. Thúc đẩy và tán trợ sự hòa hợp
liên tôn giáo, sự hiểu biết và tôn trọng giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau tại
Úc.
2. Chiến đấu chống lại thói kỳ thị và
phân biệt tôn giáo.
3. Xem xét và trình bày những vấn đề
quan ngại phát sinh từ những giá trị chung của cộng đồng (shared values / các giá trị được chia sẻ) cũng như những lợi ích
của các tôn giáo.
Hoạt động của APRO:
1. Tổ chức hội nghị, hội thảo, chương
trình giáo dục liên quan tới mục đích của APRO.
2. Soạn thảo và gởi đi các phúc
trình, tài liệu; đưa ra các tuyên bố chung khi xã hội phát sinh sự kỳ thị, phân
biệt tôn giáo.
3. Ủng hộ và trợ giúp các cộng đồng
tôn giáo khi họ gặp nguy cơ.
4. Tư vấn và khuyến nghị chánh phủ về
các vấn đề liên quan tới liên tôn giáo.
APRO đã tổ chức các diễn đàn liên tôn
với tầm mức quốc gia ở Sydney (thủ phủ bang New South Wales ), Adelaide
(thủ phủ bang Nam Úc), và Canberra
(thủ đô nước Úc). Chẳng hạn:
- Vào tháng 5 năm 2014, họ tổ chức
tại Nghị Viện (Parliament House) của bang
New South Wales
một diễn đàn mang chủ đề “Tôn giáo ở nước Úc trong thế kỷ 21 / Religion in 21st Century
Australia”.
- Gần đây nhất, vào Thứ Tư, ngày 22-02-2017,
họ tổ chức cũng tại Nghị Viện của bang New
South Wales một diễn đàn mang chủ đề “Các giá trị
mang tính tôn giáo và giá trị của tôn giáo / Religious values and the value of religion”.
Thành viên của APRO:
Các sự vụ của APRO được tiến hành do
một hội đồng (council) bao gồm các
đại biểu của các tổ chức là thành viên của APRO. Thỉnh thoảng APRO bổ nhiệm các
thành viên cá nhân và các chuyên viên tư vấn không ăn lương (unpaid specialist advisers). APRO đi đến
quyết định chung trên nguyên tắc đồng thuận.
Thành viên
của APRO bao gồm:
1. Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Tại
Úc (National Council of Churches in Australia ).
2. Muslims Australia ,
tức là Liên Đoàn Các Hội Đồng Islam Tại Úc (Australian
Federation of Islamic Councils).
3. Hội Đồng Điều Hành Người Do Thái Tại
Úc (Executive Council of Australian Jewry).
4. Cộng Đồng Baha’i Tại Úc (Australian Baha’i Community).
5. Liên Đoàn Các Hội Đồng Phật Giáo
Tại Úc (Federation of Australian Buddhist
Councils).
6. Hội Đồng Ấn Giáo Tại Úc (Hindu Council of Australia ).
7. Hội Đồng Quốc Gia Đạo Sikh Tại Úc
(National Sikh Council of Australia ).
8. Quỹ Đa Văn Hóa Úc (Australian Multicultural Foundation).
9. Hội Đồng Hòa Giải Úc (Settlement Council of Australia ).
10. Chủ tịch UNESCO về các quan hệ
liên tôn, liên văn hóa, châu Á-Thái Bình Dương (UNESCO Chair in inter-religious and inter-cultural relations,
Asia-Pacific).
11. Hội Nghị Thế Giới Về Tôn Giáo Phục
Vụ Hòa Bình, chi nhánh tại Úc (World
Conference of Religions for Peace, in Australia ).
12. Hội Tăng Già Úc (Australian Sangha Association).
Bất kỳ tổ chức nào trong nước Úc đại
diện cho một nhóm tôn giáo mà tán trợ mục đích của APRO đều có thể làm đơn xin
gia nhập để trở nên thành viên của APRO.
APRO hoạt
động vì các giá trị như sau:
1. Nước Úc là một mái nhà chung cho
các dân tộc khác biệt về sắc tộc và tôn giáo.
2. Các nguyên tắc công bằng xã hội
phải được thực thi và tôn trọng.
3. Cộng tồn đa văn hóa tại Úc là giá
trị cốt lõi cho nước Úc thế kỷ 21.
4. Úc là một nước dân chủ, tôn trọng
pháp quyền. Phải thúc đẩy và bảo vệ tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do
hội họp và hoạt động, tự do lập hội, tự do diễn đạt (kể cả tự do ăn mặc để biểu
hiện bản sắc văn hóa), tự do tư tưởng. Lên án mọi hình thức của cá nhân hay tổ
chức nhằm xâm hại hay phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giới tính, quốc
tịch, tuổi tác. Đối xử công bằng với các cá nhân và cộng đồng, chấp nhận và tôn
trọng sắc tộc, tôn giáo của họ.
Ngoài ra APRO còn:
1. Ủng hộ, bảo vệ cho mọi người dân
Úc quyền được sống mà không sợ hãi bất kỳ hình thái bạo lực nào.
2. Tôn trọng tất cả các quyền của mọi
người dân Úc, bất kể họ thuộc sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng gì chăng nữa.
3. Cam
kết làm việc với nhau, tương kính nhau, để thúc đẩy thực thi các giá trị nói
trên.
4. Cam
kết làm việc với nhau để giảm thiểu nhiều nhất sự bất hòa trong cộng đồng, các
căng thẳng liên tôn, sắc tộc trong xã hội.
5. Khuyến khích sự cộng tồn đa văn
hóa tại Úc, coi đây là kiểu mẫu hòa hợp xã hội…
*
Đời sống an bình của con người trong thế kỷ 21 vẫn còn bị đe dọa vì ở nước
này hay nước nọ vẫn nổi lên những phong trào, chính sách, chủ nghĩa cực đoan nhằm
xóa bỏ tính đa dạng của cuộc sống, giống như thể họ muốn thay tấm tranh kính
“mosaic” bằng một tấm kính trơn phẳng đơn điệu chỉ tròi trọi một màu duy nhứt. Đối
trị với sự đe dọa ấy, phải chăng APRO ra đời ở Úc cũng nên là một kinh nghiệm đáng
cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước khác tham khảo?
HUỆ KHẢI
06-5-2017
([1]) Thật ra bản thân Thông Thiên Học mang tính cách một hội (association) chứ không phải là một tôn
giáo (religion), hoạt động ở nhiều nước
trên thế giới. Chính vì không phải là một tôn giáo cho nên sau tháng 4-1975, Hội
Thông Thiên Học Việt Nam (thành lập năm 1952) và tất cả các chi bộ Thông Thiên
Học đặt ở nhiều địa phương miền Trung, miền Nam đều phải ngưng hoạt động.