CHỜ TỚI SỐ
Tôi có người bạn thân hiền lành, bốn mươi chín tuổi, mắc bệnh
ung thư vòm hầu. Tất nhiên T cũng như ai, khi biết tử thần đang kề lưỡi hái bên
cổ họng thì kinh sợ, nhưng sau khoảng mười hôm hoang mang, T đã tự điều chỉnh,
tự cân bằng tâm lý, biết chấp nhận, và quan trọng hơn hết là biết lấy lại nụ
cười.
T điều trị ngoại trú tại bệnh viện Ung Bướu ở quận Bình Thạnh, hòa mình với
rừng người bệnh, người nuôi bệnh đang héo queo nét mặt, đang lê la từng ngày ở nơi
ấy.
T kể lại, hôm Thứ Sáu cuối tháng Mười năm ngoái, trong lúc xếp hàng đợi
gọi vào khám, có lẽ vì sức khỏe đang bị lũ tế bào ung thư ngày đêm bòn rút, vì
đứng lâu bị mỏi mệt đôi chân, tất cả đều tự cho phép mình ngồi xổm thành hàng
mà hai tai luôn lóng nghe được gọi tên theo số thứ tự, tức là “chờ tới số” như
hầu hết bệnh nhân người miền Nam quen nói, như ngầm đùa cợt nhắc tới ngày mãn
số cùng đường, người bệnh cắt hộ khẩu về chầu tiên tổ.
Ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ thì người ngồi phía trước T “tới số” nên lật
đật đứng lên đi lẹ vào phòng khám. Tức thì có liền một bà chen ngang vô để
choán chỗ ngay trước mặt T với cử chỉ lúng túng, e ngại vì bản thân bà ta tự biết
là sái quấy. Thấy vậy T liền lên tiếng chào cho bà ta đỡ ngượng: “Dạ... chị,
hãy ngồi tự nhiên đi!”
T vừa dứt lời thì liền bị chị ngồi phía sau vỗ mạnh vào vai: “Cái ông
này, sao cho người ta giành chỗ trước mặt? Như vậy thì biết chừng nào tới số
mình?”
T ôn tồn trả lời: “Chị ơi, mình cùng cảnh ngộ, sắp phải chầu Diêm Chúa mà
còn tranh giành mau chậm làm gì!”
Bỗng chuyện lạ xảy ra: T nghe chị phía sau cười lên thành tiếng khá dài,
và rồi tiếp theo nghe thấy chị vừa giành chỗ phía trước bụm miệng cười sục sục,
rung rung cả tấm lưng, rồi mọi người gần quanh cũng mở miệng cười hùn. Sau
tràng cười bất ngờ đó, mọi người như có suy nghĩ mới hơn, biết đưa mắt nhìn
đồng bệnh mà lòng cởi mở hơn chăng?
Nghe chuyện T kể, tôi lại liên tưởng: Ở đâu cũng có tranh giành vị trí
béo bở - chỗ đứng, chỗ ngồi, chỗ ăn, chỗ làm, v.v… và rốt lại
thì ai cũng sẽ... “tới số”, dù trí hay ngu, đẹp hoặc xấu, sang hèn, to bé… tất
cả đều sẽ phải lần lượt xuôi tay cúi đầu về chầu Diêm Chúa và đi “mình ên” (lẻ
loi một mình), như cách nói đồng bào Khmer.
Có phải chăng, mỗi một người dù ở địa vị, đẳng cấp, hoàn cảnh, tuổi tác
nào đi nữa, thì vẫn luôn có sẵn một chỗ không ai có thể tranh giành, nhưng ai
cũng phải chiếm lấy chỗ đó - chỗ an giấc ngàn thu?
NGUYỄN DO ĐẲNG