Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / DIỆU NGUYÊN

Image result for PSYCHOLOGY

TẢN MẠN VỀ TÂM LÝ HỌC
VỚI NGƯỜI TU
1. ĐIỂM CỐT LÕI CỦA TÂM LÝ HỌC
Ở đời, muốn thành công trong giao tế ứng xử hay trong công việc, con người cần phải biết thuật đắc nhân tâm. Đắc nhân tâm là thu phục được lòng người. Muốn thu phục được lòng người phải biết lòng người nghĩ gì, yêu thích điều gì, chán ghét cái gì, v.v… để đối xử cho phù hợp. Nói cách khác, muốn đắc nhân tâm, cần phải hiểu tâm lý con người. Thầy cô dạy học muốn thành công cần phải hiểu tâm lý học sinh theo từng lứa tuổi. Doanh nhân trên thương trường muốn thành công cần phải hiểu tâm lý khách hàng. Nhà truyền giáo muốn cứu độ được nhơn sanh cần phải hiểu tâm lý của đối tượng cần được cứu độ, v.v…
Theo Từ Điển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội (1992), tâm lý là “nguyện vọng, ý thích, thị hiếu, v.v… riêng của mỗi người, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó.” Nói là riêng, nhưng thật sự những nguyện vọng, ý thích, thị hiếu… này thường giống nhau đối với những người cùng quốc gia, cùng dân tộc, cùng lứa tuổi, cùng ngành nghề, cùng hoàn cảnh xã hội, cùng tôn giáo, v.v…
Chính vì việc am hiểu tâm lý của con người có một tầm quan trọng rất lớn trong việc đối nhân xử thế và trong nghề nghiệp mà vào thế kỷ XVI, thuật ngữ tâm lý học đã xuất hiện và ngành tâm lý học đã chính thức được sáng lập vào năm 1879. Đây là một ngành khoa học nghiên cứu toàn bộ đời sống tâm lý của con người như cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tình cảm, nhu cầu, năng lực, đam mê, tính cách, v.v… Tâm lý học cũng chú ý đến ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý và các yếu tố bên ngoài tác động đến hành vi và tinh thần của con người. Tâm lý học còn nghiên cứu về quy luật chung nhất của sự vận động thế giới đời sống con người dưới sự tác động qua lại giữa cá nhân và thực tại khách quan.
Do tính chất đa dạng và phức tạp của đời sống con người nên tâm lý học được chia ra làm nhiều lĩnh vực nghiên cứu như: tâm lý học nhận thức, tâm lý học so sánh, tâm lý học phát triển, tâm lý học xã hội, tâm lý học nghệ thuật, tâm lý học sáng tạo, tâm lý học lao động, tâm lý học trị liệu, tâm lý học tư vấn, tâm lý học kinh tế, v.v…
Đặc biệt, tâm lý học ứng dụng là ngành áp dụng các công trình nghiên cứu về các quy luật trong tâm lý học vào các lĩnh vực như quản lý kinh doanh, thiết kế sản phẩm, lao động, công sở, trường học, sức khỏe, dinh dưỡng, v.v…
Thật ra thì tâm lý học đã có từ thời cổ đại và các Thánh Nhân xưa đã từng biết rút ra các quy luật tâm lý trong thuật đối nhân xử thế, tạm kể như:
- Những điều ta không muốn, thì đừng làm cho kẻ khác. (Đức Khổng Tử, Luận Ngữ 4:15)
- Những kẻ hứa bừa, ắt khó giữ lời. Coi cái gì cũng dễ, ắt gặp nhiều cái khó, cho nên Thánh Nhân xem việc gì cũng khó, thì cuối cùng không gặp khó. (Lão Tử, Đạo Đức Kinh 63:3)
- Lời đáng tin không hoa mỹ. Lời hoa mỹ không đáng tin. (Lão Tử, Đạo Đức Kinh 81:1)
Và thêm những câu này nữa,([1]) cũng là túi khôn muôn đời của nhân loại:
- Kẻ có mặt người, hay nịnh hót thì khi vắng mặt người, tất hay chê bai. (Trang Tử)
- Kẻ tiểu nhân, ta nên tránh, nhưng cũng không nên ruồng rẫy mà sinh ra thù hằn. (Hàm Quang)
- Nhã quá, hóa ra dễ bị lờn. Nghiêm quá, thì không ai thân. (Gia Ngữ)
- Những người cùng thích một việc, thường hay ghen ghét lẫn nhau. Những người cùng lo một việc, thường hay thân thiết với nhau. (Chiến Quốc Sách)
- Nói chuyện, chớ châm chọc để người ta buốt. Nói đùa, chớ cạnh khóe để người ta đau.
- Nước trong quá thường không có cá. Người xét nét quá thì không có bạn.
- Phàm làm việc chi, nên giữ lại chút nhơn tình, hầu ngày sau dễ thấy mặt nhau.
- Sửa điều dở cho ai, chớ nghiêm khắc quá. Dạy điều hay cho ai chớ nên cao xa quá.
- Trong đạo xử thế, biết trách mình là người khôn; chỉ trách người là người vụng.
- Trong đạo xử thế, dở nhất là không biết nhận thấy cái lỗi của mình.
- Với kẻ lành, lấy lành mà ở; với kẻ chẳng lành, vẫn lấy lành mà ở. Với kẻ thành tín, lấy thành tín mà ở; với kẻ không thành tín, vẫn lấy thành tín mà ở. (Lão Tử)
*
Đức Lão Tử (Đạo Đức Kinh 33:1) dạy: Biết người là khôn, biết mình là sáng. Do đó, trước khi biết người cần phải biết mình.
Con người sẽ có một đời sống an lạc nếu tự biết mình và biết làm chủ tâm mình, phát triển những tính thiện sẵn có trong tâm cho sung mãn hơn, và giữ tâm an định trước mọi hoàn cảnh biến thiên.
Như vậy cốt lõi của tâm lý học chẳng qua cũng là một chữ Tâm. Nếu biết giữ nguyên tắc Những điều ta không muốn, thì đừng làm cho kẻ khác và tinh thần “quên mình, vì người” với tất cả tâm thành trong đối nhân xử thế như lời dạy sau đây của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo thì lo gì không thu phục được nhân tâm:
Tất cả mọi hoạt động của mình phải nhắm vào mục đích tối thượng của đạo lý. Từ tư tưởng, ý nghĩ, lời nói, cử chỉ đến việc làm phải được sự chân thành, tỏ nỗi cảm tình và thố lộ tình thương với tất cả mọi người, mọi trường hợp. Việc gì trước khi muốn nói hoặc làm cho ai, nên đặt mình trong hoàn cảnh người ấy để xem mình có chịu được những đối xử như vậy hay không. Nếu được thì làm, không được thì đừng. Đó là tự mình kiểm soát hành động của mình đó, cũng là khuôn mẫu đạo lý Nho Giáo un đúc cho mình đó. Hằng ngày mình thường ước mong kẻ khác giúp đỡ phương tiện sinh kế, nâng đỡ con cái học hành, để lời dịu ngọt đối xử với mình, cùng mong Thượng Đế tha thứ tội lỗi và ban ơn cho mình. Hãy lấy tất cả sự ấy ban bố và đối xử với kẻ khác. ([2])
2. TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG TRONG VIỆC TU HỌC, HÀNH ĐẠO
Trong Lịch Trình Hành Đạo ban cho nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý vào ngày 15-4 Bính Ngọ (03-6-1966), Đức Lê Đại Tiên dạy người giáo sĩ “phải hiểu tâm lý học, luận lý học để tiến thủ”. Đây là yêu cầu đặt ra cho giáo sĩ nhưng những ai có tâm nguyện nhận lấy sứ mạng truyền giáo Cao Đài cũng đều phải tự rèn luyện theo lời dạy này.
Đức Lê Đại Tiên dạy nhà truyền giáo phải hiểu tâm lý học để tiến thủ. Tiến thủ chính là khả năng ứng xử quyền biến, hợp thời hợp lúc, hợp hoàn cảnh, hợp lòng người. Cần phải biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên tạm dừng lại để chờ thời cơ thuận tiện.
Qua thánh giáo các Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ, chúng ta có thể rút ra các lời dạy về tâm lý học để ứng dụng vào cuộc đời tu học và hành đạo của bản thân.
Tâm lý người tu
Dân gian ta có câu: “Sống lâu (thì) lên lão làng.” Sau một thời gian tu học và hành đạo, người tu có thể được tập thể tín nhiệm giao phó cho các chức vụ hay trách vụ trong tập thể. Điều này đôi khi làm cho người tu có tâm lý tự mãn rồi trở nên dể duôi, không chuyên cần tu học, rèn luyện bản thân như thuở ban đầu nữa. Để đối trị tâm lý này chúng ta nên nhớ lời khuyên bảo của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt:
“Dù đã bước được bao xa nhưng cứ tưởng như là mới khởi hành.” ([3])
Tâm lý nhơn sự
Đức Mẹ dạy: “Về phần tâm lý nhơn sự, con ôi, tránh làm sao khỏi! Vì các con mở cửa lúc bình minh, thì trước thềm đã có thị phi; mở cửa sau lúc bình minh vẫn có thị phi ở ngõ sau. Cõi thế gian nầy là vậy. Phương chi, thời kỳ hỗn loạn điên nguy mà các con muốn mỗi mỗi đều toàn hảo toàn chân cũng khó mà được đó các con.” ([4])
Hiểu được điều này thì người tu cứ cố gắng hết sức mình để hoàn thiện hóa bản thân và chu toàn phận sự, đừng để cho những tiếng dư luận thị phi làm cho mình phải chồn chân thối bước hoặc dao động tâm tu, hoặc gây mất tình liên giao hòa ái giữa người và người. Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
Tiếng chỉ trích chê bai xấu tốt
Lời phê bình một một, hai hai
Cũng đều gác bỏ ngoài tai
Để lòng an ổn dạn dày quả công.([5])
Tâm lý tập thể
Con người luôn có khuynh hướng sống thành cộng đồng, và tập thể có một ảnh hưởng rất lớn đến từng cá nhân trong cộng đồng. Một khi đã tham gia vào cộng đồng, mọi người đều phải sống và hành động theo những quy định chung của tập thể chứ không thể làm theo ý thích riêng của cá nhân. Điều này rất có lợi cho người tu khi được cùng tu học và hành đạo trong một tập thể, cùng nâng đỡ dắt dìu nhau trên bước đường tu. Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy:
“Lời tục thường ví rằng cơm có canh, tu hành có bạn. Khi mới bước chơn chập chững vào cửa đạo phải nhờ những bạn đi trước, nương bước theo sau, vịn níu cùng nhau lâu ngày mới vững.
Trước đây một lần, Bản Huynh có phân rằng người mới vào tầm học đạo cũng như trẻ em lớp mẫu giáo mới tập viết, cần phải kẻ hàng đôi, rồi hàng chiếc, v.v... Hàng đôi, hàng chiếc, đó là giữ gìn giới luật, chay lạt gìn lòng, tới lui thánh đường nghe đạo và học đạo. Một câu khác nữa là gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hễ gần đời say mê bạc bài nhậu hút, sớm muộn gì cũng hư hỏng người ra; gần bạn tác đạo đức tu hành sẽ trở nên hiền nhân thánh thiện. Bởi vì mình còn mang xác phàm tánh tục chưa phải là thánh nhơn. Hễ tánh tục thì dễ bị tạp niệm.
Chư hiền thường xem những vở kịch, biết rằng đó là giả cảnh của sân khấu, nhưng thấy người ngay mắc nạn liền động lòng trắc ẩn mến thương, thấy kẻ sàm nịnh ác tâm liền sanh lòng ghét kỵ, lúc thấy tình tự thở than thì tánh si mê bộc phát, v.v... Vì vậy nên phải tạo cho mình một hoàn cảnh tốt để tánh nhiễm theo việc tốt. Mấy ai kiểm soát được lòng, vì vậy cho nên hãy sớm đặt mình trong khuôn viên mẫu mực nề nếp đạo đức, dẫu có lỡ nghiêng bên nào cũng có bạn đạo hạnh nhân từ nâng đỡ cho nhau.” ([6])
Có thể nêu lên một ví dụ cụ thể về ích lợi của việc tu hành trong tập thể: Khi ở nhà một mình, chúng ta thật khó mà giữ đúng tứ thời công phu tu tịnh. Nhưng khi gia nhập tịnh trường trong các khóa tu tập thể, chúng ta có thể dễ dàng thực hiện điều này. Giờ Tý thật buồn ngủ, nhưng khi nghe kẻng đánh báo hiệu giờ công phu, mọi người đều ngồi bật dậy, chẳng lẽ mình tiếp tục nằm ngủ không dậy đi công phu?
Tâm lý trị liệu
Con người thường hay than thở bi quan mỗi khi gặp cảnh không may trong cuộc sống như tai nạn, bệnh tật, nghèo khổ, v.v... hoặc than trời trách đất mỗi khi thấy cảnh bất công: Kẻ ác sống giàu sang sung sướng, còn người hiền lại chịu cảnh nghèo hèn đau khổ.
Nếu mọi người hiểu được rằng luật Tạo Hóa công bình thưởng phạt không sai chạy một mảy hào, mọi việc tốt xấu trên thế gian đều do luật nhân quả quyết định, thì sẽ không còn bi quan chán nản mà cố gắng tích cực làm điều thiện để giải trừ bớt những nghiệp quả xấu đã gây ra từ tiền kiếp hay trong hiện kiếp. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Có người hiện kiếp đương hưởng phú quý vinh hoa, tưởng rằng do tài năng của mình tạo ra hoặc của phụ ấm để lại, mà không hiểu cái nhân của nó. Thế nên, người đời thường mỉa mai rằng tại sao những kẻ tham tàn độc ác vẫn giàu có phây phây, còn người chí công tu niệm hành đạo suốt đời lại bị nạn nọ tai kia, khó nghèo theo đuổi; như thế, tu cũng vậy, không tu cũng vậy.
Chư đạo hữu ý thức được điều chót này nên lấy đó làm phương tiện để an ủi, vỗ về, nhắc nhở, khuyến khích hoặc giúp đỡ những người bạn đạo trong cảnh ấy đang trả quả, để ngăn chặn sự sa sút đức tin, phế đạo rồi bỏ lỡ cơ hội được trả bớt nghiệp tiền khiên quá nặng.” ([7])
Do đó, khi một người đang bị bệnh nặng, nếu không hiểu luật nhân quả thì than thở bi quan khiến cho bệnh càng thêm nặng. Người hiểu luật nhân quả thì vui lòng trả nghiệp, để lòng an định cầu nguyện và tích cực làm công quả hoặc nhờ thân nhân làm công quả giúp thì bệnh tình có thể thuyên giảm rất nhanh.
Tâm lý bệnh nhân
Các cơ sở đạo hiện nay thường có phòng khám bệnh từ thiện, khám và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo. Đây là một cơ hội để người tu lập công bồi đức và cứu độ nhơn sanh. Tuy nhiên, để việc làm này đạt hiệu quả, Đức Hiển Thế Đạo Nhơn nhắc nhở người làm phước thiện như sau:
“Các em đừng quan niệm phước thiện là cho không. Sự cho đó về âm chất thì quý lắm, nhưng về phương diện tài chánh và tâm lý bệnh nhân còn vấp phải khiếm khuyết. Nếu cho không, dầu chánh phủ cũng không đủ tiền mà cho, huống hồ một ban cai quản nghèo nàn. (…)
Việc thuốc men cũng cần có thâu tiền lại hoặc phân nửa với giá thị trường, hoặc cho không đối với những người khổ sở cô thân, thiếu phương tiện. Còn khiếm khuyết về mặt tâm lý của bệnh nhân là khi món thuốc được cho, họ nghĩ rằng thuốc xấu hoặc ít tiền, không hay bằng thứ đắt tiền. Từ tư tưởng đó ảnh hưởng đến sự trị bệnh chậm hết. Thà thâu tiền thuốc uyển chuyển tùy mỗi trường hợp, nhứt là gây được niềm tin cho bệnh nhân thì bệnh mới mau hết.” ([8])
Đôi khi bệnh được chữa khỏi không phải nhờ thuốc mà nhờ vào đức tin hay tâm lý. Trước đây, sau một trận lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh đã lan tràn và cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu dân lành. Một đoàn cứu trợ y tế đạo Cao Đài đã đến với người dân vùng này. Nhưng vì số lượng bệnh nhân đông quá mà thuốc điều trị thì có giới hạn nên chỉ sau một lúc, thuốc đã hết sạch, chỉ còn lại toàn là thuốc bổ. Biết làm sao bây giờ khi số lượng bệnh nhân đến xin chữa bệnh vẫn còn quá đông? Các bác sĩ đã cầu nguyện và chỉ phát cho bệnh nhân số thuốc bổ còn lại. Kỳ diệu thay, theo phản hồi sau đó, các bệnh nhân uống thuốc bổ cũng được hết bệnh. Phải chăng bệnh nhân được chữa khỏi do yếu tố tâm lý và cũng do mầu nhiệm hộ trì của Bề Trên?
Tâm lý nhơn sanh
Người đời thường có tâm lý ham sống sợ chết. Nhưng thế gian này chưa từng có một ai tránh được luật vô thường. Do đó, người tu có nhiệm vụ chuyển tâm lý này thành ý thức: Cần phải sống sao cho xứng đáng một kiếp vi nhân để được sống mãi trong thể chết chứ không phải đang chết trong xác thể sống. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Chư đạo hữu! Thế gian, đã là con người đang mang phần nhục thể, ai ai cũng thiết tha với sự sống và sợ sệt sự chết. Giới hạn kiếp sống của thế nhân trung bình là một trăm năm, nhưng thử hỏi trong khoảng thời gian ba vạn sáu ngàn ngày có mấy ai trọn hưởng?
Đã biết thế, nghĩa là không ai tránh khỏi luật sanh tử trong ý nghĩa sanh trưởng thu tàng. Nhưng ai ai cũng sợ lẽ tử, ham chuộng lẽ sanh.
Thử hỏi, dầu có hoảng hốt kinh sợ cách mấy đi nữa, nhưng có ai thoát khỏi cái định luật ấy đâu. Tuy ước định rằng đời người một kiếp trăm năm chỉ có một lần, nhưng có mấy ai hiểu được và suy nghĩ đến việc sống chết lai vãng với con người không biết bao nhiêu lần trong một kiếp sống. Nhân thế chỉ biết rằng con người chỉ có một lần chết là lần dứt hơi thở, ngũ tạng lục phủ tứ chi ngừng hoạt động, nhưng nào có mấy ai để ý đến mỗi ngày hoặc mỗi đêm con người đều bị chết ít nhất là một lần. Cái chết trước tiên, như đã nói phần trên, là cái chết dài hạn. Cái chết trong giấc ngủ là cái chết trung hạn. Còn biết bao nhiêu cái chết khác từng giờ từng phút từng giây của các tế bào trong cơ thể của con người. Sự sanh tử tử sanh luôn luôn đến rồi đi, đi rồi lại đến, sanh rồi diệt, diệt lại nhường cho sự sanh khác nữa. Đó chỉ nói ở phần nhục thể của con người mà thôi.
Đã là con người mang phần nhục thể, là một trong những hằng hà sa số sinh vật. Việc ấy đâu có chi rằng quan trọng mà phải lo âu sợ hãi, lo tính việc trăm năm. Điều tối quan trọng là sự sanh tử về mặt tinh thần hoặc tâm linh, hoặc linh hồn hay chơn như bản thể cũng thế. Sự sanh tử của phần này mới là quan hệ cho kiếp nhân sinh khi chơn linh ẩn tàng vào phần chủ thể.
Thử hỏi con người sanh ở trần gian để làm chi? Không phải chỉ sanh ra một thời gian nào đó để rồi lại tử như các loài sinh vật khác.
Nếu nói rằng tiếng ‘như’ nơi đây, dầu cho như các loài sinh vật khác cũng phải cần đến sự tiến hóa từ thấp lên cao, nhưng nhiệm vụ và sứ mạng của con người, ngoài cái như đó, lại còn có phần quan trọng khác nữa, vì Tạo Hóa đã ban cho con người một thiên tánh, đó là tâm linh, khôn hơn muôn vật. Vì con người được biết đâu là phải và trái, đâu là thiện và ác, đâu là tội và phước, đâu là liêm sỉ và không liêm sỉ. Con người dầu cho có hung ác bạo tàn đến cách mấy đi nữa, nhưng có lúc lương tri cũng hiện đến với họ, tự họ nhận biết việc đã làm đó là phải hay trái, thiện hay ác, tội hay phước, nhưng vì lòng tham dục quá nặng nề khiến họ không thể cải ác tùng thiện mà thôi.
Sứ mạng của con người mà Bần Tăng vừa nêu lên trên, đó là sứ mạng tự mình làm cho mình tiến hóa bằng cách tu học tu hành, khêu tỏ ngọn đèn thiên lương và giữ mãi ánh sáng thiên lương ấy mãi mãi trong nội tâm. Kế đến là sứ mạng đem đạo độ đời, cảnh tỉnh giác ngộ người đời hiểu biết để cùng khêu tỏ ngọn đèn thiên lương ấy mà danh từ đạo học gọi là tâm đăng.
Nếu mỗi người hằng giữ cho ngọn tâm đăng hằng sáng tỏ mãi mãi, thì ngôi Tiên vị Phật đã sẵn dành một bên cho họ. Ngọn tâm đăng ấy trường tồn vĩnh cửu trong hiện kiếp cũng như các kiếp bất sanh bất diệt. Đó mới gọi rằng sống trong thể chết. Còn trái lại, nếu con người không biết sứ mạng vi nhân, tưởng rằng một kiếp sống hiện tại, chạy đôn chạy đáo, làm đủ mọi cách để gầy dựng sự nghiệp trăm năm cho mình, cho con cháu trong hậu thế; trong sự gầy dựng sự nghiệp vật chất đó, đã vùi lấp chơn linh thiên tánh trong mê muội tham dục, phú quý đỉnh chung, danh lợi, tình tiền, làm ngọn đèn tâm đăng bị che lấp trong muôn thuở. Đó là con người đã và đang chết trong xác thể còn sống.” ([9])
Tâm lý tiến thủ
Như trên đã nói, tiến thủ là biết hành động hợp thời hợp lúc, hợp hoàn cảnh, hợp lòng người. Cần phải biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên tạm dừng để chờ thời cơ thuận tiện.
Riêng đối với việc tu hành, một khi đã hiểu được lẽ vô thường trong cuộc sống thì không thể trì huỡn hay chờ đợi. Cần phải cố gắng hành đạo, lập công bồi đức và tu luyện càng sớm càng tốt, để trễ tràng e sẽ không còn cơ hội, thời gian và sức khỏe. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Muốn song tu tánh mạng, không đợi thời gian tuổi tác, càng sớm bước càng hay, càng sớm bước càng đủ điều kiện để giải quyết bổn phận của chính mình trên con đường giải thoát.” ([10])
Và không phải chỉ có lúc thuận tiện mới tu được, còn khi gặp hoàn cảnh khó khăn lại không tu. Người tu cần phải biết tùy doi nương vịnh để tu tiến. Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy: “Lúc thuận thời thì động, nghịch thời thì tịnh. Tịnh đó cho nội lực thần khí được thông linh mẫn tuệ.” ([11])
Do đó người tu cần phải hiểu tâm lý tiến thủ để vận dụng trong cuộc đời tu học hành đạo của bản thân. Đó cũng là minh triết bảo thân trên dặm dài thiên lý quay về bến giác.
Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy: “Đạo pháp trường lưu. Hành giả quyết tâm giác ngộ xuôi thuyền về bến giác thì ý chí phải kiên cường, biết lúc nên đi thì đi, lúc nên đậu thì đậu. Đêm trăng sáng dầu nước ngược cũng có thể dong thuyền; ngày mà âm u dầu xuôi dòng cũng nên cắm sào ngơi nghỉ. Đó là minh triết để bảo thân.” ([12])
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy: “Người biết đạo, biết tu phải nương theo cái thuận thời thiên lý mà nâng niu tâm đức của mình cho càng ngày càng thêm mẫn tuệ, trau giồi đạo hạnh cho thuần thành thánh thiện, phước huệ song tu. Người tu chỉ có bấy nhiêu thôi.”([13])
Nếu biết thuận thời thiên lý để trau luyện thì người tu sẽ đạt thành kết quả, không uổng phí một kiếp được làm người, không uổng phí cơ hội có một không hai được hạnh ngộ kỳ ba đại ân xá của Đức Đại Từ Phụ. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Nên cố gắng cho đạt đạo giữa thời tận độ này. Nếu không đạt đạo thì đến thất ức niên mới có cơ hội trở về quê cũ.” ([14])
Trên đây là một số lời dạy của các Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ về khía cạnh tâm lý để người tu ứng dụng vào cuộc sống tu học và hành đạo của bản thân. Chắc chắn rằng còn rất nhiều khía cạnh khác nữa để người tu học hỏi và ứng dụng cho mình trong sứ mạng tự độ độ tha.
DIỆU NGUYÊN



([1]) Trích Thuật Xử Thế Của Người Xưa, của Nguyễn Duy Cần.
([2]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (03-3-1969).
([3]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Bính Ngọ (03-6-1966).
([4]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (26-11-1966).
([5]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14-02 Mậu Thân (12-3-1968).
([6]) Minh Lý Thánh Hội, 07-11 Quý Sửu (01-12-1973).
([7]) Minh Lý Thánh Hội, 01-11 Tân Hợi (18-12-1971).
([8]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 08-7 Kỷ Dậu (20-8-1969).
([9]) Minh Lý Thánh Hội, 01-11 Tân Hợi (18-12-1971).
([10]) Vĩnh Nguyên Tự, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
([11]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 01-12 Bính Dần (31-12-1986).
([12]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Đinh Tỵ (03-4-1977).
([13]) Vĩnh Nguyên Tự, 16-01 Bính Thìn (15-02-1976).
([14]) Thiên Lý Đàn, 04-11 Tân Hợi (21-12-1971).