TỤC THỜ BÀ CẬU Ở NAM
BỘ
1. Bức hoành ở chính điện ghi “Hà Dương Thủy Thần” bị cây
lọng che khuất một nửa. (Ảnh trên: Lê
Công Lý)
2. Dinh bà Thủy
Long Thánh Mẫu ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. (Ảnh dưới: Nguyễn Thanh Lợi)
*
Ngư dân Việt ở Nam Bộ rất tin tưởng tín
ngưỡng Bà Cậu, họ gọi nghề hạ bạc ([1]) là nghề Bà-Cậu. Không chỉ ngư dân tôn thờ Bà Cậu như
tổ sư của nghề đánh cá trên biển, mà ngay cả những người làm dịch vụ nghề trên
bờ cũng tự nhận mình làm nghề Bà Cậu, để tìm một chỗ dựa tinh thần trong cuộc
mưu sinh. Khi ghe thuyền xuất bến, thuyền trưởng hoặc chủ ghe đều cúng vái Bà
Cậu, cầu mong đi biển “mái dầm tốt bến”, “đánh không thua ai”. Họ cũng thắp
nhang hằng ngày trên ghe để cầu Bà Cậu cho ghe đánh bắt được nhiều tôm cá hoặc
những khi biển nổi sóng gió. Nhưng ngư dân phần nhiều rất ít hiểu biết về gốc
gác tín ngưỡng này.
Cư dân vùng sông nước Nam Bộ đều có thờ Bà Cậu, tuy thần tích không rõ
ràng. Đối với người dân, có hai loại thủy thần: tốt, thân thiện là Bà Cậu, và
gây tai họa là Hà Bá. Mỗi khi cúng vái Bà Cậu, họ thỉnh khấn nhiều đối tượng
một cách chung chung chứ không riêng gì Bà Cậu. Dưới đây là lời khấn vái của
một lão ngư ở vùng Tây sông Hậu:
Các món cúng thường có trái dừa tươi, gạo, muối, bánh trái, rượu, cờ ngũ
sắc đuôi nheo. Người sau bắt chước người trước cúng, chứ ít biết tại sao phải
làm vậy. Sau một vụ thu hoạch tôm cá hoặc kết thúc một chuyến buôn cá, người
dân cúng Bà Cậu một cái đầu heo, gà, chuối.
Tùy theo mức độ giàu nghèo, phương tiện to nhỏ mà bàn thờ Bà được sắp đặt
trang trí lớn, bé khác nhau, nhưng sự thành tâm của người đi trên ghe tàu đối
với Bà thì như nhau. Vị trí đặt bàn, kệ thờ Bà luôn ở chỗ trang trọng của
khoang sinh hoạt. Trên bàn thờ luôn có hương, hoa, trái cây thờ cúng, trước mỗi
chuyến khởi hành họ đều thắp nhang vái Bà, ngày 16 hằng tháng, đặc biệt tháng Giêng,
tháng Tư, tháng Bảy âm lịch họ đều cúng Bà long trọng với những cặp vịt béo và
nghi ngút khói nhang.
Ngày tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không
thể không có một bàn thờ Bà trên ghe tàu với mâm ngũ quả, bình hoa, cặp bánh
tét và nhang đèn (đôi khi là đèn điện màu nhấp nháy). Vào ngày mùng ba, mùng
bốn hoặc mùng năm tết thường có một ngày họ dùng cặp vịt cúng Bà. Món vịt chế
biến là luộc nấu cháo.
Ở miếu Bà Thủy (xã An Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre), mỗi khi ra khơi đánh
bắt, đóng ghe mới hoặc sửa chữa ghe cũ, ngư dân thường cúng tạ Bà Cậu, lễ vật
bắt buộc phải có cặp vịt theo quan niệm Ông cúng gà, Bà cúng vịt. Khi biển có
bão tố, mất mùa, có người bỏ mình, họ thường vái Tiên Sư Bà Cậu để xin độ trì.
Miếu Cậu (Hà Dương thủy phủ thần miếu) do tri phủ Hồ Trọng Đính lập năm
1857 tại xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè, Tiền Giang), quê nội của tổng trấn Lê Văn
Duyệt. Tín ngưỡng này do những cư dân có gốc từ Quảng Ngãi mang vào. Miếu thờ
bà Thủy Long và cậu Tài, cậu Quý, ngày vía 23 tháng 2 trùng với ngày vía Thiên
Hậu, do nằm ở vị trí quan trọng trên con đường thủy mua bán lúa gạo năm xưa của
những thương nhân gốc Hoa. Ở đây có bài văn tế bà Thủy Long. Đây là miếu thờ
nổi tiếng, gọi là miếu Phong Ba, tương truyền có cặp ngỗng thần giữ cung điện
hay nổi lên làm sóng gió.
Trên ghe tàu của dân sông nước chỉ
có bàn thờ một vị thần gọi là Bà Cậu, bài vị chữ Hán ghi là “Thủy Long Thánh
Mẫu” hay “Thánh Mẫu Nương Nương”. Nhưng ở trên bờ có phân biệt Bà và Cậu, có
miễu Bà, dinh Cậu hay miễu Cậu. Ở Phú Quốc có một dinh Cậu và một miễu Bà. Miễu
Bà ở Phú Quốc thờ Thủy Long Thánh Mẫu, một cơ sở tín ngưỡng quan trọng nằm bên
cửa sông Dương Đông. Trước khi ra khơi đánh bắt hay khi đánh bắt trúng trở về,
khi hạ thủy tàu ghe... đều cúng Bà Cậu. Dinh Bà Thủy Long và dinh Cậu nghi thức
cúng tế giống cúng đình, mang tính chất cầu an.
Trong dân gian, có nhiều cách hiểu
khác nhau về Bà Cậu, cho rằng từ Bà Cậu có ý nghĩa là bà Thủy Long, con gái
Thủy Tề. Từ “Cậu” là nam thần, có tên là Hà Bá hoặc “Cậu” là cậu Tài, cậu Quý,
con bà Thủy Long.
Hoặc ý kiến khác cho rằng Bà Cậu chính là Bà Thủy và hai người con trai:
Cậu Tài và Cậu Quý. Nơi ở của Bà Thủy dưới sông nước, biển cả gọi là Lục Cung
Thủy Triều. Mặt khác, người ta còn có quan niệm Bà Thủy chính là hóa thân của
Thiên Y Ana.
Bà Po Nagar có hai người con là cậu Trày (Tài) và cậu Quý (nhị vị công
tử), nhưng khi vào tín ngưỡng Việt Nam thì nhị vị công tử có khi trở
thành nhị vị công nương. Cậu Trày đọc trại thành cậu Chài, được dân vạn (đánh
cá) thờ làm thần bảo hộ. Hai vị công tử này thường được vẽ là hai thiếu niên ôm
gà đá. Do tín ngưỡng nữ thần Thiên Y Ana rất mạnh nên các nữ thần có nguồn gốc
từ Thiên Y Ana có hai con như Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Thủy Long Công
Chúa mà các nữ thần khác như Năm Bà Ngũ Hành, Linh Sơn Thánh Mẫu, kể cả nữ thần
gốc Hoa như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thất Thánh Nương Nương cũng có hai con như vị
nữ thần Chăm. Đây là yếu tố góp phần tạo nên sự nhập nhằng trong tục thờ các nữ
thần ở Nam Bộ, nhất là các thần liên quan đến sông nước.
Bà chính là Thiên Y Ana Thánh Mẫu, còn Cậu là nhị vị công tử con trai của
Bà: Cậu Tài, Cậu Quý. Ở đây ta cũng bắt gặp truyền thuyết về Thiên Y Ana với
những dị bản của nó. Tuy nhiên, tín ngưỡng Bà-Cậu cũng có sự pha trộn với tục
thờ Thủy Long Thần Nữ hoặc biến thành dạng thức thờ Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Hòn
trên các đảo. Đặc biệt, truyền thuyết bà Phi Yến ở Côn Đảo là sự hóa thân của
Thiên Y Ana và được thể hiện qua tín ngưỡng thờ Bà Cậu trên hòn đảo lịch sử gắn
với những truyền thuyết về Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu. Tín ngưỡng này
đặc biệt phổ biến ở vùng duyên hải và các đảo ngoài khơi mà xu hướng chính là
sự kết hợp với các dạng thức tín ngưỡng liên quan đến sông nước và biển.
NGUYỄN THANH LỢI