BÀI THƠ XUỐNG
NÚI
Giới nam tử tu hành dường như hay nuôi sẵn
“ác ý” với quyền lực mềm của đàn bà đẹp. Các vị cho rằng đàn bà càng đẹp thì càng
dễ giết đàn ông mau lẹ; anh chàng chết tươi mà không thấy máu rơi. Tấm lưng ong
mềm mại của các nàng xinh đến thế, vậy mà người xưa lại bảo là lén giắt dao sắc,
ngầm đeo kiếm bén để chém đầu đàn ông. Do đó từ xưa tới nay còn lưu truyền bốn
câu thơ nhằm khuyên các trang nam tử, các bậc hảo hán hãy đề cao cảnh giác trước
sắc đẹp giết người của đàn bà như sau:
Nhị bát
giai nhân thể tự tô
Yêu
gian trượng kiếm trảm ngu phu
Tuy
nhiên bất kiến nhân đầu lạc
Ám lý
giao quân cốt tủy khô.
二八佳人體似酥
腰間仗劍斬愚夫
雖然不見人頭落
暗裡教君骨髓枯
Nhị
bát là hai lần tám, tức mười sáu, cái tuổi mà giai nhân Nguyễn Thị Lộ bảo
“Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ”, làm
anh hùng Nguyễn Trãi đành cam vướng lụy. Tô
là lớp váng sữa trắng ngà. Ngu phu là
đàn ông ngu muội. Ám lý là ngầm ẩn giấu
trong lớp vải lót áo, lót chăn, lót gối.
Tôi dịch:
Đôi tám
gái xinh vóc nõn nà
Lưng
eo đeo kiếm chém trai ngu
Tuy
không nhìn thấy đầu người rụng
Ngầm
hại cho chàng xương tủy khô.
Bài thơ dẫn trên hàm ý rằng việc sắc dục
(sex) làm đàn ông hao mòn tinh huyết,
chóng chết. Có lẽ vì thế mà các vua thời xưa bên cạnh lúc nào cũng sẵn nhiều mỹ
nhân, ít ông nào được trường thọ: Gia Long sống được 58 tuổi, Minh Mạng 50 tuổi,
Thiệu Trị 40 tuổi, Tự Đức 54 tuổi, Đồng Khánh 25 tuổi, Khải Định 40 tuổi…
Có khi người xưa còn “độc mồm độc miệng”
bảo người đẹp là cọp dữ ăn thịt đàn ông. Trên nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc số 182, tháng 02-2010, tôi nhắc tới một thiền
thoại vắn tắt như sau:
“Có
chuyện kể rằng chú tiểu mồ côi được sư phụ nuôi trên núi cao hẻo lánh từ tấm
bé. Khi đã lớn, lần đầu tiên được thầy dẫn xuống núi, chú thấy cái gì cũng lạ,
nhất là các cô gái trẻ trung xinh xắn. Chú cứ lom lom nhìn theo bóng các cô. Sư
phụ dọa: “Cọp đó con! Coi chừng nó ăn thịt!”
Trở về
núi, suốt đêm chú trằn trọc, thở dài. Sư phụ hỏi lý do. Chú thành thật khai báo: Con
thấy mấy con cọp đó quá dễ thương. Con cũng muốn cho nó ăn thịt con, thầy ơi!”
Thiền
thoại này được in lại trong Hòa Điệu Liên
Tôn (quyển 55-2 của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống).
Trong
đạo Cao Đài, môn sanh Chiếu Minh thọ pháp tịnh luyện của Đức Đại Tiên Ngô Minh
Chiêu vẫn hay truyền cho nhau lời khuyên răn của ngài, cũng coi phụ nữ là cọp:
Xưa nay tu luyện lắm anh hào
Biển sắc anh tài nhận biết bao
Lấp lửng khuyên đừng gần miệng cọp
Ăn năn đã muộn giấc chiêm bao.
Câu
hai, nhận là nhận chìm, đánh đắm. Câu
ba, lấp lửng là nửa chơi nửa thật, kiểu
nước đôi; miệng cọp là làn môi tươi
thắm của quý bà, quý cô. Câu bốn, giấc
chiêm bao là kiếp người vắn vỏi, giả tạm.
Trên đây
sở dĩ tôi dông dài bởi lẽ vừa qua tình cờ được đọc một bài thơ thú vị có cùng chủ
đề tư tưởng như thiền thoại và bốn câu kể trên. Mà càng thú vị hơn khi biết tác
giả bài thơ ấy lại là vị hiệu trưởng đạo mạo của ngôi trường xưa kia tôi đã mài
đũng quần suốt bảy năm trung học.
Tôi vốn là học trò trường trung học công
lập Hồ Ngọc Cẩn, nằm ngay đầu đường Lê Quang Định, chỉ cách đầu chợ Bà Chiểu
con đường Bạch Đằng, và cặp sát hông bên phải trường tiểu học Nam Tỉnh Lỵ. Trường
tôi dành riêng cho nam sinh, dạy từ lớp Đệ Thất (lớp Sáu) tới Đệ Nhất (lớp Mười
Hai). Về sinh ngữ một cho Đệ Nhất Cấp (các lớp Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ) thì chọn
tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp. Lên Đệ Nhị Cấp (các lớp Đệ Tam, Nhị, Nhất) phân ra Ban
A (trọng tâm là Vạn Vật, Lý Hóa) và Ban B (trọng tâm là Toán, Lý Hóa). Cậu nào thích
Ban C (sinh ngữ, văn chương, triết) phải chuyển qua trường khác. Ai đã chọn tiếng
Anh làm sinh ngữ một thì lên Đệ Tam (lớp Mười) sẽ chọn thêm tiếng Pháp làm sinh
ngữ hai (hoặc ngược lại). Ngoài ra, về sinh ngữ hai, trường còn dạy tiếng Đức,
nhưng ít học trò chọn, dù các thầy (tốt nghiệp ở Tây Đức) dạy rất giỏi: Học trò
mới vỡ lòng mà các thầy giảng bài hầu như không hề dùng tiếng Việt, chỉ làm điệu
bộ, hoặc vẽ phác vài nét đơn giản trên bảng để minh họa cho bài học.
Trường tôi hồi ấy không là trường tư của
Công Giáo, cớ sao lại mang tên Giám Mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948)?
Ngài là giám mục người Việt đầu tiên của giáo phận Bùi Chu (tỉnh Nam Định),
cũng là vị giám mục người Việt thứ hai, còn vị thứ nhất là Giám Mục Gioan
Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949). Điều này bọn học trò hồi ấy chả đứa nào biết
để mà thắc mắc, còn nhà trường dường như không bận tâm giải thích.
Chỉ rất lâu về sau, khi đã rời trường cũ
mấy mươi năm, tò mò truy nguyên cố sự mới biết rằng thoạt kỳ thủy linh mục
Giuse Phạm Châu Diên lúc phụ trách công tác giáo dục ở Bùi Chu có bàn bạc với
linh mục Đa Minh Đinh Khắc Túc (chánh xứ Lục Thủy, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường,
tỉnh Nam Định) để mở một trung học tư thục giúp con em giáo xứ Lục Thủy học
hành. Hai vị chọn phương
danh Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn làm tên trường; linh mục Đinh Khắc Túc làm giám đốc,
và ông Đặng Vũ Tiễn (có tú tài Pháp) làm hiệu trưởng. Lễ khai giảng đơn sơ tổ
chức vào sáng Thứ Ba 06-12-1949.
Đầu
tháng 7-1950, do hoàn cảnh xã hội, trường dời về làng Trung Linh, tổng Thủy Nhai,
huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường, và được mượn phòng ốc của tiểu chủng viện do giáo
phận Bùi Chu đặt tại Trung Linh. Bấy giờ linh mục Anrê Trần Đức Huynh
(1920-2007) được cử làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Hồ Ngọc Cẩn.
Sau
Hiệp Định Geneva (tháng 7-1954), trường chuyển vào Nam. Niên khóa 1954-1955,
trường tạm đặt tại số 63 đường Bùi Thị Xuân, quận Nhứt, Sài Gòn, cạnh nhà thờ
Huyện Sỹ. Năm học sau, trường dời về số 1A Lê Quang Định, và trở thành trường công
lập. Sau tháng 4-1975, trường không còn, đổi thành trường tiểu học Nguyễn Đình
Chiểu (nay ở số 1B đường Lê Quang Định).
Tôi vào
trường lúc thầy Nguyễn Đức Hiếu đang làm hiệu trưởng (kể từ năm 1964). Thầy
sinh tại Hải Dương ngày 06-02-1914, nhưng khai sinh ghi 06-02-1920. Tháng 9-1972
thầy kết thúc tám năm hai tháng làm hiệu trưởng trường Hồ Ngọc Cẩn để nhận nhiệm
vụ Đặc Khu Trưởng trông coi Đặc Khu Học Chánh Sài Gòn - Gia Định. Thầy Hiếu (pháp danh Thiện Đức
Chánh Giáo) tạ thế ngày 07-3-2013 tại Sacramento, thủ phủ bang California (Mỹ),
hưởng thọ 99 tuổi tây, tròn 100 tuổi ta.
Trên đây
tôi nhắc tới trường cũ bởi vì sáng Thứ Hai 08-5-2017, tôi nhận được bài thơ Hạ Sơn do một bạn đồng môn tặng (chép
theo trí nhớ). Anh học trường Hồ Ngọc Cẩn hai niên khóa (1965-1967) thì chuyển
sang trường trung học kỹ thuật Cao Thắng. Nhờ anh, tôi biết thầy Nguyễn Đức Hiếu
có hiệu là Bão Nhất, với “bão” dấu ngã,
nghĩa là ôm cái một. Nhưng tôi thấy có
chỗ ghi hiệu thầy là Bảo Nhất,([1]) với “bảo” dấu hỏi, nghĩa là giữ cái một.
Ở miền
Nam trước 1975, hễ chuẩn bị đón năm mới các trường trung học thường hay làm “báo
xuân”, in typo hoặc quay ronéo, gọi là “giai phẩm xuân” hay “đặc san xuân”. Anh
bạn đồng môn (nhiều năm nay đang làm việc tại tòa soạn một bán nguyệt san bên
Phật Giáo) cho tôi biết bài thơ Hạ Sơn vốn đã in trong đặc san TRẮNG, Xuân Giáp Thìn (1964), của thầy trò
trường Hồ Ngọc Cẩn. Năm ấy, vừa bước vào tuổi ngũ tuần, thầy Hiếu mới về làm hiệu
trưởng, và đã góp cho “báo xuân” trường mình một bài thơ hay, đậm nét thiền thoại.
Tuy nhiên, cách nay hơn nửa thế kỷ, thầy Nguyễn Đức Hiếu đã trình bày chủ đề quyền
lực mềm của đàn bà đẹp rất cận nhân tình,
bởi lẽ thầy không bảo mỹ nhân là cọp, chẳng “chụp mũ” nàng là “ninja” lận gươm
bén ở eo lưng.
Sau đây
là bài thơ của thầy Hiếu, tạm gọi là Hạ
Sơn (a), do anh bạn đồng môn chép lại theo trí nhớ, gồm 68 câu:
HẠ SƠN (a)
1. Lòng đã quyết, lạy thầy, con xuống
núi
Đành nửa chừng con bỏ lỡ đường
tu
Uổng công thầy nuôi dạy bấy
nhiêu thu
Đứa xích tử không cha và không
mẹ.
Con vẫn nhớ những ngày còn nhỏ
bé
Sống bên thầy không thắc mắc
vẩn vơ
Tâm hồn nhiên trong trắng tuổi
ngây thơ
Đã rộng mở để thầy gieo mầm
đạo.
Ôi ma chướng! Cũng là do nghiệp
báo
Mới gây nên điều gặp gỡ hôm xưa
Quên làm sao buổi hái thuốc về
trưa
Bên sườn núi thầy và con đã thấy.
Con đã thấy, con người, hay vật,
ấy
Thầy bảo là quái vật, cấm ngăn
con
Không cho nhìn, bắt quay lại sơn
môn
Chân con bước nặng như chìm xuống
đất.
Rồi từ đấy, bóng hình con quái
vật
In vào con như mực đậm chữ trong
kinh
Và xui con nhớ đến tuổi của mình
Trên vách đá thầy ghi mười tám
nét.
Rồi từ đấy vì sao không dám biết
Thấy lòng buồn hiu hắt, thấy cô
đơn
Thân như vùi ở giữa chốn thâm sơn
Ngồi bên lửa, bên thầy mà vẫn
lạnh.
Và từ đấy mắt con thường lẩn
tránh
Đôi mắt thầy thương hại đoái nhìn
con
Rồi một hôm trộm phép xuống sườn
non
Con mê mải bước đi tìm quái vật.
Con đã gặp, thầy ơi, con đã gặp
Trời ơi trời! Không biết quỷ hay
ma
Mà đôi môi tươi thắm tựa bông hoa
Và ánh mắt trong êm như dòng
suối.
Làn da trắng, thầy ơi, con có tội
Mới thoạt nhìn đã mát cả tâm can
Mái tóc xanh như suối đổ trên
ngàn
Tỏa xuống phủ đôi vai tròn như
nặn.
Con quái vật có nụ cười tươi tắn
Làm cho con quên hết cả mọi điều
Quên cả thầy, kinh sách học bao
nhiêu
Quên tất cả, duy chỉ còn một thứ:
Con quái vật thướt tha và quyến
rũ
Đứng nơi kia làm sáng cả khu rừng
Ánh bình minh tỏa xuống chiếu
tưng bừng
Trong khoảnh khắc bản tính người
trỗi dậy.
Bao cố gắng bao chôn vùi che đậy
Bức tường xây tưởng vững, có ngờ
đâu
Chỉ một nhìn, bốn mắt thoáng gặp
nhau
Là sụp đổ hết công phu và kết quả.
Nơi tịnh độ, cõi niết bàn… xa quá
Gần con hơn, nguồn tội đáng yêu
kia
Dù là người, là quỷ quái… hay chi
chi
Con cũng quyết buộc đời con vào
đó.
Dây oan nghiệt có lẽ rằng phải có
Trói con vào thêm một kiếp đi
hoang
Thôi, từ nay cách biệt đôi đàng
Kính năm lạy, xin thầy, con xuống
núi.
2. Này đệ tử, bỏ đường quang lâm [sic] vào bụi
Cũng là do nghiệp báo đã gây nên
Nghiệp có rồi, nay lại gặp thêm
duyên
Thời quả hiện, làm sao ai gỡ nổi…
Nhưng, con ạ, do tâm gây nên tội
Cũng nhờ tâm mà giũ sạch bụi trần
Rồi bao giờ ra khỏi chốn mê tâm
Con lên núi, thầy vẫn luôn trông
đợi.
Mối trần lụy chỉ do mình tự cởi
Khi đã từng chứng nghiệm chính
bản thân
Thầy xưa kia, vì chưa rõ giả
chân…
Cho nên cũng… có
lần xin xuống núi.
Tôi
đọc 68 câu bài thơ trên, rất thích thú. Tuy nhiên, có vài chữ tôi cảm thấy hơi băn
khoăn. Ngày 10-5-2017, tôi dè dặt bày tỏ cảm nghĩ với bạn đồng môn (người có trí
nhớ tuyệt vời). Anh liền mau mắn gởi điện thư, trả lời như sau: “... tôi thuộc bài này qua ông anh của tôi. Tôi đã từng
chuyển cho anh ấy bài tôi chép lại theo trí nhớ và anh ấy cũng nhất trí rằng tôi
nhớ đúng. Bài này tôi đã đọc nhiều lần trước những nhóm học sinh đồng môn Hồ Ngọc
Cẩn về dự những cuộc họp mặt trong những năm 2000 đến 2006.”
Ngày
12-5-2017, tôi thử vào Google để xem có thể tìm được bản gốc đã in trên đặc san
Trắng, Xuân Giáp Thìn (1964) hay chăng.
Hay quá! Tại Bản Tin Hồ Ngọc Cẩn 15 (www.hongoccan.com/bantin/ bantin15.html),
tôi tìm được một dị bản, tạm gọi là Hạ
Sơn (b), gồm 72 câu như sau:
HẠ SƠN (b)
1. Lòng đã quyết, lạy thầy con xuống núi
Đành kiếp này con bỏ lỡ đường tu
Uổng công thầy nuôi dạy bấy nhiêu thu
Đứa xích tử không cha và không mẹ.
Con nhớ lại những hồi còn nhỏ bé
Sống bên thầy không thắc mắc vẩn vơ
Tâm hồn nhiên trong trắng tuổi ngây thơ
Lòng rộng mở để thầy gieo mầm đạo.
Do túc trái, tiền duyên hay nghiệp báo
Mới xui nên điều gặp gỡ hôm xưa
Quên làm sao buổi hái thuốc về trưa
Bên sườn núi, thầy với con đã thấy.
Con đã thấy con người hay con vật ấy
Không biết là địa quỷ hay thiên ma
Có đôi môi tươi thắm tựa bông hoa
Và cặp mắt trông [sic] bên dòng suối.
Màu da trắng, thầy ơi, con có tội
Mới thoạt nhìn, thấy mát cả tâm can
Làn tóc đen như thác đổ trên ngàn
Buông tủa xuống đôi vai tròn như nặn.
Con quái vật có nụ cười tươi tắn
Đứng nơi kia làm sáng cả khu rừng
Tia nắng vàng tỏa chiếu xuống tưng
bừng
Trong khoảnh khắc bỗng tính người
trổi dậy.
Bao cố gắng, bao chôn vùi che đậy
Bao tập rèn, gây dựng, có ngờ đâu
Chỉ một nhìn khi ánh mắt gặp nhau
Là sụp đổ cái công tu và kết quả.
Đôi mắt ấy làm con quên tất cả
Quên lời thầy, quên hình dáng kính yêu
Của tôn sư, kinh sách học bao nhiêu
Quên tất cả, duy chỉ còn một thứ.
Cái khuôn mặt dễ thương, cái thân hình
quyến rũ
Thầy gọi là quái vật, cấm ngăn con
Không cho nhìn, bắt quay lại sơn môn
Chân con bước, nặng như chìm xuống đất.
Rồi từ đó, bóng hình con quái vật
In vào con như mực đắm [sic] chữ trong kinh
Nhắc cho con nhớ tới tuổi của mình
Trên vách đá thầy ghi mười tám nét.
Sự từ đó, tại sao không dám biết
Thấy lòng buồn man mác, thấy cô đơn
Thân như vùi ở giữa chốn thâm sơn
Ngồi bên lửa, bên thầy mà vẫn lạnh.
Rồi từ đó, mắt con thường lẩn tránh
Đôi mắt thầy thương hại đoái nhìn con
Rồi một hôm, trộm phép xuống sườn non
Con mê mải đi tìm con quái vật.
Con cũng biết những gì con đã mất
Và những gì con sẽ được ở ngày mai
Dù ngọt bùi hay cay đắng, chông gai
Con cũng chịu, đã gieo nhân thì lãnh
quả.
Nơi Tịnh Độ, cõi Niết Bàn xa quá
Gần con hơn, nguồn cội [sic] đáng yêu kia
Dù là người, quỷ quái hay chi chi
Con vẫn muốn buộc đời con vào đời nó.
Dây oan nghiệt ắt là đã có
Trói con vào thêm một kiếp đi hoang
Thôi từ nay giã biệt đôi đàng
Kính năm lạy, xin thầy cho xuống núi.
2. Này con ạ, bỏ đường quang đâm vào bụi
Cũng là do nghiệp chướng đã xui nên
Nhân gieo rồi nay lại gặp thêm duyên
Thì quả hiện ai làm sao gỡ nổi.
Nhưng con ạ, do tâm gây nên tội
Hãy nhờ tâm mà rũ sạch hồng trần
Rồi mai này, khi vượt khỏi mê tâm
Con lên núi, thầy vẫn luôn trông đợi.
Giây [sic] oan nghiệt, con hãy lo tự cởi
Nhìn cho ra mà tự độ lấy thân
Thầy xưa kia vì mê muội giả chân
Nên cũng đã có lần xin xuống núi.
Hai bài thơ chẳng những chênh nhau bốn câu mà còn có khá
nhiều chữ khác biệt. Thứ tự các câu thơ đôi chỗ so le. Trên đây, tôi vẫn giữ nguyên trạng hai văn bản (a) và (b), thậm
chí không sửa vài lỗi chánh tả, chỉ chua ký hiệu [sic] ngay bên cạnh, ngoài ra tôi chèn thêm hai số 1 và 2 cho dễ phân biệt lời
trò tự thú và lời thầy phân dạy.
Tôi nghĩ rằng bản (b)
vẫn là do ai đó chép lại theo trí nhớ, và cũng nhớ rất giỏi, chứ chưa hẳn là bản
gốc của thầy Hiếu.
Anh bạn đồng môn nói
trên và tôi đều rất quen thân anh Trần Văn Chánh, đồng tác giả quyển Truyện Kiều Tập Chú (nhà xuất bản Đà Nẵng
1999). Biết nỗi băn khoăn của tôi, anh Chánh nhắc cho nhớ rằng Truyện Kiều xưa
nay có rất nhiểu dị bản; bài thơ Hạ Sơn
mà có dị bản âu cũng là lẽ tự nhiên, bởi lẽ nó rất hay, khiến cho học trò thầy
Hiếu quá đỗi yêu thích mới học thuộc nằm lòng từ hơn nửa thế kỷ nay. Việc công
bố các dị bản trong văn học là chuyện thường tình, anh Chánh xui tôi hãy giới
thiệu cả hai văn bản. Một là giúp mọi người có dịp nhàn lãm, thưởng thức đạo vị
trong bài thơ. Hai là biết đâu sẽ có bạn đọc nào đó cung cấp được bản gốc, bản đã
in vào mùa xuân năm 1964.
Nghe lời bạn hiền, tôi bèn làm theo.
DŨ LAN
Nhiêu Lộc, 12-5-2017