Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / HUỆ KHẢI / Mấy mẩu chuyện mùa Vu Lan


1. BÀN TAY MẸ
Chị làm trợ lý nhân sự cho một công ty danh tiếng ở thành phố lớn, sống bên chồng và hai con gái nhỏ. Một ngày cuối tuần, mẹ ở xa ghé thăm rồi rủ chị đi với mẹ vì mẹ cần mua một chiếc áo mới. Chị thường không thích đi mua sắm chung với người khác, nhưng không tiện khước từ. Có lẽ khá lâu rồi chị ít gặp mẹ bởi cơm áo bộn bề, chồng con bận bịu. Toàn những lý do quá chính đáng để có thể thanh thản tự cho phép mình được tha thứ.
Hai mẹ con tạt vào hầu hết các cửa hàng trên dãy phố chuyên bán quần áo. Mẹ hết ướm chiếc này lại thử sang chiếc khác, rồi đều chê tất. Buổi chiều lặng lẽ trôi đi, mẹ có vẻ nản lòng còn chị vừa thấm mệt vừa sốt ruột bồn chồn nghĩ đến bao nhiêu việc không tên đang đợi ở nhà.
Cuối cùng, ở cửa hiệu sau chót, mẹ bắt gặp chiếc áo lam may rất có duyên. Hàng nút vải thắt theo kiểu Tàu trông thật khéo, nửa cổ điển nửa cách tân, chị biết ngay là rất hợp với mẹ.
Cùng đứng trong phòng thử áo, chị thấy mẹ cứ loay hoay mãi vẫn không sao cài được hết hàng nút. Chứng viêm khớp đã làm hai bàn tay mẹ trở thành còng queo, vụng về quá rồi. Ngay lúc ấy, nỗi thiếu nhẫn nại đang chiếm ngự trong chị thoắt nhường chỗ cho lòng thương mẹ như cơn sóng triều dâng bất chợt. Chị quay ngoắt đi, cốt giấu vội mấy giọt nước mắt vừa ứa trào. Gắng gượng giữ bình tĩnh, chị xoay lại giúp mẹ cài nốt hàng nút. Mẹ ngắm nghía trước gương một lúc, mỉm cười hài lòng. Việc mua sắm thế là xong nhưng suốt quãng đường về nhà lòng chị vẫn chưa thôi day dứt một điều gì đó.
Chị khẩn khoản cầm mẹ ở lại chơi với cháu. Sau đó, dẫu bận làm việc nhà, chị vẫn không khỏi nhớ cái lúc đứng xem mẹ thử áo, và trong đầu cứ hiện rõ hình ảnh mẹ loay hoay mãi chẳng cài xong hàng nút. Đôi bàn tay yêu thương ấy đã đút cơm cho chị, tắm rửa cho chị, thay quần áo cho chị, vỗ về an ủi chị, và còn chắp lại cầu nguyện vái van những khi chị ốm đau bất trắc. Giờ đây đôi bàn tay ấy đang làm chị quá đỗi chạnh lòng.
Buổi tối muộn mằn, chị vào phòng ngồi bên mẹ, nhẹ nhàng cầm hai bàn tay mẹ giữ yên trong tay mình một lúc, rồi dịu dàng nâng lên môi hôn. Trước ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ, chị thủ thỉ: “Mẹ ơi, với con thì đôi bàn tay này đẹp nhất trần gian.” ([1])
2. GỞI MÁ THƯƠNG YÊU
Chị một mình nuôi con gái mười sáu tuổi. Một hôm, sau khi âu yếm ôm con, chị ngạc nhiên thấy trên cánh tay con vẫn còn in vết dấu tay chị. Nghĩ tới nguyên nhân là thiếu chất sắt, chị đưa con đi bác sĩ. Suốt hai giờ dài dằng dặc, chị và con gái chờ kết quả xét nghiệm máu trong âu lo, thắc thỏm. Đến chừng bác sĩ xuất hiện với tờ giấy trên tay, chị ước gì đừng thấy ông ta để khỏi phải nghe tin sét đánh: ung thư máu.
Con chị bắt đầu được hóa trị. Chị ứa nước mắt, nắm chặt bàn tay con như muốn rút hết nỗi đớn đau từ thể xác con chuyển sang người chị. Ban đêm, con ngủ rồi chị vẫn thao thức và chắp tay khẩn thiết nguyện cầu với lòng ngổn ngang thống khổ.
Như một phép mầu, sau khi ra viện con chị hồi phục khá nhanh. Chỉ có cái đầu nhẵn thín không còn cọng tóc nào là chứng cớ hiển nhiên nhắc hai mẹ con phải nhớ tới căn bệnh hiểm nghèo. Những ngày tiếp theo, con chị thường tỏ ra lạc quan đến mức chị không ngờ. Chính thái độ can đảm của con đã giúp chị có được những giây phút tạm bình an, không bị ám ảnh rợn người về một tương lai tuyệt vọng. Cũng có lúc chị bắt gặp con gái khóc. Nhưng khi chị ôm chặt lấy con thì con chị lại lẹ làng quệt nước mắt và cố nở nụ cười: “Không sao đâu má. Con chịu được và má cũng chịu được mà.”
Thời gian trôi nhanh, con chị đi học trở lại. Chị chăm chỉ cầu nguyện, xin cho con gái được dài thêm ngày tháng an bình, vì đó là hạnh phúc duy nhất con chị còn có thể hưởng. Nhưng rồi cơn bệnh đã quay lại, hoành hành dữ dội như thể báo thù. Dù được ghép tủy, con chị cứ yếu dần, yếu dần. Đến buổi chiều kia, hơi thở con chị giống như sợi dây đứt ra nhiều khúc. Rồi với một sức mạnh đột ngột như gom hết tàn lực, con chị quàng hai tay ôm chị. Chị liền ôm chặt hình hài gầy guộc của con, linh tính biết rằng chiếc đồng hồ cát của đời con sắp rơi xuống những hạt sau cùng.
 Sau lễ tang, chị thẫn thờ trong căn nhà nhỏ quạnh hiu, sắp xếp những thứ con gái thương yêu bỏ lại. Một tờ giấy gấp tư chợt rơi ra từ mớ sách vở đang yên ngủ của con chị.
Gởi má thương yêu,
Má đã khóc nhiều vì con và con sợ phải xa má. Những lúc má tưởng con ngủ thì con chỉ ráng nằm im làm bộ ngủ và nghe má cầu nguyện. Má thương con biết bao. Con luôn bên má, trong lòng má. Rồi con sẽ gặp lại má và má con mình sẽ gần gũi bên nhau như chưa bao giờ xa nhau.
Má đã dạy cho con biết chấp nhận cuộc sống. Vậy thì má đừng thương khóc nữa. Hứa với con đi má…
Ấp lá thư nhòe nước mắt vào ngực, chị nghẹn ngào như nói với một người đang ở trước mặt: “Má hứa.” ([2])
3. MỘT THỜI CỦA MẸ
MỘT THỜI CỦA CON
Một chiều đông xưa, chị lạc đường khi tan học. Nhà không xa trường trong cùng khu phố, nhưng trời tối nhanh quá, lại thêm cơn mưa lất phất bất chợt, và những con hẻm xẻ ngang dọc như bàn cờ đã đánh lừa đứa trẻ năm tuổi. Chị òa khóc, sợ hãi. Một bà tốt bụng bắt gặp, hỏi han, rồi gọi điện thoại. Sau đó mẹ tất tả chạy tới, mang theo dù và áo ấm. Mẹ rối rít cảm ơn người phụ nữ nhân hậu, rồi dắt chị về nhà. Không bao giờ chị có thể quên cái cảm giác an ổn khôn cùng khi nhìn thấy dáng mẹ hiện ra, là vị cứu tinh của cô bé khờ khạo một thời xa lăng lắc.
Ngày nay đến lượt mẹ chị lạc lối giữa đường quen. Chứng Alzheimer của người già. Giờ đây với mẹ thì ngày nào, giờ nào cũng là buổi chiều đông ảm đạm, lạnh lẽo trong mưa. Nhưng không có người phụ nữ tốt bụng nào bước đến hỏi han rồi gọi điện tìm vị cứu tinh cho mẹ. Không có ai tất tả mang dù và áo ấm chạy tới, cầm tay dắt mẹ trở về nhà. Mẹ vẫn đi lạc trong tâm thức mịt mờ và chị nghĩ mẹ làm sao có được cảm giác tuyệt vời của người được tìm thấy, và sung sướng biết mình được chở che an ổn. Chị hay cầm lấy bàn tay mẹ, nắm chặt, thật chặt. Nhưng rồi cảm thấy vô vọng. Bởi lẽ chị càng nắm tay mẹ thật chặt, càng cố muốn gần gụi mẹ nhất, thì lại càng cảm thấy mẹ lạc lõng, xa xăm quá. Chị chẳng thể nào dắt mẹ tới một cõi mà mẹ cảm thấy được an ổn, thương yêu.
Tuy nhiên, trong cơn mông muội dằng dặc của tâm trí hỗn mang, đôi lúc mẹ ngừng lẩm bẩm những âm thanh vô nghĩa và đột ngột bật ra ba tiếng “Mẹ thương con”. Thỉnh thoảng, khi chị nắm lấy tay mẹ và đọc kinh Lạy Cha, mẹ bỗng đọc theo như cái máy. Đối với chị, hai việc kỳ diệu và không thường xuyên đó giờ đây đang có ý nghĩa to tát hơn vô vàn những lời lẽ mà một người mẹ tâm trí bình thường vẫn âu yếm thổ lộ với con.([3])
4. CHA CẬU SAO VẬY?
Thuở là nữ sinh trung học cô chưa nhận thức rõ lắm về khuyết tật bẩm sinh của cha: sứt môi và hở vòm miệng. Khi chào đời đã thấy cha như thế, và cô quá quen thuộc với gương mặt ấy. Có lần hôn cha trước khi đi ngủ, cô hỏi liệu mũi cô có bẹp dí vì suốt đời hôn cha không. Ánh mắt ngời lên hạnh phúc, ông trấn an là không.
Cha cô tử tế, nhẫn nại, ý tứ và dạt dào tình thương. Ông thích trò chuyện với những người bần khổ, hỏi thăm gia đình họ, chăm chú lắng nghe và ghi nhớ những gì họ trả lời. Giao dịch công việc, ông ít chịu nói chuyện qua điện thoại và giải thích rằng chỉ khi gặp tận mặt, thấy thái độ tự tin, miệng hay cười của ông, người đối diện sẽ dễ hiểu ông hơn và họ sẽ mau chóng quên đi khuyết tật trên mặt ông.
Lúc được mười mấy tuổi, chơi với đám bạn học điệu đàng, sành sỏi ăn diện, cô bỗng nhận ra cha mình quê mùa, cũ kỹ. Một tối nọ, đi chơi với chúng bạn về khuya, cô đưa cả bọn tạt qua nhà kiếm chút gì bỏ bụng. Cha cô từ phòng ngủ bước ra, vui vẻ chào bạn bè của con, rồi mau mắn đem thức ăn thức uống ra đãi. Một nhỏ bạn kề vào tai cô hỏi khẽ: “Cha cậu sao vậy?” Cô liếc cha thật nhanh, và lần đầu tiên trong đời, cô bàng hoàng khi chợt biết mình đã nhìn cha bằng cặp mắt khác hẳn.


Khuya hôm đó cô khóc thầm trong phòng riêng. Không phải vì thấy gương mặt cha khiếm khuyết, mà vì đau đớn nhận ra từ lúc nào cô đã trở thành kẻ nông nổi, đáng khinh. Cha tốt như thế, đáng yêu như thế, sao cô dám xét đoán cha qua vẻ bên ngoài. Sao cô nhìn cha như người xa lạ, dị dạng. Sao cô quên rằng đó là cha hiền của mình, là chồng tốt của mẹ, là bạn bè tin cậy của láng giềng.
Khi trưởng thành, cô nhận ra mình đang thừa hưởng của cha tánh thương người, lòng thông cảm bao dung, và nết ân cần quan tâm đến bạn bè thân thích. Cô biết ơn cha đã trao cho cô món quà vô giá ấy. Cô thèm được như thuở bé, được hôn cha miết để rồi hỏi hôn nhiều như thế mũi cô có bẹp dí đi không. Thèm lắm, nhớ lắm, nhưng cha đâu còn nữa trong cuộc đời cô.([4])
5. TỪ KHI CHA LÀ MẸ
Vào giữa những năm 1970 mẹ chị mất. Cha chị quyết ở vậy, cam chịu cảnh gà trống một mình nuôi cô con gái mười bốn tuổi và cậu con trai mười một tuổi. Từ đó, ông vừa làm cha vừa làm mẹ.
Thoạt đầu mọi việc dường như đều suôn sẻ. Chị bạo dạn chơi đùa với lũ con trai trong xóm chẳng nhường đứa nào. Leo trèo, đá bóng, đá cầu, bày trận chiến đấu bắn súng mồm… Cha có mua cho chị búp bê, nhưng khi chơi với em trai và lũ bạn trai nghịch ngợm, búp bê cũng trở thành lính tráng để hành quân theo xe tăng nhựa, máy bay nhựa. Chị thích thú được chia sẻ nhiều trò vui nhộn của bọn con trai một cách bình đẳng. Hầu như không ai nhớ rằng chị là con gái. Và cũng chính vì thế, rõ ràng chị không được chuẩn bị để bước vào tuổi dậy thì, làm một thiếu nữ.
Chị không sao quên được năm mười lăm tuổi. Cha đưa hai chị em về quê thăm dì. Dọc đường, cha và em cười cười nói nói rất vui. Riêng chị quá bối rối, cứ gượng cười mãi rồi cũng đành phải bật khóc. Ngay sau đó, chị mau chóng tự chủ, nói rằng chẳng có gì đâu để cậu em khỏi tò mò hỏi han, tìm hiểu. Tuy nhiên, qua ánh mắt cha nhìn, chị biết cha không tin. Nhưng cha chỉ im lặng.
Cha liền dừng xe, tìm một nhà trọ. Cậu em được cha giúi cho mấy đồng để chạy đi mua chai nước ngọt khoái khẩu nhâm nhi với bịch khoai tây chiên giòn. Chỉ còn hai cha con trong phòng, cha hỏi tại sao lúc nãy khóc. “Con chảy máu.” Rồi chị bật òa lên cho đã.
Cha dịu dàng ôm lấy chị, chẳng nói gì. Bàn tay chai sạn thô ráp của cha cứ nhè nhẹ vuốt tóc chị, vuốt bờ vai chị. Tự dưng chị thấy mình được an ủi. Khi chị thôi khóc, cha để chị lại trong phòng, khóa chặt cửa, và đi vội ra ngoài tìm mua những thứ cần thiết. Chị đã giã từ thời thơ ấu của mình như thế, và cha hôm ấy đã thật sự trọn vẹn làm mẹ.
Suốt đời chị thấm thía tình thương bao la cha dành cho mình. Không hiểu cha học ở đâu thuật làm mẹ mà cha luôn luôn có thể giúp chị rất nhiều những khi con gái gặp khó khăn.
Zelda Fitzgerald (nữ sĩ Mỹ, 1900-1948) bảo: “Ngay cả các nhà thơ, chưa từng một ai đo lường được xem trái tim có sức chứa bao nhiêu.([5])
Đúng quá, làm sao chị đo được con tim thương yêu của cha không bến không bờ. ([6])
6. DI VẬT
Cha cô không phải người thích biểu lộ tình cảm. Khi cô còn bé, cha không hay trầm trồ những việc cô làm giỏi. Nhưng cô biết cha thương mình, theo cách của cha.
Cô vẫn đinh ninh cha mẹ sống hạnh phúc. Cho đến ngày sắp tròn mười sáu tuổi, cô thấy cha đi làm về và tự giam mình trong phòng riêng. Cả nhà lặng lẽ đến nặng nề. Mẹ khóc, bảo mấy chị em rằng cha sắp bỏ đi. Cô chết điếng. Chưa bao giờ cô nghĩ sẽ có ngày này. Nhưng đã là sự thật.
Cái đêm trước ngày cha bỏ đi, cô thức suốt, cầu nguyện, và khóc. Rồi cô viết cho cha một thư dài. Con thương cha lắm. Con sẽ nhớ cha lắm… Những gì không nói ra được với cha thì cô trút cạn vào trang giấy nhòe nhoẹt nước mắt. Xếp thư lại, cô kẹp vào đó tấm ảnh của mình. Trên mặt sau tấm ảnh cô chép lại câu nói đã tình cờ đọc được ở đâu đó: Ai cũng làm cha được hết. Nhưng phải có một người đặc biệt để gọi là cha. Rồi cô tìm cách lén nhét thư vào hành lý của người đàn ông sắp bước ra khỏi gia đình.
Hai tuần cha bỏ đi biệt tăm biệt tích. Hai tuần cảnh nhà chìm trong tang tóc.
Một buổi trưa cô tan trường về, bắt gặp mẹ ngồi khóc. Lúc sáng cha ghé qua, xin với mẹ quay lại. Cha cho mẹ biết cô đã viết thư cho cha. Cha khóc nhiều và suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định gọi điện xin gặp mẹ.
Vài ngày sau cha dọn về. Không ai nhắc gì chuyện cũ. Cũng không ai đả động tới lá thư của cô. Mười mấy năm bình lặng trôi qua.
Sau khi cha qua đời vì bệnh tim, mẹ và các em cô sắp xếp lại đồ đạc của cha. Hôm ấy cô có việc bận, không thể ở nhà phụ giúp thu dọn các thứ. Khi cô trở về, cậu em nói: “Mẹ bảo chị giữ cái này.”

Cô mở cái hộp nhỏ cũ kỹ. Tấm ảnh và lá thư năm xưa.([7])
HUỆ KHẢI



([1]) Phỏng theo Beverly Hulsizer.
([2]) Phỏng theo Lee Kennedy.
([3]) Phỏng theo Barbara Jeanne Fisher.
([4]) Phỏng theo Carol Darnell.
([5]) Nobody has ever measured, not even poets, how much the heart can hold.
([6]) Phỏng theo Barbara E. C. Goodrich.
([7]) Phỏng theo Kristi Powers.