Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / KINH SÁCH MỚI IN

Image result for BOOKS

KINH SÁCH MỚI IN

“… mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện.” Đức GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO
Vạn Quốc Tự, Sài Gòn, 15-11 Ất Tỵ (07-12-1965)
Sách mới ấn tống Quý Hai năm 2017:


30-9. KINH SÁM HỐI MINH HỌA (in 3.000 quyển) – Do Chơn linh ĐH THUẬN NHỰT QUANG và các đạo hữu TRẦN NGỌC TUẤN, LÂM THỊ MAI TRINH, LÝ QUÍ NHÂN, LÝ QUÍ TRUNG, LÝ PHƯƠNG DUNG, LÝ PHƯƠNG TRANG, NGUYỄN THỊ HAI, LÊ THỊ BẠCH YẾN, VÕ THỊ CÚC, NGUYỄN VĂN NGHĨA, TẠ THỊ VUI, LÊ QUANG HỒNG, TRẦN THỊ DIỆU HIỀN, TRƯƠNG KIM HỒNG chung tay công quả 33.000.000 đồng.


105-1. SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO (Huệ Khải, in 2.500 quyển) – Do CHƠN LINH TOÀN GIA cố hiền tỷ HUỲNH THỊ DƯNG, môn sanh Chiếu Minh Long Vân Đàn (Mỹ Tho), công quả 27.000.000 đồng (trích đợt 111).


106-1. MỎNG MẢNH TƠ TRỜI (Huệ Khải, in 2.000 quyển) – Do hiền huynh THANH TÂM, môn sanh Chiếu Minh Long Vân Đàn, công quả 15.500.000 đồng (trích đợt 90).


ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN (Hiệp tuyển). Tập Lợi (23) – Quý Ba năm 2017, ấn tống 2.000 quyển, do công quả 22.061.000 đồng của quý huynh tỷ phương danh như sau:
1. TRẦN NGỌC HƯỜNG (TT Calgary): Calgary, Alberta, Canada). Công quả CAN$100 (gởi đợt 113), ngày 20-7-2016 đổi được 1,677,000VNĐ.
1,677,000
2. Gia đình ĐTr HIỆP NHƠN TÂM (TTi Thanh Tịnh Đàn): Gởi đợt 112, 116, 121.
3,400,000
3. HUỲNH THỊ THỦY: An Khánh, Châu Thành, Bến Tre. Hồi hướng thân phụ (ĐH Huỳnh Văn A). Gởi đợt 116.
1,000,000
4. Giác linh ĐT LÊ THỊ YÊN (TTi Trước Mai, HTCĐ Tiên Thiên): Gởi đợt 117.
5,000,000
5. NGUYỄN HỒNG TỪ PHƯỚC (TT Thành Tâm Đàn, HT Minh Chơn Đạo): Kinh Xáng, Phụng Hiệp, Khóm 1, P Tân Thành, Cà Mau. Hồi hướng giác linh ĐH Nguyễn Văn Mới, giác linh ĐT Võ Thị Quán, giác linh Lễ Sanh Thái Bang Thanh (Nguyễn An Bang). Gởi đợt 113, 117, 120, 123.
2,000,000
6. ĐT PHƯỢNG (TTVV Huỳnh Quang Sắc): Gởi đợt 117.
1,000,000
7. NGUYỄN MINH LIÊN HOA (TT Úc Châu): Đợt 122. AU$ 100 = 1,710,000VNĐ
1,710,000
8. KIM Y (TT Úc Châu): Gởi đợt 122.
1,000,000
9. Giáo Hữu THƯỢNG CÔNG THANH (TT Trung Hiền, HT Truyền Giáo CĐ): Hồi hướng giác linh thân mẫu (ĐT Trần Thị Y). Gởi đợt 122.
3,000,000
10. HẠNH HOA (Mỹ): Gởi đợt 122. US$100 = 2,274,000 VNĐ
2,274,000

___________

ĐĐVU 23 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

* Hiền hữu Sử Kiến Nguyên (sukiennguyen...@gmail.com). Điện thư ngày 13-01-2017:
Câu thánh thi “Cùng nhau một đạo tức một Cha” có chỗ viết “Cùng nhau một đạo tức cùng Cha”. Đại Đạo Văn Uyển cho tôi hỏi câu nào chính xác?
Ban Ấn Tống: Theo luật thơ thất ngôn tứ tuyệt, luật Trắc vần Bằng, thì bài thơ gieo vần như sau:
O T O B O T B
O B O T O B B
O B O T O B T
O T O B O T B
Chữ O có thể là thanh Bằng (B) hay thanh Trắc (T). Quy tắc: Các chữ thứ nhất, ba, năm có thể B hay T đều được (nhất tam ngũ bất luận); nhưng các chữ còn lại phải theo đúng như kể trên (nhị tứ lục phân minh).
Về bài thơ của Đức Minh Nguyệt Tiên Ông ban cho các vị tiền khai Cao-Phạm ở Sài Gòn ngày Thứ Bảy 19-12-1925, mặc dù xưa nay câu hai có dị bản là một cha” (T B), nhưng có lẽ chúng ta nên căn cứ theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển thứ Nhứt, bản in năm 1964 của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (trang 8), viết là cùng Cha” (B B) cho đúng luật thơ:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Ðạo tức cùng Cha
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
*
* Hiền hữu Trần Thanh Tạo (thanhtao...@gmail.com). Điện thư ngày 10-4-2017:
Đạo đệ là Trần Thanh Tạo, hiện đang là chức việc trong Ban Đại Diện Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại tỉnh Quảng Nam. Được Ban Đại Diện cho phép, đệ kính xin Ban Ấn Tống hộ trợ đạo sự như sau:
Ban Đại Diện Hội Thánh tại Quảng Nam có mở Quầy Kinh Sách Cao Đài tại địa chỉ 138 Phan Bội Châu, Tam Kỳ Quảng Nam (mặt tiền góc ngã tư Phan Bội Châu và Trưng Nữ Vương, trong khuôn viên thánh đường Quảng Nam). (Hình ảnh đính kèm.)
Quầy Kinh Sách này sẽ trưng bày, phát hành miễn phí kinh sách Cao Đài cho tất cả những người có nhu cầu nghiên cứu. Trong đó phần lớn là kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống xuất bản từ năm 2008 tới nay.
Hiện tại ở Tam Kỳ, một số đầu sách còn rất ít (vài cuốn) hoặc đã hết. Đệ kính nhờ Ban Ấn Tống cung cấp thêm các đầu sách Chương Trình Ấn Tống đang còn; trước mắt mỗi đầu sách cần khoảng mười cuốn, có danh sách gửi kèm theo thư này.
Đạo đệ xin chân thành cảm ơn Ban Ấn Tống. Kính thành cầu nguyện Thầy Mẹ cùng các Đấng thiêng liêng ban ân lành để quý huynh tỷ trong Ban Ấn Tống được mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến lâu bền cho nền Đại Đạo.
Ban Ấn Tống: Chào hiền hữu Trần Thanh Tạo. Cảm ơn hiền hữu đã gởi cho xem các ảnh chụp về Quầy Kinh Sách Cao Đài do Ban Đại Diện Hội Thánh Truyền Giáo thành lập tại tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi vui mừng lắm, và rất cảm kích tấm lòng quý chức sắc, chức việc, bổn đạo ở Tam Kỳ, Quảng Nam đã đồng thuận hợp sức gầy dựng một góc văn hóa đọc khang trang, xinh xắn như thế.
Chúng tôi có thể gởi sách về Tam Kỳ nhiều hơn số lượng hiền hữu yêu cầu. Từ tháng 4 này trở đi, mỗi đầu sách mới in gởi về Tam Kỳ sẽ tăng thêm số lượng, trong đó có riêng phần dành biếu Quầy Kinh Sách.
Khi sách mới in, còn ở nhà in, thì đóng thùng gởi xe lửa ra Tam Kỳ như bấy lâu nay là việc đơn giản. Nhưng với số sách cũ, nghĩa là sách đã chở về chỗ chúng tôi, thì xin vui lòng cho chúng tôi thời gian lựa sách và đóng thùng, rồi sẽ gởi ra Tam Kỳ dần dần, bởi lẽ với gần 130 đầu sách các loại đã in, việc đóng thùng không thể làm ngay một lúc.
Trong quá trình phát triển Quầy Kinh Sách, hiền hữu chớ do dự mỗi khi cần nhận thêm sách theo nhu cầu bạn đọc. Chúc hiền hữu an lạc. Chúc việc đạo hanh thông.
*
* Tu sĩ Lê Hoàng Nguyên (nhà tu Trí Huệ, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Tam Kỳ, Quảng Nam). Tin nhắn ngày 24-4-2017:
Chúng em rất cảm ơn Ban Ấn Tống đã quan tâm ủng hộ nhà tu Trí Huệ và giới thiệu chi tiết kèm với hình ảnh in trong Đại Đạo Văn Uyển tập Hanh (số 22). Cầu mong Ban Ấn Tống và Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thành tựu trên con đường phụng sự Đạo Thầy. Chúng em kính chào Ban Ấn Tống.
Ban Ấn Tống: Mến chào Lê hiền hữu, chúng tôi ở phương Nam rất ngưỡng mộ các huynh đệ miền Trung đã dõng mãnh hy sinh cuộc sống riêng tư để hiến dâng trọn cả tuổi xuân phơi phới cho lý tưởng Đại Đạo. Khi biết được những khó khăn của quý anh em tu sinh, tu sĩ ròng rã suốt mười năm qua, chúng tôi càng thêm bội phần nể trọng.
Ngày nay, nhà tu Trí Huệ đang có duyên lành xây dựng thánh sở khang trang, lòng chúng tôi vui lây bao nhiêu thì lại thêm tự thẹn bấy nhiêu, vì xét ra chưa có sự trợ giúp vật chất cụ thể nào để góp phần làm vợi bớt gánh nặng lo toan của các huynh đệ đất Tam Kỳ trong quá trình kiến tạo nhà tu nam phái đầu tiên của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Trước mắt, trong khả năng rất nhỏ bé, chúng tôi chỉ có thể đem thông tin về nhà tu Trí Huệ trao gởi đông đảo bổn đạo gần xa, với tâm nguyện mời gọi được các bậc Mạnh Thường Quân hào sảng cảm thông và nhiệt thành đóng góp tài lực để nhà tu mau chóng hoàn thành kiến trúc.
Chúng tôi sung sướng nhận ra quý anh em tu sinh, tu sĩ nhà tu Trí Huệ là những tâm hồn văn chương và rất có khiếu thơ văn. Ước mong rằng từ trải nghiệm cuộc sống nhà tu (và sau này sẽ là một dòng tu mang thánh danh một vị tiền khai tông đồ của Hội Thánh Truyền Giáo), quý anh em sẽ dành thời gian viết bài cộng tác với Văn Uyển, giúp những trang in này thêm hương sắc mỹ miều, tao nhã. Đó cũng là một công quả, công trình góp phần gây dựng diện mạo văn học, văn hóa Cao Đài mai hậu. Xin trân trọng.
*
* Hiền hữu Vũ Ngọc Khang (vungockhang@xxx). Điện thư ngày 02-5-2017:
Anh em cháu mới dựng được cho bố mẹ một mái nhà ngói ba gian. Phần xà nhà (gồm các kết cấu gỗ) chúng cháu mua lại của một ngôi nhà cổ. Ngôi nhà này có ghi là nhập trạch năm 1925. Trên hai xà gỗ có ghi hai câu bằng chữ Nho: Phú Quý Thọ Khang Ninh; Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh. Xin cho cháu hỏi hai câu này ý nghĩa là gì. Cháu xin cảm ơn.
Lê Anh Minh: Trong dân gian thường quan niệm về ngũ phúc 五福 (five blessings, five sources of happiness) là: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe), ninh (bình an). Cũng có thuyết giảng ngũ phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu), quý (sang), an lạc 安樂 (yên vui), tử tôn chúng đa 子孫眾多 (đông con cháu).
Ngũ phúc bắt nguồn từ thiên Hồng Phạm 洪範 của Thư Kinh 書經: Thọ (sống lâu), phú (giàu), khang ninh 康寧 (an mạnh), du hiếu đức 攸好德 (thích đạo đức), khảo chung mệnh 考終命 (chết an lành). Nguyên văn: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh, tứ viết du hiếu đức, ngũ viết khảo chung mệnh. 一曰壽, 二曰富, 三曰康寧, 四曰攸好德, 五曰考終命. (Một là thọ, hai là phú, ba là khang ninh, bốn là du hiếu đức, năm là khảo chung mệnh.)
Ngũ phúc, dù cách giảng khác nhau, nhưng thường được dùng như lời ước nguyện: ngũ phúc lâm môn 五福臨門 (năm phúc vào cửa [nhà]). Người ta thường thể hiện lời ước nguyện ngũ phúc lâm môn qua một tấm hoành phi.
Người ta còn dùng hình ảnh biểu tượng là năm con dơi. Trong Hán ngữ, chữ phúc (hạnh phúc) và bức (con dơi) phát âm giống nhau là [fú] (đọc như “phủ” trong tiếng Việt). Tức là qua sự đồng âm, người ta lấy danh từ cụ thể (con dơi) để diễn đạt ý nghĩa trừu tượng (phúc).
Phú Quý Thọ Khang NinhCàn Nguyên Hanh Lợi Trinh không tạo thành câu đối, dù số chữ bằng nhau. Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh 乾元亨利貞, lấy từ quẻ Càn trong Kinh Dịch. Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là bốn đức tính của quẻ Càn, như lời giảng trong phần Văn Ngôn quẻ Càn:
“Nguyên là cái đứng đầu mọi điều thiện. Hanh là sự tập hợp mọi vẻ đẹp. Lợi là cái hòa theo điều nghĩa. Trinh là cốt cán của mọi việc. Quân tử thi hành điều nhân, đủ để đứng đầu mọi người; tập hợp mọi vẻ đẹp, đủ để hợp với lễ; làm lợi cho vạn vật, đủ để phụ họa theo điều nghĩa. Bền bỉ đủ để làm việc. Quân tử thực hành bốn đức này, nên gọi là nguyên, hanh, lợi, trinh.
Cụm từ “Nguyên Hanh Lợi Trinh” xuất hiện trong bảy quẻ: Kiền, Khôn, Truân, Lâm, Vô Vọng, Cách. Các nhà Dịch học hiểu bốn chữ này khác nhau. Trong Đại Đạo Văn Uyển tập Nguyên (số 5), năm 2013, tr. 83-95 tôi đã tuyển dịch phần giải thích và chứng minh khá dài của nhà Dịch học Cao Hanh (1900-1986). Bài này còn có thể xem tại: http://daidaovanuyen.blogspot.com/2016/02/vu-05-nguyen-hanh-loi-trinh-le-anh-minh.html.Tóm tắt ý nghĩa gốc của bốn chữ này theo lời giảng của Cao Hanh: “Nguyên là lớn; Hanh là dâng lễ vật cúng tế; Lợi là lợi ích; Trinh là bói.”
Tóm lại, “Phú Quý Thọ Khang Ninh” nghĩa là giàu, sang, sống lâu, khỏe mạnh, yên ổn. “Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh” theo cách giảng trong Văn Ngôn quẻ Càn, thể hiện bốn đức tính của người quân tử. Bất cứ ai học tập được bốn đức tính này thì người đó hy vọng có thể hưởng “Phú Quý Thọ Khang Ninh”.
*
* Đạo hữu Lý Thị Tư. Điện thư ngày 12-5-2017:
Cháu là thành viên ban nghi lễ tại họ đạo, thường tham gia cúng trong các đám tang. Cháu nhận thấy (chẳng biết có sai lầm hay không) là có nhiều đám làm hỏa táng, đưa quan tài đi thiêu, thế nhưng lúc đọc kinh lại luôn đọc bài kinh hạ huyệt dành cho trường hợp chôn cất (thổ táng). Ơn Trên ngày xưa có ban truyền bài kinh nào dùng cho trường hợp hỏa táng không? Kính nhờ Văn Uyển chỉ cho cháu biết. Cháu chân thành cảm ơn Ban Ấn Tống.
Huệ Khải: Chào đạo hữu. Ngày xưa đất rộng người thưa, thổ táng rất phổ biến. Trái lại, ngày nay nhiều gia đình thường chọn lựa hỏa táng. Đúng như đạo hữu nói, trong lễ bổn của nhiều Hội Thánh Cao Đài, hầu như thiếu bài kinh dành cho trường hợp hỏa táng. Tình cờ chúng tôi có được bài Kinh Hỏa Táng, do Hỏa Đức Tinh Quân ban cho. Không biết ban sơ bài kinh này do bộ phận thông công nào tiếp điển, tại đâu, ngày nào. Chỉ biết là bài Kinh Hỏa Táng này có trong một tập gồm nhiều kinh tụng của thánh thất Liên Hoa Cửu Cung (ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TpHCM).
KINH HỎA TÁNG
(Giọng Nam Ai)
Thôi kiếp sống giờ đây đứt đoạn
Mảnh hình hài ngoan ngoãn nằm yên
Tinh nhanh, linh hoạt không phiền
Hồn về Cực Lạc, xác liền bỏ xa
Nhớ lúc sống thật thà hiếu đạo
Nay thác rồi bước dạo thung dung
Ma ha thánh thủy tiếp cùng
Tiễn đưa xác tục về vùng thiêng liêng
Xin định tâm như thiền tinh tấn
Phách biến hình như tánh vượt tu
Lưu truyền tôn tử nghìn thu
Con đường đạo đức giải thù từ đây
Đừng than khóc, đừng ngây thương nhớ
Đặng vượt lên khỏi trở lại trần
Vướng chân vì mối tình thân
Gắng cho thoát xác đôi phân vắng hình
Châm ngọn lửa thâm tình dâng trọn
Nguyện hương hồn lánh chốn Phong Đô
Nương mây thoát kiếp mơ hồ
Tìm về Tiên cảnh điểm tô linh hồn
Hỡi hồn phách tinh khôn thăng tiến
Hội giác linh diện kiến bên Thầy
Xác phàm thối rữa không may
Nay nhờ ngọn lửa tan ngay mảnh hình
Trong phút chốc xác thành tro bụi
Theo liên thần hồn tựa lần lên
Âm dương cách trở đôi bên
Tiễn người thác trước không nên lụy sầu.
(Tụng kinh này xong rồi tụng tiếp Vãng Sanh Thần Chú.)

*

ĐĐVU 23 / THƠ VÕ VĂN PHO

Image result for BẾN ĐÒ
BẾN XƯA
đêm nằm
nhớ quá bến sông
thương con sóng vỗ
nỗi lòng mùa xưa.
bao sớm nắng
bao chiều mưa
bao lần trễ chuyến đò trưa
ai chờ.
ai ngồi thủ thỉ bâng quơ
đố ai con nước lững lờ
về đâu.
sao trầu không bén duyên cau
để vôi quánh cục
dãi dầu đắng cay.
để rồi nợ một vòng tay
mắt rơm rớm khóc
bến ngày ra đi.

GỞI CON
Ba không buồn, chỉ hơi lo lo
con của ba có cái gì khang khác
mang đôi dép cũ mèm
áo quần lắm khi nhếch nhác
tuổi thanh xuân
mà phong cách cụ già
không đi làm
thì quanh quẩn trong nhà
nghe nhạc Trịnh
đọc thơ Bùi Giáng
triết học văn chương
ngẫm suy hoài không chán
khắc khoải trái tim trong sáng đâu rồi?
yêu quý chân thành
nên ghét thói đãi bôi
những hào nhoáng rẻ tiền giả dối
sống lặng lẽ
mặc ai thành con rối
tấn trò đời thiên hạ múa may.
Nên hư sao thể giải bày
mênh mông cuộc sống vần xoay nỗi đời.

VÕ VĂN PHO

ĐĐVU 23 / THƠ ĐỖ THỊ KẾT

Image result for Tây Nguyên

GỢI NHỚ TÂY NGUYÊN
Tắc… kè… tắc… kè!
Tôi đã nghe
Âm thanh trở thành nỗi nhớ
Nhớ vùng đất đỏ Tây Nguyên
Nhớ cơn mưa đầu hạ
Nhớ bạt ngàn cà phê xanh ngắt lá
Trập trùng tít tắp những rừng tiêu
Nam-Ngãi-Phú-Bình gần gũi biết bao nhiêu
Trung Hòa,Trung Phước An, Trung Điền
Hành trình cháu con tiếp bước
Ngưỡng vọng, kính yêu lớp người đi trước
Phá thạch, khai sơn để lại muôn đời
Bản lĩnh, đức tin chiếu tỏa ngời ngời
Giữ Đạo, thờ Thầy, tuân y chánh pháp
Dày dạn nắng mưa nhưng lòng ấm áp
Hướng cội nguồn - báo đáp, tri ân
Vất vả đường xa sao vẫn thấy gần
Sức mạnh ấy, bao niềm mơ ước ấy
Tây Nguyên trọn lành ân phước Kỳ Ba.
Nỗi nhớ mênh mang
Đắc Lắc, Trung Hòa,
Trung Phước An, Trung Điền
Ngàn hoa nở rộ
Công cuộc xiển dương trong ơn cứu độ.
Tháng 4 Đinh Dậu (2017)

TÌM VỀ YÊN TỬ NON THIÊNG
Giã từ điện ngọc lầu son
Một lòng hướng Phật lên non tu hành
Trúc Lâm thiền phái lập thành
Danh sơn Yên Tử sử xanh Phật Hoàng
Văn hóa Đại Việt rỡ ràng
Hơn tám thế kỷ, kho tàng còn đây
Đỉnh thiêng cao vút tầng mây
Ngẩn ngơ chiêm ngưỡng chốn này, năm xưa
Chí tâm tả mấy cho vừa
Hoằng dương Phật pháp, tháp chùa dựng xây
Kiến trúc, nghệ thuật hiển bày
Tư tưởng vô giá ngàn sau trường tồn
Khí thiêng sông núi mãi còn
Đại ngàn hùng vĩ tâm hồn an nhiên
Tưởng rằng đây chốn thần tiên
Bồng bềnh mây nổi dáng nghiêng nghiêng chào
Bạch vân gọi gió lao xao
Trúc rừng tao nhã thanh cao vươn mình
Đường tùng sừng sững rộng thinh
Sum sê xanh tỏa khí linh đất trời
Non thiêng Yên Tử gọi mời
Cõi miền an tịnh ai ơi tìm về.

VĨNH LỘC QUÊ EM
Tôi đã về Vĩnh Lộc quê em
Thăm di tích nhà Hồ, tòa thành bằng đá
Đất An Tôn vùng quê Thanh Hóa
Mã, Bưởi đôi dòng sông nước bao quanh
Tôi đã xem hình ảnh La Thành
Chiến lũy tre gai giữ làng giữ nước…
Nét độc nhất nơi đây có được
Kiến trúc tòa thành vững chãi quy mô
Còn vẹn nguyên các khối đá khổng lồ
Những phiến đá đến hai mươi tấn
Xếp chồng nhau chẳng chất kết dính nào
Thật ngỡ ngàng, thành cổ Tây Đô
Công trình dựng xây chỉ trong ba tháng
Hơn sáu trăm năm, nay thành di sản
Đâu chỉ Việt Nam, thế giới bảo tồn
Vĩnh Lộc quê em sức sống tâm hồn
Nơi phát tích mười hai đời Chúa Trịnh
Những tướng quốc lẫy lừng
Mặc khách, thi nhân...
Để lại cho đời bài học, nhận chân
Trông xa nhìn gần, nhân tâm quy tụ…
Vĩnh Lộc quê em
Còn bao kỳ thú.

CHỊ TÔI
Mười sáu tuổi chị lấy chồng
Tôi chào đời năm sau đó
Gần tám mươi, tâm trí còn in rõ
Mưa nắng cuộc đời chị thường kể tôi nghe
Ngùi ngùi đôi mắt đỏ hoe
Giá như mình còn mẹ
Biết mẹ sẽ nghĩ gì
Mẹ nói thế nào
Thôi, kệ, con ơi!
Bao hụt hẫng chơi vơi
Cháu con chừ đâu hiểu được
Người sau, người trước
Sao vẹn nghĩa tình
Mong được cho ai
Đâu nghĩ riêng mình
Ơn Trời cho khỏe mạnh
Buồn vui ấm lạnh
Duyên phận kiếp người
Lại nhớ mắt mẹ cười
Thôi, kệ, con ơi!
ĐỖ THỊ KẾT



ĐĐVU 23 / THƠ TRẦN DÃ SƠN

Image result for SUFFERING

CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI
Hỏi rằng xưa ở nơi đâu
Thưa từ tiếng khóc bưng đầu mà ra
Dãi dầu gió táp mưa sa
Nghìn trùng cách trở quê nhà khôn nguôi
Tưởng là cõi tạm mà thôi
Ai ngờ bám rễ đâm chồi nơi đây
Từ thân nhập cuộc lưu đày
Huyễn du môt giấc mộng dài xanh rêu
Giữa dòng nước chảy lêu bêu
Cánh chuồn mỏng mảnh cuốn theo bụi trần
Tiếng chày gõ vỡ phàm tâm
Nửa đêm thoang thoảng mùi trầm hương bay
Xin chào nhau giữa cõi này
Chào nhau qua những tháng ngày rỗng rang
Một đời đã lỡ đa mang
Kiếp căn sao khéo buộc ràng khéo trao
Ừ thôi đất trích chiêm bao
Gặp nhau ngần ấy lẽ nào không duyên
Bây giờ đã bén mùi thiền
Xin cho giữ vẹn lời nguyền buổi xưa.

VỌNG
Tặng Trương Văn Hùng
Ta nằm mộng dưới trăng vàng
Buồn theo con nước gọi ngàn cõi xưa
Đêm nay hồ dễ trời mưa
Biển vang lời sóng len qua ngỏ hồn
Ta nghe năm tháng hao mòn
Đục xương da lạnh cội nguồn nhân gian
Ta nằm mộng dưới trăng vàng
Biển dâng triều dậy đêm tràn ý thu
Vẳng lời biển gọi thâm u
Gối đầu trên cát nhớ từ cổ sơ
Vẫn yêu biển chẳng bến bờ
Để nghe ấm những mùa chờ đợi nhau
Ta về đẩy mộng lên cao
Dòng thời gian rụng điệu rao đón mời
Hẹn bao nhiêu kiếp luân hồi
Ngày bao nhiêu đấy sao người lãng quên
Bây giờ biển vẫn lặng yên
Hàng dương rũ lá vàng trên cát gầy
Bây giờ lạnh xuống nơi nầy
Tần ngần thoáng bụi mù bay khắp trời
Van em giấu tuổi rong chơi
Van em ngõ hạnh tiếng cười hư linh
Biển khuya thương sóng trở mình
Sầu xanh rêu đã vây quanh chỗ nằm.

XIN
Ta về nhớ mùa xưa cũ
Tháng Ba nắng ngập khoang thuyền
Tóc ai thoảng hương bồ kết
Buồn chi nón lá nghiêng nghiêng
Mùa Thu heo may chưa tới
Đã nghe hơi thở nồng nàn
Phả vào hồn thơ vời vợi
Ta về mắt biếc mang mang
Ừ thôi mẹ không còn nữa
Ừ thôi chị cũng đã già
Chị xưa như màu áo lụa
Mẹ xưa như nắng nhạt nhòa
Còn đây giữa dòng quên lãng
Tay buông chưa hết muộn phiền
Tim ta rụng từng năm tháng
Biết ai còn nhớ hay quên
Thời gian rình mò tuổi tác
Xin đời cơm áo đừng trêu
Bỗng thèm một lời an ủi
Một lần thôi cũng đủ nhiều
Lặng im nghe con gió thổi
Ngoài hiên rớt giọt mưa mau
Lạy Trời xin đừng giông bão
Để người tìm đến với nhau
Xin cho trọn lời nguyện ước
Thơ là hơi thở quê hương
Thơ là một dòng suối mát
Ru ai giữa cõi vô thường.
2017

SAY
Hỏi bao nhiêu tuổi?
Đáp: Già rồi!
Sao vẫn còn say vẫn rong chơi?
Thưa tự lâu rồi vô lượng kiếp
Vì yêu Thơ-Đạo nên thế thôi.
Nhớ thuở hàn vi ở quê nhà
Trải chiếu ngoài sân ngắm trời xa
Sóng nước Trường Giang vờn chân tóc
Thấy trăng mà ngỡ chén quan hà.
Lớn lên say khướt ngủ dưới sương
Tưởng ngủ bên ai hương tóc vương
Lúc tỉnh thấy mình như hơi thở
Thấy đời ấm lạnh nhớ cố hương.
Ừ ta còn say ta còn vui
Rứa đó cười chê cũng mặc người
Lận đận bên trời thân cát bụi
Thà say hơn tỉnh lại hổ ngươi.
Uống đi, nầy chén của thơ văn
Chén của sinh ly, chén vĩnh hằng
Bạn chọn chén nào tùy ý bạn
Có say ta đâu dám cản ngăn.
Riêng chén Đạo-Thơ ta chọn rồi
Đã uống từ khi còn nằm nôi
Mẹ hát ru ta vào giấc ngủ
Một trời yên tĩnh - một đời thôi.
23-5-2017

MỜI
Giấy đây mời bạn đề thơ
Dẫu lòng mỏng mảnh như tờ lá non
Thôi đừng tính chuyện dại khôn
Để mai kẻ mất người còn không đau
Thuyền đây mời bạn xuống mau
Qua sông sơm sớm sợ sau nước ròng
Kể chi đến chuyện nhớ mong
Nhớ đi không được mà trông khó về
Trời chiều khói tỏa che quê
Buồn lên mấy dặm sơn khê nữa rồi
Lênh đênh bến đỗ xa xôi
Trễ đò bạn lại trách thôi, ích gỉ.

GÕ CỬA
Ta về gõ cửa mùa Thu
Lắng nghe sương lạnh hát ru bụi vàng
Nghe trời đất rộng thênh thang
Nắng chiều nhớ sóng trường giang nữa rồi
Áo xưa khép mở buồn vui
Sông xưa bến cũ ngùi ngùi khói mây
Ta còn đây người còn đây
Chút duyên hội ngộ mai này còn không
Hai ta vào chốn bụi hồng
Mà thương đôi mắt lưng tròng trắng đen
Nhịp đời nặng nhẹ đã quen
Biết ai gạn đục lóng phèn chờ nhau
Ta về gõ cửa mai sau
Mùa Thu vàng cả hương màu thời gian
Và thơ vàng dấu địa đàng
Chừng như trăng cũng vàng sang dặm trường
Người vui với gió bốn phương
Lòng ta mải dõi theo đường hằng sinh
Bao giờ nhập cuộc đăng trình
Về quê mình lại thấy mình không không.
TRẦN DÃ SƠN
Krông Păk, Thu 2017