Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

THAY LỜI BẠT / Ngọn Nến Phúc Linh

 


THAY LỜI BẠT

HUỆ KHẢI

1.

Có chăng một dòng văn học Cao Đài?

Quý đạo hữu từng theo dõi hành trình của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo ắt không lạ với câu hỏi này.

Tôi đã hỏi như thế, và hỏi tức là đã trả lời.

Không phải trả lời bằng một chữ “có” khô khốc, gọn lỏn, mà bằng các tập văn, thơ của những người con áo trắng. Những tập thơ, văn ấy hiện diện rải rác trong số gần một trăm sáu mươi đầu sách ấn tống và những bài lẻ trong số bốn mươi hai tập Đại Đạo Văn Uyển (sau này là Đạo Uyển).

Tôi đã tin và đã chia sẻ niềm tin ấy cùng đạo chúng. Trải qua mười sáu năm lăn lóc cuộc chơi chữ nghĩa trên hành trình ấn tống, ngoài kinh điển, bên cạnh thánh ngôn thánh giáo Kỳ Ba, tôi vẫn đau đáu ngóng trông đón nhận thêm những sáng tác văn thơ từ đạo hữu áo trắng gần xa, để từng chút từng chút một, như kẻ nhẫn nại góp cát nhặt sỏi hầu gầy dựng con đường văn học Cao Đài.

Cái lòng đau đáu ấy, như một ngọn lửa âm ỉ. Nó không thể tắt trong tôi. Mà tắt làm sao được khi nó luôn chực chờ một hơi gió nhẹ thoảng qua là bùng phát.

Và hôm nay nó đã bùng phát, khi Phạm Văn Liêm (nhà thơ Chim Quyên) chuyển tới tôi tập bản thảo NGỌN NẾN PHÚC LINH gồm các tản văn và truyện ngắn của Như Hạnh một cô giáo mới rời bục giảng, một nữ môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.

2.

Tôi chưa từng gặp Như Hạnh, chưa từng trò chuyện, nhưng hề chi một khi đã bắt được nhịp điệu giao cảm qua từng trang bản thảo.

Dường như ưu thế của Như Hạnh là các tản văn không gò bó ý tứ, ghi lại những cảm nghĩ của người viết một cách nhẹ nhàng, phiêu lãng. Bên cạnh đó là vài mẩu chuyện ngăn ngắn không có gì gay cấn, không có chỗ buộc hay nút thắt, chẳng cần dụng tâm đẩy lên tới cao trào rồi sẽ tháo gỡ sao cho có hậu, có “happy end”. Nói khác đi, truyện mà có vẻ không phải là truyện; nó nhè nhẹ để gởi gắm một chút ý Đạo phảng phất như hương trầm thoang thoảng xa xa. Mà như thế là vừa vặn, không khiến ai phải khó chịu vì cái mùi thơm gắt, nồng nàn quá.

Được biết Như Hạnh là bút danh của Lê Thị Như Hạnh, thạc sĩ Văn Học, nguyên tổ trưởng Tổ Ngữ Văn trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh, Đà Nẵng; có cộng tác báo chí địa phương và trung ương.

Viết từ 09-3-2024 và xong ngày 27-7-2024, từng áng văn trong Ngọn Nến Phúc Linh dạt dào cảm xúc của một trái tim đã trải qua những ngày những tháng mở lòng tìm đến một dòng chảy tâm linh rất riêng của nước Nam, để mà rung động theo xiết bao trang sử bi tráng của Đạo nhà trên dải đất miền Trung, và để được thẩm thấu cái ấm áp đời thường giữa đàn con áo trắng mộc mạc, chơn chất mỗi khi gần gũi.

Tất cả những thực nghiệm ấy âm thầm kết thành duyên phước để rồi ngày 01-4 Giáp Thìn (2024) có người con gõ cửa Cao Đài, hạnh phúc trở về Nhà Cha, sống lại với Cha. Bởi thế, Ngọn Nến Phúc Linh là của lễ dâng lên Thầy, tạ ơn Thầy dắt soi dìu dẫn một nẻo về để đứa con ấy được nương bóng vĩnh hằng, một lần và mãi mãi.

3.

Và như thế, giờ đây Tủ Sách Văn Học Đại Đạo lại có thêm một quyển mới, của Như Hạnh.

Bút lực và cảm hứng đang dồi dào, Như Hạnh còn nhiều cơ duyên gởi đến đạo chúng Kỳ Ba các sáng tác khác. Tin như vậy, tôi chúc nguyện Như Hạnh được tựu thành như vậy.

Đường đi ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Đài cao chín tầng khởi nguyên từ một hòn đất nhỏ. Đó là lời Lão Quân. Vậy, xin hãy cùng vui với dòng văn học Cao Đài đang còn manh mỏng, biết trân trọng nó, mở lòng ra mà hân thưởng và chăm chút, dưỡng nuôi nó.

Rồi bông trái sẽ trĩu cành, sắc hương sẽ thắm đượm, và gió lành sẽ chở chuyên tất cả để lan tỏa mười phương ta bà thế giới.

A Di Đà Phật.

Nhiêu Lộc, 01-9-2024

HUỆ KHẢI