Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

12 GIEO DUYÊN LÀNH NƠI ĐẤT DỮ / Ngọn Nến Phúc Linh

GIEO DUYÊN LÀNH NƠI ĐẤT DỮ

NHƯ HẠNH

Giữa hè, trời bỗng đổ mưa rả rích cả ngày đêm. Cây cối hân hoan ngửa mặt đón những giọt nước mát lành từ trời cao rơi xuống. Tôi ngồi bên cửa sổ mưa bay, nghe đoạn ghi âm của người bạn đạo vừa gởi đến. Trong thanh âm thì thầm của cơn mưa trái mùa, câu chuyện một thời tu và giữ đạo nơi miền đất đỏ bazan bỗng hóa thành cổ tích.

Người đàn ông trong đoạn ghi âm có tên là Trần Công Đạo, quê ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; hiện sống tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk. Ông từ tốn kể: “Ngày trước, người dân ở đây vẫn gọi chúng tôi là dân kinh tế mới để phân biệt với dân khai canh lập ấp từ thời chính quyền Ngô Đình Diệm (1959). Từ năm 1976 trở về sau, người Quảng ồ ạt di cư vào Đăk Lăk để phát triển kinh tế theo chủ trương của Nhà Nước lúc bấy giờ. Họ rời quê hương, xứ đạo để mưu sinh bằng hai bàn tay trắng với tấm lòng nhớ quê da diết. Để rồi gần bốn mươi năm sau, một tòa Tam Đài đạo pháp mọc lên giữa lòng phố núi, ngân nga tiếng chuông Bạch Ngọc mỗi ngày để thức tỉnh tình yêu thương những đứa con tha hương nơi miền đất đỏ.”

Hồi đó ai nghe tới cái tên Ea Súp cũng đều hoảng sợ bởi đó là chốn rừng núi bạt ngàn lam sơn chướng khí, giáp ranh với biên giới Campuchia, cách trung tâm Buôn Ma Thuột cả trăm cây số. Những người dân Quảng Nam từ Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An, Thăng Bình ... như những hạt bồ công anh theo gió bay lên vùng trời cao nguyên rồi tình cờ đậu xuống một mảnh đất nào đó để nảy mầm, bén rễ. Gia đình ông Đạo ban đầu theo tổ chức của đoàn đi kinh tế mới đến vùng đất hoang hóa đầy khó khăn này. Sau thấy không thể trụ được lâu nên quyết định chuyển xuống Buôn Hồ khai phá rừng hoang để trồng cây công nghiệp. Dù ở xa quê, sống cuộc đời di dân nơi rừng núi, gia đình ông vẫn giữ nếp của con nhà đạo, sớm hôm cầu kinh, ăn chay đúng bữa, đúng kỳ không hề xao nhãng.

Ngày đó những tín đồ Cao Đài rời xứ đạo quê mẹ ra đi mỗi người một phương đến vùng đất mới. Lại thêm rừng núi cách trở, kinh tế khó khăn, tìm được người đồng đạo giữa miền cao nguyên đất đỏ bạt ngàn quả là khó như mò kim đáy bể. “Nhưng trên đời này lại luôn tồn tại một chữ duyên.” Giọng ông Đạo nhẹ nhàng như hạt mưa rơi trên chiếc lá.

Tôi đoán là khi nói câu này, môi ông đã nở một nụ cười an lạc. Dường như Ơn Trên đã đưa đẩy những đứa con xa xứ lại gần nhau để nương tựa trong tình yêu của Thánh ý. Cuộc gặp gỡ tình cờ bên bìa rừng Phước An năm ấy đã đưa ông trở về với mái nhà chung của Đấng Cha Lành nơi đất khách quê người.

Ông Đạo quay nhìn mảnh đất bìa rừng mình vừa phát xong buổi sáng. Cả một khoảnh rừng tự nhiên với nhiều tầng cây từ sao, chò, bằng lăng, đến tre, le ... dưới cùng là cỏ tranh và bụi dây leo đã bị đốn ngã, chỉ còn lại những gốc cây nham nhở. Mặt trời lên cao, ánh nắng gay gắt khiến mồ hôi tứa ra dầm dề ướt đẫm chiếc áo lao động bạc màu. Ông đang loay hoay tìm chỗ nghỉ ăn trưa thì có tiếng người từ xa nói vọng tới xin ngụm nước uống. Nghe giọng, ông biết là người xứ Quảng quê mình nên trong lòng mừng lắm, liền với tay lấy can nhựa đựng nước chè treo trên nhánh cây ra mời. Tha hương ngộ cố tri; ông lân la làm quen và biết người đồng hương này tên là Lê Văn Bửu, quê ở Điện Bàn.

Nhìn cà mèn cơm và thức ăn gồm mấy món rau củ thuần chay của người mời nước, ông Bửu ngạc nhiên buột miệng hỏi: “Răng bữa ni mô phải rằm, mồng một chi mà lại ăn chay rứa hè?” Đáp lại lời người đồng hương mới gặp, ông Đạo thủng thẳng cho biết, gia đình mình ăn chay tháng sáu ngày. Hôm nay là mồng 8 âm lịch, nhằm ngày chay trong tháng nên không dùng cá thịt. Nghe tới đây, gương mặt ông Bửu sáng bừng lên, hỏi dò: “Tôi hỏi khí không phải thì anh bỏ quá cho; có phải anh theo đạo Cao Đài không? Vì chỉ có dân Cao Đài mới ăn chay ngày mồng 8.”

Được lời như mở tấm lòng. Cả hai người xa lạ bỗng phút chốc hóa thành thân quen bởi họ nhận ra nhau đều là con chung của Thầy Mẹ. Thiệt là duyên hạnh ngộ do Ơn Trên sắp xếp để bầy chim xa đàn tìm nhau cùng về nương tựa dưới tình yêu của Đấng thiêng liêng ...

Ngoài trời mưa vẫn rơi. Cơn mưa hiếm hoi sau những ngày hạ cháy bỏng đã thật sự rưới nhuần mặt đất, cỏ cây. Trong băng ghi âm, giọng ông Đạo thỉnh thoảng dừng lại nửa chừng, dường như sự hồi tưởng về ngày xưa tháng cũ đã làm ông xúc động.

Như những hạt phù sa từng ngày lắng đọng để trăm năm sau thành bãi bồi tươi tốt, ông Đạo và những người dân xứ Quảng cùng một đức tin dần tìm đến nhau giữa đất khách quê người. Cứ vài ba nhà gần nhau thì họp thành một nhóm đạo, ngày ngày gìn quy giữ giới, cầu kinh nhật tụng, chủ yếu giữ đạo trong lòng.

Những năm 80, 90 thế kỷ trước, việc lập bàn thờ Thầy nơi núi rừng xa xôi ấy chủ yếu là trong tâm mỗi tín đồ chứ làm gì có Thiên Nhãn. Một số đạo hữu tự vẽ Thiên Nhãn theo kiểu truyền thần bằng tất cả niềm tin hướng về Đức Thượng Đế Chí Tôn. Tuy chỉ đơn sơ mấy nét nhưng “hữu thành hữu cảm, hữu cảm hữu ứng”; nếu người có lòng chí thành thì sẽ cảm ứng đến các Đấng thiêng liêng, cho dù không hề có chức sắc đến làm lễ an vị Thánh tượng Thiên Nhãn. Về kinh sách, gia đình nào còn giữ được quyển Kinh Tận Độ (khổ 13x18 cm) do Hội Thánh ban hành năm 1956 thì được xem như bửu bối. Người nào thuộc kinh sách thì bày lại cho người khác kiểu truyền miệng ngàn đời của cha ông. Còn lại dường như tất cả trông chờ vào “quyển thánh giáo sống” là bác Luật Sự Hứa Thanh Cẩn. Đó là cách anh em đạo hữu mến gọi, vì ông thuộc lòng kinh sách và giảng giải những đạo lý sâu xa ẩn tàng trong các thánh ngôn, thánh giáo.

Những năm 80 thế kỷ trước, dân kinh tế mới tập trung sống ở vùng rừng núi xa xôi để khai hoang lập nghiệp. Đèn không đủ dầu thắp sáng hằng đêm thì nói chi đến những phương tiện xa xỉ khác. Cả xóm toàn dùng xe đạp cà tàng để về thị xã (ngày đó Đăk Lăk chưa lên thành phố) mua sắm dụng cụ lao động, thuốc men và những thứ cần thiết. Ông Đạo tiếp tục câu chuyện với giọng tha thiết, bùi ngùi:

“Mỗi lần bác Luật Sự Hứa Thanh Cẩn về xã đạo, chúng tôi mượn chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển, chở bác đi thăm nom đạo hữu các nơi đồng thời kết hợp nhen nhúm, mở thêm nhóm đạo, xã đạo mới. Vì bác tuổi đã cao lại thêm người rất gầy nên anh em phải dùng chiếc mền dạ cột vô ba-ga sau xe để giảm xóc do đường rừng lắm ổ gà, ổ voi. Mỗi chuyến đi của bác thường mất từ cả tuần đến mươi ngày trên một chặng đường rừng núi ước chừng gần cả trăm cây số. Hễ bác đến xã đạo nào là anh em nơi đó có trách nhiệm đưa bác đi làm đạo sự tại địa phương, sau đó chuyển tiếp bác đến xã đạo láng giềng bằng chiếc xe đạp thần kỳ.”

Đất đỏ bazan đi bằng xe đạp đâu có dễ dàng gì. Mưa thì bùn dính vô lốp, đi một đoạn ngắn phải dừng lại bẻ cây rừng nạy, gỡ. Nắng thì gió bụi mịt mù, nhiều khi cách tầm hai, ba mét cũng nhìn không thấy đường. Kỷ niệm buồn vui một thuở ấy đã được một đạo hữu ghi lại cảm xúc qua bài thơ Chạnh Lòng, đăng trong Kỷ Yếu Khánh Thành Thánh Thất Trung Hòa ấn hành năm 2015:

Những chiều mưa thân ướt

Bao trưa nắng mắt mờ

Tìm chiên đâu chưa thấy

Mắt Người buồn lơ thơ.

Như người chủ chăn đi tìm đàn chiên lạc lối giữa rừng sâu, Luật Sự Hứa Thanh Cẩn ngày đêm canh cánh nỗi lo đạo hữu vì quá vất vả mưu sinh mà quên lời minh thệ. Tấm thân gầy gò ấy chẳng quản đường xa diệu vợi, thời tiết thất thường, lặn lội rày đây mai đó với tâm trường của một người chức sắc thương Thầy mến Đạo.

Nghe câu chuyện hành đạo của con người đức tin dõng mãnh ấy, cụ Giáo Sư Ngọc Tín Thanh (về sau được ân phong phẩm vị Phối Sư), Chủ Trưởng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, cho người gởi mười nghìn đồng (khi đó rất có giá trị) lên nhóm đạo Ea Trul * tặng riêng “người chủ chiên” để lo việc gia đình. Ông Cẩn trích phần nhiều mua đèn pin cỡ lớn để dễ dàng đi hành đạo các nơi, bởi mắt ông kém. Khi ông Đạo đi kinh tế mới lên Ea Trul, nghe đồng đạo kể lại câu chuyện mà lòng xiết bao cảm mến con người tâm huyết với đức tin trong thời buổi đất nước còn lắm nỗi khó khăn.

Giờ thì đời sống đầy đủ, cơ sở hạ tầng khang trang, đường sá thuận tiện ... Năm 2015, ngôi Tam Đài của họ đạo Trung Hòa trang nghiêm hiện hữu giữa thành phố Buôn Ma Thuột trong niềm vui khôn tả của tín đồ. Đó không phải là nỗi mừng vui thông thường mà là một khải ca về tinh thần đồng tâm hiệp lực của toàn bổn đạo để xiển dương nền tân pháp Kỳ Ba, tỏ lòng đền đáp phần nào ơn cứu độ và đức háo sanh của Đấng Cha Lành. Trong niềm vui trọn vẹn ấy, không ai là không nhớ đến những người xưa với bước chân gầy gò đạp lên sỏi đá, băng ngàn lội suối đi kiếm tìm, thăm nom, kêu gọi đạo hữu cùng nhau quy tụ về dưới mái nhà chung.

Bước chân gầy guộc của người mang sứ mệnh ấy đã đi qua bao buôn làng, qua bao núi rừng đầy hoang thú chưa bao giờ biết mỏi mệt để thông báo tin lành đến với những đứa con lạc Thầy xa Mẹ trong những năm cơ Đạo ngả nghiêng. Nguyện ước duy nhất của Luật Sự Hứa Thanh Cẩn (về sau được ân phong phẩm vị Sĩ Tải) là được nhìn thấy tòa Tam Đài đạo pháp được dựng lên trên vùng đất đỏ bazan để đàn con sum vầy bên nhà Cha mà tu tập.

Tác giả bài thơ Chạnh Lòng đã rút ruột viết nên những câu chân tình tưởng nhớ người xưa:

Hôm nay bên thánh đường

Nhớ ngày xưa xuôi ngược

Ôi, lòng con chua xót

Buồn như chiều mây vương!

Hôm nay đi lễ Thầy

Ngôi thánh đường rạng rỡ

Người xưa sao không đợi

Để mừng qua cơn mơ? ...

Hãy còn đó đỉnh Chư Yang Sin (Cổng Vào Trời) cao lồng lộng sớm chiều mây phủ. Vẫn còn đây dòng Krông Ana (Sông Mẹ) miệt mài chảy qua bao xóm làng cao nguyên. Nhưng người xưa một thuở khai mở, gieo hạt giống lành trên vùng đất dữ đã về với Nước Trời trước khi được nhìn thấy thánh sở uy nghi thị hiện ân oai của Đức Chí Tôn từ trong cơn mơ bước ra đời thực, sừng sững mọc lên giữa đất trời Buôn Ma Thuột.

Tôi từng đọc một bài báo nói về đất dữ. “Đất xấu về phong thủy còn được gọi là đất dữ, là nơi không thích hợp để con người sinh sống, không tốt cho sự sống, dễ gây cảm giác bất an, mang đến rủi ro cho gia chủ sống trên đất đó.” * Ea Súp, Ea Trul, Buôn Trấp ... của miền đất cao nguyên Đăk Lăk vốn nổi tiếng là rừng thiêng nước độc, đi dễ, về khó, nhưng đối với tín đồ Cao Đài, không có nơi nào là đất xấu, đất dữ. Bởi Thánh ân nhiệm mầu sẽ khiến cho mọi sự trở nên an lành, thanh tịnh.

Khi ngôi thánh đường ngoại giới đã được an bài như ước nguyện, toàn bổn đạo Trung Hòa cùng quay về xây dựng thánh đường nội tâm ngày một thêm uy nghi xán lạn. Thánh đường, dù ngoại giới hay nội tâm, cũng đều có Thầy hằng ngự để rọi sáng bước đi những đứa con của Ngài ...

Đoạn băng ghi âm nhỏ dần rồi dừng hẳn. Tôi nghe như trong những giọt mưa ngoài kia có khúc vĩ thanh vọng về từ cõi thiêng liêng hằng sống ...

18-5-2024

NHƯ HẠNH



* Nay là cơ sở đạo Quảng Thiện (trực thuộc họ đạo Trung Hòa), cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 50 km.

* “Bài Trí Phong Thủy Thế Nào Để Hóa Giải Mảnh Đất Xấu?” đăng trên chuyên trang Giáo Dục Thủ Đô, báo Giáo Dục Và Thời Đại (giaoducthudo.giaoducthoidai.vn).