Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

8 NGUYỆN ƯỚC CUỐI / Ngọn Nến Phúc Linh

 


NGUYỆN ƯỚC CUỐI

NHƯ HẠNH

1.

Ông Tâm ngồi trước hiên, thừ người ngó ra đường. Xe cộ chạy qua chạy lại như con thoi trên mặt đường nhựa đen bóng, hâm hấp nóng. Ông nghe lòng trống rỗng như cồn cát khô cằn, không một bóng cây. Từ sau đám tang bà Lài, vợ ông, người ta nói ra nói vô dữ lắm. Ông nghe riết rồi cũng đâm ra lờn tai. Chỉ là những lúc mấy đứa nhỏ đi làm, còn lại một mình với cái linh sàng mới lập, ông lại thấy mình cô đơn quá. Hôm qua thấy ông ra chợ mua bông và ít cây trái về cúng cửu đầu cho vợ, mấy bà bán hàng nhơn nhơn hỏi mà không cần rào đón chi cả:

Nè ông Tâm, chớ ông ăn ở ra răng mà nghe nói bà Lài trước khi mất một hai đòi về nằm ở nghĩa trang bên phía cha mẹ bả rứa hỉ?

Đàn bà đã đi lấy chồng thì khi nằm xuống phải được chôn ở nghĩa trang bên chồng, chớ răng lại về lại bên vợ hè. Ông tên Tâm mà răng vô tâm dữ rứa?

Thấy ông Tâm không nói chi, mặt buồn rười rượi ngó lơ qua chỗ khác, một người khác lấy làm ái ngại, vội cất giọng can ngăn:

Thôi mấy bà ơi, lo buôn bán kiếm đồng đong gạo. Ngồi đó mà nói tào lao. Cảnh nhà người ta biết mô mà ý với kiến.

Con gái ông vừa nhìn thấy cha dựng chiếc xe máy ngoài cổng, vội vàng chạy ra xách giùm đồ, nhìn vào cái túi ni-lông chỉ thấy bó hoa cúc và ít trái cây, ngạc nhiên hỏi:

Ủa, cha không mua rượu cúng à?

Ừ, cha quên ...

Nghe câu trả lời xuôi xị của ông Tâm, con bé biết là cha lại chạnh lòng vì lời miệng lưỡi độc địa của thiên hạ. Mẹ nó vừa nằm xuống có mấy ngày, đất trên mộ chưa kịp khô mà người ta cứ đào lên xới xuống chuyện bà muốn được chôn ở nghĩa trang Cao Đài, bên cạnh mộ ông bà ngoại nó. Chuyện tưởng chừng như là tâm nguyện riêng tư của một người suốt đời tin theo đạo như mẹ nó lẽ ra phải được tôn trọng và thấu hiểu thì bây giờ lại trở thành đề tài xôn xao cả cái xóm nhỏ. Người ta cứ suy đoán, thêu dệt, ghép vào những nền nếp lâu đời rồi gom lại thành một vấn đề đạo đức mà ai cũng thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng ...

Nó nhìn theo đôi vai oằn xuống như đang chịu một gánh nặng vô hình của cha mà đứt ruột. Mới có mấy ngày mà cha như một người khác hẳn, trầm lặng như một chiếc bóng trong căn nhà rộng thênh thang.

2.

Sáng hôm nọ, vừa ngủ dậy, ông Tâm đang lúi húi pha ấm trà thì nghe tiếng bà Lài yếu ớt gọi:

Ông ơi, vô tui nhờ chút.

Ời, tui tới liền. Bà uống ly trà cho ấm người hỉ? Trà tui mới vừa pha thơm lắm. Vừa nói, ông Tâm vừa bưng vào phòng một tách trà lài thơm dịu nhẹ.

Thôi ông để đó, chút tui uống. Ông mở cái cửa sổ giùm tui, đặng ánh nắng mặt trời rọi vô cho ấm. Lâu rồi tui không ra ngoài nên nghe người cớm nắng * lắm! Tiện thể ông bắc cho tui nồi nước nóng để tắm gội luôn hỉ.

Linh tính cho ông biết rằng có điều gì đó rất lạ đang xảy ra. Từ hồi ngã bệnh tới chừ, bà Lài vốn rất sợ gió, sợ nắng. Nhà lúc nào cũng đóng kín cửa. Bà chỉ đồng ý cho lau người thôi chớ không chịu tắm. Vậy mà bữa nay lại đòi mở cửa phòng, tắm gội ... Đang suy nghĩ miên man, ông lại nghe bà Lài cất giọng trong trẻo như hồi con gái:

Ông ơi, lấy giùm bộ bà ba lụa trắng tui cất trong tủ lớn để sẵn ngoài phòng tắm nghe. Cái bộ đồ mà con Vân may cho tui đó. Từ hồi may tới chừ mới mặc có một lần chớ mấy!

Tâm trạng ông Tâm lúc này thật khó mà diễn tả thành lời. Người ta hay nói, người đang đau nặng bỗng nhiên khỏe lại, đòi tắm rửa, mặc đẹp ... là điềm không tốt. Đại khái là như mặt trời trước khi chìm khuất sau rặng núi xa xanh sẽ hắt lên bầu trời những hồi quang rực rỡ. Tự nhiên nước mắt ông ứa ra, chân líu quíu đi lấy áo quần cho bà Lài chuẩn bị tắm.

Dễ chừng cũng rất lâu lắm rồi ông Tâm mới tắm cho vợ. Từ khi đứa con gái thứ ba ra đời, ông bà ngủ riêng phòng cho tiện sinh hoạt. Nhìn thân thể gầy guộc chỉ còn da bọc xương của vợ, ông nghe lòng xót xa lắm. Bà vốn là con gái thứ của một gia đình khá giả theo đạo Cao Đài. Từ ngày bà lấy ông, một thầy giáo nghèo lại khác đạo, gia đình bên bà không mặn mà lắm với chàng rể không như ý này.

Ở đời, tình yêu vốn là thứ khó lý giải nhất. Vì thương ông mà bà Lài đã bỏ ngoài tai đám mai mối đáng đồng tiền bát gạo. Bà từng thủ thỉ với ông rằng, thương nhau là thương cái tính cái cách. Tiền của do mình làm ra thì dễ chớ nhân nghĩa mới khó kiếm. Trước ngày cưới, bà chỉ xin ông một điều là cho mình được giữ đạo, trọn vẹn đức tin.

Bàn tay ông chạm vào đôi vai gầy, nhô cả xương dưới làn da mỏng của vợ. Bà khẽ kêu lên vì đau. Ông thấy mình thật có lỗi, bao năm nay trong khi ông giữ thanh cao với đồng lương còi cọc thì bà chạy ngược chạy xuôi buôn bán. Cũng có mấy lần bà nhờ ông chở hàng xuống chợ bỏ mối. Nhưng được dăm bữa rồi thôi. Có lẽ bà thương cái tạng thầy giáo của ông không hợp với chốn chợ đò.

Tắm gội cho vợ xong, ông đưa bà ra trước hiên ngồi chải tóc. Trong bộ đồ bà ba trắng, bà Lài trông thật thong dong như hồi con gái. Ngày trước mỗi lần đạp xe đi dạy ngang ngõ, ông đã đem lòng yêu người con gái ngồi chải tóc bên khung cửa. Một mái tóc đen nhánh, mượt mà thơm hương bồ kết đến nao lòng.

Đang mải nghĩ ngợi vẩn vơ thì ông nghe bà Lài gọi nhỏ:

Ông à, tui có chuyện ni muốn bàn với ông ...

Có chi bà cứ nói, tui nghe đây!

Sau này khi tui nằm xuống, ông cho tui về nghĩa trang Cao Đài bên phía ba mẹ tui được không ông?

Không đợi ông Tâm trả lời, bà Lài nói một hơi như rút hết ruột gan lần cuối:

Tui nghĩ rồi, tui với ông làm vợ chồng với nhau cả đời rồi. Tuy ông không nói ra nhưng tui biết ông thương tui lắm. Như người ta, cưới nhau rồi thì gái phải theo chồng nhưng ông vẫn không bắt tui theo đạo bên gia đình ông. Vẫn để tui lập bàn thờ Thầy và cho ba đứa con theo đạo bên mẹ. Rứa cũng đủ để tui biết ơn ông lắm. Nhưng ông đã thương tui thì thương cho trót. Mai mốt tui có nằm xuống, đúng lý phải về nằm ở nghĩa trang nội tộc bên phía ông. Nhưng rứa thì tui buồn lắm. Tui xin ông cho tui về nghĩa trang Cao Đài bên cạnh cha mẹ và bà con của tui. Trước là tui trọn lòng với Thượng Đế, sau nữa mỗi lúc anh em, bà con trong Đạo đến thăm, thắp nén nhang, đọc bài kinh là linh hồn tui được an lạc ...

Rồi bà nắm chặt tay ông, giọng chùng xuống đầy tha thiết:

Ông đồng ý nghe ông?

Ông Tâm khẽ ừ một tiếng thật khẽ và kéo lấy tay bà Lài ủ ấm trong lòng mình. Hai người ngồi bên nhau cho đến khi phố lên đèn sáng rực.

3.

Đoàn xe đưa linh cữu bà Lài đi thật chậm rồi dừng lại ven đường của một vùng quê. Trên xe có tiếng người giục:

Ông Tâm và ba con mau bưng di ảnh vào viếng nhà thờ tộc bên nội. Làm lễ xong rồi lên xe đi tiếp đến nghĩa trang, không thì trễ giờ đó.

Những người đi đưa tang ngồi trên xe thầm thì với nhau:

Nghe nói trước lúc mất bà Lài có di nguyện được chôn ở nghĩa trang Cao Đài. Nhưng tộc họ bên chồng không chịu. Họ vin cái lý lấy chồng thì phải theo chồng. Sống là người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. May mà ông Tâm cương quyết dữ lắm mới được đó!

Căng dữ rứa hả? Tui còn nghe nói, bên nhà chồng nói bả đã gả bán rồi, chừ muốn đem về chôn nghĩa trang bên phía bả thì phải làm cái lễ trầu cau rượu xin thôi làm dâu, giống như kiểu ly hôn thì phải. Trong khi đó bên phía bả thì nói con gái xuất giá theo chồng thì không được về nghĩa trang bên bả nữa. Nghĩ tưởng sống mới khó, ai dè chết rồi muốn nằm nơi mô theo ý mình cũng mô có dễ.

Sau câu cảm thán đầy triết lý ấy, người ta thôi bàn tán nữa mà tất cả chợt lặng yên như một nỗi niềm.

Nghĩa trang Cao Đài nằm trên vùng gò cao mọc đầy hoa dại. Tháng Tư, những bụi hoa mua nở tím ngát, làm dịu đi phần nào cái nắng oi nồng ngày hạ. Huyệt mộ bà Lài nằm ở giữa vạt đất còn trống, hướng về đông. Cách đó dăm mét về phía trên là mộ của cha mẹ bà. Từ trên triền gò nhìn xuống, xa xa là làng mạc được bao bọc bởi hàng tre xanh. Một con lộ đen nhánh chạy ngang dưới chân đồi hiện ra như một cành cây nhỏ mà những chiếc xe ô tô như đàn kiến di chuyển về tổ.

Khi nhìn toàn cảnh nghĩa trang, ông Tâm thấy an tâm phần nào. Ở đây, vợ ông được nằm cạnh hai đấng sinh thành và các đồng đạo, có thể nghe tiếng chuông nhà Thánh từ ngôi làng quê bên vợ vọng tới mỗi ngày. Vốc một nắm đất trên tay, ông rải thật nhẹ xuống huyệt mộ của người vợ tao khang và khẽ thầm thì: “Bây giờ thì bà vui rồi phải không? Tui đã thực hiện lời hứa đưa bà về nằm ở nghĩa trang Cao Đài, bên cha mẹ và đồng đạo. Với tui, đây là lần tui hồi hướng về đức tin của bà, cuối cùng và mãi mãi ...

13-4-2024

NHƯ HẠNH



* “Cớm nắng” là một từ thường được dùng trong dân gian, chỉ những người có sức đề kháng yếu, hễ thay đổi thời tiết, ra ngoài gặp nắng, gặp gió đều có thể đổ bệnh.