DÒNG SÔNG KỂ CHUYỆN
NHƯ HẠNH
Nắng tháng Ba chói chang rơi lòa xòa trên bãi bồi
Gò
Đi qua Bến Phẩm, ngó thấy ông Bảy đang câu cá,
nó liệng chiếc xe đạp đánh uỵch một cái rồi ra ngồi chầu rìa cạnh ông già như
đôi bạn vong niên.
Nghe tiếng chân thằng Út tới gần, ông Bảy không
ngoảnh lại mà chỉ hỏi trống không:
– Bữa ni không đi học à?
– Dạ Chủ Nhựt mà đi học
chi ông Bảy. Hôm ni nhà gặt nên con mới vừa chạy đem thêm bao đựng lúa cho cha.
Ủa, trưa nắng ông Bảy không vô nhà nghỉ mà ngồi câu chi nữa? Nắng nóng, cá chui
xuống rong rêu núp hết rồi.
– Ừa, nhưng mà vô nhà
cũng nóng. Thôi ngồi đây có gió mát, lại được nghe con sông nó kể chuyện ...
Thằng Út trợn tròn hai con mắt suýt chút nữa phọt
ra ngoài. Nó háo hức hỏi:
– Thiệt hả ông Bảy?
– Ừ.
Tiếng người già như sóng vỗ nhè nhẹ từ mặt nước
sông loang loáng ánh nắng vọng vào bến sông quê ...
Nhà ông Bảy gần mé sông, đêm có thể nằm nghe cá
gáy gáy te te. Thằng Út vẫn nghe ông kể như thế. Nhất là đến mùa nước nguồn
tràn về, cá gáy theo nước tấp vô ấy bụi cỏ, cây dại ven bờ đẻ trứng. Có lần thằng
Út xin cha ngủ lại với ông Bảy mấy đêm liền. Không biết vì ham chơi hay sao mà
lần nào nó cũng chỉ nghe tiếng cá quẫy nước lủm bủm chớ có ho, có gáy chi mô.
Người làng vẫn nói, có khi vì mắt ông Bảy nhìn kém nên thính giác nhạy hơn người
thường. Vì thế, chừ nghe ông Bảy nói, thằng Út tin sái cổ việc ông có thể nghe
được tiếng dòng sông trò chuyện.
Thằng Út ngồi sát lại bên ông Bảy bên bờ sông
có bóng tre trùm mát rượi. Nó vừa giúp ông móc con trùn vô lưỡi câu vừa hóng
nghe ông kể. Cái miệng nó há ra như con cá rô sắp sửa đớp mồi. Ông Bảy lặng lẽ
quăng dây câu ra xa; miếng phao nhựa trắng trôi bồng bềnh. Ông hắng giọng nói:
– Ngay chỗ bến sông ni
đây, cách đây tám, chín chục năm có một chuyện kỳ lạ xảy ra khiến cả làng trên
xóm dưới đều tin rằng do Ơn Trên phò hộ. Hồi đó, ở làng mình mới có một số người
tu theo Cao Đài ở họ đạo Từ Quang. Trong đó có ba vị tâm đạo chí thành là Phạm
Đại, Nguyễn Lưu, và Huỳnh Quốc Tuyến. Cả ba cầu nguyện trước Thiên Bàn xin kết
nghĩa anh em, nguyện thề sanh tử có nhau, quyết một lòng tin Thầy giữ Đạo. Ông
Phạm Đại là anh cả; ông Nguyễn Lưu là anh hai; còn ông Huỳnh Quốc Tuyến nhỏ tuổi
nhất nên làm em.
Thằng Út lau chau cắt ngang:
– Răng giống tuồng ba
anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào trong Tam Quốc Chí rứa ông Bảy hè?
– Cái thằng chỉ được cái
lanh chanh. Mi có ưng nghe tau kể không rứa?
Thằng Út mím môi, gật gật cái đầu tóc cháy vàng
như cỏ ngoài bãi Gò
- Nghe nói ông Huỳnh Quốc Tuyến là người nhiều
chữ nhứt làng. Hồi đó ổng là hương sư, mở trường dạy chữ Nho và Quốc Ngữ tại
làng. Học trò khắp nơi theo học rất đông. Vì là thầy giáo nên đi mô ổng cũng
mang theo giấy bút bên mình. Một bận ổng qua làng bên có việc, trên đường gặp
lính Pháp đi càn. Bọn chúng thấy ổng áo dài khăn đóng, xách cái tráp đựng giấy,
bút, mực nên nghi ngờ là cán bộ Việt Minh đi vẽ bản đồ. Hồi nớ dân quê có mấy
ai biết chữ mô, vì rứa mà ổng bị chúng bắt gông lại, trói chân tay giải về nhốt
tại đồn lính gần bên sông Thu Bồn để chờ xử bắn.
Thằng Út nghe tới đây, mặt buồn rười rượi. Nó
thấy thương ông Tuyến quá. Nó chợt nhớ bà nội từng kể mỗi lần Pháp đi càn qua
làng, thường bắt bớ đánh đập những người bị nghi ngờ theo Việt Minh. Ông nội nó
hồi trước cũng bị giặc Pháp bắn, thả trôi sông trôi mất xác. Tự nhưng hai hàng
nước mắt nó chảy dài ...
Đúng lúc này, cái phao nhựa cột ở dây cước trên
cần câu xoay tròn. Đôi mắt ông Bảy mở to không động đậy, khuôn mặt nghiêng sang
một bên khiến những vết nhăn hằn sâu như những thớ gỗ lâu năm. Ông vểnh tai lên
nghe ngóng. Con cá khôn ranh rỉa một miếng mồi, rồi lạng ra xa. Chắc là nó đang
đói nhưng vẫn rất cảnh giác; ông tự nhủ rồi kiên nhẫn ngồi chờ. Một lần nữa,
con cá đói lại ve vãn quanh miếng mồi, rỉa thêm miếng nữa rồi lẹ làng bơi ra
xa. Ông Bảy rủa thầm trong bụng: “Đồ ranh con!” Chiếc cần câu trong tay ông
căng lên như dây đờn rồi nhẹ hẫng ...
Thằng Út nãy giờ ngồi nín thở ngó theo cái cần
câu, thấy ông Bảy nhấc cái cần lên, nó nhanh nhảu lôi từ trong cái lon sữa bò nửa
con trùn móc vào. Nhìn cái cách nôn nóng hóng chuyện của nó, ông Bảy không
trùng trình nữa, hắng giọng kể tiếp:
– Đêm đó chờ cho bọn
lính Pháp đi ngủ, ông Tuyến liền tín thành cầu nguyện Ơn Trên cứu độ rồi liều
mình lăn ùm xuống sông. Sông Thu Bồn đang vào mùa mênh mang nước.
Thằng Út nghe tới đây bật lên xuýt xoa, giọng
nó chùng xuống như ông cụ non:
- Trời ơi, bị trói chân tay rứa thì có bơi giỏi
tới mô cũng nắm phần cái chết trong tay!
– Một thư sinh không biết
bơi, mà còn bị trói chặt thì không thể cử động giữa sóng nước hung dữ. Rứa mà
ông ấy không chết, lại còn trôi qua tới bờ sông bên tê mới lạ chớ. Trong lúc ngất
khi trôi trên sông, ổng mơ hồ cảm thấy có ai đó đã cởi dây trói chân tay mình.
Đến khi hồi tỉnh lại, thấy mình nằm ướt lạnh bên bờ sông, ổng lóp ngóp ngồi dậy
và băng bộ về nhà.
Trong đêm đó, ông Nguyễn Lưu được Ơn Trên báo mộng
và cho mấy vị thuốc, bảo sáng mai cho Tuyến uống thuốc này. Ông Nguyễn Lưu tỉnh
giấc, sẵn nghề đông y nên tức tốc chuẩn bị thuốc nhưng chẳng biết chuyện gì đã
xảy ra với đứa em kết nghĩa của mình. Tang tảng sáng, sương chưa tan, ông chạy
sang nhà ông Tuyến mới biết sự việc xảy ra. Nghiệm lại lời báo mộng, ông thắp
hương trên Thiên Bàn, chấp tay xá ba xá cảm tạ Ơn Trên; bởi chỉ có phương thang
này mới hợp với người bệnh bị cảm thử, cảm nước như em ông. Ông Tuyến uống thuốc
vào, hương cháy chưa đầy một đốt ngón tay đã thấy hiệu nghiệm. Từ đó, ông Tuyến
phát tâm tu học giải thoát ...
Thằng Út ngồi ngó ra mặt sông loang loáng màu nắng
trong veo. Tự dưng cả hai ông cháu đều yên lặng. Một chiếc lá tre theo gió bay
vèo ra mé sông, theo dòng nước trôi xuôi về phía cầu Câu Lâu. Gió từ mặt sông
thổi vào bờ tre mát rượi. Nó nghe hai mắt nằng nặng cơ hồ muốn khép lại. Ông Bảy
ngồi dịch qua một bên, chừa chỗ cỏ bằng phẳng cho nó rồi nói:
– Mệt rồi thì nằm xuống
ngủ một giấc cho phẻ người. Chút ông kêu dậy ra đám gặt phụ cha mẹ chở
lúa về.
– Dạ, mà ông ơi, ông thường
câu cá ở đây, chắc ông nghe nhiều chuyện về sông nước lắm ông hỉ?
– Chuyện bên dòng sông
nhiều lắm. Mai mốt rảnh, ra đây ông kể cho mà nghe.
Những cơn gió nồm tháng Ba đi qua cánh đồng vừa
gặt, qua bãi bồi trồng bắp ven sông, mang theo vị ngọt dân dã hòa trong hơi nước
Thu Bồn khiến thằng Út như được bao bọc trong hương sắc của đất đai quê nhà.
Trong sự tĩnh lặng của trời chiều, nó loáng thoáng thấy những con cá gáy vảy
xanh bạc bơi thành đàn vây quanh người hương sư ngất lịm trong làn nước. Búi
tóc xõa ra đen nhánh tựa đám rong đuôi chồn. Chúng vừa bơi vừa rỉ rả cắn đứt
dây thừng trói chặt quanh chân tay của người thầy có vóc dáng thư sinh. Từ
trong làn nước xanh thẫm, một con cá lớn, miệng có râu dài, vảy lấp lánh ánh
vàng nhô lên như mặt trời buổi sáng sớm, nhẹ nhàng bơi bên cạnh, áp thân sát
vào người ông giáo rồi đưa qua bên kia sông ...
Có tiếng động đanh gọn của con chim bói cá bổ
nhào xuống mặt sông. Thằng Út mở choàng mắt, đem giấc mơ lạ kỳ của mình kể cho
ông Bảy nghe. Ông ngồi bật dậy, dụi mắt, giọng khẽ khàng:
– Con cá vảy vàng nớ hồi
nãy cũng ghé qua chỗ tau, dẫn theo một bầy con. Nó nhảy lên bụi cỏ ngóc đầu
nhìn tau hồi lâu không chớp mắt rồi quẫy đuôi về phía bầy con đang bơi lội bên
mé sông. Một cái lưỡi câu ở mô không biết xợt qua đầu khiến nó ràn rụa nước mắt.
Mi biết răng không? Tau tỉnh giấc mà thấy mắt mình cũng ướt.
Ông Bảy ngước nhìn cánh bướm rập rờn bên mấy
bông mướp phía mé sông, giọng chùng xuống như nói với chính mình: Kiểu ni tau
phải giải nghệ thôi ... *
Vĩ thanh
Hôm 22-6-2024, nhằm
ngày 17-5 Giáp Thìn, lần đầu tiên người viết được mục kích một buổi hát hồi hướng
tạ ơn tại đêm trước lễ kỷ niệm chín mươi năm thành lập họ đạo Từ Quang, vùng đất
mà ba vị tâm đạo chí thành trong câu chuyện nói trên đã đem hết nguyện lực của
mình để cùng quý tiền bối khai mở nền tôn giáo mới tại miền Trung.
Đêm ấy sông Thu Bồn
dập dềnh con nước, chừng như hòa nhịp với giai điệu Từ Quang Thắp Ánh Đạo Mầu
do anh chị em ca đoàn Hát Tạ Ơn Thầy trình bày dưới bóng ngôi thánh thất Cao
Đài đầu tiên của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Chuyện xưa mở đạo được kể bằng
giọng nhặt khoan từ trái tim ca viên, thấp thoáng đâu đó có bóng người xưa ẩn
hiện sau lớp ca từ một tình yêu thương vô bờ bến: Từ Quang viên gạch lót
nền. Công đầu rẽ sóng con thuyền Trung Hưng ...
06-5-2024
NHƯ HẠNH