ĐƯỜNG VỀ
NHƯ HẠNH
Lòng con tin Đấng Cao Đài
Đạo
đời Trời sẽ an bài cho con.*
1.
Nàng ngồi một mình trên chiếc ghế đá dưới gốc bằng
lăng. Hoa nở rụng tím cả sân vườn. Một đàn kiến nhỏ chạy ngược xuôi, nối nhau
thành con đường nhỏ ngoằn ngoèo kéo đến tận mé vườn. Ở đó là chiếc tổ kiến đùn
lên như ngọn đồi nhỏ xíu. Nàng thử nhặt chiếc lá đặt ngáng đường bọn kiến di
chuyển, chúng như được lập trình, không hề chệch hướng, cố gắng hết sức bò qua
chiếc lá rồi nhanh chóng nhập vào đường đi về tổ.
Dường như những con kiến bé nhỏ ấy thuộc làu
con đường về nhà. Giống như con người vậy, chúng ta có thể đi qua biết bao con
đường, biết bao miền đất lạ đầy hấp dẫn, nhưng thân thương, gần gũi nhất vẫn là
đường về nhà mình. Đó là những con đường quê xanh mát bóng tre hay mênh mông
cát trắng. Đường về nhà dù tận non xanh hay miền đất đỏ bazan sương mù, là phố
thị phồn hoa hay trung du sỏi đá thì tất cả đều đưa ta về với gia đình, người
thân, với quê hương, xứ sở. Về với những gì bình dị mà rất đỗi thiêng liêng khiến
ai cũng đau đáu nhớ thương và khát khao hồi hướng.
Người ta vẫn bảo có xa quê mới thấy nhớ quê.
Hình ảnh con đường về nhà cứ thế hiện lên, hằn in trong tâm trí. Giống như những
ngày thơ bé, mỗi lần đi học về, có nhắm mắt lại, ta vẫn có thể lần bước trở về
đúng ngõ nhà mình. Bởi nơi ấy có mùi của đất, của rơm rạ, có tiếng chim chào
mào hót gọi mùa trái chín trong vườn. Đường về nhà, có thể là bình thường với
nhiều người, nhưng với ta nó thật sự ấm áp và gần gũi. Xa nhà lâu quá, nhiều
khi chỉ ước được đi chân trần trên bờ cỏ dại, để nghe thơ ấu quay về.
2.
Đường về nhà Cha hôm ấy nắng vàng như mật ngọt.
Hàng cây bên đường thắp nắng lung linh. Phố huyện nhỏ như lòng bàn tay con gái
nên đi vài phút đã vòng về lối xưa. Nàng đã từng đi trên con đường này từ buổi ấu
thơ cho đến lúc tóc không còn xanh nữa. Đi đến độ thuộc nhẵn cả những ổ gà bên
đường. Vậy mà sao giờ đây thấy đường quen như lạ hẳn.
Ngõ nhỏ này dễ đã trăm lần nàng ngược xuôi cùng
đám bạn thời còn đi học cấp ba trường huyện, thỉnh thoảng chui rào hái trộm cây
trái trong vườn. Thời gian trôi nhoáng một cái đã gần hết đời người. Đi qua gần
hết miền ái ố hỷ nộ nàng mới nhận ra rằng, đây là nẻo đường dẫn về nhà Cha mà bấy
lâu mình vẫn thường đi qua nhưng chưa nhận thấy. Rồi chỉ một thoáng tỉnh thức,
nàng nhận ra nẻo quen xưa giờ bỗng nhiên hóa thành lạ lẫm.
Khi ngẩng cao đầu đọc lời hồng thệ dưới bóng
Thánh ân, nàng cũng hóa lạ với chính mình. Đó là lúc nàng nhận ra cây khế trong
khuôn viên nhà Cha bỗng dưng trong veo mùi hoa xưa cũ. Ngày nàng cùng đám bạn
chui rào, khế dường như đang tuổi thanh xuân, dễ chừng giờ đã lên chức cụ. Trưa
hè này nàng đứng dưới bóng khế mát lành, như bóng mát Ơn Trên đã mạc khải khi
nàng tìm ra con đường dẫn đến nhà Cha.
Nàng vẫn ngồi lặng lẽ nhìn đàn kiến tha mồi về
tổ. Trên đường ngược xuôi chúng gật đầu, cọ râu chào nhau rất đỗi thân thương.
Con đi trước dẫn đường con đi sau một cách đầy phấn khích. Nàng lại nhớ đến những
khuôn mặt đồng đạo hôm đón nàng về nhà Thánh. Ấm áp và đầy tin yêu. Lúc ấy tự
dưng có cảm giác mình như đứa con lưu lạc vừa trở kịp về nhà vào đêm ba mươi Tết.
Cha mẹ, anh em đều vui mừng mở rộng vòng tay đón núm ruột quay về. Trong niềm hạnh
ngộ vô biên ấy, nàng tự nhủ với lòng mình rằng: “Dẫu có hơi muộn nhưng cũng đã
kịp quay về.”
3.
Đường về nhà nơi trần gian này không xa vì
chúng ta luôn ao ước được trở về. Bởi lúc hạnh phúc, cô đơn, thất bại, thậm chí
là lòng chênh vênh, thân xác mệt mỏi đều muốn về nhà. Nhưng sao mỗi lần suy tư
tới đường về nhà Cha, về quê hương đích thực trên trời, lòng nàng lại nhiều âu
lo. Phải chăng vì đã quá gắn bó với thế giới hữu hình này nên sợ cảm giác xa
lìa cuộc sống và những người thân quý. Hay lo lắng thấy mình chưa thật xứng
đáng trở về, để được làm con của Đấng Đại Từ Phụ? Cũng có thể do hình ảnh về
quê Cha còn quá mơ hồ trong tâm trí chăng?
Đàn
kiến nhỏ vẫn kiên trì đi ngay hàng thẳng lối về tổ ở cuối sân, vì chúng biết
nơi cần trở về. Với con người, vẫn biết sợ hãi và âu lo là tình cảm vốn tự
nhiên chẳng có gì đáng chê trách. Vì thế, việc lắng lòng cầu nguyện trong những
phút giây hiệp thông trước Thượng Đế, hay tụng ca khi nhận ra phép huyền nhiệm
của Ngài trong cõi tạm này sẽ làm cho lòng người an yên, thanh tịnh. Tự nhiên
nàng có ý so sánh, những thử thách trên đường về nhà Cha như chiếc lá ngáng
trên đường đi của đàn kiến. Đường về nhà Cha phải đi qua những miền tham sân
si, thói phù hoa giả tạo ... Nếu trong
tim có đức tin dẫn đường thì quy lộ sẽ cập bờ bến giác.
Nàng
cúi xuống nhặt một bông bằng lăng tím dịu dàng vừa rơi trên mặt đất. Đàn kiến
cúi đầu, đôi râu bé tí rung rung chào nàng và tiếp tục đường về tổ. Phía đầu
ngõ có cậu trai trẻ nào đó cất giọng ồm ồm hát mấy câu của Đen Vâu: “Đường về nhà là vào tim ta. Dẫu nắng mưa gần
xa. Thất bát, vang danh. Nhà vẫn luôn chờ ta.” Nàng mỉm cười an nhiên và nhớ
lại lời dặn của một bạn đạo thân thiết: Hãy luôn vững tin vào tình yêu hằng hữu
của Cha, rằng Đấng Từ Phụ luôn mong đợi, chào đón những đứa con trở về quê cũ với
một tình yêu thứ tha vô lượng ...
11-5-2024
NHƯ HẠNH
* Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-6 Quý Sửu (Chủ Nhật 14-7-1973).