Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

15 THIÊN ĐĂNG / Ngọn Nến Phúc Linh


THIÊN ĐĂNG

NHƯ HẠNH

1.

Bắt đầu là những tia chớp lóe sáng rạch từng lằn ngang dọc trên nền trời nặng trĩu mây đen rồi đến tiếng sấm ùng oàng rền vang khiến những lũy tre run lẩy bẩy. Gió từ bốn phía cuộn tròn nhào lộn cuốn đám lá tre khô bay táo tác trên đường làng. Đám cỏ dọc bờ sông Hà Thanh, đoạn chảy ngang qua làng Tăng Vinh, ngã rạp dưới cơn mưa dông mùa hạ. Từ đâu xuất hiện một thanh niên đầu trần, chân đất chạy vụt từ trong xóm ra con đường ven sông, vừa chạy vừa hét to “Chờ tao với!” rồi mất hút giữa màn mưa dày đặc. Theo sau là nhóm người già có, trẻ có, con nít cũng có, chạy thành đoàn rồng rắn dọc bờ sông, tạo thành một cảnh kỳ lạ giữa miền quê heo hút ...

Người mẹ già lam lũ, ngồi trên chõng tre, vừa lau mái tóc ướt nhẹp của Tuân, tên đứa con trai đang ngồi cười lơ ngơ bên cạnh, vừa nói với Cẩn, đứa cháu họ:

Cẩn nè, con coi làm sao giúp dì tìm thầy giỏi thuốc hay chữa trị giúp em; chớ cái đà này thì nó không chết bờ cũng chết bụi. Dì hết cách rồi. Thuốc nam có, thuốc bắc có. Rước thầy về cúng giải căn, lên chùa cầu an dì cũng làm hết rồi nhưng bệnh của Tuân vẫn không bớt mà ngày càng nặng thêm. Hồi nãy mà không có mấy đứa trong xóm đi tìm giúp thì chắc nó không chỉ uống no nước sông mà còn bị Hà Bá lôi đi mất.

Cẩn chưa kịp hỏi chuyện gì xảy ra thì Tuân đã cười khì khì cắt ngang:

Anh Cẩn đừng nghe mẹ tui nói sảng. Tui đang nằm ngủ ở nhà thì có mấy người vô rủ tui đi bắt cá. Tui chưa kịp kiếm cái áo tơi thì họ hối dữ quá nên đành đầu trần chạy bộ theo. Mà sao mấy người đó đi nhanh thiệt. Đi như bay khiến tui chạy hụt hơi. Tới bờ sông đầu làng, họ kéo tui xuống mé nước bắt cá. Mà cá nhiều lắm! Có con to bằng cái bắp chân vầy nè. Mà ngộ lắm à nghen, con cá nhìn tui nháy mắt một cái rồi cười giống như con Duyên bên hàng xóm vẫn hay làm với tui vậy đó!

Nhìn đứa con đương trai tráng bỗng dưng sanh loạn bệnh mà người mẹ đau lòng khôn xiết, nghẹn ngào than:

Giờ dì cũng hổng biết tính sao cho đặng nữa! Nó bây lớn rồi mà lúc nào cũng có người kè kè bên như trẻ nít. Bữa hổm dì đang loay hoay dưới bếp nấu cơm, thấy nó ngủ trên chõng. Ngoảnh đi ngoảnh lại thì hổng thấy nó đâu. Dì la lên cậy sắp nhỏ đi tìm. Cả ngày chạy tới chạy lui khắp làng trên xóm dưới cũng biệt tăm, chừng hồi đi ngang qua miếu Thành Hoàng thấy nó nằm ngủ khì trong đó. Lúc tỉnh dậy nó còn bảo, vừa mới đánh cờ với Thổ Địa. Mệt quá nên lăn ra ngủ quên ...

Lòng rối bời, Cẩn quay sang nhìn đứa em họ đang loay hoay ngồi vót lạt từ đoạn tre cật để mấy ngày nữa gặt lúa, trông em tỉnh khô như không hề mắc bệnh.

Tuân phát bệnh gần một năm nay, đôi ba ngày lại lên một cơn hoang tưởng như bị quỷ ám. Còn lại ngày thường rất hiền lành, ít nói, chăm chỉ làm lụng. Cả xóm ai cũng thương cái nết chất phác, cần cù. Mấy gia đình trong làng trong xã ngắm nghé, toan bắt rể cho con gái. Vậy mà ...

2.

Cẩn dẫn đường, băng qua đám cây sim, cây mua lúp xúp dưới chân hòn Lồ Ô để về làng. Đi sau anh là ba người đàn ông mặc đồ bà ba trắng, mang tay nải, quày quả nối gót. Họ vừa đi vừa trao đổi về căn bệnh của Tuân mà người làng cho là “quỷ ám”. Lúc đó, một người đứng tuổi là Phan Khâm hứa chắc như đinh đóng cột với Cẩn rằng:

Hễ đạo Cao Đài chúng tôi đến cúng là mạnh liền, không đau ốm gì nữa đâu mà lo.

Dù trong lòng bán tín bán nghi nhưng Cẩn vẫn một mực cung kính trả lời:

Dạ thưa quý huynh, gia đình cũng chạy chữa khắp nơi rồi nhưng bịnh em tui vẫn không thấy bớt mà ngày càng nặng thêm. Nay biết quý huynh được Ơn Trên bố hóa nhiều ân điển thiêng liêng, cúng giải bịnh ở đâu cũng linh nghiệm nên gia đình mới cử tui đi mời các huynh về cúng, hòng cứu lấy mạng đứa em đang như chỉ mành treo ngàn cân.

Nghe những lời gan ruột của Cẩn, cả ba người không nói gì mà chỉ hối thúc nhau đi thật nhanh để kịp về làng trong nội nhật.

Đường đi mỗi lúc một gian nan. Họ phải băng qua mấy con suối lớn bắt nguồn từ núi Hòn Chà, Sơn Triều rồi xuôi dòng cùng con sông Hà Thanh ngày ngày uốn mình qua những làng mạc phủ tre xanh để lại một lớp phù sa óng ánh. Từ xa, Cẩn nhìn thấy bóng cây da đầu làng xanh um phủ bóng xuống mái đình rêu phong cổ kính. Anh quay lại, vui mừng nói với ba đạo huynh áo trắng:

Tới nơi rồi các huynh. Xin mời mọi người về tệ xá nghỉ ngơi rồi ta liệu tiếp.

Vậy phiền huynh nhanh vào báo với gia chủ trước để chuẩn bị bày đàn cúng kịp giờ Ngọ trưa nay.

Cẩn vội vã bước vào sân lớn tiếng gọi dì ra đón khách. Lúc này ba vị đạo huynh cũng kịp nối gót theo sau. Anh quay người lại nói với người dì đang lật đật bước ra cửa:

Thưa dì, theo lời dì con đã rước được mấy huynh đây đặng về cúng giải bịnh cho em Tuân. Đây là huynh Phan Khâm, còn hai người đứng bên trái là các huynh Võ Tức Xương và Nguyễn Tạo. Các huynh đều đã thọ giáo Cao Đài, được ân điển của Ơn Trên bố hóa nên cúng giải bịnh linh nghiệm lắm!

Trong lúc gan ruột rối như tơ vò, người mẹ không biết nói gì chỉ chắp tay xá mọi người mà nước mắt lưng tròng.

Trong lúc mọi người bàn bạc ngoài sân, thì trong nhà vọng ra tiếng la hét, vùng vẫy. Đưa ống tay áo lên quẹt ngang dòng nước mắt, người mẹ rầu rĩ giải thích:

Mấy ngày nay, Tuân lại lên cơn phá phách. Tui phải nhờ ấy anh em hàng xóm trói nó lại. Nếu không nó chạy ra ruộng ra sông nguy hiểm lắm. Nhân có quý thầy ở đây, sanh mạng con trai tui, xin nhờ cả vào quý thầy.

Trưa hôm đó, khi mặt trời vừa đứng bóng, ánh dương tỏa ra cực thạnh như ngọn thiên đăng tỏa nguồn sanh khí cho toàn thể vạn loại, ba ông đạo mặc áo dài trắng, đầu chít khăn đóng đen, trang nghiêm lập đàn cúng. Trên bàn bày biện đủ tam bửu gồm hoa, rượu, trà. Hai ngọn nến hai bên thắp sáng gian thờ. Ở giữa là lư hương khói tỏa. Hai người đứng hai bên đàn gõ chuông, mõ. Riêng đạo huynh Phan Khâm đứng chủ lễ. Trong mùi khói hương trầm thoang thoảng, cả ba cùng hòa giọng khi trầm khi bổng, câu kinh mầu nhiệm vang vang: “Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông ...

Cả ba ông đạo vừa tụng đến câu ấy thì người nhà liền thấy một cục lửa lớn, rực đỏ từ chỗ nằm của Tuân bay vụt ra khỏi nhà, lơ lửng giữa sân rồi từ từ bay ra giữa cánh đồng lúa đang chín vàng trước ngõ, và biến mất. Mọi người chưa kịp hoàn hồn vì chuyện kỳ dị vừa xảy ra thì đã thấy Tuân từ trên giường ngồi bật dậy, bước về phía đàn cúng quỳ xuống đảnh lễ, thần sắc tươi tắn như chưa hề ốm đau.

Sau tiếng chuông báo kết thúc lễ cúng cầu giải bệnh, mọi người xúm quanh Tuân hỏi han không ngớt.

Tuân cho biết, khi nãy anh mơ thấy mình lạc vào khu rừng tối đen, từng đàn rắn quấn trên thân cây le chiếc lưỡi đỏ chót phun nọc độc phì phì. Văng vẳng có tiếng khóc nỉ non ai oán. Nỗi hoảng sợ xâm chiếm toàn thân khiến tay chân anh cứng đờ, không thể nhúc nhích. Bỗng đâu trước mắt anh hiện ra ngọn đèn sáng lòa. Bọn rắn độc sợ hãi trốn chạy tứ phía. Anh vùng dậy, đi theo hướng ngọn đèn kia cho đến khi ra khỏi khu rừng chết chóc. Vừa mở mắt ra, anh thấy ánh sáng từ đàn cúng tỏa sáng như ngọn đèn anh vừa thấy trong giấc mơ nên vội quỳ xuống hành lễ ...

Cả gia đình thấy việc quá linh hiển nên nguyện xin nhập môn Cao Đài. Đó là vào ngày mồng bảy tháng Mười năm Tân Tỵ (1941). Sau đó một năm, anh Huỳnh Cẩn cũng phát tâm thọ giáo Cao Đài ...

3.

Chiều oi nồng, mặt đất bốc hơi nóng hầm hập như phát sốt. Ông Huỳnh Cẩn ngồi bệt xuống đất, lưng tựa vào gốc dừa trong sân nhà lao nhìn bên kia hàng rào, nhìn đâu cũng chỉ thấy mênh mông đất cát. Những tàu lá dừa rũ rượi trong nắng chiều càng làm cho lòng người thêm não nuột. Trong cơn khảo đảo, cơ đạo ngả nghiêng vì lịnh cấm đạo, các vị hướng đạo khổ lụy khắp các nhà giam trong tỉnh chẳng biết giờ này ra sao? Từ ngày phải chịu cảnh tù túng ở nhà lao Bình Định, không ngày nào ông không lo nghĩ đến anh em bổn đạo ở nhà. Đang miên man nghĩ ngợi thì một giọng nói bên kia vọng tới cắt ngang những dòng suy nghĩ riêng tây của ông:

Thưa chú, ý của chú ra sao thì cháu chưa được biết, chứ riêng phần cháu chắc cháu không tu được nữa rồi. Vì cứ bị bắt đi tù hoài như vầy, thì ở nhà con thơ vợ yếu biết sao mà mần ăn. Chuyến này chắc cháu xin thôi tu…

Ông Huỳnh Cẩn ngoảnh dòm kỹ thì thấy đó là Trần Xông, người cùng làng đang nói chuyện với đạo huynh Lê Trát về ý muốn thôi Đạo. Lúc này cả hai người đang ngồi đan thúng dưới gốc dừa trong sân nhà lao. Sau tiếng ho khan, đạo huynh Lê Trát trầm ngâm nói:

Không sao đâu cháu. Đừng nói vậy mà mang tội với Thầy. Chứ như chú, chừng nào mà tòa án buộc mình bỏ Đạo, họ không công nhận đạo Cao Đài thì mình mới chịu. Xong về nhà mình tu. Tu hay không là tại tâm mình; ai biết mà cháu lo.

Ông Cẩn nghe trái tim mình thắt lại. Không phải ai trong lúc sóng gió cũng giữ được kiên trung. Ông định gặp riêng mấy đạo huynh kia để phân tách và khuyên nhủ đôi lời nhưng rồi nghĩ lại: “Đây cũng nên xem như một cơ thử thách gạn lọc sứ đồ giúp Thầy trên con đường hoằng khai chánh pháp.”

Chiều hôm đó, sau bữa cơm ẩm mốc với muối hột, đặc sản của nhà lao, mấy huynh đệ trở về phòng giam trong ánh sáng mảnh dần. Đêm ập xuống thật nhanh; đúng là “ngày tháng Mười chưa cười đã tối”. Ông Cẩn trằn trọc không ngủ được, một phần vì lũ rệp đói nhà lao, một phần vì câu chuyện ban chiều cứ ám ảnh tâm trí không nguôi. Mãi đến canh ba, ông thiếp đi trong giấc chiêm bao lặp đi lặp lại hằng đêm. Cứ mỗi lần chợp mắt ông đều thấy một khối linh quang sáng lòa trên bầu trời, chiếu tới đâu thì mây đen tan đến đó. Tâm trí ông như được tắm gội, thức tỉnh bởi vùng ánh sáng kỳ diệu kia. Mọi phiền não bất an phút chốc bỗng tan biến ...

Sáng nay thức giấc, vừa mới ngồi xuống gốc dừa định đan nốt cái thúng hôm qua còn dang dở thì ông Cẩn thấy đạo huynh Lê Trát từ đâu bước tới ngồi cạnh. Sau một hồi đắn đo, ông Trát mới rụt rè thổ lộ:

Thưa cùng huynh, cả đêm qua đệ trằn trọc không ngủ được vì chuyện của cháu Trần Xông. Thôi thì việc tu hay không là do lòng thành của mỗi người. Riêng đệ vẫn vững lòng bền dạ với Thầy. Chẳng qua đệ có nói với cháu những lời như vậy để thấy mình cũng biết ngộ biến thì phải tòng quyền, chứ không có ý chi khác. Xin huynh hiểu cho nỗi lòng của đệ. Gần sáng mới chợp mắt được một chút thì thấy từ đâu có ngọn đèn rực sáng như sao sa, soi rọi ngay đỉnh đầu khiến những tạp niệm biến mất.

Nghe tới đây ông Cẩn giật mình, hỏi người bạn đạo:

Huynh cũng mơ thấy ngọn đèn ư? Trùng hợp thật. Gần như đêm nào đệ cũng chiêm bao thấy khối linh quang sáng lòa như ngọn đèn trời soi chiếu khắp nhân gian. Chắc Thầy hiển linh để nhắc nhở, an ủi chúng ta vượt qua thử thách mà bền chí tu hành.

Ông Lê Trát nghe xong liền giật mình về sự trùng hợp hiếm có này. Ông quay sang than thở:

Mà sao cả ngày qua tới chừ ruột gan đệ nóng như lửa đốt. Hổng biết ở nhà, vợ con có chuyện gì không nữa?! ...

Trong khi đó, đúng buổi chiều tối hôm ấy ở quê nhà, đứa con trai của đạo huynh Lê Trát tên là Hiếu đi chăn bò về tới nhà thì toàn thân phát sốt như lửa, la ó om sòm rồi đi ngược hai chân lên trần nhà, lẫm lúa, đầu thòng xuống đất mà không ngã khiến ai cũng kinh ngạc ... Cả nhà khuyên bảo gì đứa nhỏ cũng không chịu xuống. Hiếu thưa với mẹ: “Cha đã chối tu, bỏ Đạo vào chiều nay rồi. Mẹ nhanh mời chú xuống đây cúng Thầy, hứa tu hành không bỏ Đạo thì con mới xuống được.”

Quả nhiên khi mời người chú là đạo huynh Lê Khánh xuống thắp hương Thiên Bàn thề nguyền thì ngay sau đó Hiếu đã xuống được tới đất. Cả gia đình quỳ trước bàn thờ Thầy lập thệ tu hành chuộc tội cho cha.

Ngày được tòa án tha bổng trở về, đạo huynh Lê Trát nghe gia đình kể về những chuyện đã xảy ra ở nhà mà không khỏi kinh sợ. Hóa ra tất cả những việc con người làm dưới thế gian này đều có Thiên Nhãn trên trời soi xét. Cho dù việc đó chỉ mới hình thành trong ý nghĩ. Ngay tối hôm ấy, ông tắm gội tẩy trần, thay đạo phục dâng lễ sám hối với Thầy. Sau khi vái lạy, ông ngẩng đầu lên thì thấy ngọn đèn Thái Cực sáng rực như có ai vừa mới châm dầu, vặn tim đèn lên cao. Chuyện lạ ấy chỉ xảy ra trong thoáng chốc rồi trở lại bình thường như cũ.

Ngoài kia, mặt trăng từ từ nhô lên khỏi lũy tre, tỏa ánh sáng dịu dàng trên cánh đồng sắp gặt ... *

25-5-2024

NHƯ HẠNH



* Phỏng theo “Lược Sử Đạo Cao Đài: Thánh Thất Trung Tâm” (Giáp Thân, 2004). Câu chuyện xảy ra ở Bình Định năm 1941.