GIÓ BỐN PHƯƠNG. Tập Hai
Một Chữ Không
Trong Tam Nguơn Giác Thế Kinh có bài thánh thi thất ngôn bát cú, mở đầu với câu: “Khán đắc phù sanh nhứt thế không.” Kính nhờ hiền huynh giảng nghĩa giúp.
– Ngọc Giáo Hữu Ngô Văn Đài
(thánh tịnh Ngọc Lâm Tiên Đài, Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, Tân Phú, Đồng
Nai). Thư ngày 05-9-2024.
HK phúc đáp:
1/ Trong Vút Một Đường Mây (Hà Nội: Nxb Hồng Đức,
2018, tr. 41), Huệ Khải viết:
“Ông Hồ Vinh Quy (có sách
viết Qui), pháp danh Từ Huệ, sinh năm 1872 (lớn hơn ngài Ngô sáu tuổi). Ông tự
Trọng Quý, thường được nhắc tới trong sử sách Cao Đài là Lý Trọng Quý, hay Phán
Quý (có sách viết Quí), vì làm thông phán ở Sài Gòn. Ông cao ráo, mảnh khảnh,
nói như dân Nam Kỳ là dong dải; tánh
tình nghiêm nghị, ôn hòa, ăn nói hoạt bát. Ông quy thiên ngày 01-4 Ất Dậu (Thứ
Bảy 12-5-1945) và được táng nằm tại nghĩa địa Chiếu Minh ở Cần Thơ.
Ban đầu ông Quý thọ pháp
với ngài Ngô, nhưng tới năm 1931 thì tách ra, thờ Tam Giáo, nên gọi là Chiếu
Minh Tam Giáo để phân biệt với Chiếu Minh Tam Thanh theo chánh thống truyền lại
từ ngài Ngô.
Ông Quý lập một đàn Tiên ở
xóm Chài (Cần Thơ). Bộ phận thông công tại đàn này tiếp được quyển kinh Tam Nguơn Giác Thế (1931).”
2/ Tam Nguơn Giác
Thế Kinh in tại nhà in An Hà, Cần Thơ, năm 1932, dày 207 trang. Ra đời năm
1911, nhà in này tên tiếng Pháp là imprimerie
de l’Ouest (tạm hiểu: nhà in Miền Tây),
chủ nhân là luật sư Gallois Montbrun (người Pháp). Nhà in đặt tại số 43-57,
boulevard Galliéni (nay là đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần
Thơ).
3/ Bài thánh thi hiền huynh nói tới là bài thất ngôn bát
cú do Đức Quan Âm Như Lai ban cho trước khi Ngài “thăng” (từ giã đàn cơ). Bài
này in ở trang 31-32 bản in nói trên; dĩ nhiên có nhiều lỗi chánh tả, giống như
hầu hết kinh sách trong đạo Cao Đài xưa nay. (Trong ảnh chụp lại bài thánh thi
nơi đây, tôi đã sửa các lỗi đó.)
Bài thánh thi này độc vận “ông”, với duy nhứt một
chữ “không”, nên có thể tạm đặt nhan đề là “Một
Chữ Không”.
Nguyên văn kèm chữ Nho như sau:
Khán đắc
phù sanh nhứt thế không
看 得 浮 生 一 世 空
Điền viên sản
nghiệp diệc giai không
田 園 產 業 亦 皆 空
Thê nhi phụ tử
chung ly biệt
妻 兒 父 子 終 離 別
Phú quý công
danh tổng thị không
富 貴 功 名 總 是 空
Cổ ngữ vạn ban
đô thị giả
古 語 萬 般 都 是 假
Kim ngôn bá tuế
nhứt tràng không
金 言 百 計 一 場 空
Tiền tài thâu
thập đa tân khổ
錢 財 收 拾 多 辛 苦
Lộ thượng huỳnh
tuyền lưỡng thủ không.
路 上 黃 泉 两 手 空
4/ Cần lưu ý một số từ Hán-Việt trong bài
thánh thi:
Câu 1:
“Phù”
là trôi nổi, bồng bềnh theo dòng nước. Do đó, “phù sanh” (phù sinh) là cuộc sống
tạm bợ, không bền vững. Cung Oán Ngâm
Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) có câu: “Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.”
Câu 5:
“Vạn ban” (không có “g”) 萬 般 là mọi thứ, muôn điều. Thí dụ: Thế thượng vạn ban đô thị giả. 世 上 萬 般 都 是 假. (Muôn thứ trên đời đều không thật.)
“Vạn bang” (có “g”) 萬 邦 là muôn nước, tất cả các quốc gia. Thí dụ: “Trời người nối lại vạn bang yên.” (Đức Cao Đài Thượng Đế, Trung Hưng Bửu Tòa, Thứ Ba 09-9-1958)
Câu 8:
“Huỳnh tuyền” (hoàng tuyền) là suối vàng, tức âm phủ.
Năm 1933, nhà thơ Mai Lâm Đoàn Văn Thăng (1915-1992) có câu: “Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.”
5/ Dịch nghĩa bài thánh thi:
Thấy được một đời sống tạm này là không.
Ruộng vườn tài sản đều cũng không.
Vợ chồng, con cái cuối cùng phải lìa xa.
Phú quý, công danh, tất cả đều là không.
Lời xưa nói tất cả mọi sự đều giả tạm.
Lời nay rằng kiếp người trăm năm là không.
Thu thập tiền tài thì chịu nhiều cay đắng.
Lên đường về suối vàng chỉ hai bàn tay trắng.
6/ Huệ Khải dịch thành văn vần như
sau:
Ngó thấy một đời tạm vốn không
Ruộng
vườn, của cải cũng đều không
Vợ chồng, con cái rồi ly biệt
Phú
quý công danh tất thảy không
Xưa
nói muôn điều đều giả hết
Nay rằng
một kiếp sống bằng không
Tiền
tài gom góp nhiều cay đắng
Âm phủ
đường về tay trắng không
*