Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

14 TÁI SINH / Ngọn Nến Phúc Linh



 TÁI SINH

NHƯ HẠNH

Tiếng chim chèo bẻo gọi bầy trên ngọn cây mít nằm sát mé lộ khiến bà Tươi bồi hồi xao xuyến như có con sóng dập dềnh giữa triền ký ức. Chuyến xe đường dài từ vùng đất Điện Bàn xứ Quảng chạy suốt cả ngày lẫn đêm đến Quảng Điền lúc vừa rạng sáng đã làm những người có tuổi như bà rời rã cả chân tay.

1.

Vậy mà vừa bước xuống xe, ngửi mùi đất bazan thơm nồng dưới chân, bà đã tỉnh hẳn cả người. Hít một hơi sâu vào lồng ngực, bà thoảng nghe trong gió có tiếng dòng sông Mẹ Krông Ana thì thầm vỗ về đôi bờ. Dường như bà còn nghe đâu đây có cả mùi lúa trổ đòng ngọt lịm thoảng theo gió miền sơn cước bay đi từ những cánh đồng Bình Dương, Bàu Hít, Bàu Bò ... – những nơi chốn bà từng đi qua mấy chục năm trước.

Hôm nhận được thư mời về dự lễ khánh thành ngôi nhà Thánh của họ đạo Cao Đài Trung Điền ở Đắc Lắc, bà cảm động đến ứa nước mắt. Ký ức ùa về, thoáng hiện trước mắt bà những khuôn mặt thân quen của các huynh đệ, tỷ muội một thời khốn khó ở xứ đất Quảng Điền. Đêm đó bà trằn trọc hoài không ngủ được. Trong giấc mơ gần về sáng, bà thấy mình đang phát rừng cây dầu bằng con rựa cùn trây cùn trất đem theo từ quê nhà. Những cây dầu cao, thẳng tắp ngã nằm rạp xuống mặt đất nhường chỗ cho di dân từ Điện Bàn, Thăng Bình đi kinh tế mới lên khai hoang lập nghiệp. Mấy ngày đầu, đôi tay con gái phồng rộp đau nhói, sau đó thì chai sần từng cục, không còn cảm giác chi nữa ...

Hôm đó, tiếng chuông từ thánh thất Trung Đức sát bên nhà trong trẻo ngân vang trong ánh ban mai rực hồng từ phía biển. Bà giật mình ngồi dậy, chuẩn bị mọi thứ cho chuyến hành hương về xứ đạo Trung Điền. Bà cẩn thận gói ghém mấy chai tương tự tay làm, gọi là chút quà quê tặng đạo huynh Lễ Sanh Ngọc Nhường Thanh, người từng cho mượn tạm nhà mình để lập Thiên Bàn Quảng Điền lần thứ hai sau khi đạo huynh Chánh Trị Sự Trịnh Thanh Tự, người lập bàn thờ Thầy đầu tiên nơi vùng đất xa xôi này, liễu đạo.

Chuyến xe đường dài chạy êm ru qua con đèo khúc khuỷu, thỉnh thoảng tài xế ôm cua khiến cả xe nghiêng về một phía. Có tiếng ai đó ở hàng ghế trước khe khẽ niệm “Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” khiến tâm hồn bà Tươi ngập tràn cảm xúc thiêng liêng.

Năm 1976, cũng trên chuyến xe đường dài như thế, bà Tươi theo cha mẹ từ quê nhà Điện Dương cát trắng đi kinh tế mới lên Tây Nguyên. Chiếc xe chạy dầu đi-ê-zen cà gật trên suốt quãng đường ngày đó còn nhiều ổ gà ổ voi cuối cùng rồi cũng đến nơi cần đến.

Tất cả mọi người được đưa về một căn nhà rộng rãi mái lợp tranh, có hàng cột đỡ bằng cây rừng hãy còn tươi mùi nhựa mới. Sau mấy ngày đêm chen chúc trên chuyến xe nồng sặc mùi dầu máy xen lẫn bụi đường và khói thuốc lá, mọi người mệt nhoài vì đói, vì khát, đều lăn ra nằm dài trên nền đất được phủ một lớp cỏ khô như cây lúa gặp trời dông gió. Thanh niên trai tráng còn sức thì tranh thủ đi nhận trợ cấp gạo cơm, mắm muối. Số lương thực mỗi hộ được nhận có lẽ tạm đủ để sinh sống trong sáu tháng bỡ ngỡ ban đầu.

Đó cũng là lần đầu tiên bà nhìn thấy hoàng hôn đỏ rực chìm dần sau ngọn núi xanh mờ. Bóng cây rừng đổ dài, phủ xuống ngôi nhà tập thể sơ sài trơ trọi giữa thung sâu. Đêm đầu tiên chừng ấy con người ngủ chập chờn giữa tiếng lá rừng sột soạt, tiếng suối chảy xa xăm, và những bước chân thú rừng giẫm đạp đâu đó bên ngoài, quanh nhà.

2.

Cơn mưa đột ngột trút xuống ngang chiều khiến đất trời tối sầm lại. Gió xô những cành cây cọ vào nhau tạo thành một thứ âm thanh rền rĩ đến nao lòng. Những vạt rừng dầu trên cao vừa mới hạ xong còn trơ những hố đất chỏng chơ đỏ quạch. Mưa cuốn đất bazan chạy tràn xuống chân đồi thành một vệt màu loang lổ. Hai mẹ con bà Tươi co ro ngồi trong căn nhà vừa được cất lên từ khoảnh đất khai phá ngó ra trời chiều mà không khỏi lo âu. Cha bà đi họp trên xã, không biết mưa lớn như này có về được không? Nhìn khu đất bằng phẳng bên kia đường, nơi từng là khu rừng dầu ngút ngàn, mẹ bà kéo bà ra nói nhỏ: “Mi về mi nói với cha mi xin miếng đất nớ làm chùa.” Bà thoái thác: “Răng mẹ không nói mà biểu tui. Thôi, tui sợ cha la lắm!”

Chùa, theo cách nói của mẹ bà khi đó, là chùa Cao Đài. Đạo hữu từ Thăng Bình, Điện Bàn lên đây lập nghiệp, lòng những muốn có một chỗ lễ bái nghiêm trang, rộng rãi để thờ Thầy giữ Đạo. Nhưng chưa ai đủ tâm ý để cáng đáng công việc hệ trọng đó. Bởi cuộc sống nơi vùng đất mới quá gian khổ, không ít người nản chí gói ghém quần áo bỏ về quê; một số khác bỏ Đạo. Những người ở lại thì chia nhau từng củ sắn, bát cơm; nếu còn giữ đức tin trong lòng thì đã may lắm rồi ...

Ngày đó đạo hữu người Thăng Bình, Điện Bàn đi kinh tế mới lên Quảng Điền nhiều lắm. Họ đạo Trung Đức chỉ có hai người là mẹ bà và một bạn đạo nữa. Cha bà là một trong những cán bộ chủ chốt của xã Quảng Điền, khuyên mẹ bà bỏ ăn chay, đừng tu nữa. Mẹ bà chẳng cãi lại câu nào, chỉ đêm đêm nằm rủ rỉ với con gái: “Nhất tu thị, nhị tu gia, thứ ba tu chùa. Tau cũng lặng im một thời gian coi thử rồi tính tiếp. Mà mi để ý nghe, tau sẽ không bỏ một ngày chay mô.”

Nghĩ tới cha, bà thấy cũng tội. Làm cán bộ xã mà vợ theo Đạo ăn chay trường. Người ta dòm vô sao khỏi nói này nói nọ. “Tau biết chớ. Ổng ngoài mặt làm rứa, chớ đi mô về cũng mua tương, xì dầu cho tau ăn chay trường kỳ. Thiệt ra ổng cũng ở cái thế chẳng đặng đừng mà thôi.” Mẹ bà phân trần. Mỗi lần thấy ông làm căng quá, mẹ bà lại kiếm cách kéo dãn tình hình ra để khỏi ảnh hưởng đến đạo sự. Bà cứ ngọt nhạt thủ thỉ với ông: “Thôi ông ơi, người ta tu hành thôi chứ không có làm chi phương hại tới nhà nước mô. Đạo mô cũng khuyên người ta làm điều lành, lánh xa điều ác. Ông cứ mắt nhắm mắt mở để bà con họ trọn con đường tu. Rứa cũng là cách mình tích đức cho con cháu đó ông.”

Nghe lời phân trần hơn thiệt của vợ, ông thấy cũng có lý, giảm bớt sự giám sát các sinh hoạt đạo sự. Nếu bổn đạo có hiện tượng vi phạm mà cấp dưới báo lên thì ông mới nhắc nhở, chỉnh đốn, còn không thì thôi.

Người ta vẫn nói, đất mới gieo duyên lành. Năm 1977 khi đã ổn định các lô gia cư vườn ở, mọi người tiến hành làm nhà. Nói là nhà cho oai chớ thực ra chỉ là nhà tạm làm bằng cây rừng, lá tranh. Khi đã tạm an cư rồi người ta mới nghĩ đến đức tin. Bà Tươi vẫn nhớ như in cái ngày bàn thờ Thầy đầu tiên được lập tại tư gia đạo huynh Trịnh Thanh Tự. Khi đó mới chân ướt chân ráo lên Quảng Điền, mẹ bà lục tìm bộ lễ phục màu trắng gói kỹ trong bọc ni-lông cất dưới đáy rương, vuốt cẩn thận rồi treo lên vách. Vừa lúc cha bà đi sớm lên huyện họp, mẹ bà lặng lẽ đến nhà huynh Tự, gương mặt sáng bừng lên một niềm thành kính như vừa được Ơn Trên soi dẫn ...

3.

Đang miên man với những hồi ức, bà Tươi bỗng giật mình vì có tiếng ai gọi mình giữa rừng người về dự lễ. Thì ra cô Hương Hoa, Lễ Sanh của họ đạo Trung Đức đang hối hả tìm bà để một đạo hữu gốc Trung Đức gặp nói chuyện. Cô Lễ cầm tay bà thật chặt như sợ bà cụ ngót nghét bát tuần này lạc giữa biển người. Cả hai lướt đi trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt mọi người. Đồng đạo, đồng bào gặp nhau ở một nơi xa quê thì cũng không có chi lạ lắm, nhưng gặp nhau tay bắt mặt mừng ngày khánh thành ngôi nhà Thánh bên dòng sông Krông Ana xa lăng lắc thì lại là chuyện dễ gì có được trong đời.

Khi nghe đạo hữu gốc Trung Đức muốn nghe chuyện những ngày đầu đạo hữu giữ Đạo thờ Thầy ở Quảng Điền mấy chục năm trước, bà Tươi bỗng nghe lòng ấm áp. Câu chuyện cứ tuôn chảy mềm mại như dòng nước Krông Anna nuôi dưỡng cánh đồng đôi bờ. Thoáng cái đã gần bốn mươi năm bà mới có dịp quay trở lại nơi này. Ngôi nhà thánh Trung Điền mới xây xong uy nghi hiện hữu như một đóa hoa, nở sáng rực rỡ giữa đất trời cao nguyên hùng vĩ.

Bà Tươi nghẹn ngào nói với đồng đạo: “Anh hãy ghi lại những chuyện tui kể để con cháu đời sau còn biết chuyện giữ đức tin của bà con đạo hữu nơi rừng thiêng nước độc ni, hắn gian khó vô cùng. Mấy chục năm trường, bao nhiêu vật đổi sao dời mà khu đất từng là rừng cây dầu chừ mọc lên cái thánh thất uy nghiêm như ri là công sức của nhiều người lắm. Nhiều khi tui nghĩ chỉ có chư Thần phù hộ mới có thể giữ nguyên khu đất Thánh đó đến ngày hôm nay ...

Sông Krông Ana quanh co, chảy qua thảo nguyên Ma Đ’răk, băng qua những cánh rừng đại ngàn xa mờ trong màu lam sương khói. Hai ngày lễ trôi qua như giấc mơ đầy âm thanh và sắc màu huyền sử. Tiếng trống khai hội rộn ràng, tiếng hát nhặt khoan, cùng với điệu múa thanh tao trong đêm hồi hướng đã làm nên một sắc màu tín ngưỡng thiêng liêng giữa vùng đất bazan đầy huyền thoại.

Mặt trời ửng hồng nơi xa, chiếu những tia nắng lung linh bay lượn theo ngọn phướn trên cao, hắt xuống mặt đất những đốm sáng vui tươi, sống động. Thong thả nhẹ bước, bà Tươi thấp thoáng thấy rừng dầu ẩn hiện trong làn sương mỏng của ngày mới; những cây dầu lần lượt nằm xuống trong một phép lạ và một ngôi nhà Thánh mọc lên như một tái sinh của đức tin trên cánh rừng bạt ngàn ngày nào ...

26-3-2024

NHƯ HẠNH