HỒNG ÂN TRỔ NHÁNH
NHƯ HẠNH
Giữa trưa, người đàn ông có mái tóc hoa râm ngồi trong quán vắng
ven đường. Ly cà phê uống cạn chỉ còn trơ những viên đá đang oằn mình tan chảy
giữa cái nóng oi nồng mùa hạ. Từ chỗ ông ngồi nhìn ra là một ngã tư đầy bụi đỏ.
Thứ bụi đỏ cao nguyên cứ bám rịt, không chịu buông khiến cả người cảm thấy nhớp
nháp khó chịu. Một chiếc xe khách bất ngờ đỗ xịch ven đường. Bụi đỏ bay lên mù
mịt khiến con đường mờ mịt như cõi hồng trần. Từ lề đường, hai vợ chồng, áng chừng
là dân địa phương, dẫn theo hai đứa con nhỏ bắt xe về thành phố kiếm sống. Người đàn
ông nhìn theo bóng họ đổ dài trên con lộ đen nhánh, tự dưng khúc phim thời thơ ấu
bỗng quay về thật chậm ...
1.
Tới ngã ba Cây Cốc, chiếc xe đò chạy chầm chậm rồi dừng lại đón khách.
Trên mui xe ngất ngưởng chiếc bồn nước, loại dùng trong quân đội, nước sơn xanh
rêu đã xỉn màu và một số bao tải xếp lớp được ràng kỹ bằng những sợi dây dừa
mòn vẹt. Nhìn từ xa, chiếc xe đò Đà Nẵng – Sài Gòn của hãng Phi Long sơn hai màu vàng đỏ chạy
trên đường lộ giống như con bọ cánh cam bò trên nhánh cây. Thằng Mua chưa kịp
nghĩ ngợi thêm vì khói xe nồng nặc làm cay xè đôi mắt thì đã bị cha nó kéo tay
lôi xềnh xệch lên chiếc xe chật ních người. Mẹ nó tay bồng đứa con gái nhỏ, tay
kẹp cái nón đang loay hoay tìm cách leo lên thì người lơ xe đẩy thốc phía sau
lưng, ấn vào khoảng trống sau mấy dãy ghế ngồi. Đứa em gái thằng Mua khóc ré
lên vì hoảng sợ ...
Chiếc xe hộc lên một tiếng, phun khói phì phì rồi
từ từ lăn bánh. Thằng Mua cố rướn người nhìn qua cửa sổ, ngã ba Cây Cốc lùi xa
như có bàn tay vô hình kéo ngược lại. Những khoảnh ruộng hai bên đường kéo
thành vệt dài như tấm thảm xanh mướt gập ghềnh theo bánh xe chạy. Xa xa, bầy cò chấp chới
bay trên cánh đồng, rồi chần chừ sà gần sát đám lúa non, cuối cùng vỗ cánh bay
cao. Tự nhiên nó khóc tức tưởi như vừa đánh mất
thứ gì quý giá. Cha nó lặng lẽ quay mặt đi, cố giấu nỗi buồn ủy mị sau đôi mắt
thâm quầng.
Thằng nhỏ buồn rầu nhìn quanh trên xe một lượt,
thấy toàn những gương mặt xa lạ, nhàu nhĩ. Qua cách họ hỏi thăm nhau, nó biết tất
cả đều là người Quảng
Chiều xuống thật chậm qua ô cửa sổ trên xe. Mùi
xăng dầu, mùi mồ hôi người trộn lẫn vào nhau trong khoang xe chật hẹp khiến một
đứa trẻ lần đầu tiên được đi xe đường dài như thằng Mua nghe váng vất cả đầu. Mẹ
nó lục tay nải, lấy mấy cái bánh ú ra giúi vào tay cha con nó để hai người ăn dằn
bụng.
Khi con cánh cam bắt đầu lặc lè bò lên đèo Cả
cũng là lúc mặt trời lặn xuống sau những dãy núi xa xanh. Màn đêm kéo tấm màn
nhung đen huyền bí phủ xuống con đường. Ánh đèn pha từ đầu xe quét loang loáng
trên mặt đường thấy rõ những lớp đá gập ghềnh bám dính vào nhau bên bờ vực đen
ngòm hờ hững. Cả xe không ai dám thở mạnh, tai lắng nghe tiếng lớp đá kêu lịch
kịch dưới bánh xe. Có ai đó nói thì thầm đầy kiêng nể: “Xe đang qua đèo Cục Kịch.”
Dân gian gọi thế, bởi khi mới mở, đèo Cả chỉ trải lớp đá, đi lại gập ghềnh và
có đến chín mươi tám vòng cua rộng hẹp gấp khúc. Trong vô thức, thằng Mua nhắm
mắt lại, lần tìm lấy tay cha nắm chặt. Tiếng mẹ cầu nguyện rì rầm bên tai khiến
nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết ...
2.
Thằng Mua thức dậy sau đêm đầu tiên nơi đất khách. Xung quanh không còn
những âm thanh quen thuộc của quê nhà. Tiếng mấy con gà trống gáy ò ó o đầy
kiêu hãnh ngoài cây rơm, tiếng bầy heo ọ ẹ đòi ăn ngoài chuồng hay tiếng chim sẻ
ríu rít gọi nhau trên cây ổi ... tất cả
đã cách xa nó gần hai ngày đi xe khách. Thay vào đó là tiếng thoi dệt lách cách
bên nhà hàng xóm vọng sang nghe buồn buồn. Tối qua, cả nhà nó ngủ nhờ ở nhà ông
Tư, người cùng họ đạo ngoài quê, xin ông ở tạm một thời gian rồi mới tính tiếp.
Giọng ông Tư trò chuyện với cha mẹ nó ngoài hiên vọng vô nghe rõ mồn một:
“Vùng đất Bảy Hiền ni rộng mênh mông, chú thím có sức thì ra dọn cỏ, cuốc đất dựng
tạm cái nhà nhỏ mà ở. Huỡn huỡn ít bữa, tui dắt chú vô xóm xin một chân
dệt. Còn thím gái thì lo con cái, trồng thêm luống rau, nuôi thêm con gà, con vịt
là không phải lo đói mô.”
Sáng bửng mắt, ông Tư đã dẫn cha nó đi đâu tới
trưa trật mới về. Hai người mang về nhà một số cuốc, xẻng, rựa và cọc tre để
chuẩn bị phát hoang, dọn cỏ.
Những người xứ Quảng vào đây sinh sống đã mang
theo cả nghề dệt vải ở quê nhà. Lần hồi cả một xóm dệt xuất hiện bên đường ray
xe lửa. Hồi ấy, gần như tất cả còn sử dụng máy dệt gỗ. Mỗi khi máy chạy tiếng ồn
điếc óc, ù tai. Chính vì vậy, ngoài tên Xóm Dệt nó còn chết tên là “Xóm Ồn”.
Từ hồi nghe tin cha thằng Mua dẫn gia đình vô
đây kiếm sống, cả “Xóm Ồn” chộn rộn hẳn lên. Tối tối người ta tụ tập ở nhà
ông Tư hỏi thăm chuyện nhà, chuyện cửa rồi mỗi người gom vài lon gạo, ít mắm muối,
vài bộ áo quần cho bọn nhỏ khiến mẹ nó cảm động đến ứa nước mắt.
Với sự giúp sức của “Xóm Ồn”, phải mấy tháng
sau gia đình thằng Mua mới cất được căn nhà lá trên miếng đất gần con rạch nhỏ.
Ngày đầu dọn qua nhà mới ở, cha nó chặt tre ghép lại thành cái bàn thờ ở gian
giữa. Sẵn mấy lóng tre còn dư, ông Tư cưa ngang, đổ cát trắng vô làm thành bát
hương và hai cái đế cắm đèn bạch lạp. Trong lúc mẹ nó loay hoay châm cây đèn hột
vịt thì cha nó lấy gói giấy nhật trình cất trong tay nải ra. Hai bàn tay ông
run run mở từng lớp giấy rồi lấy ra quyển Kinh
Tận Độ cỡ bằng hai bàn tay được cha nó giữ bên mình như bửu bối.
Tối hôm ấy, lần đầu tiên thằng Mua biết được đêm sâu hun hút đến chừng
nào. Cả Xóm Ồn chìm trong giấc ngủ. Gió ngoài con rạch mơn man thổi. Bọn ếch
nhái ngoài bãi lầy cạnh con kênh Nhiêu Lộc ồn ào cãi cọ như họp chợ. Tiếng ho của
một người già mất ngủ lẫn vào trong gió. Đang nằm khoèo trên chõng tre nghĩ ngợi
mông lung, thằng Mua nghe tiếng cha gọi vào quỳ lễ trước bàn thờ. Mùi hương trầm
bay lên quyện theo gió lan xa khiến trong lòng đứa trẻ lên sáu như nó cảm thấy
được an trú trong sự chở che của Đấng Cha Lành – nó nghe cha nói thế ...
3.
Tiếng chuông tin nhắn vang lên khiến người đàn ông khựng lại một chút, cắt
đứt dòng ký ức đang đổ về ... Ông đưa
tay vuốt lại mái tóc bạc lòa xòa trước trán trước khi đọc những dòng chữ quảng
cáo nhạt nhẽo trên màn hình điện thoại. Ông định tắt nguồn điện thoại cho đỡ vướng bận,
nhưng lại thôi. Không việc gì chỉ vì mấy tin nhắn vớ vẩn mà cắt đứt liên lạc với
nhiều người khác. Ông đứng dậy, móc ví trả tiền ly cà phê, chầm chậm gọi xe đi,
đôi vai trĩu xuống như đang gánh cả một ký ức thời thơ dại.
Ông
đang ngần ngừ đứng trước chiếc cổng có giàn hoa giấy đỏ rực như lửa giữa bầu trời
cao nguyên xanh biếc, thì một bé gái tóc thắt bím, mặc đồng phục học sinh dừng
xe đạp hỏi:
– Ông ơi, ông tìm nhà ai ạ?
Người
đàn ông mỉm cười hỏi lại:
– À, cho ông hỏi, đây có phải là nhà ông Bảy
Hơn không cháu? Ông tên là Mua, từ Sài Gòn mới lên. Địa chỉ thì đúng rồi nhưng
gọi cửa mãi không thấy ai ...
– Dạ, đúng rồi. Đó là ông nội của con. Con mời
ông vào nhà ạ!
Đứa
bé gái mở cổng, đon đả mời khách vào nhà. Vừa tới cửa nó đã gọi với lên trên tầng
hai:
– Ông ơi, ông có bạn từ Sài Gòn lên chơi nè!
Có
tiếng người già vọng xuống:
– Ừ, ông xuống liền. Con pha nước mời khách
giùm ông...
Từ
trên cầu thang, tiếng dép loẹt quẹt vọng xuống cho đến khi ánh mắt hai người
đàn ông chạm vào nhau, vỡ òa thành tiếng reo vui như nắng sớm:
– Trời ơi! Ngọn gió nào đưa ông lên đây? Dễ
chừng gần năm chục năm rồi mới gặp được ông. Ngồi xuống đây, từ từ nói chuyện ... Giọng ông Hơn khàn đặc, quá xúc động vì
cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Chuyện năm xưa bỗng dưng hiện về như mới hôm qua ...
4.
Thằng
Hơn ngồi ngoài hiên, mặt chù ụ đầy bất mãn. Từ hồi gia đình thằng Mua từ ngoài
Trung vô ở nhờ tới nay, nó bỗng bị cha mẹ cho ra rìa. Hổm rồi thấy mẹ nó lấy
khúc vải tám trắng đem cắt cắt may may, nó hí hửng phen này có áo mới để đi dự
lễ dưới thánh thất – mãi sau này nó mới biết đó là ngày thành lập họ đạo Nam Phần.
Vậy mà khi may xong, mẹ nó nói trớt quơ: “Áo ni là mẹ may cho thằng Mua, con
chú Hai Tới. Áo con mới may năm ngoái, hãy còn mặc được. Con chịu khó chút nghe
...” Nghe tới đây, nó khóc giẫy nẫy một
hồi cho đến khi cha nó rút cây roi mây trên vách kêu cái rẹt nó mới nín. Từ đó
nó đâm ra ghét thằng Mua kinh khủng. Vậy mà thằng Mua làm như không hề hay biết.
Vào
những ngày sóc, vọng cả hai gia đình rủ nhau đi lễ. Đối với mấy đứa trẻ lên sáu
như nó và thằng Mua thì con đường về nhà thánh khá xa mà phải đi bộ nên đôi guốc
gỗ cũ mèm của nó đứt quai nửa chừng. Thấy nó đi cà nhắc tội nghiệp, thằng Mua lẳng
lặng tụt lại đằng sau, lượm mảnh bao bố ven đường, rũ sạch bụi rồi đem quấn vào
hai bàn chân bạn. Nhờ vậy mà suốt quãng đường còn lại, đôi chân của nó không bị
phồng rộp. Sau lần đó, “oán thù” giữa hai đứa được cởi bỏ. Đi học, cắt cỏ hay bắt
cá lia thia ngoài kênh cả hai đều dính nhau như sam.
Cha
nó kể, họ đạo Nam Phần quy tụ các tín đồ Cao Đài ở miền Trung vào sinh cơ lập
nghiệp tại miền Nam, lúc ban sơ đặt trụ sở tại thánh thất Từ Vân ở đường Nguyễn
Huệ, một năm sau dời về sinh hoạt tại thánh thất Huỳnh Đức trên đường Nguyễn
Thiện Thuật.* Mãi đến tám
năm sau nữa, đạo hữu ngày một đông với bốn xã đạo, họ đạo Nam Phần mới xin
thành lập thánh thất lấy hiệu Trung Minh, một nhánh mới của cây đạo Trung Hưng
– Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Ngày
đầu tiên đi lễ ở thánh sở mới, nhìn ngôi nhà lợp tôn, nền xi măng, vách ván, thấp
lè tè, thằng Hơn đã ngây ngô hỏi cha:
– Cha ơi, sao
thánh thất mới không đẹp bằng thánh thất Từ Vân. Chẳng có cây cối chi hết mà lại
nóng nữa. Con thích đi lễ ở Từ Vân hơn.
– Ừ, mấy bác, mấy chú đã cố gắng lắm mới mua
được đất và dựng được nhà thánh cho riêng mình. Chứ trước đây chỉ tạm thời ở nhờ
thánh thất Từ Vân. Vì mới ban đầu nên chỉ được vậy thôi con. Sau này chúng ta sẽ
sửa sang lại cho thật đẹp. Con chịu không?
Nghe
cha nói vậy, thằng Hơn mới nguôi ngoai phần nào...
5.
Một
hồi chuông điện thoại vang lên giục giã, cắt ngang dòng hồi tưởng của ông Hơn.
Đứa cháu gái từ nhà sau chạy lên chỗ hai người nói:
– Ông ơi, bà nội gọi nè.
– Ừ, để ông nghe.
Ông
Hơn cầm điện thoại lên nói mấy câu, xong quay lại nhìn ông Mua, nói với người
bên kia đường dây:
– Nhà mình đang có khách quý là anh Mua ở
“Xóm Ồn” Bảy Hiền ngày trước lên chơi. Em giữ máy nói chuyện với ảnh nghe.
Chưa
hết ngạc nhiên thì ông Mua đã nghe giọng nói quen thuộc từ phía bên kia:
– Anh Mua phải không? Anh về bao giờ? Trời
ơi, anh nhớ em không? Em là con bé Bông ngày xưa cùng sinh hoạt thanh niên Hưng
Đạo Đoàn với anh và anh Hơn đây. Tiếc quá, bây giờ em đang ở nhà con gái dưới
thành phố. Vài bữa nữa mới về Ban Mê được. Anh ở chơi với anh Hơn ôn chuyện cũ
vài ngày hẵng về ...
Người
đàn ông dường như quá bất ngờ nên chỉ ậm ừ không nên lời. Ông không thể nào ngờ
cô hoa khôi xóm đạo ngày nào giờ trở thành vợ của đứa bạn thân chí cốt, nay là
Lễ Sanh của nữ phái ở họ đạo địa phương. Như sực nhớ ra mục đích của chuyến trở
về lần này, ông khẽ khàng nói với bạn mình:
– Chuyến này mình về Việt
Ông
Hơn nhìn người bạn xóm cũ đang ngồi trước mặt mà nghe thời gian trôi nhanh quá.
Mới ngày nào hai đứa còn cành nanh nhau xem ai đi nhanh hơn trên đoạn đường về
thánh thất Trung Minh. Vậy nhà giờ đây đã gần hết đời người. Ông đưa tay cầm
chén nước trà đã nguội ngắt, hớp một ngụm rồi hỏi:
– Vậy những ngày còn lại ở Việt
– Có lẽ tôi sẽ về lại Quảng
Đêm
ấy, sau khi mãn cuộc chuyện trò với ông bạn từ hồi để chỏm, người đàn ông quay
về phòng. Lạ nhà, ông trằn trọc một lúc mới thiếp đi. Trong giấc mơ ông nghe có
tiếng ai đó gọi mình lẫn vào tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Nơi hiên trước
có một nhánh cây nhoài mình sau màn mưa mỏng, hé những cánh hoa không rõ hình
thù giữa đêm mùa hạ. Ông thấp thoáng thấy bóng Trung Hưng Bửu Tòa ẩn hiện xa
xa, một người mặc áo dài trắng lướt qua thật nhanh, giúi vào tay mình quyển
sách nhỏ cũ kỹ. Định thần nhìn lại thì đó là cuốn Kinh Tận Độ mà ngày trước cha ông mang từ quê nhà khi vào
03-7-2024
* Thánh thất Từ Vân nay ở số 100 đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận).
Thánh thất Huỳnh Đức trước đây là thánh tịnh Huỳnh Đức Đàn,
sau quy hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh. Nay thánh thất Huỳnh Đức ở số 213/704/67 đường
Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận Ba).