Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

9 TIẾNG GUỐC NGƯỜI XƯA / Ngọn Nến Phúc Linh

 


TIẾNG GUỐC NGƯỜI XƯA

NHƯ HẠNH

1.

Lũ trẻ xóm Hình Vuông đang xúm xít chơi trò bịt mắt bắt dê trên khu đất trống trước thánh thất thì có tiếng reo to:

A, thầy Ba về rồi bọn bây ơi! ...

Tức thì mấy đứa khác cũng hùa theo một cách phấn khích:

Thầy Ba về, thầy Ba về ... Thôi nghỉ nghe, bữa khác chơi tiếp!

Bọn trẻ ùa ra quấn lấy chân ông lão mặc bộ áo dài trắng, tóc búi củ tỏi. Chân ông đi đôi guốc gỗ không quai đẽo bằng thân cây mứt. Chiếc nón Gò Găng ngửa ra phía sau để lộ khuôn mặt an nhiên tự tại phảng phất nụ cười thanh thoát tiêu diêu. Xốc lại cái túi nải áng chừng khá nặng trên vai, ông nở nụ cười hiền từ rồi đưa tay xoa đầu đứa bé nhất trong bọn. Thế là như một thói quen, ông lão đi trước, tiếng guốc gỗ khua lộc cộc trên con đường đất pha sỏi lởm chởm, bọn trẻ rồng rắn theo sau lưng. Một đứa khác mạnh dạn nắm tay ông cùng đi vào thánh thất.

Dân quanh vùng vẫn quen gọi ngôi thánh sở Phước Thiện nơi này là chùa Cao Đài cho dù danh xưng trong đạo gọi là thánh thất. Còn đạo hữu sống quanh thánh thất tự nhận nơi mình ở là xóm Hình Vuông bởi khuôn viên nơi đây vuông vức gần như đều cạnh. Nơi thờ Đấng Toàn Năng, người đạo gọi là Thầy, được đặt trên tầng hai của ngôi thánh sở khang trang, nằm dưới đường máy bay hạ cánh và chìm khuất trong khuôn đất rộng nhiều cây cối. Thỉnh thoảng có tiếng máy bay ầm ì từ xa rồi bất ngờ rít lên một tiếng trước khi hạ thấp xuống phi trường cách đó chưa tới cây số khiến bầy chim sẻ giật mình xao xác.

Hồi đó xóm Hình Vuông toàn là dân tản cư từ các vùng quê ra như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình ... Nhà tôi cũng là dân từ nơi khác nhưng ngoại đạo. Dù vậy, tôi chơi thân thiết với bọn trẻ trong xóm nên ngày nào cũng chạy qua thất xem lễ, chơi đùa. Đặc biệt là rất yêu kính và thân thuộc với thầy Ba.

Gần như ngày nào bọn tôi cũng chơi nơi khoảng đất trống trước thánh thất và đợi thầy Ba về. Nghe mẹ tôi nói thầy thường đi bộ đến nhà người quen để thăm hỏi, cúng quảy hay bàn chuyện đạo. Đôi khi gặp nhà đạo hữu neo đơn, thầy vác cuốc ra dọn vườn, đánh luống trồng khoai, trồng sắn. Lúc về, trong tay nải lúc nào cũng nặng những món quà quê như chuối, ổi, bó rau xanh, nhúm đậu phộng... Đối với bọn trẻ chúng tôi ngày đó, cái tay nải vải bạc màu nâu nhạt ấy như một túi càn khôn trong chuyện cổ tích, có thể chứa đựng nhiều thứ bất ngờ và kỳ thú.

Ở chùa Cao Đài lúc đó ngoài thầy Ba còn có nhiều vị nữa, rất nghiêm. Bọn trẻ chúng tôi vốn hay nghịch ngợm, hái trái, chọc tổ chim nên thường hay bị rầy la lắm. Chỉ riêng có thầy Ba lúc nào cũng cười hiền từ như ông Phật Di Lạc; ai nói gì, khen hay chê, thầy cũng cười, nụ cười thanh thoát của bậc chân tu thánh thiện. Có lần, chúng tôi ném xoài chín trên cây sau chùa. Ném thế nào không biết mà cả hòn đá tổ chảng bay xẹt qua nhánh cây rơi trúng mái ngói kêu xoảng một tiếng. Bọn nó nhanh chân chạy mất, chỉ còn tôi mặt mày xanh mét đứng chết trân. Đến khi tỉnh lại, tính co giò chạy thì nghe tiếng thầy Ba ôn tồn sau lưng:

- Thôi, miếng ngói nớ bể hồi lâu rồi, con đừng có sợ ... Thầy định thay miếng mới mà nói hoài chưa làm được. Nhân tiện lần ni thay luôn kẻo mưa dột.

Nói rồi thầy dắt tay tôi vào sau chùa, mở tay nải cho trái chuối chín rệu mật.

2.

Trẻ con xóm Hình Vuông thức dậy bằng tiếng chuông báo đàn mỗi sáng. Tiếng chuông thong thả, ngân dài thành những vòng thanh âm lan tỏa trong sương sớm. Người ta nói, sáng nào thầy Ba cũng dậy sớm thỉnh chuông, cúng Thầy.

Thầy Ba vốn là bậc chơn tu thượng thừa ở Nam Tông Phật Đường trong phố cổ Hội An, được Ơn Trên giáng đàn chỉ dạy quy hiệp qua Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để truyền bá mối Đạo Trời. Thế là thầy rày đây mai đó, mà toàn mang guốc kẹp lội bộ, tối về ngủ lại chùa Phước Thiện từ khi chùa chỉ là một ngôi nhà cấp bốn, nay chỉ còn là tàn tích xiêu vẹo nằm phía sau ngôi chùa mới được khánh thành năm 1972.

Năm ấy, tôi học lớp Tám trường huyện, dù chuyện học hành bận bịu cách mấy vẫn ghé qua chùa với hy vọng được trò chuyện cùng thầy. Càng gần gũi tiếp xúc với thầy bao nhiêu tôi lại nhận ra nhiều điều khác lạ toát lên từ bậc chân tu đi guốc kẹp.

Nếu cái không khí tĩnh lặng, trang nghiêm ở phía trước thất lúc lễ bái luôn làm đứa bé trong tôi vừa kính vừa sợ thì nơi mái hiên bên ngoài căn phòng đơn sơ của thầy Ba luôn đem lại sự bình an và thân thiết. Thầy ít nói chuyện mà trên môi lúc nào cũng phảng phất nụ cười. Những lúc có lễ trọng, hoặc những ngày rằm, mồng một thầy thường ở thất để cúng lễ, ngoài ra thì chu du khắp nơi để giảng đạo, với đôi guốc gỗ không quai. Thầy đi bằng cách kẹp chặt hai ngón chân cái và ngón trỏ vào cái chốt gỗ trên phần đầu guốc mà không hề chệch bước nào.

Lại nói về đôi guốc đặc biệt của thầy. Không đứa trẻ nào trong xóm Hình Vuông mà không một lần xin thử đôi guốc gỗ của thầy Ba. Nhìn bọn trẻ thách đố nhau, bước đi trầy trật trên đôi guốc không quai, thầy chỉ cười chớ không hề la mắng. Mỗi khi thầy đi đâu về, trong tay nải có thứ gì ngon đều chia hết cho bọn trẻ. Hồi đó dân trong xóm nghèo lắm. Chiến tranh bứt họ khỏi ruộng đồng, quăng ra xứ lạ nên mọi người phải làm đủ nghề để kiếm sống. Trẻ con bữa đói bữa no là chuyện thường tình. Thầy luôn nhịn ăn để nhường phần cho bọn trẻ. Có hôm, gặp người chạy loạn cơ nhỡ xin vô thất tá túc đỡ mấy hôm, thầy nhường cả chỗ ngủ và miếng ăn cho họ. Thầy chỉ ăn tạm mấy củ khoai và bông hoa huệ luộc chấm muối trắng ...

Nhiều người cho là thầy Ba muốn tu hành cách khác người, muốn mình cao thượng và nổi trội hơn kẻ khác. Thay vì dạy bọn trẻ kinh kệ, giáo lý thì thầy chỉ chăm chăm cùng bọn chúng nhặt những con chim non rơi khỏi tổ về nuôi rồi khi lớn thả chúng bay về với trời xanh mây trắng. Tôi đem điều này hỏi, thầy chỉ cười nhẹ rồi nói:

Con còn nhỏ, chưa hiểu hết chuyện đâu. Đừng nghe người ta nói này nói nọ mà xao lòng. Tình thương yêu là cốt lõi của Đạo. Con người sống trong hòa ái sẽ cùng nhau hạnh hưởng một đời sống yên vui, thung dung tự tại trong vòng tay ấm áp tình thương yêu của Thầy Mẹ.

Lúc đó, tuy không hiểu hết những gì thầy nói, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy nhẹ nhàng như vừa được tắm gội trong tình thương yêu của Đấng Toàn Năng.

3.

Vốn dĩ thời gian không đợi ai bao giờ. Một sáng kia, khi ngồi trong căn phòng kín bưng, chỉ có tiếng đánh máy chữ lóc cóc đều đều buồn tẻ, trong tôi chợt bật ra câu hỏi rằng mình sẽ sống như thế này trong bao nhiêu năm nữa. Quanh quẩn trong bốn bức tường văn phòng, tranh giành hợp đồng, tiêu pha những đồng tiền kiếm được ... Nhìn theo con chim sẻ đậu vắt vẻo trên hàng dây điện ngoài kia, chợt thèm một khoảng trời trong trẻo đến nhường nào.

Tôi bắt xe đò về quê, dự đám tang của người bà con ở xóm Hình Vuông. Trong tôi tuy không cảm nhận một tình cảm rõ ràng nào nhưng khi nghe các đạo hữu đọc kinh tôi đã rơm rướm nước mắt. Những người khác cũng thút thít khóc. Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy trong màn sương mỏng chập chờn nước mắt thấp thoáng khuôn mặt quen thuộc của thầy Ba. Ký ức tuổi thơ ùa về như một cơn gió khiến lòng tôi xao động.

Đêm đó, tôi ghé qua thất tìm thầy Ba. Thầy đã già và ốm nhiều hơn tôi tưởng. Căn phòng thầy ở vẫn như xưa. Chiếc ghế tre thầy dùng để ngủ bạc màu loang lổ. Tôi quên nói là thầy không ngủ trên giường bao giờ. Chiếc ghế tre hơi ngả ra phía sau do tự tay thầy đóng để thay thế giường ngủ là một trong cách thức tu tập của thầy suốt mấy chục năm qua.

Con vẫn còn nhớ thầy à? Mới hồi nào con hãy còn đứa trẻ nghịch ngợm leo cây bắt tổ chim, hái trái. Vậy mà đã hơn hai chục năm rồi chớ ít chi. Đời người như giấc mộng.

Tôi kể cho thầy nghe cảm nhận của mình về hạnh phúc, khổ đau, tình thương, lòng đố kỵ, ganh ghét ... Thầy vẫn như xưa, trên khuôn mặt trang nghiêm phảng phất nụ cười an tịnh:

Con người một khi biết đau khổ tức là đã trưởng thành. Con cũng vậy, rồi con sẽ tìm ra câu trả lời, sống phải làm gì để bình yên và hạnh phúc.

Từ nay, thỉnh thoảng con sẽ về thăm xóm, hầu chuyện cùng thầy.

Thầy với tay lên kệ, lấy mấy quyển sách, khẽ khàng nói thật chậm như gió thoảng:

Con cầm mấy cuốn sách này về mà đọc; thầy tặng con làm kỷ niệm. Bây giờ con đã trưởng thành, có thể hiểu được cái bao la của Đạo. Mai mốt hữu duyên sẽ gặp lại nhau ...

Tôi thảng thốt bật lên câu hỏi:

Vậy là thầy định đi đâu à?

Thầy vẫn chưa biết sẽ đi đâu. Có thể về một miền quê xa xôi nào đó, cũng có thể đến một vùng đảo xa. Nơi nào chưa có nhà Thánh, thầy sẽ đến đó khai đạo. Thầy muốn dặn con điều này. Con là người được học hành đến nơi đến chốn. Con có nhiều kiến thức là điều tốt nhưng đôi khi kiến thức đem đến tật ngã mạn, không mang lại lòng tha thứ và tình yêu thương.

Tôi cầm lấy sách ôm vào ngực cúi đầu “dạ” một tiếng thật khẽ, rồi chào thầy ra về.

Thầy quờ chân mang guốc, đứng dậy tiễn tôi. Tiếng guốc gỗ lộc cộc trong buổi đêm ngày ấy vẫn còn vang mãi trong lòng tôi đến tận bây giờ ...

24-4-2024

NHƯ HẠNH