MỘT NGÀY SỐNG ĐẠO
CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI
HUỆ KHẢI
Cơ duyên
Đầu
xuân năm Mậu Dần (1938), sau khi đạo Cao Đài ra đời được đúng mười hai năm, các
Đấng trong Tam Giáo vâng chiếu Đức Cao Đài ban truyền Thánh Đức Chơn Kinh tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn.([1])
Khi Thánh Đức Chơn Kinh hoàn thành được khoảng ba phần tư, một hôm bộ
phận thông công tiếp được bài thơ xưng danh sau đây:
Lý chánh tu tâm dưỡng chí thanh,
Giáo
khai Đại Đạo chọn nhơn lành.
Tông
truyền nhứt bổn kỳ Tam hội,
Giáng
dạy tu thân đạo nhựt hành. (tr. 124)
Bốn
chữ quán thủ và câu 4 đọc là: “Lý Giáo Tông
giáng dạy tu thân đạo nhựt hành”. Nói cách khác, Đức Giáo Tông ban cho môn
sanh biết phương pháp thực hành tu thân hàng ngày; người tín đồ Cao Đài cứ noi
y theo đó thì có thể sống đạo trọn vẹn một ngày đúng với chánh pháp Tam Kỳ Phổ Độ.
Theo
Phật Giáo (Nhị Kỳ Phổ Độ), Đức Thích Ca không tự ý thuyết pháp ban kinh (nói như
Đức Lão Tử là vô vi). Mỗi bộ kinh ra
đời đều có một vị thỉnh pháp.
Truyền
thống này lại thấy trong Tam Kỳ Phổ Độ. Hôm ấy Đức Lý đang ở cung Tiên và chạnh
lòng thương xót chúng sanh chịu nhồi quả do nghiệp báo buổi hạ nguơn mạt kiếp.
Đức Lý than:
Nghĩ thảm bấy sanh linh nguơn hạ,
Xót xa thay nhơn quả nhập nhồi.
Pho kinh Thánh Đức chưa rồi,
Cầu xin Từ Phụ điểm hồi tâm nhơn. (tr. 125)
Đức
Lý vừa nghĩ tới đó thì liền có chiếu chỉ 詔旨
của Đức Khương Thái Công do Tiên Đồng mang đến:
Cạnh tranh nhơn quả thêm nhồi,
Đời tàn xáo lộn đời ôi có tường.
Than thế sự tang thương biến động,
Chưa hết sầu thấy bóng Thái Công,
Quỳ tâu mấy vị Tiên Đồng,
Rằng nay có chiếu Thái Công đến mời.
THI
Đến mời Lão xuống chốn Kỳ Sơn,
Dạy phép tu hành đặng cứu nhơn.
Mây tỏa trổi lần chơn giá hạc,([2])
Xuống cơ gầy nhịp mấy dây đờn. (tr. 125)
Nói
xong về cơ duyên tả kinh, Đức Lý bảo ngay rằng: “Lão giảng dạy về Đạo Nhựt Thường Hành.
Trong
bài thơ quán thủ xưng danh khi mới giáng đàn, Đức Đại Tiên Trưởng cho biết “Lý Giáo Tông giáng dạy tu thân đạo nhựt hành”.
Giờ đây, Ngài xác định phương pháp tu thân hàng ngày do Ngài ban trao chính là Đạo Nhựt Thường Hành 道日常行 (Đạo thực hành hàng ngày).
Sách
Trung Dung có câu: Không được rời Đạo dù chỉ một khoảnh khắc
nhỏ…([3]) Nhưng phải làm sao
để cho tâm mình lúc nào cũng gắn liền với Đạo?
Thời
hạ nguơn mạt kiếp, đạo đức suy đồi, con người đời sống càng văn minh thì tâm
địa càng tráo trở, gian trá theo chiều ngược lại. Muốn không rời xa Đạo dù chỉ
một khoảnh khắc nhỏ, quả thật khó khăn vô vàn!
Nhưng
khó khăn vô vàn không có nghĩa là phải bó tay. Cách nay hai mươi sáu thế kỷ, Giáo
Chủ đạo Tiên trong Nhị Kỳ Phổ Độ là Đức Lão Tử từng bảo: Lời ta dạy thật dễ hiểu, thật dễ làm theo.([4])
Sang
Tam Kỳ Phổ Độ, đứng đầu Tam Trấn Oai Nghiêm và đại diện cho Tiên Giáo, Đức Lý
Thái Bạch khi dạy Đạo Nhựt Thường Hành đã dùng những vần thơ lục bát, song thất
lục bát Việt
Tuy
nhiên, khi dùng lời giản dị, dễ hiểu, dễ làm để dạy Đạo Nhựt Thường Hành thì
dường như Đức Lý e rằng tâm phàm vốn thích sự cầu kỳ, mắc mỏ sẽ xem thường, coi
nhẹ, bỏ lơ pho kinh. Vì thế, trước khi ban kinh, Ngài mở lòng từ bi nhắc nhở
rằng Đạo Nhựt Thường Hành chính là chơn truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, rất
mầu nhiệm và linh ứng:
“Vậy chơn truyền của Đại Đạo ngày nay
đã ban xuống thế. Quý báu thay! Hữu căn hữu hạnh ([5])
thay cho nhơn sanh nhuần gội [ơn phước] ([6])
của Đức Cao Đài!
“Từ đây nhơn sanh tu hành đã có phương
pháp mà hành theo chơn đạo. Nếu chúng sanh mà cượng lý ([7])
thì bị đọa tam đồ ([8])
bất năng thoát tục.([9])
“(…) Còn kẻ biết tuân theo lời dạy mà
làm theo Đạo Nhựt Thường Hành thì được thần linh bảo giám,([10]) hộ
mạng hàng ngày, chẳng bao lâu sẽ đặng phát minh mà
rõ cơ mầu nhiệm.” (tr. 126)
Nghe
được lời dặn dò tâm huyết này của Đức Lý Giáo Tông, trộm nghĩ người tín đồ Cao
Đài cần nên suy nghĩ thêm về cơ duyên thỉnh kinh và ban kinh Đạo Nhựt Thường Hành.
Suy nghĩ về cơ duyên
Theo
lời dạy của Đức Lý Giáo Tông, Ngài ban kinh Đạo Nhựt Thường Hành vì có chiếu chỉ
mời thỉnh của Đức Khương Thái Công.
Trong
hằng hà sa số Phật Tiên, Thánh Thần phò giúp Đức Chí Tôn thời Tam Kỳ Phổ Độ,
tại sao vị thỉnh kinh lại là Đức Thái Công và đấng ban kinh chính là Đức Lý
Giáo Tông? Tại sao không phải các vị nào khác?
Trong
hệ thống Ngũ Chi thờ trên Thiên Bàn đạo Cao Đài, theo hàng dọc ở giữa, thông
suốt từ Trời (Thiên Nhãn) xuống tới người (tín đồ) thì Đức Thái Công là Giáo Chủ
Thần Đạo. Ngài ở vị trí thấp nhất như để làm trung gian cho con người (Nhân Đạo)
và vị trí cao hơn là Thánh Đạo. Còn Đức Lý Giáo Tông đại diện Tiên Đạo, ở vị
trí trung gian cho Thánh Đạo và Phật Đạo.
Phải
chăng Đức Thái Công thỉnh kinh Đạo Nhựt Thường Hành là tạo cơ hội, đem phương
tiện giúp người phàm noi theo để tu tiến lên phẩm Thánh hay chí ít thì cũng vào
phẩm Thần?
Đạo
Nhựt Thường Hành do Đức Lý Giáo Tông ban trao, phải chăng còn hàm ý kinh này sẽ
mở đường tiến hóa cho người tu vượt lên tới phẩm Tiên, phẩm Phật mà hội hiệp
cùng Trời là Đức Chí Tôn tại Bạch Ngọc Kinh?
Có
thể như vậy lắm bởi lẽ trước khi ban kinh Đạo Nhựt Thường Hành Đức Giáo Tông bày
tỏ thánh ý của Ngài là:
Những mong tế độ nơi trần,
Noi đường chánh giáo mới gần Ngọc Kinh. (tr. 125)
Tới
đây không biết có ai trong lòng băn khoăn, nghi ngờ? Lẽ nào chỉ với hai mươi
tám bài lục bát, song thất lục bát, tổng cộng ba trăm năm mươi câu quốc ngữ rất
giản dị mà Đạo Nhựt Thường Hành lại có khả năng huyền nhiệm đủ đưa con người
siêu phàm nhập Thánh?
Trao
đổi chuyện này ngoài xã hội, chắc thiên hạ dễ cười ngất. Cười vì không tin.
Không tin nên chẳng ai thèm học và hành theo Đạo Nhựt Thường Hành. Rốt cuộc chiếc
thang siêu phàm nhập Thánh tuy Đức Lý Giáo Tông đã bắc sẵn nhưng chẳng ai thèm
bước lên mà leo dần cho tới đỉnh thượng.
Nấc thang thứ nhất
Thánh
Augustine (340-430) bảo: “Đức tin tức là
tin cái gì mình không thấy, và phần thưởng của đức tin là thấy được cái điều
mình tin.” ([11])
Vậy,
kết quả mầu nhiệm của Đạo Nhựt Thường Hành sẽ chỉ hiện bày cho những ai có đức
tin, vì họ sẽ thấy và thụ hưởng được những gì mà họ vững lòng tin.
Nếu
ví hai mươi tám bài kinh Đạo Nhựt Thường Hành như hai mươi tám nấc thang nối
cõi phàm lên cõi trời thì nấc thang đầu tiên mà Đức Lý Giáo Tông ban cho môn
sanh chính là đức tin. Ngài dạy môn
sanh phải tin; tin để dẹp lòng kiêu ngạo, đủ hạnh khiêm tốn thực hành đúng lời
lẽ đơn sơ, giản dị do Ngài chỉ giáo.
Vì
thế, mở đầu Đạo Nhựt Thường Hành là bài Giới
Đức Tin Kinh. Giới 戒 là cảnh báo, răn dạy để con người biết giữ mình
cho khỏi lầm lạc. Kết thúc bài kinh, Đức Lý Giáo Tông dạy: “Cần đọc thường. Đi đứng, nằm ngồi đọc được.” (tr. 127)
Nếu một người học thuộc, nhớ
nằm lòng bài kinh này, thì bất kỳ lúc nào trong ngày, bất kỳ
đang ở nơi đâu, đều có thể đọc hay niệm thầm để tự nhắc mình rằng:
Làm người phải học tánh Trời,
Phải tin Tạo Hóa, phải dồi ([12]) đạo
tâm.
Luân hồi quả báo cao thâm,
Có vay có trả cân cầm chẳng ly.([13]) (tr. 127)
Nhờ
mỗi ngày tự biết nhắc mình biết sợ luật Trời, biết kiêng nhân quả báo ứng, chắc
chắn con người sẽ biết dằn tà tâm, không dám làm chuyện trái đạo nữa. Như thế
đã thánh hóa lòng mình rồi.
Nấc thang thứ hai
Kinh
sách gọi thế giới hai mặt này là nhị nguyên 二元 (duality).
Do nhị nguyên nên tuy chỉ có một con người mà lúc này tâm hiền đủ hạnh làm
thánh, lúc khác tâm không được hiền thừa sức làm ma.
Khi
đưa môn sanh bước lên nấc thang thứ hai, vừa mở bài Giới Tâm Kinh Đức Lý Giáo Tông liền dạy rằng tâm phàm mang tính hai
mặt:
Chữ tâm sách giải chưa thông,
Nửa ngoài vật dục,([14])
nửa trong cơ Trời.
(tr. 128)
Như
vậy người tu phải biết trau dồi nửa phần hướng nội là phần Trời để không bị nửa
phần hướng ngoại là phần vật dục sai khiến vào chỗ lầm lạc, bị giam hãm trong
chốn hồng trần, không giải thoát. Đức Giáo Tông dạy:
Để tâm xao lảng lờ lu,
Thì tâm tạo ác diêm phù khó ra.([15])
Giới tâm trước phải giới ta,
Đừng cho danh lợi hại mà bổn tâm.
Dục tình, ái ố, mưu thầm,
Sa mê danh lợi, tham dâm lụy trần. (tr. 128)
Nấc thang thứ ba, thứ tư
Hàng
ngày, người tín đồ Cao Đài cúng bốn thời thường đọc bài xưng tán Nho Giáo.
Trong ấy có hai câu:
Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi
hiếu;
Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi
trung.([16])
Như
vậy, mỗi ngày cúng thời người tu bốn lần tự nhắc nhở mình phải lo tròn hai chữ
trung, hiếu.
Đức
Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy:
“Trên cõi Thiên Đình không có một vị Phật
Tiên, Thần Thánh nào mà thiếu nhân nghĩa, không trung hiếu, mất liêm sỉ.” ([17])
Vì
thế, trên chiếc thang dẫn môn sanh về cõi thượng, trong Đạo Nhựt Thường Hành,
hai đức cơ bản của con người là trung, hiếu đã được Đức Giáo Tông đặt ở nấc
thang thứ ba (Khuyến Ái Quốc Gia Kinh)
và thứ tư (Khuyến Hiếu Phụ Mẫu Kinh).
Khuyến 勸 là khuyên bảo, khích lệ cho con người
gắng sức hơn lên.
Những nấc thang kế tiếp
Giáo
Chủ đạo Cao Đài là Cao Đài Tiên Ông, thế nên tu Cao Đài là tu Tiên, và Đức Giáo
Tông Vô Vi của đạo Cao Đài chính là Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch. Đạo Cao Đài
là đạo Tiên nhưng dụng công cứu đời thì chủ trương Nho Tông chuyển thế. Trước
khi lấy Nho Tông chuyển thế người tu phải lấy Nho Tông chuyển hóa bản thân. Dù
chuyển thân hay chuyển thế thì căn bản Nho Tông nằm trong bốn chữ tam
cương 三綱, ngũ
thường 五常.
Trong
Đạo Nhựt Thường Hành, Đức Giáo Tông dạy thực hành ngũ thường (nhơn, nghĩa, lễ, trí,
tín) qua năm bài:
Giới Nhơn Kinh (bài 12);
Giới Nghĩa Kinh (bài 13);
Giới Lễ Kinh (bài 14);
Khuyến Trí Kinh (bài 8);
Giới Tín Kinh (bài 9).
Ngài
dạy thực hành tam cương qua ba bài:
Khuyến Ái Quốc Gia Kinh (bài 3);
Khuyến Hiếu Phụ Mẫu Kinh (bài 4);
Giới Phu Thê Kinh (bài 15).
Trong
đời sống hàng ngày, mối quan hệ bản thân với gia đình, xã hội và quốc gia không
chỉ hạn hẹp ở tam cương. Để giúp môn sanh hoàn thiện hóa bản thân, Đức Giáo Tông
bổ sung thêm quan hệ thầy trò, quyến thuộc, bạn bè qua ba bài:
Khuyến Kỉnh Sư Phụ Kinh (bài 5);
Khuyến Kỉnh Công Cô Kinh (bài 6);
Khuyến Bằng Hữu Kinh (bài 7).
Trên
đây là phương pháp sống đạo về mặt vĩ mô. Qua Đạo Nhựt Thường Hành, Đức Lý
chuẩn bị cho môn sanh chu đáo tất cả khía cạnh cần thiết để thực hành một ngày
sống đạo đúng theo chơn truyền Cao Đài. Chưa hết, Đức Giáo Tông còn dạy cách sống
đạo một ngày trong đời thường về mặt vi mô, bằng cách thực hành phương pháp rèn
luyện bản thân (luyện kỷ 煉己).
Luyện kỷ gồm tám bài:
Giới Thân Kinh (bài 10);
Giới Ý Kinh (bài 11);
Giới Sân Kinh
(bài 16);
Giới Si Kinh (bài 17);
Giới Ái Kinh (bài 18);
Giới Ố Kinh (bài 19);
Giới Kiên Nhẫn Kinh
(bài 20);
Giới Buồn Rầu Nhân Quả Kinh (bài 21).
Thử
lấy một thí dụ là rèn luyện thân xác.
Thân xác con người thường thích sướng hơn khổ, thích làm biếng, hưởng thụ hơn
siêng năng, nhọc nhằn. Do đó, mở đầu Giới
Thân Kinh, Đức Giáo Tông phê ngay (tr. 132):
Thân phàm biếng nhác lừ đừ,
Nhiều khi dã dượi chẳng từ ngủ ăn.
Vì thân công đức trở ngăn,
Mất điều lễ nghĩa hữu bằng tín trung.
Để
trị cái thân làm biếng, Đức Giáo Tông dạy (tr. 132):
Từ đây con nguyện thủy chung,
Lấy tâm làm chủ chẳng tùng theo thân.
Uống ăn, đi đứng có chừng,
Giữ gìn thể tháo dưỡng thân tu hành.
Một
thí dụ khác là rèn luyện tình cảm. Người
sống đạo phải biết sống vui, thế
nhưng tránh sao khỏi những lúc buồn phiền, rầu rĩ do hoàn cảnh đưa đến. Giúp
môn sanh giải quyết nỗi niềm này, Đức Giáo Tông ban cho bài Giới Buồn Rầu Nhân Quả Kinh. Ngài dạy
rằng trước đây môn sanh đã trót tạo cái nhân buồn rầu do đó hôm nay phải lãnh
cái quả buồn rầu. Thế thì thay vì ngồi than thở, hãy can đảm chấp nhận sự báo
ứng, và lập tức lo làm việc phước đức để vừa không rảnh rang nhớ tới nỗi buồn,
vừa tích chứa nhiều phước đức ngõ hầu trả dần nợ cũ (tr. 137):
Xét ra
muôn sự trần ai,
Đều do tiền kiếp
trả vay rõ ràng.
Biết rồi con chẳng buồn than,
Dầu khi tai họa khốn nàn cũng cam.
Dốc lòng làm chủ tánh phàm,
Nợ xưa xin trả, phước đam thi hành.([18])
Sống đạo là chủ động ngăn ngừa quả báo
xấu
Biết
can đảm chấp nhận đau khổ, muộn phiền để sống vui mà lo trả nợ cũ – đó mới là
một mặt của sống đạo. Người sống đạo còn biết chủ động ngăn ngừa nhân xấu mới
để không lãnh quả xấu mới. Ngăn ngừa cách nào?
Ngày
xưa có người hỏi Đức Khổng Tử rằng tinh hoa của Kinh Thi là gì. Đức Vạn thế Sư biểu
tóm gọn trong ba chữ: tư vô tà (Đừng
nghĩ bậy.)([19])
Tư
tưởng con người có sức mạnh. Khi anh A nghĩ quấy, luồng tư tưởng xấu của anh
làm ô nhiễm môi trường chung quanh và tích lại trên không trung (trung giới).
Bấy giờ sẽ có ít nhất ba hậu quả:
(1)
Nếu tư tưởng xấu của anh A gặp một tư tưởng xấu tương tợ thì nó được tiếp sức
và trở nên mãnh liệt hơn, rồi nó phản hồi lại anh A, và xúi giục anh A làm quấy
bằng hành vi. Anh A trực tiếp tạo nghiệp.
(2)
Tư tưởng xấu của anh A tiếp tục lởn vởn trong không trung. Thế rồi anh B lại có
đồng tư tưởng xấu như thế, tư tưởng xấu của anh A tác động anh B làm ra hành vi
xấu. Anh A gián tiếp tạo nghiệp, nhưng cả hai anh A và B đều chịu quả xấu.
(3)
Càng đông người có tư tưởng xấu giống nhau, chúng tụ lại trên không trung rồi
phản hồi cho rất đông người khác làm ác, như thế nghiệp xấu không chỉ giới hạn
ở một, hai người mà lan rộng ra thành cộng nghiệp và hậu quả là một vùng, một
địa phương sẽ phải chịu chung khổ nạn. Do đó, thời nay Trời Phật dạy môn sanh Cao
Đài tọa thiền tập thể, rồi dùng tư tưởng lành của mình xông lên không trung để
xóa bớt dần hắc khí do tư tưởng xấu thế gian tạo ra ngõ hầu giảm bớt thiên tai,
loạn lạc trên khắp thế giới.
Trở
lại với Đạo Nhựt Thường Hành, để dẫn dắt môn sanh sống đạo, Đức Giáo Tông dạy
luôn hai bài ngăn ngừa nghiệp ý, nghiệp tư tưởng. Bài Giới Ý Kinh nói rõ (tr. 132):
Ý là ác nghiệt mọi điều,
Trong đời vạn sự, ý nhiều tội hơn.
(...)
Những điều sâu hiểm ghét thương,
Đều do ý ác tạo đường nghiệt căn.
Bài
Giới Tư Tưởng Kinh xác định tư tưởng
xấu không tan rã, nó tụ lại trên không trung (trung giái; trung giới 中界) để chờ cơ hội tác hại (tr. 138):
Trên trung giái đủ hình tư tưởng,
Dưới phàm gian hay vướng kế tà.
Cũng vì tư tưởng xấu xa,
Gây nên tội lỗi khó qua lưới Trời.
Nắm
rõ nguyên tắc vận hành của tư tưởng rồi, người sống đạo Cao Đài hãy chuyển hóa
tư tưởng bằng cách tập nghĩ lành, nghĩ tốt. Đức Giáo Tông dạy:
Biết đạo đức, đổi dời lý tưởng,([20])
Trọng tinh thần bổ dưỡng linh quang.
Tưởng lành, tưởng phải, tưởng nhàn,([21])
Cơ Trời máy Tạo mở đàng giao thông.
Tư tưởng rửa sạch trong bợn tục,
Mới dưỡng tâm diệt dục tầm Tiên.
Nếu con còn tưởng lợi quyền,
Thì con khó đặng quy nguyên cùng Thầy. (tr. 138)
Sống đạo trong từng sinh hoạt nhỏ nhặt
đời thường
Đạo
Nhựt Thường Hành còn chỉ cặn kẽ cho môn sanh tỉ mỉ từng sinh hoạt nhỏ trong đời
thường. Chẳng hạn, hết một ngày ai cũng cần đi ngủ. Nhưng giấc ngủ người tu phải khác hơn giấc ngủ người chưa
biết tu. Trong bài Kinh Cầu Khi Đi Ngủ,
Đức Giáo Tông dạy môn sanh khi đặt lưng xuống giường phải kiểm điểm việc làm
trong ngày của bản thân và phải biết cầu nguyện đưa hồn lên học đạo trong cõi
trung giới:
Đêm ngồi suy nghĩ việc mình,
Những điều lầm lỗi giữ gìn ngày mai.
Nghĩa nhân, hiền đức dồi mài,
Hiếu trung nghĩa vụ dám sai tấc thành.([22])
May làm đặng những điều lành,
Vui lòng Từ Phụ,([23])
phước dành ngày sau.
Rủi thay làm ác hiểm sâu,
Ăn năn tội lỗi khẩn cầu sửa tâm.
Xác phàm yên nghỉ canh thâm,
Hồn lên trung giái học tầm huyền vi.([24])
Cầu xin Thượng Phụ ([25]) từ
bi,
Dạy cho hồn trẻ thông tri đạo mầu. (tr. 138-139)
Đến
sáng thức dậy, môn sanh hãy khởi đầu
một ngày bằng tư tưởng tốt lành, hứa nguyện với Ơn Trên sẽ sống một ngày có ích
cho đời. Kinh Thức Giấc dạy:
Một đêm xác tục nghỉ yên,
Rồi đây đến sáng tinh chuyên việc đời.
Dầu cho hoàn cảnh đổi dời,
Con nguyền giữ lấy luật Trời chẳng sai.
Làm lành, giúp khó, trợ tai,
Thương nhân mến vật, trọn ngày phận
tôi.([26])
Trái oan nguyện trả cho rồi,
Làm lành tích phước vun bồi đức ân. (tr. 139)
Kế
đến là chuyện ăn cơm hàng ngày.
Người sống đạo chẳng những biết ăn chay lại còn biết cầu nguyện tạ ơn Trời Phật,
Thánh Thần giúp mình có được bữa cơm tinh khiết nuôi dưỡng thân xác lành mạnh
để làm phương tiện tu hành. Kinh Cầu Khi
Ăn Cơm dạy:
Công Thổ Địa dưỡng sanh thảo mộc,
Ơn Thần Nông ngũ cốc chưởng trồng.
Nuôi người thân mạnh, khỏe lòng,
Khi ăn xưng tụng đức công Cao Đài. (tr. 141)
Cuộc
sống đòi hỏi ai cũng phải di chuyển.
Mỗi lúc bước chân ra khỏi nhà, người sống đạo lại tâm niệm rằng mình đang đi
đến những nơi không trái với đạo lý. Khi ấy với cõi lòng thanh thản, môn sanh thầm
cầu nguyện Ơn Trên bảo hộ mạng sống để còn có thân xác an lành dùng vào việc tu
tập. Kinh Cầu Khi Xuất Hành dạy:
Trong vòng luân chuyển trần gian,
Lại qua lui tới dinh hoàn ([27])
chuyển luân.
Nay con . . . . . . . . . . . . ([28]) dời chân,
Cầu xin Thượng Phụ, Thánh Thần cảm
thương.
Những điều tai nạn khỏi vương,
Thần Linh phò hộ bước đường bình an. (tr. 141)
Trong
lúc di chuyển, tránh sao khỏi ngộ sát làm thiệt mạng vài chúng sanh nhỏ nhít,
thế nên hãy biết sám hối mỗi khi xuất hành:
Đi về đều đặng vững vàng,
Côn trùng thảo mộc vô can phạm nhằm,
Bạch Thầy con thiệt vô tâm,
Cầu xin Thượng Phụ ân thâm độ cùng. (tr. 141)
Tĩnh tâm
Sinh
hoạt hằng ngày là một chuỗi xáo động. Người sống đạo cần biết thu xếp cho mình
những giờ khắc tĩnh tâm để giao cảm, liên thông với Trời Phật. Môn sanh Cao Đài
do đó cần thọ pháp để tập làm quen với phương pháp ngồi thiền.([29])
Và muốn tọa thiền cho hiệu quả thì phải răn lòng đừng gây nên tội lỗi. Kinh Cầu Khi Tham Thiền dạy:
Tham thiền hồn hiệp hư không,
Hầu khi xuất vía non Bồng ([30]) lần
lên.
Tìm ra lý chánh luật Thiên,
Không làm tội lỗi tham thiền phát minh.
Ngồi yên cửu khiếu ([31])
trong mình,
Mở mang thấu đáo thông linh cơ mầu. (tr. 140)
Chứng nghiệm
Đạo
Nhựt Thường Hành ví như bản chương trình hoạch định tỉ mỉ cho từng tư tưởng,
hành vi, miếng ăn, giấc ngủ, quan hệ giao tế, v.v… của người tín đồ trong cuộc
sống đời thường. Những môn sanh Cao Đài biết kiên nhẫn thực hành đúng theo lời
dạy của Đức Lý Giáo Tông chính là người thực hành sống đạo. Khi ấy, giữa cuộc
đời thường, mỗi người sẽ chứng nghiệm được lời Đức Giáo Tông dạy cặn kẽ rằng:
“Còn kẻ biết tuân theo lời dạy mà làm
theo Đạo Nhựt Thường Hành thì được thần linh bảo giám, hộ mạng hằng ngày, chẳng
bao lâu sẽ đặng phát minh mà rõ cơ mầu nhiệm.”
Cơ Quan
Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
29-3-2006
([1]) Thánh
Đức Chơn Kinh. Quyển thứ Ba. Sài Gòn: ấn quán Công Lý, 1965, 188 trang.
(Theo hiền huynh Đạt Truyền Hà Văn Phủ, hiện nay Ngũ
Phụng Kỳ Sơn
thuộc xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm
trong đất của ông Lê Văn Sở là tín đồ Cao Đài Tây Ninh. Đây là
cái động nhỏ (rộng khoảng hai mét, sâu khoảng ba mét) nằm trên đỉnh núi Heo,
phía sau núi Bà, trông qua núi Phụng. Trước khi lên tới động, phía dưới có khối
đá lớn, trên viết sáu chữ bằng sơn: Kỳ
Sơn Động, Ngũ Phụng Cung.)
([5]) hữu
căn 有根: Có gốc; tức là có căn tu, có duyên học đạo. – hữu hạnh 有幸: Có may mắn; có phúc lành.
([8]) đọa
墮: Rơi xuống; sa
vào (chỗ đau khổ, tội lỗi ...). – tam đồ 三途: Theo
Phật Giáo là ba đường, gồm có: hỏa đồ 火途 (đường lửa); đao
đồ 刀途 (đường dao kiếm), và huyết
đồ 血途 (đường máu). Tam
đồ cùng nghĩa với tam ác đạo 三惡道 (ba đường dữ) là địa
ngục 地獄, ngạ quỷ 餓鬼, và súc sanh 畜生. Đây là ba nơi hồn tội nhân phải tới
để đền nợ gây tạo ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý. 1/ Hỏa đồ: Là địa ngục đạo 地獄道 (tội nhơn bị luộc trong dầu sôi, bị nướng trên lửa
...). 2/ Đao
đồ: Là ngạ quỷ đạo 餓鬼 道 (tội nhân bị
gươm đao đâm chém ...). 3. Huyết
đồ: Là súc sanh đạo
畜生道 (tội nhân ăn
thịt và uống máu lẫn
nhau ...).
([9]) đọa
tam đồ bất năng thoát tục 墮三途不能脫俗: Theo
Đức Bát Nương giảng thì hình phạt này khiến “chơn linh bị ngăn cản, không được hiệp với chơn thần, làm
cho đệ nhị xác thân [chơn thần] phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim thạch cho
đến làm người, và phải chuyển kiếp trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công
lại”.
Và cả ba vòng đều trở lại từ bực kim thạch.
([13]) cân
cầm chẳng ly: Thiêng
liêng cầm cân công lý thưởng thiện phạt ác công bình tuyệt đối, không hề
nghiêng lệch một ly (một chút xíu nào). Một ly bằng một phần mười phân.
([15]) diêm phù: Nói
đủ là diêm phù đề 閻浮提, là cõi trần gian này.
– diêm phù khó ra: Khó giải thoát khỏi trần gian.
([16]) 開人心必本於篤親之孝; 壽國脈必先於致主之忠. Đốc thân chi hiếu: hết lòng hiếu thảo với cha mẹ; trí chúa chi trung: hết lòng trung thành
với đất nước.
([19]) Thi
tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi viết tư vô tà. 詩三百, 一言以蔽之曰思無邪. (Có một lời bao quát hết được ba trăm bài
Kinh Thi, đó là đừng nghĩ bậy.)
([21]) tưởng
nhàn: Không nghĩ tới những việc bận rộn, bon chen thế tục nữa, và hướng
lòng về sự tĩnh lặng để tìm sự thanh thản tâm hồn.
([24]) huyền vi 玄微: Thâm viễn vi diệu
深遠微妙; sâu xa và tinh tế, khó nhận biết; ý nói là lẽ mầu nhiệm,
cao siêu của Đạo.
([26]) phận
tôi: Phận tôi tớ. Ngụ ý công việc
giúp đời dẫu lao khổ hay hèn mọn cũng không sờn, không quản ngại; giúp đời tận
tụy như thể mình là tôi tớ phục vụ người chủ.
([28]) Tùy trường hợp cụ thể mà tìm hai chữ điền vào câu
kinh này cho
đủ. Thí dụ, nhà ở Phú Nhuận thì khi xuất hành sẽ niệm: “Nay con Phú Nhuận dời chân”, v.v…