Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

VỀ QUÁ TRÌNH TIẾP BIẾN TÍN NGƯỠNG QUAN THÁNH (phần 1) --- Đạo Uyển 32


VỀ QUÁ TRÌNH TIẾP BIẾN TÍN NGƯỠNG QUAN THÁNH CỦA CHÚA NGUYỄN
NGUYỄN ANH HUY ([1])
I. THIÊN CỔ VĨ NHÂN ([2])
Chúng ta, ai cũng biết trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Quan Công (162-219) được mô tả là người trung nghĩa, khi mất lại hiển thánh cứu dân hộ quốc. Người đời cho rằng Quan Thánh có các đức tính 忠同日月, 義同天 trung đồng nhật nguyệt, nghĩa đồng thiên, nghĩa là lòng trung thì sáng như mặt trời mặt trăng, còn nghĩa khí thì như trời xanh bao la.
Rất nhiều câu chuyện về cuộc đời ông, như về lòng trung, người ta kể rằng khi anh em Đào Viên kết nghĩa bị ly tán, Quan Công bị quân Tào vây hãm và dụ hàng, ngài ra ba điều kiện trong đó có hai câu tỏ lòng trung là Hàng Hán (họ Lưu) chứ không hàng Tào, và khi biết được Lưu hoàng thúc ở đâu thì cũng tìm đến. Tào Tháo đồng ý cho hàng và quý trọng ông đến nỗi tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến (ba ngày mở một tiệc nhỏ, bảy ngày mở một tiệc lớn để chiêu đãi). Nhưng cuối cùng ông vẫn bỏ họ Tào để đi tìm người anh kết nghĩa họ Lưu:
Uy lừng ba nước tiếng anh hào
Nam nữ riêng nhà, nghĩa khí cao
Gian tướng uổng công mua chuốc hão
Ai hay Quan Vũ chẳng hàng Tào.
Về nghĩa khí, người ta kể rằng khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, thế cùng lực kiệt chạy đến Hoa Dung thì gặp Quan Công đang chờ bắt ở đó:
Tào Man thua chạy đến Hoa Dung
Gặp phải Quan Công xiết hãi hùng
Chạnh nghĩ xưa kia ơn nghĩa nặng
Nên đành mở khóa, thả giao long.
Trước khi Quan Công xin đi bắt Tào Tháo, ông đã viết quân lệnh trạng với quân sư Gia Cát Lượng thề sẽ chấp nhận bị xử theo quân lệnh nếu thả giặc Tào, nhưng trong giây phút trả nghĩa cho họ Tào, ông đã:
Liều đem một chết đền tri kỷ
Nên được nghìn thu nổi nghĩa danh.
Trải qua các triều đại phong kiến Trung Hoa, từ thời Tống, Nguyên, Quan Công đều được phong tước, xem là vị Thánh, và lập đền thờ ngài. Rồi đến thời Minh Vạn Lịch (1573-1620) được tôn là Đế, đến thời Thanh Càn Long (1736-1795) lại được tôn là Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, Quan Phu Tử...
Như chúng ta đã biết, người Trung Hoa lưu lạc về đâu cũng thành lập các hội quán, bang hội để sinh hoạt... Ngay trên các vật dụng hằng ngày, những chiếc xe bán phở bán bánh, họ cũng đều ghi chép, vẽ hình ảnh những điển tích mang truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc mình như điển tích về Tam Quốc, Thủy Hử,... nhờ đó họ bảo tồn được dân tộc tính; và các tín ngưỡng của họ như tục thờ Quan Thánh, thờ Thánh Mẫu... cũng được du nhập vào các địa phương nơi họ đến buôn bán, sinh sống... Ban đầu, những án thờ này được bày trong các tư gia, nhưng khi đã thành lập được các khu phố Hoa kiều thì các tín ngưỡng này được đưa vào các cung miếu...
Năm 1644, tại Trung Quốc, nước Đại Thanh chiếm diệt Đại Minh, nhưng một số thân vương của triều Minh như Phúc Vương, Đường Vương, Quế Vương đã xưng đế để phản Thanh phục Minh. Năm 1646, Quế Vương lấy niên hiệu Vĩnh Lịch, xưng đế ở miền Nam Trung Quốc, quốc hiệu vẫn là Đại Minh, đến năm 1662 thì bị diệt, triều Minh bị mất hoàn toàn. Trong hoàn cảnh mất nước, các thần dân Đại Minh, vì muốn khôi phục tiên triều, họ lại càng đề cao hình tượng Quan Thánh trung nghĩa với Đại Hán để ví von và ngầm khơi dậy lòng trung nghĩa của người Hán chống lại Mãn Thanh. Một số trung thần triều Minh không chấp nhận sự đô hộ của ngoại tộc, phần lớn rời bỏ Trung Quốc ly hương đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Đàng Trong (Việt Nam) để sinh sống. Vì Quan Thánh là hình tượng bảo quốc an dân của người Hán, nên đi đâu họ cũng mang theo tín ngưỡng này; do vậy mà tục thờ Ông được du nhập vào Đàng Trong theo những người Minh Hương...
Ở Đàng Trong, hai khu vực quan trọng nhất là: Thuận Hóa, trung tâm chính trị của chúa Nguyễn, là thủ phủ của Đàng Trong, do chính chúa Nguyễn cư ngụ và điều hành; và Quảng Nam, trung tâm kinh tế thương mãi, do chính thế tử của chúa Nguyễn được ủy quyền điều hành. Do vậy, sự buôn bán và định cư của người Minh chủ yếu ở Thuận - Quảng, mà hai thương cảng nổi tiếng nhất là Hội An (Quảng Nam) và Thanh Hà (Thuận Hóa) đã hình thành nên những phố Hoa kiều, được mệnh danh là Đại Minh khách phố...
II. NHỮNG PHỐ HOA KIỀU ĐẦU TIÊN Ở ĐÀNG TRONG
1. Về Đại Minh khách phố ở Hội An
Thương cảng cổ Hội An, tên chính thức là Đại Chiêm hải khẩu (cửa biển của nước Đại Chiêm, nay thường được gọi tắt là Cửa Đại) ra đời vào lúc nào, ở đây tôi không đặt vấn đề, mà chỉ muốn nói đến thời điểm ra đời phố người Tàu, vì có liên quan đến sự du nhập tín ngưỡng thờ Quan Thánh.
Cristoforo Borri (1583-1632), một giáo sĩ Ý đến Đàng Trong năm 1618 cho biết: Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong tại một chợ phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài tới chừng bốn tháng,([3])Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng ta đã nói. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và số theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy.([4])
Về niên đại thành lập phố người Tàu ở Hội An, giáo sư Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa), trong một khảo cứu,([5]) đã dựa vào lời kể trên của Cristoforo Borri, để cho rằng thời điểm vị chúa Đàng Trong lúc đó (Nguyễn Phúc Nguyên) nối ngôi cha là năm 1613, và thời điểm Borri đến Hội An là 1618, để cho rằng phố này ra đời khoảng những năm 1613-1618. Tuy nhiên, khi viết thêm bài Mấy Điều Nhận Xét Về Minh Hương Xã Và Các Cổ Tích Tại Hội An,([6]) giáo sư lại nhắc đến niên đại ra đời của phố người Tàu đã nói, và cho rằng vì tôi thấy những chứng cứ chưa được vững, nên tôi xin bỏ thuyết đó.
Thật ra, đây là một suy luận hoàn toàn hợp lý với đầy đủ bằng chứng sử học; nhưng giáo sư chưa xét đến việc Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ Quảng Nam là do vua Lê trao ấn soái trấn thủ Quảng Nam ngay từ năm 1601, và đã có thực quyền với vùng đất này ([7]) chứ không phải đợi đến năm 1613 nối ngôi tổng trấn Thuận - Quảng của cha (là Nguyễn Hoàng) thì mới có thực quyền ở đây.


Bởi, chúng ta được biết thêm: Nhâm Dần, năm thứ bốn mươi lăm [1602]... Quảng Nam đất tốt, dân đông... Chúa [Nguyễn Hoàng] thường để ý kinh dinh đất này, đến đây đi chơi núi Hải Vân... Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chưa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ...([8]) Ở đây có thời điểm cần đính chính là sự việc Nguyễn Hoàng vượt Hải Vân vào Quảng Nam, và sau đó sai Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ Quảng Nam, như trên đã nói, là vào năm 1601 chứ không phải 1602 như sử ghi.([9]) Tuy nhiên, nội dung ghi chép này cho thấy việc kinh dinh đất này đã/mới bắt đầu từ năm 1601, chứ trước đó chưa từng có việc kinh dinh đất này.
Cách đây khoảng ba mươi năm, lúc tôi còn là sinh viên y khoa, đã say mê tìm hiểu Hội An, tình cờ thấy một ngôi nhà cổ ở Hội An có bức hoành ghi niên hiệu 慶長 Khánh Trường (1596-1611) năm thứ mười một (1606).([10]) Ngoài ra, ngôi nhà (số 20, đường Trần Phú, Hội An) từ đường họ Lâm còn bức hoành ghi niên đại là 大明天啟辛酉年吉日 Đại Minh Thiên Khải Tân Dậu niên cát nhật, tức năm 1621. Mặt khác, cho đến nay, chúng ta chưa thấy bất kỳ kiến trúc hay bi ký, chuông vạc đỉnh nào ở đây ([11]) có niên đại trước năm 1601.
Những chứng cứ và suy luận của tôi đã trình bày, bổ túc thêm cho cách đặt vấn đề của giáo sư Chen Ching Ho, để có thể kết luận, phố người Tàu và phố người Nhật ở Hội An có lẽ ra đời trong khoảng từ năm 1601 là thời điểm Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên vào kinh dinh Quảng Nam đến 1618 là năm Borri đến đây.
Do thương cảng Hội An được thành lập trước năm 1662, nên Hoa kiều ở đó xưng là Đại Minh khách phố, mà mãi đến năm 1695, Thích Đại Sán đến Hội An thì thấy chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều [nhà Minh].([12])
2. Về Đại Minh khách phố ở Thuận Hóa
Về sự ra đời của phố cảng Thanh Hà ở Thuận Hóa, năm 1943, học giả Đào Duy Anh cho biết: Le dépouillement des archives communales nous a permis de découvrir la copie d’une requête datée de la 7e année de la période Bảo Thái des Lê (1726) où on peut lire le passage suivant: “Le seigneur Thượng Vương, après avoir fixé la capitale à Kim Long, a octroyé par ordonnance à nos ancêtres un terrain situé dans le village de Thanh Hà, et empiétant sur le domaine du village de Địa Linh, pour établir un quartier de commerce”...([13]) Điều phát hiện này của Đào Duy Anh cho thấy vùng đất Thanh Hà - Minh Hương ở Thừa Thiên - Huế, thật sự phát triển thành thương cảng sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan di dời thủ phủ Đàng Trong từ Phước Yên đến Kim Long vào tháng 12-1635, mà giáo sư Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) cũng dựa vào đó để cho rằng thương cảng cổ này ra đời có lẽ là năm 1636.([14])
Do thương cảng Thanh Hà (Thuận Hóa) được thành lập trước năm 1662, nên Hoa kiều ở đó cũng gọi phố này là Đại Minh khách phố, mà mãi đến năm 1695, Thích Đại Sán đến Thuận Hóa vẫn còn nghe: Vừa rồi xưng Trung Hoa làm Đại Minh, người ấy chỉ biết tiên triều, cũng như các phụ lão ở Đào Nguyên, chỉ biết có nhà Tần vậy.([15])
Và danh xưng này vẫn còn được ghi trong các bản đồ cổ... Trong Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 để chuẩn bị tiến đánh Phú Xuân, ở khu vực cảng Thanh Hà trên bản đồ này có ghi địa danh 大明 Đại Minh phố.([16]) Còn trong Quảng Thuận Đạo Sử Tập do Nguyễn Huy Quýnh viết và vẽ năm 1785, có bản đồ Phú Xuân cũng có ghi địa danh là Phố Khách,([17]) tức là một cách gọi tắt Đại Minh khách phố.
NGUYỄN ANH HUY
(còn tiếp)



([1]) Bác sĩ Y Khoa, Huế.
([2]) Chữ trên bức hoành 千古偉人 Thiên Cổ Vĩ Nhân ở đền thờ Quan Thánh ở làng Mậu Tài, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguyên bức tượng Quan Thánh ở đền thờ làng này là của đền thờ Quan Thánh ở làng Thạch Căn, đối diện phía bên kia sông Lợi Nông; năm Tự Đức thứ ba mươi (1877), bức tượng này bị lụt trôi đến làng Mậu Tài, dân làng Mậu Tài vớt lên và lập đền thờ mới ngay nơi phát hiện bức tượng.
([3]) Cristophoro Borri (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích), Xứ Đàng Trong Năm 1621. Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2014, tr. 89-90.
([4]) Cristophoro Borri, sách đã dẫn, tr. 92.
([5]) 陳荆和, “十七, 八世紀之會安唐人街及其商業, 新亞學報, 第三 , 第一期, 香港, 1960, tr. 281.
([6]) Chen Ching Ho, “Mấy Điều Nhận Xét Về Minh Hương Xã Và Các Cổ Tích Tại Hội An”, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, số 1 năm 1960 và số 3 năm 1962.
([7]) Xin xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Trấn Thủ Quảng Nam - Công Đánh Nhà Mạc Của Nguyễn Phúc Nguyên”, Nghiên Cứu Lịch Sử Xứ Quảng, số 9, tháng 4-2017, tr. 44-48.
([8]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Tổ phiên dịch Viện Sử Học dịch), Đại Nam Thực Lục, Tập 1, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 35-36.
([9]) Xin xem lại bài: Nguyễn Anh Huy, “Trấn Thủ Quảng Nam - Công Đánh Nhà Mạc Của Nguyễn Phúc Nguyên”, bài đã dẫn.
([10]) Những năm gần đây, tôi hay vào Hội An tìm hiểu, nhiều lần cố gắng tìm lại ngôi nhà có bức hoành này nhưng tìm chưa ra.
([11]) Ở đây, chúng tôi muốn nói là các di tích cố định ở Hội An có niên đại trước năm 1601, chứ không nói đến việc tìm thấy tiền tệ, gốm sứ... ra đời trước năm 1601. Bởi các di vật tiền tệ (như tiền Ngũ Thù được tìm thấy tại Hội An chẳng hạn), gốm sứ này tuy có thể có niên đại trước năm 1601, nhưng vẫn có thể lưu hành đến Hội An sau năm 1601.
([12]) Thích Đại Sán (Hải Tiên Nguyễn Duy Bột và Nguyễn Phương dịch; Nguyễn Thanh Tùng hiệu chú, giới thiệu), Hải Ngoại Kỷ Sự, Nxb Đại Học Sư Phạm, 2016, tr. 219.
([13]) Đào Duy Anh, “Phố Lở, première colonie Chinoise du Thừa Thiên”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, XXXe Année, No 3, Juin-Septembre, 1943, p. 250. Nghĩa là: Việc sưu tầm và nghiên cứu các văn bản làng xã cho phép phát hiện bản sao một tờ đơn năm 1726 với nội dung: Thượng Vương sau khi định vị thủ phủ ở Kim Long, đã ra văn bản cấp cho tổ tiên chúng tôi một vùng đất ở làng Thanh Hà, có ăn qua địa phận làng Địa Linh để làm khu vực buôn bán.
([14]) Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương Và Phố Thanh Hà Thuộc Tỉnh Thừa Thiên”, Đại Học, tạp chí nghiên cứu Viện Đại Học Huế, số 3, năm thứ IV, tháng 7-1961, tr. 101. Nhiều nhà nghiên cứu sau này khẳng định rằng thương cảng Thanh Hà (Huế) ra đời chính xác vào năm 1636, nhưng không trình bày được một chứng cứ cụ thể nào về niên đại 1636, nên cũng chỉ dựa vào suy luận phỏng đoán về mặt thời gian từ một bản sao tờ đơn kể lại câu chuyện gần một trăm năm về trước này của giáo sư Trần Kinh Hòa, như vậy là thiếu chính xác về phương pháp luận sử học.
([15]) Thích Đại Sán, sách đã dẫn, tr. 148.
([16]) Nguyên văn viết là 大明庫 Đại Minh khố (kho tên “Đại Minh”), là một tên rất lạ. Có lẽ nguyên gốc của địa danh này là 大明  Đại Minh phố, tức Đại Minh khách phố, chữ phố  ở đây âm /bô/ viết theo kiểu của người miền Bắc gồm chữ Phủ trong bộ Nghiễm 广, nên rất dễ nhầm với chữ Khố , rồi người đời sau khi sao vẽ lại bản đồ này, đã sao nhầm chữ Phố  thành chữ Khố nên mới có địa danh lạ như vậy.
([17]) Nguyễn Huy Quýnh, Quảng Thuận Đạo Sử Tập, Nxb Đại Học Vinh, 2018, tr. 79, địa điểm được đánh số 35.