Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

CHUYẾN ĐI DÀI (Đạo Uyển 32)



CHUYẾN ĐI DÀI
(Bài học thuộc lòng in trong sách Việt Ngữ Tân Thư,
xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975)
Tuổi niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước
Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài
Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai
Chân bé quá, không mang hài vạn dặm
Để ngày tháng vơi đôi phần thăm thẳm
Bản đồ đây tôi dự ước hành trình
Giữa phương Nam biển dội sóng thanh bình
Tôi sẽ lấy Côn Sơn làm khởi điểm
Sau giây phút để tâm hồn mặc niệm
Lắng không gian nghe tiếng gọi tiền nhân
Đường thênh thang chí quyết cũng xem gần
Đây Phú Quốc mùi quê hương tỏa rộng
Hà Tiên với cảnh non chùa Thạch Động
Kiên Giang còn Nhật Tảo sáng ngàn năm
Mắt cô em Cái Sắn (1) tựa trăng rằm
Bao la quá ruộng Cà Mau xếp gợn
Thuyền độc mộc xuôi trên dòng Cái Lớn (2)
Xuyên kênh đào về trẩy hội Tây Đô (3)
Lòng Hậu Giang bát ngát tận đôi bờ
Cùng hẹn với sông Tiền trôi chậm rãi
Sen Đồng Tháp phơi màu tươi thắm mãi
Núi Điện Bà (4) che rợp bóng tôn nghiêm
Trăng Sài Thành e thẹn dưới đèn đêm
Hai ngả nước ai Đồng Nai, Gia Định?
Bờ Long Hải chiều êm rây nắng tịnh
Bưởi Biên Hòa ngọt lịm khách miền xa
Trà B’Lao (5) sưởi ấm nếp môi già
Đà Lạt gió quyện vầng mây thác nước
Rừng Ban Mê (5b) suối đờn nai khẽ bước
Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui
Ngọn tháp Chàm cô quạnh tiếc ngày trôi
Tàu vạn quốc về Cam Ranh chen chúc
Thùy dương rủ Nha Trang thêm hiền thục
Đá Bia (6) còn nguyên nét triện người xưa
Bãi Tam Quan cát mịn ấp chân dừa
Guồng xe tưới sông Trà (7) gieo bụi trắng
Ngũ Hành (8) ngắm mặt Hàn Giang (9) phẳng lặng
Hải Vân (10) đài cao vút tuyệt đường chim
Nửa khuya chuông Thiên Mụ (11) vọng êm đềm
Cả Hương Ngự (12) la đà theo nhịp trúc
Cầu Hiền Lương (13)… sẽ nối tình Nam Bắc
Xóa nhòa đi dòng phân cách thương đau
Từ Nam Quan (14) cho đến mũi Cà Mau
Liền một dải...
(… và chuyến đi lại tiếp)
Men theo bóng dãy Trường Sơn trùng điệp
Sóng Thái Bình reo đón bước phiêu du
Qua đèo Ngang (15) nghe nhạc gió vi vu
Tới Thanh Hóa lúa vàng đùa trong nắng
Dân hoan lạc nhờ được mùa Nông Cống (16)
Đem nén nhang vào lễ tạ Đền Sòng (17)
Cầu Hàm Rồng (18) chênh chếch bắc ngang sông
Trên dòng Mã (19) nước in màu sông núi
Dìu dịu lúa non bình nguyên Nhị Thái
Tình ngọt ngào như nhãn trại Hưng Yên
Gió Đồ Sơn (20) xua sóng bạc dịu hiền
Cửa Nam Triệu (21) nước hai dòng mặn nhạt
Chiều Hạ Long mây vương tình man mác
Với chân trời sắc nước lẫn màu xanh
Sóng nhấp nhô vờn khe đá chông chênh
Thuyền nhẹ lướt, phải đây miền nước nhược?
Động Đầu Gỗ (22) ánh chập chờn huyền hoặc
Hang Hanh (23) nghe khoan nhặt nhạc âm vang
Đây Hòn Gai, đây Bái Tử, Hạ Long (24)
Mà đâu bóng rồng thiêng sa hạ giới?
Núi Truyền Đăng (25) thơ đề còn in mãi
Ngược sông Thương (26) lên trẩy hội Tam Thanh (27)
Chàng ra đi theo tiếng gọi quân hành
Để thiếp phải tháng năm trong mòn mỏi
Nàng Tô Thị (28) đứng trông về biên ải
Ngàn năm còn chờ đợi bóng chinh phu
Chim Hà Giang buông nhịp hót “bắt cô” (28b)
Trên bến nước sông Lô (29) còn tiếng hát
Nương bóng Hoàng Liên (30) cây cao bóng mát
Rồi xuôi về theo sóng nước sông Hồng
Mây chịu tang Yên Bái có còn không?
Và Yên Thế còn tấm gương Đề Thám?
Bắc Ninh đẹp nhờ cảnh chùa Long Giáng
Sơn Tây buồn vì mây quyện Ba Vì
Đền Hùng mờ sương khói tỏa uy nghi
Non sông Việt nhờ tay ai dựng lập?
Sớm Hòa Bình, chợ Bờ vui vẻ họp
Bến sông Đà dòng nước chảy cong cong
Tháng hai về xem trẩy hội chùa Hương
Hay trở bước lên thăm đền Thánh Gióng?
Về Hà Nội một ngày thu gió lộng
Cảnh núi Nùng, sông Nhị dấu ngàn xưa
Sóng Hồ Tây gợn bởi bước Hai Bà (31)
Hay là bởi trâu vàng xưa nhớ mẹ? (31b)
Đống Đa kia mồ chôn muôn vạn kẻ
Hồ Gươm còn thức ngủ bóng rùa thiêng?
Cầu Long Biên mấy nhịp bắc trường giang?
Ô năm cửa mở đón chào lữ khách
Đây cố đô bụi đường ta rũ sạch
Sống với lòng đất Mẹ, với kiêu sa
. . .
Bàn tay vỗ nhịp ta ca
Ca tình sông núi chan hòa lòng trai.
Tháng 7 và 8 năm 1960
TRẦN HUIỀN ÂN
TRẦN VĂN CHÁNH chú thích:
(1) Cái Sắn: Kênh ở tỉnh An Giang.
(2) Cái Lớn: Sông Nam Bộ chảy ra vịnh Thái Lan ở phía nam cửa Bảy Háp và phía bắc mũi Cà Mau.
(3) Tây Đô: Thời trước chỉ tỉnh Cần Thơ, nay cũng quen gọi thành phố Cần Thơ là Tây Đô.
(4) núi Điện Bà: Ở trên núi Bà Đen, thuộc tỉnh Tây Ninh.
(5) B’Lao: Tức Bảo Lộc, thuộc tỉnh Lâm Đồng.
(5b) rừng Ban Mê: Rừng Ban Mê Thuột.
(6) Đá Bia: Núi cao 750m ở đèo Cả, giáp giới hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
(7) sông Trà: Sông Trà Khúc ở tỉnh Quảng Ngãi (phân biệt với sông Trà là một con sông nhỏ chạy giữa hai tỉnh Long An và Tiền Giang).
(8) Ngũ Hành: Còn gọi núi Non Nước, thuộc thành phố Đà Nẵng.
(9) Hàn Giang: Sông Hàn, ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
(10) Hải Vân: Núi và đèo ở gần bờ bắc giáp hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
(11) Thiên Mụ: Chùa cổ nổi tiếng ở thành phố Huế.
(12) Hương Ngự: Sông Hương và núi Ngự Bình, ở thành phố Huế.
(13) cầu Hiền Lương: Cầu bắc qua sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị; từ năm 1954 đến năm 1975 là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc.
(14) Nam Quan: Cửa ải ở biên giới Trung-Việt, cách tỉnh Lạng Sơn 18km.
(15) Đèo Ngang: Đèo cao 256m, dài 6km ở dãy núi Hoành Sơn, giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
(16) Nông Cống: Huyện Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa.
(17) Đền Sòng: Ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, thờ bà Liễu Hạnh.
(18) cầu Hàm Rồng: Cầu bắc qua sông Mã, trên đường Hà Nội-Vinh.
(19) : Sông Mã, một con sông lớn ở tỉnh Thanh Hóa.
(20) Đồ Sơn: Huyện thuộc thành phố Hải Phòng.
(21) Nam Triệu: Xã cũ thuộc thành phố Hải Phòng, có cửa Nam Triệu, sông Bạch Đằng chảy qua đó.
(22) động Đầu Gỗ: Hang động ở phía bắc đảo Đầu Gỗ, trong vịnh Hạ Long, cách Hòn Gai 7km về phía nam.
(23) hang Hanh: Hang dài gần 2km, cũng thuộc vịnh Hạ Long, cách thị xã Cẩm Phả 9km về phía tây.
(24) Bái Tử, Hạ Long: Vịnh Bái Tử và vịnh Hạ Long.
(25) núi Truyền Đăng: Núi ở ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh.
(26) sông Thương: Sông dài 100km, bắt nguồn từ Bản Thi, châu Ôn, nay là huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
(27) hội Tam Thanh: Lễ hội chùa Tam Thanh ở tỉnh Lạng Sơn.
(28) nàng Tô Thị: Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Tương truyền nàng là một phụ nữ chung thủy đứng chờ chồng đi lính về, chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hóa thành đá. Thành phố Lạng Sơnnúi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu.
(28b) bắt cô: Chim “bắt cô trói cột” ở Hà Giang. (Xem Phụ Đính cuối bài này.)
(29) sông Lô: Ở tỉnh Vĩnh Phú.
(30) Hoàng Liên: tức Hoàng Liên Sơn, dãy núi ở giữa sông Hồng và sông Đà từ biên giới Trung-Việt đến huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
(31) Hai Bà: Hai Bà Trưng.
(31b) trâu vàng xưa nhớ mẹ: (Xem Phụ Đính cuối bài này.)
Ghi chú: Ba chú thích (5b), (28b), và (31b), cũng như Phụ Đính sau đây, đều do Đạo Uyển thêm vào.
PHỤ ĐÍNH
1. Sự tích chim bắt cô trói cột
Ngày xưa ở Hà Giang có anh nông dân nghèo, thực thà, chăm chỉ, được phú ông giao cho nuôi đôi trâu (một đực, một cái). Khi đôi trâu sanh được ba con thì anh nông dân nuôi cả thảy năm con. Lúc phú ông chết, tất cả gia sản do con gái thừa kế, và cô đích thân đi kiểm tra xem tài sản của mình thật sự gồm những gì. Đến nhà anh nông dân, cô hỏi anh nhận nuôi bao nhiêu trâu; anh đáp là năm. Vì thấy trong sân đóng sáu cây cột buộc trâu nên cô đề quyết anh ăn gian một con. Anh phân trần rằng có một cây cột muốn gãy nên anh đã đóng thêm cây cột mới mà chưa nhổ bỏ cột cũ. Không tin, cô nằng nặc đòi phải có đủ sáu con trâu. Cãi không lại, anh bực mình quát: “Bắt cô trói cột thì đủ sáu!” Oan ức, anh bỏ nhà đi vào rừng rồi đói khát mà chết, và biến thành chim, cứ cất tiếng kêu hờn oán mà âm thanh nghe giống như “bắt cô trói cột”. Vì thế dân gian đặt tên cho loài chim rừng này ở Hà Giang là “bắt cô trói cột”. Chim “bắt cô trói cột” (tên khoa học: Cuculus micropterus) là loài chim thuộc họ cu cu, thường sống trong rừng, ở độ cao trên 3.600m.
2. Sự tích trâu vàng Hồ Tây
Thiền sư Không Lộ (?-1119), họ Dương, người tỉnh Nam Định, đời nhà Lý. Ngài tu đắc đạo, có nhiều phép thần thông. Theo truyền thuyết, nhờ có công chữa bệnh cho con vua Tàu nên ngài được đền ơn; và ngài xin đồng đen quý hiếm mang về nước để đúc chuông. Do đó, nghề đúc đồng ở nước ta tôn ngài làm ông Tổ nghề.
Cũng theo truyền thuyết, ngài đưa cho vua Tàu thấy một cái túi be bé, và chỉ xin đồng đen đủ chứa trong đó. Thấy vậy, vua Tàu đồng ý, sai lính đưa ngài vào kho đồng để tùy chọn. Nào ngờ, ngài dùng phép thuật nên cái túi be bé lại “nuốt” gần hết cả kho, rồi ung dung quảy túi lên vai bước ra về.
Được tin cấp báo, vua Tàu sai quân binh truy đuổi để lấy lại số đồng quý hiếm. Khi thiền sư đến bờ sông vắng, liền lột nón thả xuống nước, và bước lên đó; nó như chiếc thuyền buồm căng gió, vun vút chở ngài qua bờ bên kia, trước bao con mắt kinh ngạc của đội quân truy đuổi vừa kịp trờ tới.
Ngài đem đồng đen đúc một cái chuông rất lớn. Lúc thử chuông, tiếng ngân vọng tới bên Tàu. Tượng con trâu đúc bằng vàng ròng của vua Tàu nghe thấy, tưởng là trâu mẹ gọi, bèn vùng chạy về nước Nam. Thiền sư sợ sự việc này sẽ khiến vua Tàu đem quân qua gây chiến, bèn ném chuông mới đúc xuống Hồ Tây. Con trâu vàng cũng lao thẳng xuống hồ.
Thiền sư Không Lộ còn lưu lại bài thơ tứ tuyệt Ngôn Hoài 言懷 tuyệt đẹp:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
.
Kiều Thu Hoạch dịch:
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê lai láng chẳng hề vơi
Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.([1])




([1]) Thơ Văn Lý-Trần. Tập 1, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 385.