Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

TRÒN MƯỜI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH (Đạo Uyển 32)


TRÒN MƯỜI NĂM ẤY
BIẾT BAO NHIÊU TÌNH
HUỆ KHẢI
Theo hướng dẫn của Hội Đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, Đức Hồng Y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn ký quyết định thành lập Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận TpHCM (Ban MVĐTLT) vào Thứ Bảy 05-12-2009.
Quyết định này mang ý nghĩa quan trọng, vì thể hiện tinh thần của tuyên ngôn Nostra Aetate (Trong Thời Đại Chúng Ta),([1]) nói về quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo không phải Ki-tô Giáo (non-Christian), do Đức Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI công bố vào Thứ Năm 28-10-1965; mà Nostra Aetate cũng là tuyên ngôn của Công Đồng Vatican II.
Kể từ quyết định năm 2009 nói trên, tính đến nay thì Ban MVĐTLT vừa tròn mười tuổi (nói theo dân gian là vừa lên mười). Suốt mười năm này, Ban MVĐTLT và Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (Chương Trình CTAT) đã có được mối duyên rất thiện hảo là cùng nhau xiết chặt tay để kết dệt mối tâm giao trong tình tương tri, tương kính.
1. Một nội dung trong đường hướng của Ban MVĐTLT là: Thăm viếng, tiếp xúc và trao đổi với các tín đồ tôn giáo khác để xây dựng tình bằng hữu - huynh đệ, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và nếu có thể được, cộng tác với nhau trong lĩnh vực từ thiện và ích lợi cộng đồng.([2]) Thế nên, khi Ban mới vừa “bốn tháng tuổi”, vị Trưởng Ban là linh mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê Bảo Lộc đã chủ động ngỏ lời đến thăm thánh thất Bàu Sen vào sáng Chủ Nhật 26-4-2009.
Nhận được nhã ý của linh mục PX Bảo Lộc, hiền huynh Đạt Tịnh liền thay mặt Ban Cai Quản ngỏ lời mời Chương Trình CTAT cùng tham dự để tiếp Ban MVĐTLT. Ra đời vào tháng 6-2008, bấy giờ Chương Trình chưa đầy một năm tuổi.
Nói theo tiểu thuyết Sans Famille (không gia đình) của nhà văn Pháp Hector Malot (1830-1907), Chương Trình vốn là “kẻ không nhà”. May thay! Khởi đầu là hiền huynh Đạt Linh (1953-2009) và kế tiếp là hai hiền huynh Đạt Tịnh và Trần Văn Quang với cương vị Chánh và Phó Hội Trưởng của Ban Cai Quản thánh thất Bàu Sen đã thương mến cho phép Chương Trình được tổ chức các buổi họp mặt giới thiệu sách mới ấn tống tại thánh thất trong ba năm rưỡi.([3])
Từ lần sơ ngộ ấy tới cuối năm 2011, mỗi lần Chương Trình CTAT họp mặt đạo hữu để giới thiệu và phát hành sách mới tại thánh thất Bàu Sen, Ban MVĐTLT đều đến dự, phát biểu cảm tưởng, thỉnh sách ấn tống, chung niềm vui với bổn đạo Cao Đài trong những bữa cơm chay, và góp công quả vào quỹ ấn tống, v.v…


Nhân dịp vừa in xong tập thơ Tiếng Chim Quyên của hiền huynh Phạm Văn Liêm (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011), Chương Trình CTAT kết hợp ba thánh thất Trung Minh, Trung Hiền, Từ Vân (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) tổ chức đêm thơ nhạc Trăng Tháng Mười kính mừng kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo (1926-2011) tại thánh thất Từ Vân (100 Thích Quảng Đức, Phú Nhuận) lúc 7:30 giờ tối Thứ Bảy 12-11-2011 (17-10 Tân Mão).
Ban MVĐTLT và khoảng ba mươi học viên khóa Thực Hành Đối Thoại Liên Tôn tại Học Viện Mục Vụ Tổng Giáo Phận đã hoan hỷ đến với đêm thơ nhạc này. Hòa chung niềm vui cùng các đạo hữu Cao Đài, hiền tỷ Ma-ri-a Lý Ngọc Anh (Thư Ký của Ban MVĐTLT) diễn ngâm bài Đêm Xuân Cầu Nguyện của thi sĩ Hàn Mạc Tử (1912-1940); các Ki-tô hữu đồng ca bài Mở Rộng Con Tim của hiền huynh Giu-se Bùi Văn Hóa (Phó Ban MVĐTLT).


Giữa hai tiết mục rất được tán thưởng ấy là câu chuyện Khai Đạo Và Khai Tâm qua giọng nói từ tốn, truyền cảm của linh mục PX Bảo Lộc:
Từ nhiều thập niên qua, tương quan giữa những anh chị em tín đồ Cao Đài và Công Giáo đã được tâm duyên của nhiều bậc tiền bối của hai Đạo kết dệt nên. Chúng tôi là những người môn đệ Chúa Giê-su thuộc hàng hậu bối, được mời gọi tiếp bước cha ông, gìn giữ và nuôi dưỡng tình bằng hữu giữa những người bạn đạo này. Những cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa một số anh chị em Công Giáo với các đạo hữu Cao Đài trong những năm gần đây đã giúp chúng ta thêm gần gũi nhau và làm phong phú kinh nghiệm sống của mỗi người với Thượng Đế hơn.
Vị Trưởng Ban MVĐTLT tiếp tục bày tỏ:
Một dấu ấn, một bước ngoặt đã được khắc ghi trong lịch sử đạo giáo và lịch sử Việt tộc với sự xuất hiện của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Và từ 1926 đến nay, đã có không biết bao nhiêu cái tâm được khai sáng qua nhiều nẻo đường tâm linh và tương giao, mà chỉ mình Thượng Đế là Đấng Khai Đạo và dẫn Đạo mới tỏ tường. Phần chúng ta là phàm nhân, là những người tầm Đạo và đi theo Đạo, chúng ta cảm nhận niềm vui khi được ban tặng một niềm tin, được Thượng Đế khai mở cho con đường đến với Ngài.
Sự kiện lịch sử thường được lưu truyền qua những chứng nhân, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà quý đạo huynh và đạo tỷ hiện diện nơi đây là những người làm chứng cho một mối tương quan giữa con người với Thượng Đế.
Chúng tôi nguyện cầu cho sự kiện lịch sử và tâm linh mà chúng ta cử hành kỷ niệm hôm nay, mang lại nhiều hoa trái tâm linh trong tâm lòng mỗi đạo hữu cũng như nơi môi trường và cộng đoàn chúng ta sống đạo.([4])
2. Một nội dung khác trong đường hướng của Ban MVĐTLT là: Tổ chức và linh hoạt các cuộc gặp gỡ liên tôn. Đây cũng là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm sống đạo và chia sẻ niềm tin Ki-tô Giáo cho các người khác đạo.([5]) Để thực thi nội dung này, từ 2011 tới 2018 đã có tám lần Hội Ngộ Liên Tôn vào ngày 27-10 hằng năm. Là người chủ biên Chương Trình CTAT, tôi luôn được Ban MVĐTLT mời tham gia, hoặc góp bài tham luận trên diễn đàn, hoặc đôi lần cùng với linh mục Giu-se Phạm Văn Bình (Dòng Phan-xi-cô) và hiền tỷ Ma-ri-a Lý Ngọc Anh phụ trách dẫn chương trình. Đây là những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tôi.
Lại rất đáng quý nữa chính là Ban MVĐTLT luôn luôn hoan hỷ cho Chương Trình CTAT được gởi các đầu sách ấn tống góp phần khiêm tốn vào túi quà lưu niệm hằng năm của Hội Ngộ Liên Tôn, mỗi lần năm trăm quyển; nhờ thế, sách của Chương Trình (vốn không trưng bày tại những hiệu sách) mới có duyên lành được đến tay đại biểu các tôn giáo bạn và nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu.
3. Ban MVĐTLT thường xuyên mở các giảng khóa (32 tiết/khóa/học kỳ) để đào tạo MVĐTLT tại Học Viện Mục Vụ TGP, và linh mục PX Bảo Lộc vừa là giám học vừa là giảng sư tại Học Viện. Do đó, linh mục Trưởng Ban đôi lần gởi học viên đến dự buổi nói chuyện của tôi về giáo lý Cao Đài, hoặc mời tôi đến một vài lớp học về Thực Hành Đối Thoại Liên Tôn tại Học Viện để sinh hoạt với các học viên đang tìm hiểu về đạo Cao Đài. Đây cũng là những dịp để Chương Trình CTAT tặng quý anh chị học viên một số sách tham khảo.
Nhân mùa Phục Sinh, Học Viện Mục Vụ tổ chức buổi trò chuyện liên tôn thân mật từ 6.30 giờ đến 9.00 giờ tối Thứ Tư 03-4-2013 tại phòng 102 (lầu 1) của Học Viện. Chủ trì là linh mục PX Bảo Lộc. Tham dự có khoảng năm mươi nữ tu Học Viện Liên Tỉnh Dòng Thánh Phao-lô Thành Chartres do vị giám đốc là nữ tu Marie Huỳnh Thị Tuyết Mai hướng dẫn. Đồng thời còn có độ mười anh chị học viên lớp Thực Hành Đối Thoại Liên Tôn. Buổi trò chuyện hôm ấy rất cởi mở, tràn đầy tiếng cười vui tươi trong tình hòa ái.
Để lưu lại những bông trái tươi tốt trong đêm hội ngộ thắm tình liên tôn ấy, Chương Trình CTAT ấn tống tập sách nhỏ: Công Giáo Và Cao Đài Hội Ngộ Phục Sinh (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013). Linh mục PX Bảo Lộc đã trân trọng viết Lời Tựa cho sách này như sau:
Từ ước mong giới thiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cho người nước ngoài đến ước muốn giúp người Công Giáo trong nước hiểu biết, cùng đi vào tương quan với anh chị em tín đồ Cao Đài, đồng thời cố gắng hiện thực những cuộc hội ngộ Công Giáo – Cao Đài hôm nay, là một hành trình dài.
Độ dài của chặng đường tương giao này chủ yếu không phải ở nơi khoảng cách về địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa hay niềm tin, mà có lẽ do khoảng cách giữa những cái Tâm. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này giữa những người tín hữu, những người phụng sự đạo pháp và con người, đó là thách đố đặt ra cho Ki-tô hữu muốn theo gương Chúa Giê-su và thực hành hướng dẫn của Công Đồng Vatican II về liên hệ với tín đồ thuộc tôn giáo khác.
Cuộc giao thoa giữa tinh thần đại đồng của quý huynh tỷ Cao Đài và chiều kích Công Giáo trong đời sống Ki-tô hữu đã tạo nên môi sinh tinh thần cho các đạo hữu Công Giáo và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ xích lại gần nhau. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo và Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận Tp.HCM đang góp tâm sức để dựng xây những nhịp cầu hiểu biết, tương quan và cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo nói chung và giữa hai cộng đồng Cao Đài – Công Giáo nói riêng.
Cuộc trao đổi về niềm tin và giáo lý tại Học Viện Mục Vụ Tổng Giáo Phận được ghi nhận trong tập sách này là một trong những hoa trái của mối tương quan huynh đệ giữa các đạo hữu, song hành với niềm tin rằng chúng ta là con cái cùng Một Thượng Đế là Cha. Cuộc hội ngộ trong tinh thần học hỏi lẫn nhau này cũng là dấu chỉ của Tin Mừng Phục Sinh mà Chúa Giê-su Ki-tô mang lại cho nhân loại, đó là niềm vui gặp gỡ, hiểu biết, cảm thông và tôn trọng.
Thực vậy, Đức Ki-tô phục sinh luôn đi bước trước tìm đến gặp gỡ, lắng nghe, trao ban bình an và yêu cầu các đệ tử ra đi loan báo Tin Mừng bình an cho mọi người. Vì thế, mỗi cuộc hội ngộ giữa những người bạn đạo, đều làm cho những giá trị Chân – Thiện – Mỹ được lớn lên trong lòng người và lòng đời.
Mong sao những nhịp cầu tâm giao ngày càng được quý đạo hữu bốn phương chung tâm xây đắp vững bền và nhân rộng khắp các vùng miền trong nước, để ngôi nhà Việt Nam trở nên mái ấm của tình huynh đệ. (Sách đã dẫn, tr. 9-10)
4. Ở phương vị rất khiêm tốn của Chương Trình CTAT, trên đây tôi chỉ tạm kể một ít kỷ niệm tuy có vẻ hơi riêng tư nhưng quả thật chính là mối thân tình gắn bó giữa Ban MVĐTLT và Chương Trình trong mười năm hiệp tâm phụng sự con đường liên tôn Công Giáo – Cao Đài.
Ôn lại những kỷ niệm này, tôi muốn bày tỏ thêm rằng bản thân tôi không chỉ cảm thụ sâu sắc Đạo Chúa qua Lời Chúa (Phúc Âm) mà quan trọng hơn hết là còn cảm thụ qua chính cung cách tu dưỡng, hành đạo, sống đạo của vị mục tử và những chiên lành trong Nhà Chúa, và tôi luôn nghĩ rằng đó còn là ơn Chúa kín đáo ban cho một môn đệ Cao Đài nhỏ bé thông qua một cộng đoàn có ý nghĩa rất đặc biệt trong thời đại chúng ta là Ban MVĐTLT, từ vị linh mục Trưởng Ban cho tới các thành viên nam nữ.
Năm 2013 (trong Lời Tựa dẫn trên), linh mục PX Bảo Lộc viết: Thực vậy, Đức Ki-tô phục sinh luôn đi bước trước tìm đến gặp gỡ, lắng nghe… Thì cũng y hệt như vậy, mười năm qua bản thân vị Trưởng Ban MVĐTLT cũng đã đi bước trước tìm đến gặp gỡ, lắng nghe… để bắc những nhịp cầu tâm giao ([6]) giữa Công Giáo và Cao Đài.
Nếu Ban MVĐTLT soạn một biên niên các sự kiện suốt cuộc hành trình mười năm của Ban, dù chỉ nói riêng về mối tâm giao Công Giáo - Cao Đài (mở rộng ra với một số Hội Thánh và các thánh sở hay tổ chức Cao Đài ở một số tỉnh thành) thì chắc chắn sẽ cần nhiều trang giấy.
Nói khác đi, Ban MVĐTLT đã có mười năm thành tựu bởi vì linh mục Huệ Tâm (tức là PX Bảo Lộc) đã và đang liên tôn bằng cả tâm và huệ (heart and wisdom) để chu toàn sứ vụ.
Tôi không khỏi suy gẫm về lần đầu tiên linh mục Huệ Tâm chủ động đi bước trước để gặp gỡ những môn đệ Cao Đài tại họ đạo Bàu Sen. Hôm xưa ấy, hẳn rằng linh mục không hề “coi ngày”. Vậy, tôi tin rằng Thần Khí hay Thánh Linh (Holy Spirit) của Chúa đã soi dẫn cho linh mục Huệ Tâm thực hiện buổi sơ ngộ mười năm trước, bởi lẽ theo hai mươi bốn tiết khí của nông lịch Á Đông thì Chủ Nhật 26-4-2009 trúng vào tiết Cốc Vũ.
Cốc là lúa gạo, các thứ hạt dùng làm lương thực (grains); là mưa (rain; pluie). Thế nên Cốc Vũ dịch sang tiếng Anh là Grain Rain; dịch sang tiếng Pháp là Pluie de Grains.
Cốc Vũ có thể hiểu rộng ra là mưa rào lúc cuối mùa xuân chuyển sang đầu mùa hạ, và mưa này rất tốt cho mùa màng, thuận lợi cho việc gieo trồng. Nhờ thế, suốt mười năm qua, hạt giống lành liên tôn giữa Công Giáo và Cao Đài nói chung, hay giữa Ban MVĐTLT và Chương Trình CTAT nói riêng, đã triển nở đúng như lời Thầy Giê-su dạy:
Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. (…) Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm. (Lu-ca 8: 5, 8)
Xin nguyện cầu các cộng đồng Cao Đài luôn luôn là đất tốt như vậy để tiếp tục đón nhận hạt giống lành liên tôn, để những năm tới sẽ càng thêm nhiều bông trái thơm ngon.
Cũng xin nguyện cầu Ban MVĐTLT luôn luôn là người gieo giống càng dày trải nghiệm lại càng thêm sáng huệ minh tâm trong ơn lành Thiên Chúa dẫn lối soi đường.
Nhiêu Lộc, ngày Thiên Quan
Tứ Phước năm Kỷ Hợi
(Thứ Ba 19-02-2019)
HUỆ KHẢI


([1]) Để hiểu tuyên ngôn này, có thể xem thêm: Huệ Khải, Trong Thời Đại Chúng Ta Với Tâm Tình Một Tín Hữu Cao Đài / Nostra Aetate in a Caodai Believer’s Sentiment. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016. Quyển 99-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20091205/4705
([3]) Sau khi hai hiền huynh Đạt Tịnh và Trần Văn Quang chấm dứt nhiệm vụ Ban Cai Quản, rời con đường phổ độ (exotericism) tại họ đạo để cùng nhau chuyên tâm dốc chí vào con đường tu tịnh vô vi (esotericism) theo pháp môn Cao Đài Chiếu Minh thì Chương Trình CTAT trở lại thân phận “kẻ không nhà”, nhưng vẫn kiên trì hành đạo suốt mười một năm nay, với hơn một trăm năm mươi đầu sách các loại đã ấn tống và phổ biến nhiều nơi.
([4]) Huệ Khải, Con Đường Hạnh Phúc. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 61, 62. Quyển 48-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
([5]) http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20091205/4705
([6]) Nhịp Cầu Tâm Giao vừa là tên một website (http://nhipcautamgiao.net) vừa là tên một tập san do Ban MVĐTLT thực hiện.