Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

THƠ TRẦN DÃ SƠN (Đạo Uyển 32)


LẠI NGHĨ VỀ MƯA
Bữa ấy ngồi nhìn mưa trắng bay
Gió không lạnh lắm sao mưa đầy
Lòng chưa bỏ ngỏ sao hoang vắng
Ai đã đi rồi? Ai tới đây?
Tôi với mùa mưa là thế đấy
Rất thân quen cũng rất xa vời
Mỗi lần mưa đến tôi thầm hỏi
Tự thuở hồng hoang mưa có rơi?
Mưa giăng làm thấp cả trời cao
Biết gởi yêu thương về chốn nào
Không lẽ giữ tình trong ngực nhỏ
Khi thơ thổn thức muốn bay cao
Thơ cũng nhập môn học Đạo mầu
Còn kẻ nhập môn bỏ đi đâu?
Tôi nghe Thơ-Đạo hòa hơi thở
Dẫn dắt mình qua mấy bể dâu
Nếu hỏi rằng ai vui ai buồn
Mỗi độ nhìn mưa hối hả tuôn
Buồn vui vốn ở nơi lòng khách
Tôi lặng nghe mưa nhớ cội nguồn.
TRẦN DÃ SƠN
(Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài)
Krông Păk, 2019
NGÀY MAI NẾU ĐI
Rồi mai có đi trả hết cho đời
Bỏ lại sau lưng ngày tháng xa khơi
Trả hết cho ai ưu tư phiền muộn
Trả hết cho ai thân phận con người
Trăm năm cô đơn lời ru nghẹn ngào
Trăm năm cô đơn là giấc chiêm bao
Trả hết cho ai khung trời bỏ ngỏ
Tình người hiến dâng bay lên trăng sao
Ngày cứ trôi nhanh cho đời ngắn lại
Và đời qua mau người sẽ về đâu
Đừng trao cho nhau hận thù oan trái
Xin gởi cho nhau tình yêu dài lâu
Rơi! Rơi! Rơi! Rơi!
Hoàng hôn mênh mông
Hãy thắp niềm tin sáng ngọn nến hồng
Mai có ra đi tìm về xứ Đạo
Thầy đã thương ta, ta giữ một lòng.
TRẦN DÃ SƠN
Krông Păk, 12-7-2019

KHỔ QUA
Một bữa nhà tôi ([1]) đi chợ về
Soạn đồ ra rổ thấy ngộ ghê
Cải cay, mướp đắng cùng dưa muối
Quả vả, cà chua xếp cận kề
Nhìn khắp thức ăn lòng bỗng nghĩ
Kiếp người cay đắng lẫn chanh chua
Ngọt bùi béo bổ đi đâu mất
Để khổ mọi người đến “khổ qua” (2)
Khổ qua, qua chịu nói chi em
Mướp đắng ăn quen cũng thấy thèm
Chẳng biết ở đời bao thứ khổ
Đành nhờ sách vở mở tìm xem
Ngũ Chi Đại Đạo chỉ bày ra
Tùng, Thắng, Thọ xong, Thoát, Giải mà (3)
Năm khổ xong rồi duy sót một
Mâm cơm còn thấy món khổ qua.
TRẦN DÃ SƠN
Krông Păk, 25-6-2019


([1]) Nhà tôi: Vợ tôi.
(2) Khổ qua: (a) Mướp đắng; (b) Khổ tôi.
(3) Năm phương thức hành đạo của Ngũ Chi là: Tùng Khổ của Nhơn Đạo; Thắng Khổ của Thần Đạo; Thọ Khổ của Thánh Đạo; Thoát Khổ của Tiên Đạo; Giải Khổ của Phật Đạo.