Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Bài 1. SƠ LƯỢC VỀ ĐẠO CHÚA (Đạo Uyển 32)


Bản thảo giáo khoa
Trong đạo Cao Đài hiện nay đang có nhu cầu biên soạn một số bài giảng về tôn giáo bạn, với những nét căn bản và khái quát ngõ hầu bổ sung vào hành trang lớp người hướng đạo Kỳ Ba, thi hành theo thánh ngôn chỉ dạy từ xưa. Đơn cử:
Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt ban trao cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ([1]) một bản đồ tu học và hành đạo với tên gọi Lịch Trình Hành Đạo. Trong các cấp chức vụ của Cơ Quan, về phần Phó Ban, Đức Lê Đại Tiên minh định: Phó Ban có cùng phương vị ([2]) hành đạo với giáo sĩ; Phó Ban sẽ cầm pháp Thầy mà gieo rải đến nhơn sanh. Để trang bị cho Phó Ban một “vốn liếng” khả dụng ngõ hầu thực thi chức năng đã được minh định như thế, Đức Lê Đại Tiên dạy Phó Ban phải nghiên cứu, tìm hiểu Thánh Đo (gồm chung Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Hồi Giáo [Islam]) cho thông suốt.
Mục BẢN THẢO GIÁO KHOA quý Bốn này trình bày giản lược về Đạo Chúa (tách làm ba buổi giảng), nhằm đáp ứng chút ít tài liệu tham khảo, ước mong góp phần bé mọn để quý đạo hữu giảng viên có thể nhẹ bớt phần nào “gánh nặng” trong muôn một. Biển học vô bờ. Chúng tôi kính mong và tin tưởng quý đạo hữu luôn hoan hỷ lượng thứ mọi nhầm lẫn, thiếu sót nếu chúng tôi vướng phải, và sẽ vui lòng chỉ giáo để chúng tôi kịp thời sửa chữa chỗ sai lầm, bổ túc chỗ thiếu sót. Gọi mục này là “Bản thảo giáo khoa” cũng vì lẽ ấy. (H.Kh.)
Bài 1. SƠ LƯỢC VỀ ĐẠO CHÚA
1. VÀI DANH XƯNG CẦN BIẾT
Đạo (tôn giáo, religion) trong chữ Nho là giáo. Do đó, nói đạo Thiên Chúa tức là Thiên Chúa Giáo, có thể gọi tắt là đạo Chúa.
“Người Việt mình dùng chữ đạo theo nghĩa chữ giáo (tôn giáo). Đạo nghĩa là đường đi. Con đường rộng lớn được gọi là đại đạo. Đức Giê-su dạy: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Gio-an 14:6)
Ngoài ra, người Việt chúng ta xưa nay vẫn quen gọi tên một đạo theo tên hay danh hiệu của Đấng khai sáng (giáo chủ); do đó, ta hay nói đạo Khổng (do Đức Khổng Tử khai sáng), đạo Lão (do Đức Lão Tử khai sáng), đạo Phật (do Đức Phật Thích Ca khai sáng), đạo Cao Đài (do Đức Cao Đài Tiên Ông khai sáng)… Đức Chúa Giê-su là giáo chủ khai sáng một nền đạo đưa con người đến với Chúa Cha, vậy thì tôn giáo do Chúa Giê-su khai sáng gọi là đạo Chúa.” ([3])
Như nói trên, đạo Chúa do Đức Giê-su Ki-tô ([4]) khai sáng.
1.1. Giê-su là tên riêng (name), do người Việt dịch âm (transliterating) từ tiếng Latin là Iesus (tiếng Anh: Jesus; tiếng Pháp: Jésus).
Iesus được người Hoa dịch âm và viết là 耶穌, từ Hán-Việt là Da Tô hay Gia Tô. Chữ Da/Gia có nghĩa là cha.
Do cách dịch âm của người Hoa, đạo Chúa còn gọi là Da/Gia Tô Giáo, tức là đạo Giê-su. Trong đạo Cao Đài, Chúa giáng cơ xưng là Gia Tô Giáo Chủ. Khi đọc sớ, tín đồ Cao Đài khấn: Nam mô Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.
1.2. Ki-tô là danh hiệu (title), do người Việt dịch âm từ tiếng Bồ Đào Nha là Cristo (tiếng Latin là Christus, tiếng Anh và Pháp là Christ). Người Hoa dịch âm Cristo và viết là 基督, từ Hán-Việt là Cơ Đốc.
Cristo (Christ) nghĩa là Đấng được xức dầu (the Anointed One), cũng gọi là Đấng Mê-si-a (Messiah) theo tiếng Hi-bru (Hebrew). Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để thi hành sứ mạng cứu thế, do đó Chúa được gọi là Giê-su Ki-tô (ghép tên riêng với danh hiệu).
Do cách dịch âm danh hiệu Cristo là Ki-tô hay Cơ Đốc, đạo Chúa còn gọi là Ki-tô Giáo, Cơ Đốc Giáo, tức là đạo của Đấng được xức dầu. Các môn đồ của Chúa được Công Giáo gọi là Ki-tô hữu (bạn của Đấng được xức dầu) và được Tin Lành gọi là Cơ Đốc nhân (người của Đấng được xức dầu).
1.3. Khi truyền đạo sang Trung Hoa, các giáo sĩ phương Tây gọi tôn giáo của mình là 天主教 (Thiên Chủ Giáo), nhưng người Việt hay đọc chữ Chủ thành Chúa, nên gọi đạo Chúa là Thiên Chúa Giáo (tôn giáo của Đức Chúa Trời).
1.4. Khi nói Thiên Chúa Giáo, phần đông người Việt muốn nói tới Giáo Hội Công Giáo Rô-ma (Roman Catholic Church), thường gọi tắt là Công Giáo (Catholicism), với trung tâm là thành phố Vatican nằm trong lòng thủ đô Rô-ma của nước Ý. Vatican cũng gọi là vương quốc Vatican, đứng đầu là Giáo Tông (Pope), về sau người Việt gọi là Giáo Hoàng (Hoàng là vua). Bộ máy hành chánh trung ương của Vatican vì vậy còn được gọi là giáo triều Rô-ma (the Roman Curia). Triều tức là triều đình (royal court).
1.4.1. Ở miền Nam, thời chánh phủ Ngô Đình Diệm (1955-1963), một số người không theo đạo Chúa không ưng gọi ngày Chủ Nhật Chúa Nhật, và cũng không tán thành cách gọi đạo Chúa là Công Giáo. Họ cho rằng gia đình Ngô Tổng Thống theo đạo Thiên Chúa, mà anh ruột ông Gio-an Bao-ti-xi-ta Ngô Đình Diệm là Giám Mục Phê-rô Mác-ti-nô Ngô Đình Thục (1897-1984), và gia đình họ Ngô muốn biến đạo Thiên Chúa thành quốc đạo, nên đã tạo ra hai chữ Công Giáo (!).
1.4.2. Bởi lẽ từng có sự ngộ nhận về hai chữ Công Giáo nên sau này Giáo Sư Trần Văn Toàn (1931-2014), giảng dạy tại Viện Ðại Học Công Giáo Lille (nước Pháp), giải thích:
(T)ừ thế kỷ XVII cho đến hết thế kỷ XIX, chưa bao giờ dùng hai chữ “Công Giáo”. Mãi đến thế kỷ XX mới dùng, nhưng tôi chưa biết đích xác ai đã bắt đầu dùng ở Việt Nam, dùng từ bao giờ và trong văn kiện nào.
Theo Giáo Sư Toàn, chữ công có nghĩa là chung; vậy, Công Giáo tức là đạo chung cho mọi người.([5])
Tiếng Anh cũng giải thích catholic universal (chung, phổ quát); of interest or use to everyone (có ích cho mọi người).([6])
1.5. Bài này nói về Thiên Chúa Giáo, tức là Công Giáo Rô-ma hay nói gọn là Công Giáo. Tôn giáo này đặt nền tảng trên sự giáng sinh, đời sống, lời dạy, sự chết trên thập tự giá, và sự sống lại của Đức Giê-su, người làng Na-da-rét (Nazareth), xứ Pa-lét-tin (Palestine), nay thuộc Ít-ra-en (Israel).
Theo Từ Điển Bách Khoa Anh (Encyclopaedia Britannica), trên thế giới ngày nay có khoảng 2,3 tỷ người là Ki-tô hữu (Christians), và tính riêng số người theo Công Giáo (Roman Catholics) thì ước chừng 1,3 tỷ.([7]) Theo Niên Giám Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2017, Chương 23, tính đến ngày 31-12-2015, Công Giáo Việt Nam có 6.756.303 tín đồ.
2. SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU ([8])
Thánh tông đồ ([9]) Mát-thêu (Mt) ghi chép như sau:
2.1. Gốc tích Đức Giê-su
Bà Ma-ri-a đã hứa hôn với ông Giu-se. Trước khi hai ông bà chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo. Thiên sứ báo mộng cho ông, bảo rằng đừng ngại đón bà Ma-ri-a về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm đúng như lời Thiên sứ dạy. (Mt 1:18-24) 
2.2. Các nhà chiêm tinh đến bái lạy
Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê (người La Mã) cai trị. Có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: Đức Vua của dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi tìm đến bái lạy Người.
Vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến và dặn: Khi tìm thấy Hài Nhi, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.
Ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến gặp Hài Nhi và ông bà Giu-se. Sau đó, họ được báo mộng là đừng quay lại gặp vua Hê-rô-đê mà hãy theo lối khác trở về xứ. (Mt 2:1-12)
2.3. Trốn sang Ai Cập
Thiên sứ lại báo mộng cho ông Giu-se, bảo hãy đem Hài Nhi và bà Ma-ri-a trốn sang Ai Cập vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi. Ông Giu-se liền thức dậy, và gia đình ông trốn sang Ai Cập ngay trong đêm.
Vua Hê-rô-đê bị các nhà chiêm tinh đánh lừa thì nổi giận, sai lính đi tới Bê-lem và các vùng lân cận, tàn sát tất cả con trẻ ở từ hai tuổi trở xuống. (Mt 2:13-16)
2.3. Từ Ai Cập về đất Ít-ra-en
Sau khi vua Hê-rô-đê chết, thiên sứ báo mộng cho ông Giu-se, bảo hãy đưa hài nhi Giê-su và bà Ma-ri-a rời khỏi Ai Cập mà trở về Ít-ra-en. Ông Giu-se làm y như vậy. Nhưng nghe tin Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, đang cai trị miền Giu-đê, nên ông Giu-se không dám về đó. Sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến thành Na-da-rét. (Mt 2:19-23)
2.4. Đức Giê-su chịu phép rửa
Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an Báp-tít để xin ông làm phép rửa cho mình. Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Thần Khí Thiên Chúa ([10]) đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. (Mt 3:13-16)
2.5. Đức Giê-su chịu cám dỗ
Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ. Chúa ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày. Quỷ cám dỗ Chúa không được đành bỏ đi. Bấy giờ các thiên sứ liền đến hầu hạ Chúa. (Mt 4:1-11)
2.6. Đức Giê-su rao giảng khắp miền Ga-li-lê
Đức Giê-su bỏ Na-da-rét, đến một thành ở ven biển hồ Ga-li-lê. Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu giảng đạo và chữa lành mọi kẻ bệnh hoạn, tật nguyền. (Mt 4:13,17,23)
2.7. Mười hai tông đồ
Thánh tông đồ Mác-cô (Mc) chép: Đức Giê-su lần lượt thâu nhận mười hai tông đồ, chia thành sáu cặp, ban cho các vị phép trừ quỷ và sai đi truyền giáo. (Mc 6:7)
Thánh Mát-thêu (Mt 10:2-4) kể tên sáu cặp như sau:
1. Si-môn (còn gọi là Phê-rô) và anh ruột là An-rê, đều làm ngư phủ.
2. Gia-cô-bê (con ông Dê-bê-đê) và em ruột là Gio-an, cũng đều làm ngư phủ.
3. Phi-líp-phê và Ba-tô-lô-mê-ô.
4. Mát-thêu (người thu thuế) và Tô-ma.
5. Gia-cô-bê (con ông An-phê) và Ta-đê-ô.
6. Si-môn (người Nhiệt Thành) và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt (kẻ phản Chúa).
Theo Sách Công Vụ Tông Đồ (1:23-26), sau khi Giu-đa Ít-ca-ri-ốt tự tử, các tông đồ bốc thăm chọn được Mát-thi-a và bổ sung cho đủ số mười hai.
2.8. Âm mưu giết chết Đức Giê-su
Các thượng tế (high priests) và kỳ mục trong dân Do Thái (the elders of the people) họp tại dinh của thượng tế Cai-pha, và họ quyết định lập mưu bắt Đức Giê-su mà giết đi vì họ cho rằng Đức Giê-su chống lại tôn giáo và luật lệ của họ. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt gặp các thượng tế và thỏa thuận sẽ nộp Đức Giê-su cho họ với giá ba mươi đồng bạc. (Mt 26:3,15)
Họ bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha, nhưng họ tìm không ra bằng chứng gian dối để lên án tử hình Đức Giê-su. (Mt 26:57,59-60)
Sáng hôm sau họ trói Đức Giê-su và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô là người La Mã. (Mt 27:1-2)
Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ thả một người tù theo ý dân chúng. Tổng trấn hỏi họ muốn phóng thích ai, một tù nhân tên là Ba-ra-ba hay Giê-su. Họ đòi thả Ba-ra-ba và phải đem đóng đinh Đức Giê-su. Tổng trấn bèn sai lính đánh đòn Đức Giê-su rồi giao Chúa cho họ. (Mt 27:15-26)
2.9. Đức Giê-su chết trên thập tự giá
Họ đóng đinh Đức Giê-su vào thập tự giá rồi dựng trên đồi Gôn-gô-tha (đồi Sọ). Hai bên Chúa là hai kẻ cướp cũng bị đóng đinh, và Chúa bị nhục mạ đủ điều. (Mt 27:33,38-39)
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất cho tới giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su trút linh hồn. (Mt 27:49-50)
Chiều đến, ông Giô-xếp là môn đệ Đức Giê-su đến gặp tổng trấn để xin an táng Thầy mình. Ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt thi hài Chúa vào huyệt đục sẵn trong núi đá, ban đầu định dành chôn ông Giô-xếp. Ông lăn tảng đá to lấp kín cửa mồ. (Mt 27:57-60)
Hôm sau, những kẻ đã hại chết Đức Giê-su đến gặp tổng trấn để xin cắt cử lính canh giữ mồ và niêm phong tảng đá vì họ sợ môn đệ Đức Giê-su lấy trộm xác Thầy. (Mt 27:62-66)
2.10. Đức Giê-su phục sinh
Hết ngày sa-bát,([11]) khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló dạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác trùng tên Ma-ri-a đi viếng mộ Đức Giê-su. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội, thiên thần từ trời hiện xuống, lăn tảng đá ra rồi ngồi lên đó. Lính canh khiếp sợ, ngất đi. Thiên thần bảo hai bà rằng Đức Giê-su không có trong mộ, hãy đến mà xem rồi mau về nói cho các môn đệ khác biết là Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, và đã đi Ga-li-lê, ở đó các môn đệ sẽ gặp lại Thầy. Hai bà vội vã chạy về báo tin Chúa đã phục sinh. (Mt 28:1-8)
Đức Giê-su đón hai bà dọc đường và bảo hãy về nói cho các môn đệ đến Ga-li-lê sẽ được gặp Thầy ở đó. (Mt 28:9-10)
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê. Khi thấy Chúa, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su nói:
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,([12]) dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28:16-20)
Sau khi gặp lại các môn đệ, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. (Mc 16:19-20)
3. SƠ LƯỢC MỘT SỐ MỐC LỊCH SỬ BUỔI BAN SƠ CỦA CÔNG GIÁO RÔ-MA
Đức Giê-su nói với Thánh tông đồ Phê-rô như sau:
Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá,([13]) trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. (Mt 16:17-19)
Vào khoảng năm 29 đầu Công Nguyên, Thánh Phê-rô giảng đạo ở Giê-ru-sa-lem, độ được ba ngàn người theo đạo, hình thành cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên (the first Christian community).
Năm 42: Xảy ra cuộc bách hại (persecution) Ki-tô hữu lần đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem do lịnh vua Hê-rô-đê A-gríp-pa (cháu nội vua Hê-rô-đê là kẻ đã cho giết các bé trai từ hai tuổi trở xuống). Năm 44, tông đồ tử đạo đầu tiên là Thánh Gia-cô-bê (anh ruột Thánh Gio-an). Rất nhiều năm sau đó, các cuộc bách hại vẫn tiếp tục xảy ra, lần lượt có thêm nhiều Thánh tử đạo. Năm 100, tông đồ cuối cùng trong Nhóm Mười Hai là Thánh Gio-an tử đạo.
Trước kia Đức Giê-su đã báo trước cho các tông đồ về những bách hại thảm khốc. Thánh Mát-thêu chép lời Chúa cảnh báo như sau:
Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng (councils), và sẽ đánh đập anh em trong các giáo đường (synagogues) của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền (...). Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (Mt 10:17-22)

Năm 312, vào một đêm trước khi ra trận trong cuộc nội chiến, hoàng đế Constantinus nhìn thấy một chữ thập hiện ra trên bầu trời và dòng chữ “với dấu hiệu này ông sẽ chiến thắng”. Constantinus liền cho quân lính mang khiên và cờ có hình chữ thập. Quả nhiên ông đại thắng. Năm sau (313) ông ra lệnh cho Ki-tô hữu được tự do tín ngưỡng trong lãnh thổ phía tây của đế quốc La Mã do ông cai trị. Ở phần phía đông không thuộc quyền của ông, Ki-tô hữu vẫn còn chịu bách hại.

Năm 379 Theodosius vốn là một Ki-tô hữu sùng tín đã lên làm hoàng đế cai trị lãnh thổ phía đông của đế quốc La Mã. Hai năm sau (381) bằng nhiều biện pháp bất lợi đối với các tín ngưỡng cổ truyền của La Mã, hoàng đế Theodosius gián tiếp nhìn nhận đạo Ki-tô là quốc giáo của đế quốc La Mã.

Trong suốt ba thế kỷ đầu tiên, Ki-tô giáo lan truyền nhanh chóng trong khu vực Địa Trung Hải và được phổ truyền bá ra cả bên ngoài đế quốc La Mã.

Trải qua hai ngàn năm lịch sử, nền tôn giáo do Đức Chúa Giê-su Ki-tô khai sáng đã phân ra nhiều nhánh, mà bốn nhánh lớn nhất hiện nay theo thứ tự là:
- Công Giáo Rô-ma có khoảng 1,3 tỷ tín đồ toàn thế giới. 
- Tin Lành có khoảng 920 triệu tín đồ toàn thế giới. 
- Chính Thống Giáo Đông Phương (the Eastern Orthodox Catholic Church; thịnh hành ở Đông Âu, Hy Lạp, Nga, Kavkaz,([14]) v.v…), có khoảng 260 triệu tín đồ toàn thế giới.([15])
Chính Thống Giáo Cựu Đông Phương (the Oriental Orthodoxy, thịnh hành tại Armenia, Syria, Ai Cập, Ethiopia, v.v…), có khoảng 86 triệu tín đồ toàn thế giới.([16])

Bốn nhánh lớn này gọi chung là Ki-tô Giáo (Christianity).

HUỆ KHẢI




([1]) Từ năm 1985 gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
([2]) phương vị 方位 (position): Vị trí, vị thế, tư cách để làm việc gì.
([3]) Huệ Khải giải thích trong bài “Một Tập Sách Liên Tôn Công Giáo Và Cao Đài”, in trong tuần san Công Giáo Và Dân Tộc, số 2195, tuần lễ từ 01-3 đến 07-3-2019, tr. 38.
([4]) Ngày nay kinh sách Công Giáo thường viết là Giêsu Kitô, bỏ các dấu gạch nối. Tuy nhiên, trong bài này vẫn giữ dấu gạch nối giữa các âm tiết (syllables) để thống nhất với cách viết tên người, tên đất dẫn theo bản dịch Kinh Thánh 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và cũng giúp chúng ta dễ đọc các tên riêng được tách rời từng âm tiết. Các đoạn Kinh Thánh dẫn trong ba bài này đều trích từ bản dịch 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
([5]) Trần Văn Toàn, “Về Nguồn Gốc Hai Chữ Công Giáo”, in trong Đạo Uyển Hạ 2019. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tr. 122, 127.
([6]) http://www.lexicolatry.com/2014/03/catholic-etymology-of-catholicism.html
([7]) Of the estimated 2.3 billion Christians in the world, about 1.3 billion of them are Roman Catholics.
(https://www.britannica.com/topic/Roman-Catholicism, cập nhật 21-6-2019)
([8]) Để tìm hiểu thêm về cuộc đời Đức Giê-su, có thể tham khảo: Huệ Khải, Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
([9]) tông đồ 宗徒 (apostle): Sứ đồ 使徒, người được sai đi. Theo Tân Ước, ngay từ đầu Chúa Giê-su chọn mười hai người đi theo Ngài, gọi là Nhóm Mười Hai hay Tông Đồ Đoàn (Apostolic College). Các vị thành Thánh nên gọi là Thánh tông đồ (Apostolic Saint).
([10]) Thần Khí (Đức Năng 德能 / Spirit): Cựu Ước dùng Thần Khí để chỉ hơi thở, hoạt động của Thiên Chúa. Tân Ước dùng Thần Khí để chỉ Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi) và các hoạt động của Ngài. Tin Lành gọi Thần Khí là Thánh Linh (Holy Spirit). Thánh giáo Cao Đài cũng dùng hai chữ Thánh Linh. Xem thêm: Huệ Khải, Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 64-69.
([11]) sa-bát (sabbath): Theo Do Thái Giáo là ngày Thứ Bảy.
([12]) Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Chủ Thánh Tam 天主聖三/ Trinity): Ba Ngôi đồng bản thể 本體 (substance) trong một Thiên Chúa duy nhất. Đức Giê-su Ki-tô là Chúa Con (Ngôi Hai) xuống thế làm người.
([13]) Phê-rô viết theo tiếng Pháp là Pierre, mà la pierre nghĩa là đá. (Phê-rô viết theo tiếng Anh là Peter. Tiếng Anh gọi đá là rock.)
([14]) Cáp-ca: Khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á. Nơi đây có dãy núi Kavkaz.
([15]) Ba con số tín đồ trên đây căn cứ theo một bản tin của BBC ngày 17-10-2018. Dẫn theo https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity, truy cập ngày 18-3-2019.
([16]) Số tín đồ trên đây căn cứ theo https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity, truy cập ngày 18-3-2019, nhưng Wikipedia không dẫn nguồn.