Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Bài 2. SƠ LƯỢC VỀ BỐN ĐỀ MỤC TRONG GIÁO LÝ ĐẠO CHÚA (Đạo Uyển 32)


Bài 2. SƠ LƯỢC VỀ BỐN ĐỀ MỤC
TRONG GIÁO LÝ ĐẠO CHÚA
Giáo lý đạo Chúa rất phong phú; tuy nhiên, chúng ta có thể tạm tìm hiểu bốn đề mục rất cơ bản sau đây vì chúng giúp các Ki-tô hữu sống đời đạo lý đúng theo lời Chúa dạy. Điều này rất hệ trọng đối với đức tin của Ki-tô hữu, bởi lẽ lúc sống ở thế gian như thế nào thì sau này sẽ chịu sự phán xét cuối cùng như thế ấy.
1. KINH TIN KÍNH
1.1. Nội dung Kinh Tin Kính (bản mới), do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam soạn ([1])
Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô [Pontius Pilatus]; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con: Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy. Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.([2])
1.2. Ý nghĩa Kinh Tin Kính
Kinh Tin Kính là những công thức vắn tắt để các tín hữu có thể cùng nhau tuyên xưng chung một đức tin. Đức tin cần được công thức hóa thành Kinh Tin Kính, vì khi không có công thức cố định thì nội dung của đức tin sẽ rời rạc, và khi tuyên xưng đức tin thì sẽ nói những lời trống rỗng. Bởi thế, trải qua bao thế kỷ, nội dung đức tin được Hội Thánh Công Giáo công thức hóa thành Kinh Tin Kính. Qua đó, các Ki-tô hữu có thể suy niệm, học hỏi, chia sẻ, cử hành, và sống thực với đức tin.([3])
 Tín hữu Công Giáo đọc Kinh Tin Kính trong phụng vụ chính thức và trong các dịp cầu nguyện riêng. Có lẽ đây là kinh duy nhất mặc nhiên cho biết rõ người đọc là một tín hữu Công Giáo. Kinh Tin Kính là sợi dây nối kết lại các thế hệ Công Giáo, từ lớp tông đồ xa xưa cho tới bây giờ và mãi mãi về sau.([4])
Tham khảo linh mục Võ Xuân Tiến,([5]) chứng ta có thể nói thêm như sau:
- Đối với các Ki-tô hữu, Kinh Tin Kính là một dấu hiệu để đồng đạo nhận biết nhau.
- Kinh Tin Kính có chức năng tuyên xưng, làm một chứng tá ([6]) cho đức tin. Chẳng hạn, để tuyên xưng rằng Chúa Giê-su, Đấng được xức dầu (Ki-tô, Mê-si-a), là Con Thiên Chúa, đã phục sinh, thì Kinh Tin Kính diễn tả như sau:
Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. (…) Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.
- Kinh Tin Kính còn có chức năng giáo thuyết, tức là diễn tả vắn tắt về đức tin. Chẳng hạn, Thiên Chúa Ba Ngôi (Trinity) gồm: Đức Chúa Cha (Ngôi Một) là Thiên Chúa; Đức Chúa Con (Ngôi Hai) là Chúa Giê-su; và Đức Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba) là Thần Khí hay Thánh Linh (Holy Spirit). Kinh Tin Kính diễn tả Ba Ngôi như sau:
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
2. MƯỜI ĐIỀU RĂN
Thánh tông đồ Mát-thêu chép như sau (Mt 19:16-19):
Bấy giờ có một người đến hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”
Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.”
Người ấy hỏi: “Điều răn nào?”
Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.”
Thánh Mát-thêu lại chép thêm như sau (Mt 22:35-40):
Một người thông luật lệ Mô-sê [của Do Thái Giáo] hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”
Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ ([7]) đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”
2.1. Nội dung Mười Điều Răn
Tại Rô-ma, ngày 28-6-2005, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI ban hành bản Toát Yếu Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Tại Hội Nghị thường niên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2006, Giám Mục Phao-lô Bùi Văn Đọc (Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin) đã phổ biến bản dịch của Ủy Ban để được các giáo phận (dioceses) góp ý.
Theo bản dịch này, nội dung Mười Điều Răn như sau:
Thứ nhứt, thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên hết mọi sự.
Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật,
Thứ bốn, thảo kính cha mẹ,
Thứ năm, chớ giết người,
Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục,
Thứ bảy, chớ lấy của người,
Thứ tám, chớ làm chứng dối,
Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người,
Thứ mười, chớ tham của người.([8])
2.2. Ý nghĩa việc giữ Mười Điều Răn
Phỏng theo bản dịch Toát Yếu Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, có thể nói rằng đối với Ki-tô hữu thì việc tuân giữ Mười Điều Răn có năm ý nghĩa căn bản như sau:
- Mười Điều Răn tóm tắt luật lệ do Thiên Chúa ban cho.
- Bằng việc tuân giữ Mười Điều Răn, Ki-tô hữu muốn nói rằng mình phụ thuộc vào Thiên Chúa và đáp lại tình yêu thương của Ngài với lòng biết ơn.
- Mười Điều Răn vạch ra con đường dẫn Ki-tô hữu đến cuộc sống không tội lỗi.
- Mười Điều Răn là một thể thống nhất, không thể phân chia, vì mỗi điều răn đều liên kết với chín điều răn khác. Thế nên vi phạm một điều răn là vi phạm toàn bộ luật lệ được Thiên Chúa ban cho.
- Mười Điều Răn nêu rõ những trách nhiệm đạo đức căn bản của mỗi Ki-tô hữu đối với Thiên Chúa và đối với người khác.
3. TÁM MỐI PHÚC THẬT
Để trở nên giống Chúa Giê-su, ngoài việc gìn giữ Mười Điều Răn thì Ki-tô hữu phải sống theo Tám Mối Phúc Thật,([9]) tức là sống theo lời dạy của Đức Giê-su khi Chúa bước lên núi để tiện giảng đạo vì Chúa thấy có rất đông người từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, cũng như miền duyên hải Tia và Xi-đôn đã tìm đến và đang vây quanh Chúa (Lu-ca 6:17).
Tám Mối Phúc Thật là nội dung mở đầu bài giảng hôm ấy và Kinh Thánh gọi đó là Bài Giảng Trên Núi.([10])
3.1. Nội dung Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:3-11)
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa ([11]) làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
3.2. Ý nghĩa của việc sống theo Tám Mối Phúc Thật
Trong thánh lễ vào sáng Thứ Hai, 06-06-2016, tại nhà nguyện Thánh Mác-ta ở Vatican, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã mời gọi các Ki-tô hữu hãy sống đúng theo những chỉ dẫn trong Tám Mối Phúc Thật.
Theo Đức Giáo Hoàng, Tám Mối Phúc Thật là gì?
- Đó là luật mới của Chúa dành cho Ki-tô hữu,người hướng dẫn cho cuộc hành trình,những người dẫn đường của đời sống Ki-tô hữu.([12])
- Noi theo các chỉ dẫn của người dẫn đường này, Ki-tô hữu có thể tiến bước trong cuộc sống của mình.([13])
- Là người dẫn đường đưa Ki-tô hữu vào Nước Trời.([14])
Giảng giải riêng về mối phúc thật thứ nhất,([15]) Đức Giáo Hoàng nhắc nhở:
Tôi nhiều lần nói rằng của cải thì tốt;([16]) thế nhưng, điều xấu xa, sai trái là sự bám víu vào của cải, khốn thay!([17]) Thật ra, của cải là sự sùng bái ngẫu tượng (idolatry); khi bám víu vào của cải, thì ta là kẻ tôn thờ ngẫu tượng (idolatrous).
Suy gẫm lời giảng giải của Đức Giáo Hoàng, chúng ta hiểu ra vì sao mối phúc thật thứ nhất là: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Từ đây chúng ta nói theo chiều ngược lại: Ai tôn thờ của cải, ham giàu thì họ ở ngoài Nước Trời. Điều này cũng là lời Chúa dạy:
Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. (Mt 19:23-24)
Đức Giê-su không dạy “Phúc cho ai nghèo khó”, mà Chúa dạy Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Chúng ta hiểu thế nào là “tâm hồn nghèo khó”? Có thể người nào đó rất giàu, nhưng tâm hồn họ không vướng víu vào tiền bạc, họ sống tiết kiệm, chừng mực giống như người nghèo, họ không hợm mình khoe của, và họ tự nguyện để dành những đồng tiền lương thiện do mình cực nhọc tạo ra để làm nhiều việc tốt đẹp cho người khác, cho xã hội.
Có một tấm gương minh chứng cho con người mang “tâm hồn nghèo khó” như sau:
Diu-rơ-goai (Uruguay) là một nước ở đông nam của Nam Mỹ, diện tích khoảng 176.215 cây số vuông, tức là lớn nhỉnh hơn phân nửa nước Việt Nam một chút. Vị tổng thống thứ bốn mươi của nước này là Hô-sê Mu-hi-ca (José Mujica), nhiệm kỳ 2010-2015. Thay vì sống trong dinh tổng thống sang trọng, ông vẫn ở trong một ngôi nhà giản dị của vợ giữa một nông trại nằm bên ngoài thủ đô Môn-tê-vi-đê-ô (Montevideo). Ông dùng một chiếc xe hơi của Đức đã cũ, hiệu Volkswagen Beetle (đời 1987). Tài sản của ông cộng thêm phân nửa tài sản của vợ vào năm 2012 chỉ bằng khoảng hai phần ba tài sản vị phó tổng thống đương nhiệm của ông, và bằng một phần ba tài sản vị tổng thống tiền nhiệm của ông (vị thứ ba mươi chín). Lương tổng thống khoảng 12.000 Mỹ kim/tháng, thì hằng tháng ông trích 90% lương để làm từ thiện. Báo chí phương Tây gọi ông là “tổng thống nghèo nhất thế giới”, nhưng nếu mượn lời Chúa thì chúng ta có thể bảo ông là vị tổng thống “có tâm hồn nghèo khó”.
Chúng ta nên hiểu rằng sự giàu có, của cải sung túc không xấu, nhưng nó nên là phương tiện giúp chúng ta dễ thực hiện những kế hoạch mang tới ích lợi, hạnh phúc cho nhiều người khác, tức là làm công quả. Đừng xem giàu có là mục đích mà suốt đời cứ lao tâm khổ trí, bất kể thủ đoạn để chiếm đoạt càng nhiều của cải càng tốt, nhưng rồi chết đi cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Ðức Thái Thượng Lão Quân dạy:
Lo danh vọng, hao mòn thân thể
Ham làm giàu, của để bằng non
Một mai nhắm mắt đâu còn
Đem vàng chuộc mạng, đổi lòn đặng chăng?
(Kinh Sám Hối)
a. Một nhà buôn Ả Rập nọ suốt đời chỉ lo kiếm tiền, khao khát làm giàu. Chưa kể ruộng đất, dinh thự, ông tích lũy được ba trăm ngàn đi-na (dinar) vàng. Xưa kia, một đi-na vàng là đồng tiền đúc bằng vàng (nặng khoảng 4,25 gam vàng). Mãn nguyện, ông nhà buôn Ả Rập bắt đầu nghĩ tới chuyện hưởng nhàn cho bõ công rất nhiều năm lao nhọc thân xác và hao tổn tinh thần.
Ông chưa kịp lập kế hoạch hưởng thụ thì Thần Chết chợt ghé vào nhà, bảo rằng tới lúc ông phải ra đi. Hoảng sợ, ông nhà giàu tha thiết cầu xin Thần Chết hãy hoãn cho ông sống thêm ba ngày, ông sẽ tạ ơn một trăm ngàn đi-na vàng.
Thần Chết lắc đầu, nắm tay ông lôi đi. Ông cố sức vùng ra, rồi quỳ xuống khóc lóc thảm thiết: “Hãy cho con sống thêm một ngày, và con xin cúng Ngài hai trăm ngàn đi-na vàng.”
Thần Chết làm thinh. Ông liền nằm bẹp xuống sàn, ôm chặt chân Thần Chết, cố năn nỉ: “Con chỉ xin sống thêm một giờ và Ngài hãy lấy hết ba trăm ngàn đi-na vàng của con.”
Thần Chết cúi xuống, gỡ tay ông ra. Thấy vẻ kiên quyết của Thần Chết, ông thở dài rồi khẩn nài lần chót: “Thôi, đành vậy! Nhưng cho con nhắn lại một lời.”
Thần Chết gật đầu. Ông nhà giàu liền cắn đầu ngón tay, viết vội trên nền gạch men trắng bóng dòng chữ máu: Ba trăm ngàn đi-na vàng không đổi được một giờ sống thêm! Hãy quý đời mình. Hãy sống có ích.([18])
b. Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, Đại Đế A Lịch Sơn (Alexander) cai trị vương quốc Ma-xơ-đô-ni-a (Macedonia). Chưa tròn ba mươi tuổi, Đại Đế đã làm chủ một đế quốc mênh mông, trải dài từ Hy Lạp tới Ấn Độ. Năm ba mươi ba tuổi, trước khi chết, Đại Đế ra lệnh rằng lúc tẩn liệm, phải để cho hai cánh tay của ông thòng ra bên ngoài áo quan với hai bàn tay mở xòe ra. Không ai hiểu vì sao Đại Đế lại ra lệnh kỳ quặc như thế.
Một nhà thông thái bèn giảng giải: Đại Đế muốn nhắn nhủ cho chúng ta nhớ rằng khi còn cai trị thế gian này, ngài làm chủ biết bao lãnh thổ mênh mông, biết bao kho tàng chứa đầy vàng bạc, châu báu. Ngài còn là chủ nhân của biết bao con người phải thần phục dưới quyền lực uy vũ của ngài. Nhưng đến lúc rời bỏ trần gian, ngài ra đi chỉ vỏn vẹn hai bàn tay trắng mà thôi, y hệt như lúc ngài được sinh vào cõi đời này.([19])
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới mối phúc thật thứ hai (Phúc thay ai hiền lành…) và nhắc nhở rằng Đức Giê-su đã tự nói về Chúa như sau: Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường...([20]) Như vậy, theo Đức Giáo Hoàng, ai mà hiền lành và khiêm tốn thì người ấy rất gần bên Chúa.
Đức Giê-su khuyên dạy môn đệ và dân chúng phải biết hạ mình, khiêm tốn. Hai trong nhiều trường hợp được chép trong Kinh Thánh như sau:
a. Thánh tông đồ Mác-cô chép rằng một lần đang đi đường với Đức Giê-su, các tông đồ cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Do đó, Đức Giê-su dạy các ông:
Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. (Mc 9:35)
b. Thánh tông đồ Luca (Lc) chép rằng một ngày sa-bát nọ Đức Giê-su được mời dự tiệc. Chúa nhận thấy khách dự tiệc cứ thích chọn chỗ quan trọng nhất mà ngồi, nên bảo họ:
Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ quan trọng nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, thì người đã mời anh phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.
Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 14:1,7-11)
Không chỉ dạy bằng lời (tức là thuyết giáo), Đức Giê-su còn đích thân thực hiện lời dạy ấy (tức là thân giáo). Một trong nhiều minh chứng như sau:
Trước khi bị phản đồ Giu-đa chỉ điểm cho quân dữ bắt, và sau khi ăn xong với các tông đồ bữa tối cuối cùng (the last supper), Đức Giê-su làm gương cho môn đệ phải sống khiêm nhường, hạ mình bằng cách đích thân Chúa ngồi xuống rửa chân cho từng môn đồ đang ngồi trên ghế, giống như một nô lệ hầu hạ chủ nhân mình. Thánh tông đồ Gio-an (Ga) chép:
Người [Giê-su] đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (Ga 13:4-5)
Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”
Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”
Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”
Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần ([21]) với Thầy.” (Ga 13:6-8)
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13:12-15)
Kết thúc bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, Đức Giáo Hoàng khuyên mỗi người hãy dành lấy năm phút để đọc lại tám chỉ dẫn của Chúa, để tránh khỏi lầm lạc trên đường đời và không đánh mất chính mình.([22])
4. CUỘC PHÁN XÉT CUỐI CÙNG
Học lời Chúa, Ki-tô hữu tin rằng mỗi người sống ở thế gian như thế nào thì sau này sẽ chịu sự phán xét cuối cùng như thế ấy.
Sự phán xét cuối cùng (the final judgment) được Chúa Giê-su dạy bằng một mô tả vị Thẩm Phán tối cao (tức là Chúa Giê-su) đến để tuyên án trên người lành và kẻ dữ, thế rồi bản án được thi hành. Thánh tông đồ Mát-thêu chép lời dạy của Chúa như sau:
Khi Con Người ([23]) đến trong vinh quang của Người [Chúa], có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ [cả thế gian] sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử [người chăn chiên, chăn cừu] tách biệt chiên [cừu, người tốt lành] với dê [kẻ xấu xa]. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
Bấy giờ Đức Vua [Chúa Giê-su] sẽ phán cùng những người ở bên phải [người tốt lành] rằng: “Nào những kẻ Cha Ta [Đức Chúa Trời] chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”
 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”
Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”
Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”
Thế là họ [những người ở bên trái, là dê] ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính [ở bên phải, là chiên hay cừu] ra đi để hưởng sự sống muôn đời. (Mt 25:1-46)
4.1. Khi lãnh hội được ẩn ý của Đức Giê-su trong lời dạy về phán xét cuối cùng thì ta hiểu vì sao bài Kinh Hòa Bình do linh mục Phê-rô Nguyễn Kim Long (sinh năm 1941) soạn nhạc và đặt lời Việt (lời gốc là tiếng Ý) lại có những câu rất thâm thúy như sau:
Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. (Có nghĩa: Phụng sự con người chính là phụng sự Chúa.)
Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an …
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân … (Có nghĩa: Cho đi là nhận lãnh.)
… chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. (Bởi vì đã sống đời tốt lành, sau khi chết sẽ được ở bên phải Chúa, hưởng sự sống muôn đời.)
4.2. Khi lãnh hội được ẩn ý của Đức Giê-su trong lời dạy về phán xét cuối cùng thì ta hiểu vì sao trong Công Giáo có rất nhiều nữ tu quên mình để tận tụy nuôi những người cùi, bệnh nhân AIDS (sida), trẻ mồ côi, v.v... Mà tấm gương sáng nhất về việc phụng sự Chúa bằng cách phụng sự những người bất hạnh trong xã hội này có lẽ chính là Mẹ Tê-rê-sa, rất nổi tiếng trên thế giới.([24])
Như để giải thích vì sao Mẹ rất tận tụy chăm sóc, an ủi những con người bất hạnh, Mẹ từng nói như sau:
- Tôi thấy Chúa trong mỗi con người. Khi tôi rửa vết thương cho người cùi, tôi thấy mình đang chăm sóc chính Chúa.([25])
- Những người hấp hối, tàn tật, tâm thần, bị ruồng rẫy, bị ghét bỏ – họ là Chúa Giê-su đang cải trang.([26])
Cuối thập niên 1970, tại thành phố Boston (bang Massachusetts, Hoa Kỳ), Mẹ Tê-rê-sa giảng về thương yêu, là cách Mẹ và những nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ khai sáng nhận ra Chúa Ki-tô trong số những người khó nghèo cùng khổ nhất.
Mẹ kể, có lần người ta nhặt trên đường phố Calcutta (Ấn Độ) một người ăn xin đang hấp hối và chuyển ngay kẻ bạc phước đến dòng tu của Mẹ. Một nữ tu đã dành trọn ngày rửa sạch những thương tích trên thân xác tiều tụy kia. Thế rồi, giữa giảng đường im phăng phắc, Mẹ hạ thấp giọng, thổ lộ cùng mọi người rằng thật ra nữ tu ấy đang chí thành rửa sạch những vết thương của Đức Giê-su. Mẹ nhấn mạnh, bằng cách giấu mình trong những hình hài quá đỗi xấu xí hay cực kỳ hèn mọn, Chúa Ki-tô muốn thử thách lòng nhân ái của các môn đồ.([27])
Năm 1979 Mẹ Tê-rê-sa được trao giải Nobel Hòa Bình vì tất cả những hoạt động bác ái của Mẹ. Theo thông lệ, sau lễ trao giải, một đại yến được tổ chức tại khách sạn Lớn (Grand Hotel) ở thủ đô Oslo (nước Na Uy), với khoảng hai trăm năm mươi thực khách, có Chủ Tịch Quốc Hội và Thủ Tướng Na Uy đến dự. Lần đầu tiên trong lịch sử giải Nobel Hòa Bình, đại yến này bị hủy bỏ vào năm 1979 vì Mẹ Tê-rê-sa quyết định dùng số tiền bảy ngàn Mỹ kim đài thọ chi phí cho đại yến để ltổ chức bữa ăn tối Giáng Sinh cho hai ngàn người không nhà. Đối với Mẹ Tê-rê-sa, giải Nobel Hòa Bình là quà tặng cho người nghèo.([28])
Những chuyện kể về đức bác ái, vị tha của Mẹ Tê-rê-sa được truyền tụng rất nhiều. Kể lại một ít như thế để thấy rõ và khâm phục cách các bậc chân tu Công Giáo đã thật sự sống đạo, thật sự thực hành lời dạy của Chúa Giê-su ra sao.

HUỆ KHẢI


([1]) https://www.conggiao.org/kinh-tin-kinh/
([2]) Trong phụng vụ (nghi lễ 儀禮 / liturgy), Amen được xướng lên như một công thức để cộng đoàn (mọi người đang dự lễ) hiệp thông với chủ tế, tin nhận và tôn vinh Thiên Chúa.
([3]) http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/20Youcat-PhanI-DoanII.htm
([4]) http://conggiao.info/kinh-tin-kinh-la-gi-d-12828
([5]) https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/01/19/kinh-tin-kinh/
([6]) chứng tá (chứng nhân 證人/ witness): Người làm chứng.
([7]) ngôn sứ (tiên tri 先知 / prophet): Người được cử đi loan báo việc gì. Trước kia thường gọi là “nhà tiên tri”.
Khi Đức Giê-su loan báo cho dân Do Thái tin mừng về Nước Trời, Ngài nói: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Khi loan báo như vậy, Đức Giê-su là một ngôn sứ.
Thánh Mát-thêu chép rằng ngày Chúa trở về quê nhà, giảng đạo cho người làng Na-da-rét thì họ chỉ thấy Ngài là con trai ông thợ mộc Giu-se, họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, do đó Chúa Giê-su thất bại khi làm ngôn sứ ở quê nhà, và Chúa bảo: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi. (Mt 13:57) Lời Chúa khiến chúng ta nhớ tới câu tục ngữ ở miền Bắc: Bụt [Phật] chùa nhà không thiêng.
các sách Ngôn Sứ (tiên tri thư 先知書 / books of Prophets): Cựu Ước gồm bốn phần (Ngũ Thư, Lịch Sử, Giáo Huấn, Ngôn Sứ). Các sách Ngôn Sứ thuộc phần thứ tư trong Cựu Ước, gồm bốn sách lớn (do độ dài của sách) là I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en; và mười hai sách nhỏ là Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. Hai sách Ai Ca, và Ba-rúc đặt ngay sau Giê-rê-mi-a.
Theo góc nhìn của Tân Ước, các sách Ngôn Sứ đều tiềm ẩn lời báo trước về Đức Giê-su Ki-tô; những điều viết trong các sách ấy đều ứng nghiệm và hoàn tất nơi Chúa Giê-su. (Lu-ca 24:44 chép lời Chúa dạy môn đệ: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.)
([8]) http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/00ToatYeuGLCG.htm
([9]) Tám Mối Phúc Thật (Chân Phúc Bát Đoan 真福八端 / the Beatitudes).
([10]) Bài Giảng Trên Núi (Sơn Trung Thánh Huấn 山中聖訓 / the Sermon on the Mount).
([11]) Đất Hứa (Phúc Địa 福地 / Promised Land): Hiểu theo nghĩa bóng là đời sống vĩnh cửu.
([12]) the Lord’s new law for us / the guide for the journey, the itinerary / the navigators of the Christian life.
([13]) According to the indications of this navigator, that we can move forward in our Christian life.
([14]) the guide for the journey that leads us to the kingdom of God.
([15]) Xem thêm: Huệ Khải, “Nghĩ Vụng về Mối Phúc Thật Thứ Nhất”, in trong Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 95-102.
([16]) I have said many times that riches are good.
([17]) what is bad, what is wrong, is the attachment to riches, woe!
([18]) Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 37-38.
([19]) Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh, tr. 35-36.
([20]) I am gentle and humble in heart
([21]) Chung phần ở đây có nghĩa là chia sẻ thân phận của Đức Giê-su, cùng với Chúa trải qua đau khổ để đạt tới vinh quang.
([22]) so as to avoid getting lost and losing ourselves
([23]) Con Người (Son of Man) là thuật ngữ Kinh Thánh, chỉ Đức Giê-su Ki-tô vừa mang nhân tính (humanity) vừa mang thần tính (divinity). Trong Phúc Âm, nhiều lần Đức Giê-su tự xưng là Con Người, với nghĩa là “Tôi”. Chẳng hạn:
- Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. (Lc 5:24)
- Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (Mc 8:31)
- Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến. (Mt 25:64)
(Huệ Khải, Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 80.)
([24]) Mẹ về với Chúa năm 1997 (tám mươi bảy tuổi) sau đó đã được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô phong Thánh (năm 2016).
([25]) I see God in every human being. When I wash the leper's wounds, I feel I am nursing the Lord Himself. (Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 121.)
([26]) The dying, the cripple, the mental, the unwanted, the unloved – they are Jesus in disguise. (Nhịp Cầu Tương Tri, tr. 158.)
([27]) Nhịp Cầu Tương Tri, tr. 158.
([28]) Nhịp Cầu Tương Tri, tr. 79.