Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

VỀ QUÁ TRÌNH TIẾP BIẾN TÍN NGƯỠNG QUAN THÁNH (phần chót) -- Đạo Uyển 32


VỀ QUÁ TRÌNH TIẾP BIẾN TÍN NGƯỠNG QUAN THÁNH CỦA CHÚA NGUYỄN
NGUYỄN ANH HUY ([1])

III. VỀ NHỮNG ĐỀN THỜ QUAN THÁNH Ở THUẬN QUẢNG
1. Những đền thờ do Hoa kiều xây dựng
Ở đây, tôi muốn giới thiệu các ngôi từ miếu thờ Quan Thánh ở các thương cảng cổ dọc miền Trung Việt Nam, mà chủ yếu là ở thương cảng cổ Hội An (Quảng Nam) và thương cảng cổ Thanh Hà (Thuận Hóa) thời các chúa Nguyễn.
Ở cảng Thu Xà (thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cũng có chùa Ông tên là 明鄉關聖寺 Minh Hương Quan Thánh Tự, với câu đối ở cổng là Vạn cổ tinh trung chiếu nhật nguyệt / Thiên thu nghĩa dũng trấn sơn hà; tôi cũng đã đến nơi tìm hiểu, chùa được khởi xướng quyên góp tiền từ năm Thái Đức thứ nhất (1778) mà mãi đến năm 1821 mới xây dựng (lưu ý chữ “Minh hương” trên cổng chùa viết là 明鄉 Minh hương chứ không phải viết là 明香 Minh hương), tức xây dựng muộn, nên tôi không đi sâu mô tả và liệt kê ở đây.
1.1. Về ngôi Chùa Ông ở Hội An
Sử triều Nguyễn cho biết: Đền Quan Công: Ở phố Hội An, do người Minh Hương lập, quy chế tráng lệ. Năm Minh Mạng thứ 5 (1821), ngự giá vào Nam, có đến thăm đền, ban cho 300 lượng bạc.([2])
Tôi đã đến chùa Ông này rất nhiều lần, ngay cổng là bức hoành có ghi tên 澄漢宮 Trừng Hán Cung, với niên đại là 龍飛歲次壬午 Long phi tuế thứ Nhâm Ngọ.
Về giai từ 龍飛 Long phi,([3]) ta gặp ở các di tích của người Minh (Trung Quốc) lánh nạn Mãn Thanh sang Việt Nam, như các mộ Hoa kiều ở Hội An chỉ dùng giai từ “Long phi” phối hợp với thiên vận can chi là “Long phi Bính Tý” (1696), hoặc “Long phi tuế thứ Giáp Tuất” (1694).([4]) Do tại Đại Việt thời ấy, ở Đàng Trong dùng chính sóc không rõ ràng, chỗ thì dùng niên hiệu vua Lê, chỗ thì dùng thiên vận can chi, không thống nhất. Nếu ở Trung Quốc còn triều Đại Minh (1368-1644), thì các thương khách Trung Quốc tại Đại Việt cũng chỉ sử dụng chính sóc triều Minh như từ đường họ Lâm đã nói, bức hoành có dùng quốc hiệu 大明天啟 Đại Minh Thiên Khải. Do vậy, cách sử dụng giai từ “Long phi” phải sau khi nước Đại Minh bị mất hoàn toàn vào năm 1662. Mặt khác, tại Việt Nam, sau khi Nguyễn Vương Phúc Ánh nhất thống từ Gia Định đến Thăng Long để đặt niên hiệu Gia Long, thì các cơ sở của người Hoa cũng bắt đầu dùng chính sóc của vua Nguyễn. Do vậy, cách sử dụng giai từ “Long phi” phối hợp với can chi chỉ xảy ra trong khoảng 1662-1802; và như thế thì “Long phi tuế thứ Nhâm Ngọ” chỉ là năm 1702 hoặc 1762 mà thôi.
Tuy trên bức hoành Trừng Hán Cung có ghi tên người làm, nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa khảo được thời gian những người này sống ở Hội An, do vậy, niên đại “Long phi tuế thứ Nhâm Ngọ” vẫn chưa xác định được là năm 1702 hay 1762.
Bước vào cổng chính của chùa Ông này, ta thấy ngay một bức sắc phong bằng gỗ có ghi:
敕封: 三界伏魔大帝, 神威遠震天尊.
慶德癸巳年, 季冬, 穀旦書, 明香, 員官各職全社立.
Sắc phong: Tam Giới Phục Ma Đại Đế, Thần Uy Viễn Chấn Thiên Tôn.
Khánh Đức Quý Tỵ niên, quý đông, cốc đán thư. Minh Hương, viên quan các chức toàn xã lập.
Đây là một dấu tích quý giá vô ngần, là chứng cứ xưa nhất của ngôi chùa này, ẩn chứa nhiều ý nghĩa lịch sử:
Thứ nhất, hai chữ 明香 Minh Hương, còn giữ đúng gốc chữ của những người thờ hương hỏa cho triều Minh, chứ chưa đổi thành 明鄉 Minh Hương (nghĩa là làng xã của người Minh) là cách viết theo quy định của triều Nguyễn (1802-1945) sau này.
Thứ hai, quan trọng hơn nữa là cách sử dụng niên hiệu Khánh Đức (1649-1653) của vua Lê Thần Tông. Khánh Đức Quý Tỵ chính xác là năm 1653. Và điều làm tôi thú vị nhất chính là bức sắc phong này: Vì sao ở đây dùng niên hiệu vua Lê? Rõ ràng đây phải là do vị vua nước Việt thời ấy sắc phong nên mới dùng niên hiệu Việt Nam. Vậy vị vua ấy là ai? Không thể là vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài được, vì Nam Bắc phân tranh từ 1627 đến 1672, ở Đàng Trong không thể nào dám nhận sắc phong của Đàng Ngoài được. Tìm hiểu sự độc lập đất nước của chúa Nguyễn, ta biết ngay từ năm 1632, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gởi thư cho Nhật Bản, đã tự xưng người viết thư là An Nam Quốc Vương,([5]) rồi năm 1678, chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) đã từng xưng là Quốc Chủ Đại Sĩ.([6]) Điều này cho thấy, mặc dù dùng chính sóc của vua Lê ở Đàng Trong, nhưng thực tế, các chúa Nguyễn đã ly khai Đàng Trong độc lập như một vương quốc riêng, chỉ vì chưa hoàn chỉnh sự chính thống nên tạm thời dùng chính sóc vua Lê vậy thôi. Do vậy, sắc thư nói trên, rõ ràng là do chúa Nguyễn phong, tức chính là chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sắc phong, không còn hoài nghi gì nữa. Và điều này, cho thấy các chúa Nguyễn không những quan tâm đến phát triển kinh tế hàng hóa, mà còn rất quan tâm đến cuộc sống tâm linh và ước vọng của Hoa kiều.
Trong chùa Ông ở Hội An hiện nay, còn nhiều di tích, nhưng tôi chỉ điểm một số sự kiện thời chúa Nguyễn:
- Ở bức tường bên trái tiền điện chùa có văn bia niên đại 龍飛歲次癸酉 Long phi tuế thứ Quý Dậu tức năm 1753, vì nội dung có viết: 關聖帝廟觀音佛寺本鄉鼎建百有餘年矣 Quan Thánh Đế Miếu Quan Âm Phật Tự bổn hương đỉnh kiến bách hữu dư niên hỹ, nghĩa là: Miếu Quan Thánh, chùa Quan Âm của làng ta được dựng hơn trăm năm rồi. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì chúa Nguyễn đã sắc phong tại đây vào năm 1653, thì năm Quý Dậu 1753 là vừa tròn trăm năm như tấm bia viết. Và có thể đây chính là tấm bia ghi chép lễ trùng tu chùa nhân dịp chùa tròn trăm năm.
- Năm 1695, Thích Đại Sán từng đến Hội An, cũng có ghé thăm chùa Ông và kể lại: ... Phía hữu chùa [Di Đà], có miếu Quan Phu Tử thờ tự rất huy hoàng... Viên Hội Chủ xin một bài chúc văn để đọc khi có cúng tế, bèn cầm bút viết cho một bài như sau:
Chúc văn:
Nên thánh nên thần; hay văn hay vũ.
Đọc sách thông đại nghĩa, mắt từng xem một bộ kinh Lân; báo quốc tỏ tình trung, lòng ôm giận ba phần chân vạc.
Lòng chỉ có Hán, Thọ Đình Hầu há chịu tước Tào Man; mắt đã không Ngô, Kinh Châu hội xem thường mưu Tử Kính.
Thâu đêm cầm đuốc; treo ấn từ vàng. Nhất sinh giữ vẹn lòng trung; muôn thuở vẻ vang hiền thánh.
Anh hùng từ xưa, xưng vương xưng đế, chưa ai xưng Phu Tử bao giờ; hào kiệt thiên hạ, khen thẳng khen ngay, được khen tiếng thánh hiền mấy kẻ.
Cao nhân liệt sĩ, nghĩa khí ngạo vương hầu, nhưng thấy Mỹ Nhiêm Công, thấy đều thờ lạy; hiếu tử nghĩa phu, tôn thờ trong một xứ, nay sùng bái khắp thiên hạ, đâu cũng cảm thông.
Xứ xứ phụng thờ; năm năm tế tự.
Chúng tôi:
Gặp ngày Thánh đản, ngày mười ba tháng Năm, năm nay; dâng lễ điện tiền, hơn hai trăm sáu mươi đồng chí.
Tôn thần thượng hưởng; Thánh đức phò trì.
Phục nguyện:
Sông trong biển lặng, mọi người đều hưởng phúc thái bình; nhà nhà đủ no, trăm họ thảy mang ơn bảo hựu.
Cẩn cáo.([7])
- Khi quân Trịnh chiếm được Thuận Hóa năm 1775 và hành binh vào Quảng Nam, Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, Tiến Sĩ Uông Sĩ Dư, Tiến Sĩ Nguyễn Lệnh Tân có đề thơ ở chùa Ông nay vẫn còn lưu bức gỗ khắc các bài thơ và treo ở tiền điện của chùa Ông này.
- Sau loạn Tây Sơn, năm 1778, thương gia người Anh là Chapman cho biết: Chúng tôi đến Hội Phố, nhà cửa gạch ngói san sát cùng đường lót đá ngày xưa là đô hội, nay chỉ còn thấy một sự đổ nát mà không thể ngăn được kinh dị. Nhà cửa này còn lại một ít tường bao quanh mà thôi, và đằng sau những bức tường ấy, ngày trước là lầu quỳnh, gác ngọc của các chủ nhân, nay chỉ còn ẩn núp trong những lều trại phên tre lợp cỏ, nắng lọt sương lồng để che mưa đỡ gió.([8]) Tuy chiến tranh tàn phá Hội An nặng nề như vậy, nhưng riêng đền Quan Công vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, văn bia niên đại 龍飛歲次癸卯 Long phi tuế thứ Quý Mão năm 1783 ở bức tường bên phải tiền điện chùa, có ghi lại: 沒竟羅兵革諸廟塌毁而公廟猶礿([9]) 益見神明顯赫 Một cánh la binh cách, chư miếu tháp hủy, nhi Công Miếu do dược ích kiến thần minh hiển hách, nghĩa là: Sau cuộc binh loạn, các miếu chung quanh đều hư hại, chỉ có miếu thờ Ông vẫn như cũ, tỏ rõ thần oai hiển hách.
Như vậy, dựa vào các sử liệu, các di vật di tích còn sót lại, ta có thể hiểu được sự hình thành và phát triển của chùa Ông ở Hội An như sau: Sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên được vua Lê ban ấn tín vào trấn thủ Quảng Nam từ năm 1601, từ đó cho đến năm 1618, chúa đã cho người nước Đại Minh (Trung Quốc) thành lập khu phố Hoa kiều gọi là Đại Minh khách phố để cư ngụ và buôn bán. Ở đây, người Minh đã vận động xây dựng miếu thờ Quan Công. Nhân dịp khánh thành miếu này vào năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đã sắc phong Quan Thánh danh hiệu Tam Giới Phục Ma Đại Đế... để thờ tự. Năm 1695, thiền sư Thích Đại Sán ở Quảng Đông vào Hội An, có làm bài chúc văn để tế Quan Thánh, nay còn được ghi chép trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Năm 1753, nhân dịp chùa tròn trăm năm, dân làng quyên góp tiền trùng tu chùa và có bia ghi lại. Mặc dù trải qua chiến tranh tàn khốc giữa quân Trịnh và Tây Sơn năm 1775, gây Hội An điêu tàn đổ nát, nhưng do Quan Công là võ tướng thần uy, nên quân đội Tây Sơn không dám quấy phá gì đến chùa này, và nhờ vậy mà chùa còn khá nguyên kiến trúc cho đến hôm nay...
Và đây có lẽ là ngôi miếu thờ Quan Thánh đầu tiên tại Việt Nam còn ghi niên đại rõ ràng.
1.2. Về ngôi chùa Ông ở Thanh Hà (Thuận Hóa)
Tài liệu xa xưa nhất có nhắc đến chùa này chính là trong bản đồ quân Trịnh vẽ năm 1785 có ghi địa danh là 關聖廟 Quan Thánh Miếu.([10])
Sử triều Nguyễn chỉ chép đơn giản: Đền Quan Công: Ở xã Địa Linh. Năm Minh Mạng thứ mười hai (1831), trùng tu, vua ban cho tấm biển đồng. Năm Tự Đức thứ ba (1850), ban cho tấm biển gỗ thiếp vàng.([11])
Tuy nhiên, nếu đến khảo sát trực tiếp tại di tích này, ta sẽ được biết lịch sử xa xưa hơn. Và tôi đã có một bài khảo luận sâu riêng về chùa này,([12]) ở đây, tôi chỉ xin tóm tắt kết quả tìm hiểu của tôi:
Qua khỏi cống của khu phố cổ Bao Vinh (Huế) là đường Địa Linh; đi tiếp khoảng 500 mét, ở sát bờ sông Hương có cổng cổ ghi 關聖廟 Quan Thánh Miếu, cùng câu đối:
直將忠義師千古 Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ,
無論英雄萬人 Vô luận anh hùng địch vạn nhân.
- Phía trước điện thờ, có đỉnh sắt ghi: 廣東廣州府宜義沐 恩眾信弟子黎日光洪奕鼎崔淑衡伍協和羅春仁伍卿吳恒 吳連祥虔具龍亭一座重柒佰觔敬在觀音娘娘關聖帝君殿 前永遠奉乾隆四十五年歲次庚子孟春吉旦立隆盛炉造.
Quảng Đông Quảng Châu phủ Nghi Nghĩa mộc ân chúng tín đệ tử Lê Nhật Quang, Hồng Dịch Đỉnh, Thôi Thục Hành, Ngũ Hiệp Hòa, La Xuân Nhân, Ngũ Khanh Viên, Ngô Hằng Phong, Ngô Liên Tường kiền cụ long đình nhất tọa trọng thất bách cân kính tại Quan Âm Nương Nương, Quan Thánh Đế Quân điện tiền, vĩnh viễn cung phụng. Càn Long tứ thập ngũ niên tuế thứ Canh Tý mạnh xuân cát đán lập, Long Thịnh lô tạo.
Nghĩa là:
Các đệ tử đội ơn [Quan Thánh] ở Nghi Nghĩa, phủ Quảng Châu, Quảng Đông là Lê Nhật Quang, Hồng Dịch Đỉnh, Thôi Thục Hành, Ngũ Hiệp Hòa, La Xuân Nhân, Ngũ Khanh Viên, Ngô Hằng Phong, Ngô Liên Tường kính dâng vĩnh viễn một bảo đỉnh nặng bảy trăm cân làm tại lò Long Thịnh vào ngày tốt tháng Giêng năm Canh Tý, Càn Long thứ 45 (1780), đặt tại tiền điện của Quan Âm Nương Nương và Quan Thánh Đế Quân.
Năm 1946, chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, do chính sách tiêu thổ kháng chiến, chùa này đã bị phá làm đồn bót quân đội, kiến trúc ngôi điện cũ nay chỉ còn lại hai bức tường. Năm 1964 dân làng đã góp tiền để xây lại ngôi điện mới nhỏ hơn ở trước ngôi điện cũ.
Tuy nhiên, trong chính điện, hiện còn một câu đối cổ rất đáng lưu ý về niên đại Long phi Kỷ Tỵ:
義氣壯山河全賴聖恩普照 Nghĩa khí tráng sơn hà toàn lại thánh ân phổ chiếu,
精忠同日月深荷帝力回春 Tinh trung đồng nhật nguyệt, thâm hạ đế lực hồi xuân.
龍飛己巳年, 沐恩第子石彩記敬奉 Long phi Kỷ Tỵ niên, mộc ân đệ tử Thạch Thái Ký kính phụng.
Về giai từ “Long phi”, đã giải thích từ trước, và trong bài viết đã giới thiệu, tôi đã chứng minh Long phi Kỷ Tỵ ở đây chính là năm 1689, trùng hợp với việc chúa Nguyễn [1687] Mùa hạ, tháng 4, phong sắc cho các vị linh thần trong cõi,([13]) để Hoa kiều vận động quyên tiền xây dựng và rồi đến [Kỷ Tỵ], năm thứ 2 [1689]… Mùa hạ, tháng 5… gia phong các vị linh thần trong cõi,([14]) thì có thể là thời điểm khánh thành ngôi đền này.
Và câu đối này là chứng cứ xưa nhất về niên đại của ngôi miếu nay hiện còn.
Điều khá lạ là, ...Năm Thái Đức thứ mười triều Tây Sơn (1787), dân xã Địa Linh lấy cớ phố buôn Thanh Hà ngăn trở cửa đền Quan Công của làng ấy, làm đơn nhờ triều đình Tây Sơn can thiệp. Nhà đương cuộc Tây Sơn, một mặt vì quyền lợi của các thương kiều, một mặt tôn trọng việc tôn giáo cấm kỵ của dân xã Địa Linh, xử giao trả đất vùng ấy cho xã Địa Linh...([15]) Đoạn vừa trích dẫn này cho thấy phía trước cổng 關聖廟 Quan Thánh Miếu sát bờ sông Hương hiện nay, phải có một con đường khác bên ngoài cổng miếu, mà nay không còn nữa. Ta được biết làng Minh Hương - Thanh Hà ở Thuận Hóa còn có tên là Phố Lở, nghĩa là khu phố bị sông Hương xâm thực lần lần... làm con đường phía trước miếu Quan Thánh, con đường mà thương gia người Pháp Pièrre Poivre đã từng đến đây năm 1744 và năm 1749 mô tả là đường được lát gạch hai bên có hai dãy nhà ngói của khu phố người Tàu, nay đã bị mất đi; mà khoảng giữa thế kỷ XX, người ta mới làm con đường Địa Linh mới phía trong cổng miếu như ngày nay.
Tóm lại, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời thủ phủ từ Phước Yên vào Kim Long vào tháng 12-1635, thì thương cảng cổ Thanh Hà ở Thuận Hóa có lẽ hình thành vào năm 1636 và từ đó hình thành khu Hoa kiều đô hội ở đây cũng với tên Đại Minh khách phố. Năm 1687, chúa Nguyễn sắc phong các vị thần. Có thể vào thời điểm này, các Hoa kiều đã vận động quyên góp để xây đền thờ Quan Thánh; và để đánh dấu sự ổn định khu Hoa kiều ở Thanh Hà (Thuận Hóa), năm 1689, họ đã xây ranh giới phía bắc khu này là Thiên Hậu Cung ([16]) và phía nam là Quan Thánh Miếu để hàng năm cúng tế theo những tín ngưỡng của người Hoa.
2. Việc thờ Quan Thánh của chúa Nguyễn
Về phần Quan Công, theo truyền thuyết trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tuy thân đã chết, nhưng linh hồn anh liệt vẫn không tan... Quan Công bèn thưa với thiền sư Phổ Tĩnh rằng: ... nay bị họa, thân đã thác rồi xin thiền sư ban lời thanh hối, chỉ dẫn cho thoát qua nẻo tối đường mê. Thiền sư Phổ Tĩnh nói: Xưa trái, nay phải, chẳng luận làm gì. Nhân trước quả sau không sai một mảy. Nay tướng quân bị Lã Mông hại mà lớn tiếng kêu “Trả đầu ta đây!”, thế thì đầu Nhan Lương, Văn Xú... và còn bao nhiêu cái đầu khác nữa... họ sẽ đòi ở ai? Thế là hồn Quan Công bừng tỉnh ngộ theo lý “sắc sắc không không”, bèn khấu đầu xin quy y, rồi biến mất. Về sau thỉnh thoảng lại hiển thánh ở núi Ngọc Tuyền, cứu hộ dân chúng...
Đối với người Trung Quốc thì hình tượng của ngài rất lớn, nên thường được lập đền thờ riêng gọi là 關聖廟 Quan Thánh Miếu, hoặc 關公廟 Quan Công Miếu,... mà người Việt gọi là chùa Ông.
Riêng người Việt đã hòa nhập tín ngưỡng của người Hoa, nên đã đưa thêm vào một án thờ Quan Thánh bên trái chùa Phật gọi là 關公祠 Quan Công Từ...
2.1. Về 關公祠 Quan Công Từ ở chùa Hà Trung
Về chùa Hà Trung, tôi đã có một bài khảo luận riêng, ([17]) ở đây, tôi chỉ tóm tắt những nội dung chính:
Chùa không rõ xây dựng từ lúc nào, nhưng năm 1695, Thích Đại Sán trên đường từ Thuận Hóa vào Hội An, cũng từng viếng chùa và kể lại: Gần đứng bóng, đến chùa Hà Trung... Cơm chay xong, trở ra thuyền, kéo neo đi nữa. Đoái nhìn chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng. Nước mây man mác, trập trùng bóng dương, phảng phất chốn Bồng Lai lãng uyển...
Miếu đền vua chúa nơi u tịch,
Muôn thuở linh quang chiếu biển đông...([18])
Lê Quý Đôn là người đương thời đó cho biết: Trấn Thuận Hóa có chùa công Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ, đều là đại danh lam, chùa nào cũng đặt tăng lục...([19])
Mặt khác, theo bi ký Đại Việt Quốc Vương sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh do Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ viết và ban năm 1729 cho biết: Gần đây, có thiền sư Hoán Bích, vào năm Ất Tỵ, ngài từ Trung Hoa đến... Đến thời đức thánh khảo ta trong triều trước, sư vâng mệnh trở về Quảng Đông thỉnh hòa thượng Trường Thọ Thạch Lão cùng tượng Phật, pháp khí về. Chuyến đi xuôi thuận, lập nhiều công tích. Từ đó vâng chỉ trú trì chùa Hà Trung...
Như vậy, chùa Hà Trung thuộc vào hàng chùa công ([20]) nên được triều đình đặt tăng lục. Và rõ ràng sư Nguyên Thiều đến giữ chùa này thì như một vị quan phụ trách về tôn giáo, nên phải có sắc chỉ bổ nhiệm ([21]) của Đại Việt Quốc Vương, vì vậy Thích Đại Sán gọi chùa Hà Trung là miếu đền vua chúa([22]) tức chùa này do quốc vương xây nên mang chức năng chùa ngự kiến.
Trải qua các cuộc chiến tranh giữa chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, chùa đã bị san bằng từ cuối thế kỷ XVIII, đến cuối thế kỷ XX mới được xây lại. Di vật cổ xa xưa của ngôi chùa ngự kiến, nay còn bức tượng Phật Quan Âm bằng đá cao lớn hơn hai mét.
Trước mặt chùa Hà Trung hiện nay là đền Quan Công cũ từ xa xưa, do chiến tranh, cũng đã bị đổ nát nhưng vẫn còn biển tên là 關公祠 Quan Công Từ, và tượng Thánh bằng bạch ngọc từ xưa, nay vẫn còn.
Vì chùa Hà Trung thờ Phật, nhưng do sư trú trì, thiền sư Nguyên Thiều, là người chính tông từ Trung Quốc qua Việt Nam, được chúa Nguyễn sai sang Trung Quốc mua tượng Phật và pháp khí, nên trong khuôn viên chùa lại có thêm Quan Công Từ cùng tượng Quan Thánh là điều dễ hiểu. Và có thể nói đây là ngôi chùa ngự kiến của chúa Nguyễn đầu tiên có thờ Quan Thánh.
2.2. Về ngôi chùa Ông ở đường Bạch Đằng, Huế
Về ngôi chùa Ông này, tôi cũng đã có một bài khảo luận riêng,([23]) ở đây, tôi xin tóm tắt các vấn đề chính:
Đọc lại Đại Nam Nhất Thống Chí, ta được biết: Đền Quan Công: Ở ấp Xuân Lập ngoài Kinh thành. Hồi quốc sơ làm ở phía tả chùa Thiên Mụ. Năm Thiệu Trị thứ năm (1845), dời đến đây, nóc chính và nóc tiền đều ba gian. Ngày Tỵ tháng Tám sai quan đến tế.([24])
Dòng sử này cho thấy, ban đầu đền thờ được xây dựng ở phía bên trái chùa Thiên Mụ, đến năm 1845, được dời về ở vị trí ở Số 114 đường Bạch Đằng, thành phố Huế.
Trên chính điện, có bức hoành bốn chữ 忠義之則 Trung Nghĩa Chi Tắc, nghĩa là Tấm Gương Trung Nghĩa. Ở lạc khoản, bên phải người đọc, có ghi niên đại là 甲午年孟夏月穀日 Giáp Ngọ niên, Mạnh Hạ nguyệt, cốc nhật, tức ngày tốt, tháng Tư (âm lịch), năm Giáp Ngọ. Người viết, được ghi ở lạc khoản bên trái là 國主天縱道人題 Quốc Chủ Thiên Túng Đạo Nhân đề, tức là do Minh Vương Nguyễn Phúc Chu viết ban tặng năm 1714. Và có lẽ đây là đền công lập, do nhà nước” (tức là triều đình) xây đầu tiên ở Việt Nam. Trung Nghĩa Chi Tắc ở chùa Ông hoàn toàn giống trên bức 靈鷲高峰 Linh Thứu Cao Phong ở chùa Thiên Mụ, cũng do Minh vương Nguyễn Phúc Chu viết cùng thời điểm, nên ta có thể nghĩ rằng sau khi chọn chùa Thiên Mụ làm “thánh địa” của Phật Giáo Đàng Trong, Minh Vương cho dựng thêm đền thờ Quan Công bên trái chùa và đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu phía bên phải chùa,([25]) rồi cùng ngày đến ngự đề các bức hoành phi này. Và đây là một mô hình chuẩn của chùa Huế thờ Phật ở giữa và hai bên có thờ nam tả (Quan Thánh) nữ hữu (Thánh Mẫu), có vai trò mang tính biểu tượng của trung tâm tôn giáo tín ngưỡng do triều đình chúa Nguyễn dựng nên.
Đầu thế kỷ XIX, cảng Thanh Hà suy tàn, khu Hoa kiều được dời lần lên phố Chợ Dinh (tức đường Chi Lăng, Huế, ngày nay). Việc cúng tế tại đền Quan Thánh ở Minh Hương - Thanh Hà có phần xa xôi khó khăn. Do vậy, vua Thiệu Trị đã cho dời đền Quan Công được chúa Nguyễn Phúc Chu xây từ năm 1714 từ chùa Thiên Mụ về bên cạnh quốc tự Diệu Đế để vừa biểu hiện khu vực này là trung tâm tôn giáo mới của nước Đại Nam, vừa thuận tiện cho Hoa kiều ở phố Chợ Dinh đến làm lễ:
Đất Thần Kinh trai hiền, gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng
Tháp bảy tầng, Thánh miếu, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa...
IV. THAY LỜI KẾT LUẬN
Qua việc khảo sát các ngôi chùa Ông ở các thương cảng cổ dọc miền Trung Việt Nam thời chúa Nguyễn, gồm bốn ngôi, trong đó có hai ngôi chùa Ông do Hoa kiều xây dựng ở Hội An và Thuận Hóa, và hai ngôi do chúa Nguyễn xây dựng ở Thuận Hóa, ta nhận thấy:
1. Mặc dù các chúa Nguyễn xiển dương Phật Giáo, nhưng ngài vẫn quan tâm / tôn trọng, tiếp nhận tín ngưỡng của các dân tộc khác, với mục đích đoàn kết các thế lực, mà ở đây là Hoa kiều, một lực lượng rất lớn góp phần phát triển sự nghiệp của các chúa ở Đàng Trong, và biểu hiện ở đây là sự phong thần cho Quan Thánh của chúa Nguyễn ở các đền thờ của người Minh.
Rồi sau đó, các chúa Nguyễn đã biến tín ngưỡng của Hoa kiều thành tín ngưỡng người Việt mà đỉnh cao là việc xây dựng trung tâm tôn giáo ở Đàng Trong gồm có: chùa Thiên Mụ thờ Phật ở giữa, bên trái là Quan Công Từ thờ Quan Công (nam tả), bên phải là Thiên Phi Từ thờ Thánh Mẫu (nữ hữu). Và đây là mô hình chùa thờ Phật - Thánh chuẩn ở Huế bắt đầu có từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu tồn tại cho đến ngày nay. Về tục thờ Quan Thánh từ triều Nguyễn (1802) trở đi đã được Việt hóa, tôi sẽ tiếp tục trình bày thêm trong một chuyên khảo khác.
2. Về ngôi chùa Ông do chúa Nguyễn xây dựng năm 1714: Vì từ khi phong trào chấn hưng Phật Giáo rộ ra vào đầu thế kỷ XX, ngôi chùa Ông đã trở thành nơi sinh hoạt của Phật tử khuôn hội Thuận Hóa nên đã đổi tên thành chùa Thuận Hóa để thờ thêm Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni). Tuy vậy, hàng chục năm không có sư, không có sự tu bổ nên đã xuống cấp trầm trọng, qua nhiều đợt bão, các cột kèo của chùa đã gãy, và người ta đã lấy các hoành phi, câu đối cổ sơn son thếp vàng, cưa ra để bổ trợ các nơi hư hỏng, làm rui lợp mái ngói, thật đáng tiếc! Vì vậy tôi kính mong Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm trùng tu một ngôi đền danh tiếng xứ Huế, và phục hồi đúng tên, đúng chức năng như xưa. Làm được như vậy, tức Việt hóa một tín ngưỡng của người Hán, nay thuộc một trong những dân tộc thiểu số của người Việt Nam chúng ta, và nhờ đó, sẽ làm rực rỡ thêm sắc màu cho văn hóa Huế.
3. Thương cảng cổ Thanh Hà, trải qua hàng trăm năm, bị xâm thực ở bờ sông Hương trở nên điêu tàn. Chính nhờ cổng Quan Thánh Miếu còn sót lại ở sát bờ sông Hương mà chúng ta biết rằng phía ngoài cổng còn có một con đường khác, một khu Đại Minh khách phố buôn bán tấp nập, nay đã mất dấu. Do vậy, tôi mong mỏi các cơ quan chức năng tổ chức khảo cổ học thám sát dưới nước khu vực Thanh Hà (Thuận Hóa) để tìm lại dấu tích của đô thị cổ này.([26])
TÀI LIỆU THAM KHẢO
陳荆和, “十七, 八世紀之會安唐人街及其商業”, 新亞學報, 第三 , 第一期, 香港, 1960.
Chen Ching Ho, “Mấy Điều Nhận Xét Về Minh Hương Xã Và Các Cổ Tích Tại Hội An”, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, số 1 năm 1960 và số 3 năm 1962.
Cristophoro Borri (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích), Xứ Đàng Trong Năm 1621. Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2014.
Đào Duy Anh, “Phố Lở, première colonie Chinoise du Thừa Thiên”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, XXXe Année, No 3, Juin-Septembre, 1943.
Kawamoto Kuniye, “Nhận Thức Quốc Tế Của Chúa Nguyễn Ở Quảng Nam Căn Cứ Theo Ngoại Phiên Thông Thư”, Đô Thị Cổ Hội An. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1991.
Lê Quý Đôn (Bản dịch & bổ chính: Trần Đại Vinh), Phủ Biên Tạp Lục. Nxb Đà Nẵng, 2015.
Nguyễn Anh Huy, “Về Địa Danh Chùa Ông Ở Huế”, Đại Đạo Văn Uyển Tập Lợi, số 11. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014.
Nguyễn Anh Huy, “Chung Quanh Ngôi Chùa Công Hà Trung Ở Thuận Hóa”, Đại Đạo Văn Uyển Tập Lợi, số 19. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016.
Nguyễn Anh Huy, “Trấn Thủ Quảng Nam - Công Đánh Nhà Mạc Của Nguyễn Phúc Nguyên”, Nghiên Cứu Lịch Sử Xứ Quảng, số 9, tháng 4-2017.
Nguyễn Anh Huy, “Về Chỉ Dụ Của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát Cho Phép Lưu Hành Đồng Bạc Phương Tây”, Huế Xưa & Nay, số 143, tháng 9-10 năm 2017.
Nguyễn Anh Huy, “Về Ngôi Chùa Ông Ở Thương Cảng Cổ Thanh Hà (Huế)”, Đạo Uyển Thu 2018, Tập 27. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019
Nguyễn Huy Quýnh, Quảng Thuận Đạo Sử Tập, Nxb Đại Học Vinh, 2018.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Tổ phiên dịch Viện Sử Học dịch), Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2004.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Hoàng Văn Lâu dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí. Nxb Lao Động, 2012.
Thích Đại Sán (Hải Tiên Nguyễn Duy Bột và Nguyễn Phương dịch; Nguyễn Thanh Tùng hiệu chú, giới thiệu), Hải Ngoại Kỷ Sự. Nxb Đại Học Sư Phạm, 2016.
Thích Quang Định (dịch), Đại Việt Quốc Vương Sắc Tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư Tháp Ký Minh, Liễu Quán, số 8, tháng 5-2016.
Trần Đại Vinh, Văn Bia & Văn Chuông Hán Nôm Dân Gian Thừa Thiên - Huế. Huế: Nxb Thuận Hóa, 2006.
Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương Và Phố Thanh Hà Thuộc Tỉnh Thừa Thiên”, Đại Học, tạp chí nghiên cứu Viện Đại Học Huế, số 3, năm thứ IV, tháng 7-1961.
Kim Long Thư Hương Các
Tết Đoan Ngọ 2019
NGUYỄN ANH HUY



([1]) Bác sĩ Y Khoa, Huế.
([2]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Hoàng Văn Lâu dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí. Nxb Lao Động, 2012, Tập 1, tr. 356.
([3]) Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển. Nxb Văn Hóa - Thông Tin, 2002, tr. 731, giải thích: Long: ... Lại dùng để ví với ông vua, cho nên vua lên ngôi vua gọi là long phi. Nhưng thực tế, các năm “Long phi” được dùng trên các di tích chúng tôi chứng kiến được, không phải năm “Long phi” nào cũng trùng với việc vua lên ngôi, do vậy, không thể gán ghép với việc năm có giai từ “Long phi” chính là năm một vị vua nào đó lên ngôi được.
([4]) Chen Ching Ho, “Mấy Điều Nhận Xét Về Minh Hương Xã Và Các Cổ Tích Tại Hội An”, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, số 1 năm 1960, tr. 25-26.
([5]) Kawamoto Kuniye, “Nhận Thức Quốc Tế Của Chúa Nguyễn Ở Quảng Nam Căn Cứ Theo Ngoại Phiên Thông Thư”, Đô Thị Cổ Hội An. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1991, tr. 177.
([6]) Trần Đại Vinh, Văn Bia & Văn Chuông Hán Nôm Dân Gian Thừa Thiên - Huế. Huế: Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 19. “Đại Sĩ” là một thuật ngữ Phật Giáo, “Tiếng gọi chung Bồ Tát, hoặc để gọi Thanh Văn và Phật”. Xem: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Từ Điển Phật Học Hán Việt. Nxb Khoa Học Xã hội, 2012, tr. 362.
([7]) Thích Đại Sán, sách đã dẫn, tr. 224-225.
([8]) Chapman, “Description d’un Voyage en Cochinchina”, trong Malte Brun, Annales des voyage de la géographie et de l’histoire, Vol. 7, Paris, 1810, p. 13. Dẫn lại theo 陳荆和, bài đã dẫn, tr. 312.
([9]) Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chữ 礿 dược ở đây là một chữ vô nghĩa, mà trong câu văn này phải là chữ tồn hoặc chữ tại thì mới có nghĩa. Tôi đã vào Hội An xem chữ này nhiều lần đúng là chữ dược, nên để nguyên văn như vậy.
([10]) Nguyễn Huy Quýnh, sách đã dẫn, tr. 79, địa điểm được đánh số 34.
([11]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 1, sách đã dẫn, tr. 131.
([12]) Xin xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Về Ngôi Chùa Ông Ở Thương Cảng Cổ Thanh Hà (Huế)”, Đạo Uyển Thu 2018, Tập 27. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 77-99.
([13]) Đại Nam Thực Lục, Tập 1, sách đã dẫn, tr. 96.
([14]) Đại Nam Thực Lục, Tập 1, sách đã dẫn, tr. 101.
([15]) Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương Và Phố Thanh Hà Thuộc Tỉnh Thừa Thiên”, bài đã dẫn, tr. 102.
([16]) Hiện tại ở Thiên Hậu Cung (ở làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có tấm bia bằng đá mới khắc bằng tiếng Việt để giới thiệu cung này xây dựng đầu tiên vào năm 1685 về triều Lê năm Chánh Hòa thứ sáu Ất Sửu… Tôi cho rằng việc khắc tấm bia khẳng định năm xây dựng là 1685 này sẽ gây sai lệch về lịch sử, nên gỡ bỏ, vì không có một chứng cứ cụ thể nào về mặt niên đại xây dựng Thiên Hậu Cung chính xác vào năm 1685. Xét ra, trong bài của giáo sư Trần Kinh Hòa đã giới thiệu, cho biết các văn bản có liên quan đến Thiên Hậu Cung chỉ còn duy nhất một tờ đơn trình quan vào năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) có ghi: Nguyên các Hoa thương dâng cung Thiên Hậu trên địa phận bản xã, trải qua 150 năm nay. Người ta đã dựa vào năm của tờ đơn (1835) để tính lui 150 năm, tức năm 1685, lấy làm năm xây dựng Thiên Hậu Cung. Về con số 150 năm trong tờ đơn, chỉ là một cách nói ước lệ, sai số có thể hơn kém mười năm, cho nên, năm 1685 chỉ là một phỏng đoán và nên viết là “Thiên Hậu Cung có lẽ xây dựng vào khoảng những năm 1685”, chứ không thể khẳng định chính xác là xây dựng vào năm 1685 được. Dựa vào các chứng cứ sử học đã trình bày trên, tôi cho rằng, có lẽ Thiên Hậu Cung cũng được xây dựng vào năm 1689 cùng lượt với miếu Quan Thánh, vì hoàn toàn phù hợp với việc hai năm trước đó (1687) chúa Nguyễn Phúc Thái phong thần trong cõi thì người ta bắt đầu đặt vấn đề xây miếu thờ, để đến năm 1689 khi người ta đã xây nên Quan Thánh Miếu và Thiên Hậu Cung thì chúa Nguyễn lại tiếp tục gia phong các thần linh như sử đã ghi; mà từ năm 1689 đến năm 1835 là 146 năm cũng suýt soát 150 năm như tờ đơn ghi...
([17]) Xin xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Chung Quanh Ngôi Chùa Công Hà Trung Ở Thuận Hóa”, Đại Đạo Văn Uyển Tập Lợi, số 19. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 107-132.
([18]) Thích Đại Sán, sách đã dẫn, tr. 190-192.
([19]) Lê Quý Đôn (Bản dịch & bổ chính: Trần Đại Vinh), Phủ Biên Tạp Lục. Nxb Đà Nẵng, 2015, tr. 95.
([20]) Nguyên văn chữ Hán là 官寺 quan tự.
([21]) Lời của Ninh Vương viết trong bia tháp sư Nguyên Thiều, nguyên văn chữ Hán là 奉旨住持河中寺 phụng chỉ trú trì Hà Trung Tự. Nội dung bi ký, xin xem: Thích Quang Định (dịch), Đại Việt Quốc Vương Sắc Tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư Tháp Ký Minh, Liễu Quán, số 8, tháng 5-2016, tr. 26-32.
([22]) Nguyên văn chữ Hán là 王家祠廟 vương gia từ miếu.
([23]) Xin xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Về Địa Danh Chùa Ông Ở Huế”, Đại Đạo Văn Uyển Tập Lợi, số 11. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 109-121.
([24]) Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 1, sách đã dẫn, tr. 55.
([25]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 1, sách đã dẫn, tr. 55, còn cho biết: Đền Thiên Phi: Ở phía hữu miếu Nam Hải Long Vương. Hồi quốc sơ ở phía hữu chùa Thiên Mụ, năm Thiệu Trị thứ năm (1845) dời đến đây. Quy chế y như đền Quan Công, dùng ngày Tỵ tháng Hai, tháng Tám và lựa ngày tốt tháng trọng hạ, trọng đông, Quản Vệ Thủy Sư đến tế. Tôi đã tìm đến đền này nhưng dấu xưa không còn.
([26]) Năm 1993, anh Trần Tiễn Tâm ngụ cư ở Thanh Hà (Minh Hương, Thừa Thiên - Huế), trong công việc đồng áng đã đào được nhiều loại tiền bằng bạc của Tây phương cùng nhiều nén bạc thời chúa Nguyễn có đóng dấu chữ xuân. Tôi có đến xem thấy phần lớn là tiền Hispan (Tây Ban Nha) và tiền của Công ty Đông Ấn - Hà Lan (VOC) những năm 1741. Gia đình chúng tôi có mua mỗi loại một đồng để sưu tập, số còn lại, theo một chủ buôn tiền ở Sài Gòn nói, lô tiền bằng bạc này có hơn 500 đồng được bán ra nước ngoài. Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Về Chỉ Dụ Của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát Cho Phép Lưu Hành Đồng Bạc Phương Tây”, Huế Xưa & Nay, số 143, tháng 9-10 năm 2017.