3. SƠ LƯỢC
VỀ CÔNG
ĐỒNG VATICAN II
1. MỤC ĐÍCH BÀI GIẢNG
VÀ MỘT VÀI TỪ NGỮ CẦN BIẾT
Công Đồng Vatican II rất quan trọng đối với Giáo Hội
Công Giáo hiện nay. Người đạo Cao Đài cần tìm hiểu một số ý nghĩa trọng yếu của
Công Đồng Vatican II để có ý thức và tư thế sẵn sàng cộng tác chặt chẽ với Công
Giáo để cùng góp phần tích cực vào công cuộc vận chuyển Tam Giáo quy nguyên,
Ngũ Chi phục nhứt của Đức Chí Tôn.([1])
1.1.
Công đồng là gì?
Công đồng (Council)
nghĩa là một cuộc hội họp rộng lớn. Người
Hoa gọi là đại công hội nghị 大公會議. Chữ công (public) có nghĩa là chung cho mọi người.
Trong thánh giáo Cao Đài, trên Thiên Đình có Công Đồng Tam Giáo. Do đó, trước khi
xuống thế gian mở đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn đã triệu tập Công Đồng Tam Giáo và
lập đại nguyện rằng nếu Thầy lập Đạo không thành thì Thầy không trở về ngôi vị
cũ. Đại Thừa Chơn Giáo (1936) chép:
Nên hội Tam Giáo
Công Đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần
sanh.
Nếu các con chẳng
chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành Thầy nguyện không trở về
ngôi vị cũ.([2])
Chúng ta cần phân biệt: Công đồng (council) khác
với cộng đồng (community). Cộng đồng là một tập thể đông người có cùng một đặc
điểm chung nào đó. Thí dụ ta nói rằng một họ đạo là một cộng đồng tín hữu Cao Đài có chung một thánh thất hay thánh tịnh.
1.2.
Vatican là gì?
Thành lập năm 1929, Vatican là một quốc gia độc lập
với dân số năm 2019 khoảng 799 người,([3])
diện tích khoảng 0,44km2
có tường bao kín nằm trong lòng thành phố Rô-ma, nước Ý. Vatican là quốc gia
nhỏ nhất thế giới về diện tích và dân số. Đứng đầu Vatican là Giáo Hoàng. Hiện
nay là Giáo Hoàng Phan-xi-cô (Francis),
quốc tịch Ác-hen-ti-na (ở Nam Mỹ). Các viên chức của Vatican là các giáo sĩ của
Giáo Hội Công Giáo Rô-ma gồm nhiều quốc tịch khác nhau.
1.3. Trước Công Đồng Vatican II đã
có hai mươi công đồng
Tính đến nay Giáo Hội Công Giáo Rô-ma đã tổ chức hai
mươi mốt công đồng khác nhau ở nhiều thành phố.
Công đồng đầu tiên diễn ra từ tháng 3 tới tháng 8
năm 325 tại thành phố Nicaea (nước Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là Công Đồng Nicaea.
Công đồng thứ mười chín diễn ra từ năm 1545 đến năm
1563 tại thành phố Trent (phía bắc nước Ý). Đây là Công Đồng Trent.
Công đồng thứ hai mươi diễn ra từ năm 1869 đến năm
1870 tại Vatican. Đây là Công Đồng Vatican I.
Công Đồng thứ hai
mươi mốt diễn ra từ năm 1962 đến năm 1965 tại Vatican . Đây là Công Đồng
Vatican II.
2. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Công Đồng
Vatican II được Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII (1881-1963)
khai mạc ngày 11-10-1962, bốn năm sau
ngày đắc cử Giáo Hoàng (28-10-1958). Công Đồng này được Đức Giáo Hoàng Phao-lô
VI (1897-1978) bế mạc ngày 08-12-1965.
Đức Giáo Hoàng
Gio-an XXIII được phong thánh ngày 27-4-2014. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI được
phong thánh ngày 14-10-2018. Do đó, hai vị đều được gọi là Đức Thánh Giáo Hoàng.
Đức Thánh Giáo
Hoàng Gio-an XXIII bắt đầu nhiệm kỳ của ngài năm 1958, lúc bảy mươi bảy tuổi tây.
Khi triệu tập Công Đồng Vatican II vào năm 1962, ngài tám mươi mốt tuổi tây.
Những ai trót
quen suy nghĩ theo lề thói thông thường đều không khỏi sửng sốt, bởi lẽ họ ngỡ
rằng Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã “quá già” nên không thể nào còn có ý
tưởng về một cuộc đổi mới Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, bằng một quyết định
mang tính lịch sử (vì có ảnh hưởng rất lớn nhằm đổi mới Giáo Hội Công Giáo hoàn
vũ tức toàn cầu), Đức Giáo Hoàng tám mươi mốt tuổi hiển nhiên đã chẳng hề “già
cỗi” chút nào hết. Vì vậy, mỗi khi nhắc tới Công Đồng Vatican II, giới tu hành
đạo đức vẫn tỏ lòng kính ngưỡng và tán thán công đức hoằng đại của Đức Thánh Giáo
Hoàng Gio-an XXIII.
2.1. Công Đồng Vatican II ra đời từ một chớp nhoáng cảm hứng đột ngột
Trong diễn văn
khai mạc Công Đồng Vatican II vào ngày 11-10-1962, khi nhắc tới quyết định
triệu tập Công Đồng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII gọi đó là một chớp nhoáng cảm hứng đột ngột (a sudden flash of inspiration).
Ngài còn lưu ý
rằng vào ngày 25-01-1959, tức là chưa
tròn ba tháng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, ngài đã từng tỏ bày ý định này trước
một số vị trong Hồng Y Đoàn (the Sacred
College of Cardinals) sau khi dự lễ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phao-lô
Ngoại Thành.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII hé lộ
rằng hôm ấy, khi bày tỏ ý định trước một số vị Hồng Y, ngài đã không chăm chút công phu, tỉ mỉ (without elaboration) chi hết, thế nhưng
“hiệu ứng” đến liền tức thì và lan tỏa sâu rộng. Đức Thánh Giáo Hoàng kể: Mọi người
hưởng ứng [ý định của ngài là muốn triệu tập Công Đồng vatican II] tức thì. Dường như có tia sáng siêu nhiên
nào đó soi rọi vào tâm hồn tất cả những người có mặt: nó phản chiếu trên gương
mặt họ; nó tỏ ngời trong ánh mắt họ. Lập tức một làn sóng nhiệt thành quét khắp
thế gian, mọi nơi người ta bắt đầu háo hức đợi chờ cuộc lễ tổ chức Công Đồng
này.([4])
Ngày
nay, đọc lại diễn văn khai mạc năm 1962, những người có đức tin nhận thức rằng một
chớp nhoáng cảm hứng đột ngột đã đến với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ắt hẳn không gì khác hơn là Thần Khí (Spirit) của Chúa Thánh Thần, vì chỉ có Thần Khí ấy
mới làm nên một “phép lạ” như Công Đồng Vatican II.
Nói thêm: Trong đạo Cao Đài, khi chúng ta quyết định
làm một việc gì đầy cảm hứng và tiến hành được suôn sẻ, thâu được kết quả tốt
đẹp, chúng ta thường nói rằng mình được “điển lành” của Thầy ban bố, hộ trì.
Khi người tín hữu
Công Giáo nói tới Thần Khí hay Thánh Linh thì có lẽ cũng phần nào giống như chúng
ta nói tới “Thiên điển” của Thầy.
2.2. Công Đồng Vatican II là một công cuộc đại canh tân để đổi mới Giáo
Hội Công Giáo về nhiều phương diện
Các bậc vĩ nhân
thường nói giản dị về những công nghiệp rất to tát của mình. Thế nên, khi được
hỏi về mục đích triệu tập Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an
XXIII chỉ nói đơn giản là để mở tung
những cánh cửa sổ … và cho chút không khí trong lành lọt vào (to open the windows … and let in some
fresh air).(4)
Lời Ngài đơn
giản đến thế, nhưng phải chăng lại hàm ngụ một ẩn ý rằng cái bầu khí trước Công
Đồng Vatican II đã “ngột ngạt”? đang cần “đổi gió”? tức là tới lúc để đổi mới
Giáo Hội Công Giáo Rô-ma? ([5])
Nhưng thay vì
chỉ là đổi mới, Công Đồng Vatican II được ca tụng là một công cuộc Đại Canh Tân (a Great Renewal).([6])
Trên
thế gian này, đời hay đạo, thế quyền hay giáo quyền, dù ở đâu và dù thời đại
nào thì cũng phải tuân theo quy luật Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Muốn thoát khỏi
quy luật này, mọi tổ chức đều phải kịp thời tự điều chỉnh trước khi quá trình
đào thải đã đi quá xa, và mọi nỗ lực cứu vãn bấy giờ sẽ không còn hiệu quả!
Trong đạo Lão xưa kia (thời Nhị Kỳ Phổ Độ,
nói theo sử quan Cao Đài) từng cho thấy sự khác biệt giữa Đạo (tuyệt đối) và
Giáo (tức tôn giáo, tương đối). Vì tuyệt đối nên Đạo không đầu không cuối,
không mở màn không bế mạc, không thịnh không suy. Trái lại, vì tương đối nên
tôn giáo có trước có sau, có thịnh có suy. Mở đầu bài Tựa
cho Kim Liên Chính Tông Ký,
đạo sĩ Tần Chí
An ([7]) viết:
Đạo
không đầu cuối, tôn giáo có trước sau. (…) Đạo là bản thể, tuy trải qua vô số
kiếp, chưa biến đổi tí nào. Tôn giáo là
công dụng, có lúc thịnh, có lúc suy.([8])
Qua Tam Kỳ Phổ Độ (đạo Cao Đài), thánh
giáo Đức Mẹ (Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu) diễn bày tỉ mỉ hơn lời lẽ trong đoạn
văn dẫn trên của đạo Lão:
Đạo
không hình không tướng. Thế nên đừng ai lấy thúng mà úp cái Đạo, đừng ai lấy
khuôn mà đổ cái Đạo. Phải hiểu Đạo là uyển chuyển, thiên biến vạn hóa; tùy cơ
duyên mà phổ độ; tùy hoàn cảnh thực tại mà linh động, uyển chuyển tác dụng cho
hợp thời đúng lúc; tùy trình độ căn trí mà biện minh phân giải, thuyết lý độ đời.
Điều nào hay thì giữ gìn mà phát triển. Điều nào dở không thích hợp thì phải trả
về cho quá khứ. Điều nào thiếu thì sẽ thêm vô cho đủ. Điều nào dư thì hãy cắt
xén bớt cho tròn vẹn.([9])
Nói
cách khác, mọi tôn giáo bất kỳ, càng trải qua chiều dài lịch sử lâu chừng nào
thì càng phải đặt ra vấn đề đổi mới.
Dạy
triết và tôn giáo đối chiếu (comparative
religion) tại Viện Đại Học New Mexico, Giáo Sư Archie J. Bahm (1907-1996)
xác định:
Các hình tướng, giáo lý và tổ chức đặc biệt
mà qua đó các nhu cầu, và kinh nghiệm tu hành của một số người đã được phô diễn
thì chúng có thể hóa ra lỗi thời, mà sự tiếp tục duy trì chúng thường trở nên
có hại cho sự tu hành lành mạnh.([10])
Tóm lại, mọi tôn giáo đều có yêu cầu tất yếu và khách
quan là phải tự đổi mới.
Đổi mới để trường tồn và phát triển. Với
Công Đồng Vatican II, Ðức Thánh
Giáo Hoàng Gio-an XXIII mở ra một tiến trình (process) đại canh tân Giáo Hội Công Giáo Rô-ma, làm tươi trẻ lại
các cơ cấu và khơi thông dòng nhựa sống trường xuân sung mãn dồi dào cho Giáo
Hội này.
Trong
sự đại canh tân Giáo Hội Công Giáo Rô-ma, Công Đồng Vatican II còn hướng tới nỗ
lực xây dựng mối quan hệ hiểu biết và tôn trọng các tôn giáo khác trên thế
giới.
Bằng sắc
lệnh Đến Với Muôn Dân quy định về
hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, Công Ðồng Vatican II rõ ràng đã “yêu cầu” người Công Giáo phải hòa mình với người
khác tôn giáo. Sắc lệnh này viết (đoạn 11):
Để có thể làm chứng về Chúa Ki-tô một cách
hiệu quả, các Ki-tô hữu hãy đem lòng kính trọng và tình thương mà liên kết với
những người ấy; hãy biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống; hãy
chia sẻ đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau
trong cuộc sống thế nhân; hãy làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo
của những người ấy; hãy sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống
Lời Chúa đang tiềm ẩn trong những người ấy.([11])
Tìm
hiểu những nội dung đổi mới hoạt động truyền giáo trong tương quan với các tôn
giáo khác, chúng ta thấy Công Đồng
Vatican II nhìn nhận như sau:
Có
nhiều cách đưa tới cứu độ và tất cả các tôn giáo nên được quyền bình đẳng. Các
Ki-tô hữu phải cùng với những người khác truy tầm chân lý.([12])
Tạm
gọi đó là thái độ hay cách ứng xử của Ki-tô hữu với tôn giáo bạn dưới ánh sáng
soi rọi của Công Đồng Vatican II.
Thái độ hay cách ứng xử tôn trọng các tôn giáo bạn như vậy hoàn toàn khác với
quá khứ.
Trong
quá khứ, phần lớn các giáo sĩ Công Giáo vì lầm lẫn nên cho rằng các tôn giáo khác
đều là tà giáo, vì vậy người Công Giáo phải tích cực cải đạo những tín đồ của các
tôn giáo khác, đưa họ trở về với chánh đạo duy nhất là đạo Thiên Chúa. Vì vậy,
cải đạo người khác để họ trở thành con chiên của Chúa tức là làm phước cho họ;
phá phách nơi thờ tự của tôn giáo khác là để cho tà đạo không còn trên mặt đất.
Đấy là những sai lầm trong quá khứ mà Công Đồng Vatican II chánh thức và công
khai sửa đổi bằng sắc lệnh Đến Với Muôn
Dân (tiếng Latin: Ad Gentes), tức
là bằng luật lệ của Giáo Hội.
Chẳng
hạn, ở Việt Nam, trước Công Đồng Vatican II, người tín đồ đạo Chúa không được
thờ cúng tổ tiên, vì Giáo Hội cho đó là thờ ma quỷ. Từ khi có Công Đồng Vatican
II, người Việt theo Công Giáo mới được thắp hương để thờ cúng tổ tiên, cha mẹ.
Tạm kể
một ví dụ đơn giản như trên để dễ thấy một giá trị tích cực của Công Đồng
Vatican II rất gần gũi với đời sống tâm linh, phù hợp truyền thống đạo đức lâu đời
của người Việt.
2.3. Công Đồng Vatican II xây dựng mối tương giao,
tương kính, và tương tri giữa Công Giáo và các tôn giáo bạn
Xưa
nay, những ngộ nhận, kỳ thị, phân biệt, v.v… giữa các tôn giáo thường là do
người đạo này chưa hiểu được tôn giáo của người đạo khác, dẫu rằng họ đang sống
chung một quốc thổ, mang chung một quốc tịch, và nói chung một quốc ngữ.
Để sửa
những sai lầm đã có trong quá khứ truyền đạo Thiên Chúa, hiện nay, các chủng
sinh (sau khi tốt nghiệp sẽ làm linh mục) trong các chủng viện, đại chủng viện được
giảng dạy về các tôn giáo bạn, được hướng dẫn tiếp xúc, gặp gỡ các tôn giáo bạn.
Đây cũng là sự đổi mới mà Công Đồng Vatican II mang tới cho Giáo Hội Công Giáo.
3. TUYÊN NGÔN TRONG
THỜI ĐẠI CHÚNG TA CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII về với Chúa ngày 03-6-1963.
Đức Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI kế vị từ ngày 21-6-1963. Ngài có sứ mạng tiếp nối
vị tiền nhiệm để Công Đồng Vatican II thành công mỹ mãn.
Trước khi bế mạc Công Đồng Vatican II vào ngày
08-12-1965, Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI (1897-1978) vào ngày 28- 10-1965 đã công bố quan hệ của Giáo Hội Công
Giáo với các tôn giáo khác. Tuyên ngôn này thường gọi là theo tiếng Latin là Nostra Aetate (Trong Thời Đại Chúng Ta).([13])
Tìm hiểu
về Công Đồng Vatican II thì cần biết tới tuyên ngôn này, bởi lẽ Hội Đồng Giám
Mục ([14]) của Úc Châu xác định: Nostra Aetate là một phần công cuộc đổi mới Giáo Hội Công Giáo
của Công Đồng Vatican II nhằm đưa Giáo Hội vào mối tương quan với thế giới hiện
đại.
Năm
2015, kỷ niệm năm mươi năm năm ngày tuyên ngôn ra đời, Hội Đồng Giám Mục của Úc
Châu viết:
Văn kiện này đã thay đổi thái độ của Giáo Hội
đối với tín hữu các tôn giáo khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội đã nói
một cách tích cực về các tôn giáo khác. Tuyên ngôn này được mọi người xem là
một “bước ngoặt” trong các quan hệ giữa người Công Giáo và tín hữu các tôn giáo
khác. (...) Văn kiện này tiếp tục gây cảm hứng và hướng
dẫn người Công Giáo trong việc hình thành các quan hệ tương kính và hợp tác [với các tôn giáo khác].
Trong
đoạn văn dẫn trên, hai chi tiết sau đây nên chú ý:
(a) Lần đầu tiên trong lịch sử,
Giáo Hội đã nói một cách tích cực về các tôn giáo khác.
(b) Tuyên ngôn này được mọi người xem là một “bước
ngoặt” trong các quan hệ giữa người Công Giáo
và tín hữu các tôn giáo khác.
Theo
quan điểm lịch sử của đạo Cao Đài, “thời đại hiện nay” mà Công Giáo nói tới chính
là thời Tam Kỳ Phổ Độ. Trong thời đại
này, mọi tôn giáo cần phải siêu vượt lên khỏi vỏ ốc tôn giáo để đạt tới Đại
Đạo. Đạo Cao Đài gọi đó là “về Nguồn (quy
Nguyên)”, vì Đại Đạo là nguồn gốc chung của mọi tôn giáo.
Trên
con đường về Nguồn (Ngũ Chi phục Nhất),
thay vì kỳ thị lẫn nhau bởi vì bấu víu, câu chấp vào các chỗ khác biệt hình
thức, các tôn giáo hãy nhấn mạnh tới những giá trị vĩnh cửu mà các tôn giáo đều
có chung; đồng thời, các tôn giáo luôn luôn duy trì cho nhau thái độ bao dung,
cởi mở, hòa hiệp.
Suy
gẫm hai chi tiết (a) và (b) mà Hội Đồng Giám Mục của Úc Châu lưu ý như trên,
người đạo Cao Đài chúng ta cảm nhận rằng kể từ Công Đồng Vatican II trở đi,
Giáo Hội Công Giáo Rô-ma đã và đang chuyển mình để phù hợp cơ Trời (tức là
Thiên cơ, là kế hoạch của Thiên Chúa) cho thời đại mới của nhân loại là Tam Kỳ
Phổ Độ.
Như
vậy, chúng ta tìm hiểu về Công Đồng Vatican II có thể hiểu rộng ra là tìm hiểu
một chuyển biến rất quan trọng, rất ý nghĩa của một tôn giáo lớn trên hoàn cầu,
và chuyển biến này chính là một mắt xích trong chuỗi các vận chuyển Kỳ Ba của
Thiên cơ. Đây cũng là điều chúng ta suy ra từ thánh giáo Đức Chí Tôn:
Về đạo
pháp các con cũng biết Thầy đến lần ba này làm sao cho nhơn loại khắp trên mặt
địa cầu được sống lại ơn cứu độ lan chảy khắp năm châu.
Trước đây
năm, sáu mươi năm các con cũng thấy các tôn giáo như ngủ mê mà từ ngày được Đạo
Thầy hoằng khai thì các tôn giáo lần lượt chấn hưng.
Sự sống đó
chẳng những đến cho các con mà đến khắp hoàn cầu, nên phong trào đạo đức đâu
đâu cũng sống dậy.([15])
4. ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN LÀ
GÌ?
Đọc kỹ
tuyên ngôn Nostra Aetate do Vatican
chánh thức phổ biến, chắc chắn chúng ta không tìm thấy bốn chữ “đối thoại liên
tôn”; thế nhưng chúng ta đều hiểu tuyên ngôn này đã mở đường cho các hoạt động
mục vụ đối thoại liên tôn của Giáo Hội Công Giáo. Vậy, do đâu phát sinh bốn chữ
này? Bốn chữ này ra đời năm 1964, và Hội Đồng Giám Mục của Úc Châu giải thích
như sau: Cách mới để tiếp cận tín hữu các
tôn giáo khác là “đối thoại”. Tên gọi và phương pháp này đã được đưa vào Giáo
Hội do [Thánh] Giáo Hoàng Phao-lô VI
(…).
Để
hiểu rõ “đối thoại liên tôn” là gì, chúng ta mượn định nghĩa của Hồng Y
Phan-xi-cô Arinze (người Nigeria, sinh năm 1932): Đối thoại liên tôn là một gặp gỡ nhiều người theo nhiều tôn giáo khác
nhau, trong một bầu khí tự do và cởi mở, để lắng nghe nhau, để cố gắng hiểu tôn
giáo của người khác, và hy vọng tìm kiếm những khả năng hợp tác.
4.1. Thực thi đối
thoại liên tôn
Thiện
chí đối thoại liên tôn trong thực tế được người Công Giáo thực thi ra sao? Hội
Đồng Giám Mục của Úc Châu giải đáp như sau: Việc
nghiên cứu các tôn giáo khác được thực hiện, những cuộc thăm viếng lãnh đạo và
các nơi thiêng liêng của các tôn giáo khác được sắp xếp, các đoàn đại biểu của
các tôn giáo khác được tiếp đón ở Vatican. Các giáo phận, các hội nghị giám mục
cấp quốc gia và các tổ chức cấp khu vực thành lập các ủy ban nhằm giáo dục và
huấn luyện giáo dân đối thoại liên tôn với tín hữu các tôn giáo bạn.
4.2. Bốn cách thức
đối thoại liên tôn
Năm
1984, Vatican hướng dẫn cách thức đối thoại liên tôn, và theo Hội Đồng Giám Mục
của Úc Châu, Vatican đưa ra bốn cách thức đối thoại liên tôn như sau:
Đối thoại về đời sống - chia
sẻ những biến cố trong đời sống hàng ngày chúng ta trong gia đình, nơi làm việc
và vui chơi với những hàng xóm láng giềng khác tôn giáo;
Đối thoại về hành động - căn
cứ trên các giá trị tôn giáo và luân lý được chia sẻ, cùng nhau xử lý những vấn
đề bận tâm chung về xã hội để cải thiện xã hội;
Đối thoại về trao đổi thần học
[tức giáo lý] - chia
sẻ và thảo luận những đức tin tôn giáo của chúng ta để hiểu biết nhau rõ hơn và
nhận thức chính xác hơn những gì chúng ta tương đồng và những khác biệt của
chúng ta nằm ở đâu;
Đối thoại về kinh nghiệm
tôn giáo - chia sẻ về những cách thực hành tâm linh
cũng như những kết quả của cầu nguyện và thờ phượng trong truyền thống các tôn
giáo.
Cũng
theo Hội Đồng Giám Mục của Úc Châu, đối thoại liên tôn không loại trừ một ai,
vì thế: Tất cả các thành viên của Giáo
Hội Công Giáo được mời gọi xây dựng các quan hệ với tín hữu các tôn giáo khác.
Mỗi người hãy làm theo cách riêng của mình, tùy theo hoàn cảnh sinh sống, để
đáp lại lời mời gọi chia sẻ sứ mệnh. Bằng cách thực hành một hay vài ba hình
thức trong bốn hình thức đối thoại liên tôn được kể trên đây - đối
thoại về cuộc sống, đối thoại về hành động, đối thoại về trao đổi thần học, và
đối thoại về kinh nghiệm nghiệm tôn giáo - nhiều khả năng có thể mở ra.
4.3. Đối thoại liên tôn ở Việt Nam
Theo hướng dẫn
của Hội Đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, ngày 05-12-2009 Đức Hồng Y Gio-an
Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn (Tổng Giám Mục) ký quyết định thành lập Ban Mục Vụ
Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận TpHCM (Ban MVĐTLT). Quyết định này có ý nghĩa
quan trọng, vì thể hiện tinh thần của tuyên ngôn Trong Thời Đại Chúng Ta. Vị trưởng ban từ đó đến nay là linh mục
Phan-xi-cô Xa-vi-ê Bảo Lộc.
Một nội dung
trong đường hướng của Ban MVĐTLT là: Thăm
viếng, tiếp xúc và trao đổi với các tín đồ tôn giáo khác để xây dựng tình bằng
hữu - huynh đệ, gia
tăng hiểu biết lẫn nhau và nếu có thể được, cộng tác với nhau trong lĩnh vực từ
thiện và ích lợi cộng đồng.([16])
Một nội dung khác
trong đường hướng của Ban MVĐTLT là: Tổ
chức và linh hoạt các cuộc gặp gỡ liên tôn. Đây cũng là cơ hội để trao đổi kinh
nghiệm sống đạo và chia sẻ niềm tin Ki-tô Giáo cho các người khác đạo.([17]) Để thực thi nội dung này, từ 2011 tới 2018 đã có tám lần
Hội Ngộ Liên Tôn vào ngày 27-10 hằng năm.
Nếu có điều
kiện, người đạo Cao Đài chúng ta nên tham dự các cuộc Hội Ngộ Liên Tôn hằng năm
này, ít ra là một lần, để tận mắt nhìn thấy, và chính lòng mình cảm nhận những
nỗ lực liên tôn cao quý của người Công Giáo Việt Nam đối với các tôn giáo bạn,
trong đó có đạo Cao Đài.
5. THAY LỜI KẾT
Tiến sĩ
Hans Küng (người Thụy Sĩ, sinh năm 1928) nói:
Sẽ không có hòa bình giữa các dân tộc nếu
không có hòa bình giữa các tôn giáo. Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo nếu
không có đối thoại giữa các tôn giáo.
Trong một văn kiện công bố ngày 24-11-2013, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô xác
định:
Đối thoại liên tôn là một
điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới, và vì thế nó là một nhiệm vụ
đối với các Ki-tô hữu, cũng như đối với các cộng đồng tôn giáo khác.
Mọi tôn
giáo trong thời đại này cần không ngừng thắt chặt mối quan hệ hòa ái, hợp tác
để cùng nhau xây dựng một thế gian hòa bình. Đối thoại liên tôn vì thế rất
thiết yếu cho lý tưởng chung này của các tôn giáo thế giới. Người đạo Cao Đài
không thể làm ngơ đối thoại liên tôn, và bởi thế cũng đừng nghĩ lầm rằng đối
thoại liên tôn là chuyện riêng tư của Công Giáo.
Trong diễn văn khai mạc Công Đồng Vatican II vào
ngày 11-10-1962, khi nhắc tới quyết định triệu tập Công Đồng, Đức Thánh Giáo
Hoàng Gio-an XXIII gọi đó là một chớp
nhoáng cảm hứng đột ngột. Người đạo Cao Đài có thể hiểu rằng cái “chớp
nhoáng cảm hứng đột ngột” ấy chính
là Thiên điển của Thượng Đế đã khai
sáng cho Đức Gio-an XXIII để ngài có thể làm nên một phép lạ diệu kỳ là Công
Đồng Vatican II trên con đường tiến hóa tâm linh của loài người theo Thiên cơ
hoạch định.
Một khi thấu hiểu ý nghĩa của Công Đồng
Vatican II, hiểu rõ đối thoại liên tôn là gì, mong rằng người đạo Cao Đài càng
thêm sẵn sàng và chủ động nhiều hơn nữa trong các quan hệ liên tôn giáo nói
chung, và với Công Giáo nói riêng. Mỗi tập thể người đạo Cao Đài càng thêm ý
thức mở rộng hợp tác với các bạn đạo Công Giáo cũng như các tôn giáo bạn trong
nỗ lực chung nhằm kiến tạo một xã hội phát triển bền vững đặt trên nền tảng nhân bản, an lạc, và tiến bộ như đạo Cao Đài đề xuất.
HUỆ KHẢI
([7]) Tần Chí An 秦至安 (1188-1244) người Lăng Xuyên (nay thuộc
tỉnh Sơn Tây). Tương truyền ông ba lần thi tiến sĩ nhưng đều hỏng. Năm 1213 ông
chạy loạn về phương Nam. Năm 1288 cha mất, ông không màng việc nhà, phiêu lãng
vùng núi Tung Sơn. Ông đọc nhiều kinh sách Phật và Lão, rồi làm đạo sĩ, viết
quyển Kim Liên Chánh Tông Ký 金蓮正宗記.