TRUNG THU TRÊN
ĐƯỜNG PHỐ KHÔNG ĐÈN
NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
Thuở tôi học tiểu học, tám,
chín tuổi, nhà ở xóm nghèo lao động. Trung thu với đám con nít lem luốc cỡ tôi,
lấy lá mít cột quanh đầu gậy rồi cắm đèn cầy lên cũng xong một cái đèn lồng
trung thu. Đèn xếp không mắc mỏ gì nhưng múa qua múa lại, cháy vèo, cũng hết
một lon gạo.
Lên trung học tôi biết kiếm trúc về làm
đèn ngôi sao cho các em tôi chơi.
*
Bánh trung thu là thứ cao cấp so với dân
xóm nhà lá nước đen. Mua một cái bánh cúng xong đem xuống cắt ra, mỗi đứa con
một nhúm có bõ bèn gì!
Nên đêm 14 má tôi nấu nồi chè đậu xanh,
phổ tai, bột khoai, trước cúng, sau cả nhà ăn mừng trung thu. Các con đi chơi
một hồi chạy về ăn tiếp. Có khi còn dư để ăn sáng.
*
Chơi lồng đèn chỉ vui từ đêm 11, 12, 13;
cao điểm là đêm 14. Tới đêm chánh rằm thì bớt vui rồi. Xóm nghèo, đèn đường chỉ
có ngoài đường cái, sáng tù mù soi chẳng tới đâu, nên trung thu trong xóm nghèo
trăng sáng như ban ngày, đèn cầy trẻ con rực vàng từng con hẻm.
*
Hơn năm mươi năm sau.
Cháu tôi mỗi đứa hai, ba cái lồng đèn xài
pin, có nhạc, có động cơ. Ba má chúng không cho chơi đèn cầy vì đèn cầy có hóa
chất độc hại.
Nhưng chúng làm gì còn đường phố để đi
chơi. Vì ngoài đường xe chạy đông ken, khói mù. Vỉa hè người ta bày bán hàng
hóa bít lối.
Không
phải đứa trẻ nào cũng được chở ra quảng trường, công viên. Mà ở đó chúng nó
cũng không có bạn bè thân quen, lối xóm.
Đèn nhà,
đèn đường, đèn phố, đèn quảng cáo... làm lu mờ ánh trăng.
Bánh
trung thu đã ăn trước cả tháng, đến chánh tiết trung thu chẳng còn mấy ai ăn
nổi, đêm 14 nhà các con tôi theo lệ cũng cắt bánh cúng.
Cúng rồi
cất vô tủ lạnh.
*
Trung
thu năm nay báo đài nhắc nhở người dân cảnh giác đèn ngoại nhập có chất độc
hại, gây ung thư.
Tôi nhắc
mẹ sắp nhỏ nấu vài chén chè đậu xanh cúng để nhớ lệ của má tôi lúc ở xóm nghèo.
Bánh trung thu nguyên hộp, có khi ba, bốn hộp, chưng trên bàn thờ cho có rồi
đem biếu lòng vòng. Chẳng ai ăn nổi.
Tôi dọn
nhà về khu ở mới, đường lớn đang thi công, vừa trải đá dăm chưa thảm nhựa nên
xe chạy lưa thưa, nhà ở lác đác, chưa có đèn đường. Từ mấy con đường nhỏ lót
tấm đan bê tông, con nít bốn năm chục đứa tập trung túa ra đường lớn.
Trăng
sáng vườn, sáng ruộng, lồng đèn điện tử rực cả con đường. Người lớn vui lây túm
tụm nhắc bàn ghế ra đường ngồi uống nước lọc nước khoáng, cắt bánh trung thu
mời nhau, vừa trông con cháu vừa nói chuyện tâm tình mưa nắng.
Ôi, một
thời xa xưa sống lại! Lâu lắm rồi tôi mới có dịp “tắm ánh trăng tan“ bên con
cháu, hiện thân bóng dáng bọn con nít xóm nghèo năm cũ của tôi.
*
Năm tới
công trình làm xong, đèn đường sẽ rực sáng, xe sẽ chạy rần rần, vỉa hè lại bít
lối, không biết rồi con cháu sẽ chơi trung thu ở nơi đâu.
Bà xã
thì cứ lạc quan như hồi mới cưới: “Ối hơi đâu ông lo tầm ruồng! Vậy chớ mấy
chục năm qua có làm sao? Biết đâu sau nầy nhà nước phát động giờ trái đất, tắt
hết đèn đường, đèn bảng quảng cáo vào mấy đêm trung thu, cho con nít chơi lồng
đèn. Rồi nhà nước sẽ cấm xe trên phố, mở đường đi bộ, lập phố đi bộ. Bánh trung
thu làm ra ở thành phố ăn không hết thì chia về phát không cho con nít vùng sâu
vùng xa, vùng rừng vùng cao, buôn làng, phum sóc...”
Ừ nhỉ,
vậy mà tôi cứ lo.
NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
Vĩnh Long, 2017