Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

03 Học Tu - ĐẠO UYỂN THU 2018


HỌC TU THEO LỜI MẸ DẠY
DIỆU NGUYÊN
Vào đêm trung thu năm Bính Ngọ (29-9-1966), Đức Mẹ giáng đàn tại thánh thất Tân Định (quận Nhứt, Sài Gòn) và ban cho các con cái của Mẹ lời giáo huấn như sau:
DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC ĐẠI TỪ TÔN
Mẹ mừng các con.
THI
Chín trùng Mẹ đến với con thơ
Chứng ở lòng con biết kỉnh thờ
Ân huệ sẵn dành bao hạ quý
Phước hồng chan rưới mấy thu sơ ([1])
Nhơn tâm miễn đặng noi đường chánh
Thế đạo may ra thoát cảnh mờ
Mỗi độ thu về ghi bút ngọc
Giữ gìn tu học ấy Thiên cơ.
Mỗi độ thu về, các con đều mong mỏi đến trước linh cơ để nhìn Đấng Từ Mẫu vô hình, dâng lên tấm lòng thành kỉnh thiết tha giữa hồi điên nguy ([2]) thế sự.
Con ôi! Tình Vô Cực vô biên vẫn ban đều muôn vật. Hôm nay trước các con, Mẹ đem hồng ân chan rưới cho các con được bình tâm, khuây hết nỗi niềm riêng của mỗi đứa. Mẹ miễn lễ. Các con đồng an tọa đàn tiền nghe Mẹ dạy.
Hỡi các con! Mẹ đã dạy rất nhiều từ khi dùng linh điển đến với các con. Mùa thu này Mẹ khen ngợi tinh thần đạo đức của các con có phần tiến hóa, dầu trải qua bao nhiêu khảo đảo của nhơn tâm và thế sự. Trung thu này Mẹ không đem công việc mới đến cho các con, chỉ dạy thêm các việc con đang làm mà chưa được đó thôi.
Con ôi! Chí Tôn hằng ngự nơi lòng mỗi trẻ. Mẹ hằng nuôi nấng linh hồn các con. Còn trong việc tu hành học đạo đã có giới luật, quyền pháp là khuôn mẫu, mực thước để un đúc các con, và các con lần dò trong đường chánh quả. Thánh ngôn, thánh giáo là những tiếng gọi thiêng liêng khi các con bị thất tình, lục dục bao vây. Những điều hay dở, thị phi là những tấm gương sáng chói cho các con thấy rõ sự thực hư thành bại, thì các con phải quây quần với nhau để giữ gìn những điều quan trọng lại mà tu học. Đừng ngại ([3]) chuyện xa xôi để tư tưởng được phát minh thành đạo. Tu học và hành đạo là những Thánh Hiền Tiên Phật đó, con à. (…)
Con ôi! Mưa thu còn ảm đạm, gió thu còn thê lương. Các con phải bình tâm tu học. Đừng buông lung ngoại vọng.([4]) Đừng nghĩ chuyện bao đồng. Những công quả của các con trong một năm, công tác các con cần phải tiến lên. Còn những chuyện xa xôi thì nên dứt bỏ. Tất cả thành công rực rỡ sẽ đem đến niềm tin hành chánh đạo của các con. (…)
Trung thu bút ngọc đề thơ
Ban ơn con trẻ gội nhờ điển ân.
Mẹ ban ơn lành các con Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Chư Thánh Nữ Tiên Nương đã ban ân huệ trong các hoa quả. Vậy khi xả đàn, các con chia nhau mà dùng.
Giã từ các con, Mẹ hồi Diêu Điện. Thăng.
Trong bài thánh giáo trên đây, Đức Mẹ dạy: “Mẹ đã dạy rất nhiều từ khi dùng linh điển đến với các con.
Thật vậy, theo lịch sử đạo Cao Đài, Đức Mẹ giáng trần ban ơn cho chư vị Tiền Khai Đại Đạo trong đêm Hội Yến Bàn Đào đầu tiên vào ngày rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925), và kể từ đêm rằm tháng 8 đầu tiên ấy, hầu như trung thu năm nào Đức Mẹ cũng đều giáng trần để ban cho các con cái của Mẹ biết bao lời dạy dỗ nhủ khuyên, chưa kể những lần Đức Mẹ giáng đàn vào những thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, có lần Đức Mẹ hỏi:
Từ thử dạy khuyên đã quá nhiều,
Hỏi con còn nhớ được bao nhiêu? ([5])
Do đó, trong đàn cơ này Đức Mẹ bảo: Trung thu này Mẹ không đem công việc mới đến cho các con, chỉ dạy thêm các việc con đang làm mà chưa được đó thôi.”
Vậy chúng ta hãy thử kiểm điểm xem những việc nào chúng ta “đang làm mà chưa được” như lời Mẹ bảo.
Đức Mẹ dạy: “Con ôi! Chí Tôn hằng ngự nơi lòng mỗi trẻ.”
Chúng ta quán xét xem tâm mình có phải là tòa sen để Thầy ngự chưa? Đức Mẹ bảo rằng “Chí Tôn hằng ngự nơi lòng mỗi trẻ”, có nghĩa là Thầy luôn sẵn sàng ngự vào tâm của con cái nơi cõi hồng trần; tuy nhiên phải có điều kiện để Thầy ngự.
Ví dụ như trong nhà chúng ta bóng đèn đã được nối với với dây điện và dòng điện có sẵn, nhưng chúng ta phải bật công tắc thì đèn mới cháy sáng. Tương tự như vậy, chỉ khi chúng ta nghĩ đến Thầy thì Thầy mới ngự vào tâm ta, như lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Tâm tưởng Phật, Phật Trời hằng ngự
Tâm tưởng ma, ma cứ vãng lai.([6])
Nếu tâm chúng ta chứa đầy những thất tình lục dục, tham sân si, thì làm gì còn chỗ cho Đức Chí Tôn ngự vào. Do đó, hằng ngày hằng giờ hằng phút, cần phải dọn dẹp tâm mình cho thanh khiết ngõ hầu làm bửu tòa để Thầy ngự vào.
Đức Mẹ dạy: “Mẹ hằng nuôi nấng linh hồn các con.”
Con người chúng ta có hai phần: thể xác và linh hồn. Thể xác cần phải được nuôi dưỡng hằng ngày bằng thực phẩm thì linh hồn cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng những món ăn tinh thần.
Đức Mẹ hằng nuôi nấng linh hồn chúng ta bằng những lời đạo lý thanh cao, bằng pháp môn công phu tịnh luyện. Chúng ta thử kiểm điểm xem hằng ngày mình có nuôi dưỡng linh hồn bằng những thức ăn tinh thần thanh khiết mà Đức Mẹ ban cho không?
Trong thời đại điện tử ngày nay, chỉ cần một cái nhấp chuột thôi, chúng ta liền có thể vào mạng internet với biết bao những “món ăn” trong đó, bổ dưỡng có, độc hại có. Nếu chúng ta không biết chọn lọc, để cho những thứ độc hại thâm nhập vào A Lại Da Thức của mình thì linh hồn chúng ta sẽ bị đau ốm quặt quẹo ngay.
Đức Mẹ dạy: “Còn trong việc tu hành học đạo đã có giới luật, quyền pháp là khuôn mẫu, mực thước để un đúc các con.
Chúng ta kiểm điểm xem mình đã tuân thủ nghiêm nhặt giới luật quyền pháp chưa. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Chư hiền ôi! Đời có gì quý trọng hơn vàng bạc. Người tu hành có gì quý trọng hơn giới luật. Giới luật là một chiếc thuyền để sang sông. Người tu hành muốn qua bờ giác bên kia phải nương nhờ ở giới luật. Giới luật là cái chưn để cho các hiền đi đến tận cùng Thầy. (…) Kẻ nào tu hành dù cho pháp môn nào mà không gìn giữ giới luật thì khác nào kẻ qua sông mà không có thuyền, kẻ muốn đi mà không có chưn đó vậy. (…) Không ở trong khuôn khổ giới luật thì làm sao thành được Đạo!” ([7])
Muốn giữ tròn giới luật thì cần phải luôn ghi nhớ và thực hành những lời Ơn Trên dạy. Do đó Đức Mẹ dạy: Thánh ngôn, thánh giáo là những tiếng gọi thiêng liêng khi các con bị thất tình, lục dục bao vây.”
Thật vậy, thánh ngôn, thánh giáo là vị cứu tinh giải thoát chúng ta ra khỏi vòng vây của thất tình, lục dục. Chẳng hạn như mỗi khi tâm mình có điều phiền não thì hãy nghĩ ngay đến lời dạy của Đức Giáo Tông:
Rằng đời cõi tạm thế gian
Thì chi ta phải cưu mang nặng lòng.([8])
Khi ấy tâm sẽ bình an trở lại ngay tức khắc. Hoặc những lúc lo âu bối rối vì những khó khăn, trắc trở của cuộc sống thì hãy nghĩ ngay đến lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn:
Lòng con tin Đấng Cao Đài
Đạo đời Trời sẽ an bài cho con.([9])
Thế thì tâm ta sẽ được nhẹ nhàng, bớt âu lo ngay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đôi khi thất tình, lục dục bao vây ngặt nghèo quá thì chúng ta cũng không còn tâm trí đâu mà nhớ nghĩ đến lời dạy của Thiêng Liêng. Do đó, nếu chúng ta làm đúng lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nhủ khuyên là “mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện”,([10]) thì tâm hồn chúng ta sẽ luôn được mạnh khỏe cứng cát, không dễ gì bị thất tình, lục dục lôi kéo, cám dỗ vào đường tội lỗi, khổ đau phiền não cũng được tiêu trừ. Đức Mẹ dạy:
Hằng xem đọc kệ kinh thánh giáo
Để tâm hồn cổi tháo nghiệt oan
Cho lòng con được thênh thang
Cho tâm con được dịu dàng dễ thương.([11])
Đức Mẹ dạy: “Những điều hay dở, thị phi là những tấm gương sáng chói cho các con thấy rõ sự thực hư thành bại, thì các con phải quây quần với nhau để giữ gìn những điều quan trọng lại mà tu học. Đừng ngại chuyện xa xôi để tư tưởng được phát minh thành đạo. Tu học và hành đạo là những Thánh Hiền Tiên Phật đó, con à.”
Những điều hay dở, tốt xấu, thành công hay thất bại của người khác đều là những bài học quý giá cho bản thân mình. Chúng ta học tập những điều hay và tránh chừa những điều dở mà người khác đã lỡ vấp phải. Đức Mẹ nhắc nhở chúng ta hãy giữ gìn những điều quan trọng lại mà tu học chứ đừng mơ tưởng chuyện xa xôi. Ở đoạn cuối bài thánh giáo, Đức Mẹ lại nhắc:
Các con phải bình tâm tu học. Đừng buông lung ngoại vọng. Đừng nghĩ chuyện bao đồng. Những công quả của các con trong một năm, công tác các con cần phải tiến lên. Còn những chuyện xa xôi thì nên dứt bỏ.”
Vậy, những chuyện bao đồng, xa xôi là những chuyện gì? Và những điều quan trọng là những điều gì?
Những chuyện bao đồng, xa xôi là những điều không mang lại lợi ích thiết thực cho sự tu tiến. Chẳng hạn như chạy đây chạy đó, nghe nói nơi nào có thầy hay sư lạ thì liền chạy theo. Hoặc là tìm hiểu Thiên cơ xem khi nào thì tận thế, khi nào Hội Long Hoa diễn ra, v.v… Trước đây có nhiều người đi hầu đàn nhằm mục đích cầu hỏi Thiêng Liêng về Thiên cơ thế sự và được Đức Mẹ dạy như sau:
“Các con đừng mong vọng Thiêng Liêng thố lộ Thiên cơ cùng thời cuộc. Mong vọng đó là kẽ hở, là chỗ yếu để cho mỵ tà lợi dụng sở thích đó, hướng dẫn các con xa Thầy xa Đạo.
Hỡi các con! Muốn biết để làm chi? Giả thử Thiêng Liêng cho biết đời thượng nguơn thánh đức sẽ lập vào năm tháng, ngày giờ nào đó, rồi các con phải làm gì cho thích hợp khi các con thiếu công quả, thiếu những đức tính của người tu? Tai hại hơn nữa, khi các con biết được Thiên cơ thời sự, bản tánh háo danh, hiếu kỳ sẵn có, tiết lậu đầu đàng xó chợ, đó là mầm tai họa nảy nở trong người các con.
Các con chỉ nên biết có một đường lối tu nhơn tích đức, công quả phổ giáo Đạo Trời, cảnh tỉnh sanh linh để mỗi người thực hiện được tình thương. Hễ thương thì không còn giết hại lẫn nhau, đời thái bình thạnh trị dầu không cầu mong cũng đến.” ([12])
Do đó, trong bài thi mở đầu bài thánh giáo, Đức Mẹ dạy:
Mỗi độ thu về ghi bút ngọc
Giữ gìn tu học ấy Thiên cơ.
Vậy, giữ gìn các thánh ngôn, thánh giáo của Thiêng Liêng để học tu mới là điều quan trọng mà Đức Mẹ muốn chúng ta thực hiện. Đó cũng chính là làm đúng theo Thiên cơ mà Trời đã sắp bày. Đức Mẹ bảo: “Tu học và hành đạo là những Thánh Hiền Tiên Phật đó, con à.” Có nghĩa là chỉ có tu học và hành đạo, thực hành tam công (công quả, công trình, công phu) mới giúp chúng ta trở nên bậc Thánh Hiền, mới thành Tiên thành Phật.
Tóm lại, Đức Mẹ mong muốn chúng ta thực hành cho được những điều sau đây:
1. Luôn giữ tâm thanh khiết để Đức Chí Tôn ngự vào.
2. Luôn nuôi dưỡng linh hồn mình cho mạnh khỏe cứng cát bằng thánh ngôn, thánh giáo.
3. Tuân thủ giới luật và quyền pháp Đạo.
4. Học tập những điều hay điều dở, những thành công thất bại của người khác để làm bài học kinh nghiệm cho bản thân mình.
5. Phải bình tâm tu học và hành đạo cho tinh tấn. Đừng lo nghĩ chuyện bao đồng xa xôi.
Xin cầu nguyện cho tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta đều thực hành được rốt ráo lời Đức Mẹ dạy để làm món quà tinh thần kính dâng lên Đức Mẹ kính yêu nhân dịp đại lễ Triều Thiên Vô Cực Hội Yến Bàn Đào.
DIỆU NGUYÊN


([1]) Hạ quý: Tức là quý hạ, cuối mùa hạ. Thu sơ: Chớm thu, đầu thu.
([2]) Điên nguy: Nghiêng đổ, nguy khốn.
([3]) Ngại: Cảm thấy lo lắng, không yên lòng vì sợ có điều không hay xảy ra.
([4]) Ngoại vọng: Vọng ngoại, mong ngóng ở bên ngoài.
([5]) Huờn Cung Đàn, 29-8 Ất Tỵ (24-9-1965).
([6]) Minh Lý Thánh Hội, 11-5 nhuần Tân Hợi (03-7-1971).
([7]) Tịnh Đường (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), 08-11 Ất Tỵ (30-11-1965).
([8]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15- 4 Đinh Tỵ (01-6-1977).
([9]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
([10]) Vạn Quốc Tự, 15-11 Ất Tỵ (07-12-1965).
([11]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Đinh Mùi (23-5-1967).
[12] Huờn Cung Đàn, 29 - 8 Ất Tỵ (24-9-1965).