Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

05 Bài Khai Kinh - ĐẠO UYỂN THU 2018


Bản thảo giáo khoa Cao Đài
Trong đạo Cao Đài hiện nay đang có nhu cầu biên soạn các bài giảng về kinh cúng, ngõ hầu triển khai trong các khóa học thường được tổ chức tại các Hội Thánh, thánh thất, thánh tịnh, học viện, v.v… Vì vậy, mục BẢN THẢO GIÁO KHOA CAO ĐÀI được mở ra nhằm dần dần đáp ứng chút ít tài liệu tham khảo, ước mong góp phần bé mọn để quý đạo hữu phụ trách giảng dạy ở các nơi ấy có thể nhẹ được phần nào “gánh nặng” trong muôn một.
Việc đăng bài nơi đây sẽ tùy duyên, nghĩa là trong khả năng hạn hẹp, hễ có được bài giảng nào thì phổ biến bài đó. Phần chú giải từ ngữ thường có kèm thêm chữ Nho, hay tiếng Anh, để việc giải thích thêm rõ ràng, tránh hiểu lầm, nhất là đối với những từ đồng âm khác nghĩa (homonyms). Khi triển khai bài giảng, dĩ nhiên quý đạo hữu phụ trách sẽ tùy nghi lược bớt cho phù hợp hoàn cảnh, điều kiện ở họ đạo mình.
Biển học vô bờ. Chúng tôi kính mong và tin tưởng quý đạo hữu luôn hoan hỷ lượng thứ mọi nhầm lẫn, thiếu sót nếu chúng tôi vướng phải, và sẽ vui lòng chỉ giáo để chúng tôi kịp thời sửa chữa chỗ sai lầm, bổ túc chỗ thiếu sót. Gọi mục này là “Bản thảo giáo khoa” cũng vì lẽ ấy.
Huệ Khải
BÀI KHAI KINH
I. KINH VĂN
Biển trần khổ vơi vơi trời nước
Ánh thái dương giọi trước phương Đông
Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông
Ra tay dẫn độ, dày công giúp đời.
5. Trong Tam Giáo có lời khuyên dạy
Gốc bi lòng làm phi làm lành
Trung dung Khổng Thánh ch rành
Từ bi Pht dn lòng thành lòng nhơn.
Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh
10. Một cội sanh ba nhánh in nhau
Làm người rõ thấu lý sâu
Sửa lòng trong sạch tụng cầu thánh kinh.
LỮ TỔ
II. XUẤT XỨ
Bài kinh này và Bài Niệm Hương nguyên là kinh tụng của Minh Lý Đạo, có in trong phần mở đầu Kinh Sám Hối, nhan đề là Bài Khai Kinh, do Đức Lữ Tổ (Lữ Động Tân) giáng cơ ban cho. Nhiều bản kinh Cao Đài in là Khai Kinh, lược bớt chữ Bài trong nhan đề gốc.
III. CHÚ GIẢI
Câu 1: Biển trần khổ vơi vơi trời nước
Biển trần khổ: Kinh điển bảo cõi trần là biển khổ (khổ hải 苦海: the sea of suffering) và chúng sanh bị chìm đắm trong đó. Cho nên đạo pháp được ví như chiếc thuyền hoặc chiếc bè quý (bảo phiệt, bửu phiệt 寶筏: precious raft) đưa khách trần thoát khỏi biển khổ trầm luân.
Vơi vơi: Cũng viết là vời vợi, nghĩa là rộng lớn minh mông (immense, boundless). Vơi vơi trời nước: Minh mông chẳng thấy bến bờ, chỉ có bầu trời và mặt nước (Immense is the sky and sea). Cả câu ngụ ý sự khổ ở đời quá lớn, vô cùng tận.
Câu 2: Ánh thái dương giọi trước phương Đông
Giọi: Rọi, chiếu.
Ánh thái dương giọi trước phương Đông: Mặt trời (thái dương) mọc ở phương Đông nghĩa là bình minh xuất hiện, xóa tan màn đêm hắc ám. Nghĩa bóng là ánh sáng của đạo pháp xuất hiện, xóa tan tội lỗi và đau khổ của chúng sinh.
Câu 1 cho thấy cảnh khổ như trời nước minh mông. Câu 2 cho thấy hình ảnh mặt trời từ từ lố dạng nơi chân trời, nhìn xa tưởng như mặt trời dần nhô lên từ mặt nước; như vậy câu 2 nói rằng đạo pháp sở dĩ có ở thế gian là vì có chúng sanh đau khổ; nếu không vì nỗi khổ của chúng sanh thì có lẽ không cần đến đạo pháp giúp giải thoát. Như vậy, đạo pháp và nhân sanh không thể chia lìa; hạt giống bồ đề phải gieo trong miếng đất phiền não. Đức Mẹ dạy: “Đất phiền não bồ đề vun xới…” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 13-8 Kỷ Mùi, Thứ Tư 03-10-1979).
Hai câu mở đầu bài Khai Kinh đã phản ánh được giá trị nhân bản của Cao Đài.
Câu 3: Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông
Kinh Minh Lý không có dấu phẩy ngăn cách nên có ý kiến cho rằng câu này chỉ nói tới Đức Thái Thượng Đạo Tổ.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng Bài Khai Kinh nói tới Tam Giáo, vì vậy câu 3 bao gồm cả ba vị. Nghĩa là:
- Tổ Sư: Đức Phật Tổ (Thích Ca Mâu Ni), giáo chủ đạo Phật.
- Thái Thượng: Cũng gọi Thái Thượng Đạo Tổ, Thái Thượng Lão Quân, Lão Đam, Lão Tử... Ngài là giáo chủ của đạo Tiên.
- Đức Ông: Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, giáo chủ đạo Nho.
Nếu chấp nhận ý kiến trên đây thì phải thêm hai dấu phẩy trong câu 3 (Tổ Sư, Thái Thượng, Đức Ông).
Câu 5: Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy
Tam Giáo 三教: Bao gồm Nho Giáo (đạo Khổng), Lão Giáo (đạo Tiên), Thích Giáo (đạo Phật). Nho và Lão xuất phát từ Trung Quốc. Phật xuất phát ở Ấn Độ. (The Three Teachings: Confucianism, Daoism, and Buddhism.)
Câu 7: Trung dung Khổng Thánh chỉ rành
Đức Khổng Tử dạy đạo trung dung. Cháu đích tôn của Ngài là Ông Tử Tư soạn lại lời Ngài giảng thành sách Trung Dung, quyển thứ hai trong bộ Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ,Mạnh Tử).
Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014), sách Trung Dung gồm ba mươi ba chương, nhưng thâu tóm lại chỉ có một chữ thành . Thành là hoàn thiện, khởi đầu từ lòng kính sợ có Trời tiềm ẩn ngay trong lòng mình, rồi trải qua quá trình tu học, rèn luyện, phát huy mọi phẩm chất cao quý tiềm tàng ở bản thân cho tới chỗ chí thiện, và kết thúc bằng sự phối Thiên, là hợp nhất với Trời. (Xem Trung Dung Tân Khảo, Quyển I, Chương 7: Xuất xứ và đại ý Trung Dung.)
Câu 9: Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh
Tu chơn dưỡng tánh: Phép luyện đạo của Tiên Gia để được giải thoát (cultivating one’s nature and improving one’s character).
Câu 10: Một cội sanh ba nhánh in nhau
Một cội: Hay một gốc, ám chỉ Đại Đạo; đâm ra ba nhánh tức là Tam Giáo, nhưng tuy ba mà vẫn giống in nhau, không khác.
Từ câu 5 đến câu 10 ngụ ý rằng tuy Nho dạy trung dung, Phật dạy từ bi, Lão dạy tu chơn dưỡng tánh, rốt cuộc cũng không ngoài cái nền tảng căn bản là người tu phải có lòng nhân ái, đức độ, lương thiện (Trong Tam Giáo có lời khuyên dạy / Gốc bởi lòng làm phải làm lành).
Vậy nên hình thức tuy ba tôn giáo mà cốt tủy chỉ là một mối của Đạo, ví như ba nhánh đều nảy sinh từ một gốc (Một cội sinh ba nhánh in nhau). Câu 10 ngụ ý nói rằng Tam Giáo đồng nguyên (Nho, Thích, Lão vốn cùng một nguồn gốc).
Câu 1-2 cho thấy đạo pháp ra đời nhằm mục đích giải khổ cho con người (Đạo pháp vị nhân sinh). Tam Giáo từ Đạo mà ra, nên Tam Giáo hay bất cứ tôn giáo nhân bản nào khác cũng đều ra đời vì mục đích vị nhân sinh. Phương tiện của từng tôn giáo có thể sai khác (cách tu hành, giáo lý...) nhưng quy lại vẫn là gốc bởi lòng làm phải làm lành. Tất cả giáo lý nhân bản ở cõi thế gian đều xuất phát từ một lẽ duy nhất là đi tìm cho chúng sinh sự giải thoát. Thế nên ngày nay, Cao Đài xướng lên rằng Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý. (The Three Teachings originated from the same source; underlying all doctrines is one truth.)
Khi người học đạo hiểu rõ lý lẽ sâu xa (câu 11) này rồi, thì phải biết bỏ óc phân biệt, kỳ thị tín ngưỡng, và hãy biết giữ lòng ngay thẳng, trung thực để tụng kinh (câu 12): Làm người rõ thấu lý sâu / Sửa lòng trong sạch tụng cầu thánh kinh.
IV. TỔNG LUẬN
Kinh cúng tứ thời chính là kinh của cả Tam Giáo, xưng tán chung Tam Giáo. Ai không trọng Tam Giáo thì không thể tụng kinh cúng tứ thời, cho nên bài Khai Kinh liền dẫn dạy lẽ Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý, để giác mê cho những ai còn nặng óc kỳ thị tín ngưỡng.
Lại còn một lẽ thứ hai là khải ngộ. Người nào dù biết trọng Tam Giáo, không hủy báng Tam Giáo, nhưng tụng kinh cúng tứ thời mà không lãnh hội được lẽ Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý thì chẳng khác gì vô tình đã xa lìa Tam Giáo. Vậy Khai Kinh là để khải ngộ cho con người hiểu thấu được lẽ ấy.
Huệ Khải soạn
Đức Lê Đại Tiên dạy: “Đây, nghe Lão dạy người Tu Sĩ: (…) phải nằm lòng Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, phải hiểu rõ từ nghĩa lý tác dụng của bài kinh.”
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Bính Ngọ (03-6-1966)