CHÚNG
TÔI GÕ CỬA CAO ĐÀI
TRẦN NGỌC TÂM
Bà
ngoại của tôi là Đàm Thị Kiều (thánh danh Bạch Phụng), tu học và hành đạo tại
Tam Giáo Điện Minh Tân (quận Tư, Sài Gòn). Sau khi Minh Tân ngưng hoạt
động, bà tu hành tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (tên gọi
hiện nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, số 171B Cống Quỳnh, phường
Nguyễn Cư Trinh, quận 1).
Thuở còn nhỏ tôi được bà ngoại dẫn đến
thánh thất nhiều lần nhưng thật sự tôi chẳng biết gì về đạo Cao Đài. Khi tôi và
Bạch Tuyết kết hôn, ý thức về tâm linh của vợ chồng chúng tôi vẫn mờ nhạt, và
cả hai đều không có ý định theo một tôn giáo nào hết.
Bà ngoại tôi sống với bà dì trong căn nhà
trên đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu), quận 1, trong nhà có lập Thiên
Bàn, thờ Thiên Nhãn. Khoảng năm 1982 hay 1983, bà dì bán căn nhà đó nên bà
ngoại dọn sang nhà vợ chồng tôi ở kế bên, Thiên Bàn thì bà đem gởi vào Tam Giáo
Điện Minh Tân.
Lúc đang giữ chức vụ Đệ Nhị Phó Chủ Tịch
Nữ Chung Hòa tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, bà ngoại chúng tôi tạ thế
ngày mùng 3 Tết Mậu Dần (Thứ Sáu 30-01-1998). Vợ chồng chúng tôi rất lúng túng,
không biết xoay xở ra sao. May thay! Hai người bạn đạo của bà tại Cơ Quan Phổ
Thông Giáo Lý Đại Đạo là Giáo Sĩ Huệ Ý (thế danh Đoàn Thiện Tâm, còn gọi Thiền
Tâm) và đạo tỷ Hồng Mai (thế danh Trương Kim Hoa) đã sớm tới nhà vợ chồng tôi,
hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn chu đáo mọi việc cần thiết theo nghi thức tang lễ
Cao Đài.
Tuy nhiên, nếu làm đúng nghi thức thì nhà
chúng tôi lại thiếu Thiên Bàn vì vợ chồng chúng tôi không theo đạo Cao Đài. Sau
khi Giáo Sĩ Huệ Ý giảng giải, thuyết phục và mọi người đồng thuận, tôi lập tức
tới nhà đạo tỷ Hồng Mai ở quận Phú Nhuận để xem kiểu Thiên Bàn rồi về nhờ thợ
làm gấp.
Đám tang bà ngoại tổ chức tại nhà tôi.
Tang quyến gồm có gia đình tôi, gia đình em gái tôi, đầy đủ các cháu. Sau tang
lễ là chín lần cúng cửu (tổng cộng tám mươi mốt ngày), rồi tới tiểu tường và
đại tường (mãn tang). Tất cả chín lần cúng cửu, hai lần tiểu và đại tường đều
tổ chức tại thánh thất Bàu Sen (quận 5). Ngoài bổn đạo Bàu Sen còn có các bạn
đạo của bà ngoại tôi ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
Qua tang lễ bà ngoại, từ khởi đầu cho tới
lúc mãn tang, vợ chồng chúng tôi rất cảm động khi tận mắt chứng kiến tình đồng
đạo đằm thắm giữa những người Cao Đài đối với gia đình chúng tôi trong lúc hữu
sự, bất kể chúng tôi hãy còn lạ lẫm với quý vị ấy. Thật vậy, tất cả nam nữ đạo
hữu, dù chức việc hay tín đồ, dù trẻ tuổi hay cao tuổi, mọi người đã tự nguyện
đảm trách chu đáo các phần việc với lòng tận tụy, chân thành san sớt sẻ chia
cùng tang quyến.
Gia đình chúng tôi rất ngạc nhiên khi
biết rằng chúng tôi không phải đóng góp tiền bạc với bất kỳ danh nghĩa nào cho
tang lễ bà ngoại tại nhà mình và suốt cả quá trình dài ngày cầu siêu ở thánh
thất. Tất cả đều “miễn phí”! Chúng tôi vỡ lẽ rằng tang lễ trong đạo Cao Đài
hoàn toàn không phải là một “dịch vụ” như thường thấy trong xã hội; tang chủ do
đó không phải bận lòng toan tính xem mình sẽ chi trả bao nhiêu theo biểu giá có
mức cao mức thấp khác nhau của bên đảm nhận thực hiện phần nghi lễ.
Chúng tôi lại có thêm ấn tượng sâu sắc
khi quỳ cúng giữa lớp lớp những tà áo trắng tinh tươm làm tôn lên vẻ trang
nghiêm của từng thời cúng. Thật vậy, mỗi thời cúng lại được nghe các bài kinh
Cao Đài với lời thơ tiếng Việt mỹ miều, truyền cảm, con tim chúng tôi lay động
theo từng chữ từng câu lọt vào tai, vào tận tâm hồn chúng tôi, khiến chúng tôi
rất xúc động, không cầm được nước mắt.
Ba tháng sau ngày bà ngoại tạ thế, hai vợ
chồng chúng tôi xin nhập môn Cao Đài ngày 01 tháng 4 năm Mậu Dần (Chủ Nhật
26-4-1998) tại thánh thất Bàu Sen. Con trai lớn chúng tôi nhập môn vào rằm
tháng 8 cùng năm tại Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An). Em trai cháu thì nhập
môn tại thánh thất Bàu Sen vào rằm tháng 10 năm Giáp Ngọ (Thứ Bảy, 06-12-2014).
Noi gương bà ngoại, vợ chồng chúng tôi
xin vào làm nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, vừa để học hỏi giáo
lý, có điều kiện làm công quả, và quan trọng hơn nữa là được thọ truyền tâm
pháp đại thừa, thực hành công phu. Con trai lớn chúng tôi thì sinh hoạt tu học
chung với lớp trẻ cùng trang lứa trong Cơ Quan này.
Bà ngoại chúng tôi tạ thế nào ngờ lại là
một nhân lành duyên thiện để vợ chồng con cái chúng tôi bước vào ngôi nhà Đại
Đạo, cùng làm môn đệ Đức Cao Đài trong Kỳ Ba đại ân xá. Chúng tôi rất hạnh phúc
khi Bạch Tuyết (vợ tôi) được Ơn Trên chứng giám cho quá trình nhiều năm chí
thành công quả tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý và nhân mùa Khai Minh Đại Đạo năm
Đinh Dậu, Đức Tôn Sư Đông Phương Lão Tổ từ bi ban cho thánh danh để khuyến dạy
người bạn đời cũng là bạn đạo của tôi rảo bước tiến xa hơn nữa trên đường tâm
pháp (công phu):
Hiền
Bạch Tuyết do bền công quả
Đường
công phu đâu đã chuyên tâm
Nhớ
rằng càng tịnh càng thâm
Thánh
danh HỒNG TUYẾT, phải chăm hằng ngày.
Chúng tôi cũng không quên rằng nhờ đám
tang của bà ngoại mà cả gia đình chúng tôi được dẫn dắt vào đạo Cao Đài. Như
vậy, tang lễ trong đạo Cao Đài không chỉ là pháp môn độ tử mà còn là pháp môn
phổ độ cho bá tánh. Vào đạo rồi, dần dần tôi biết thêm gia đình chúng tôi không
phải là trường hợp duy nhứt. Thế nên, vợ chồng chúng tôi bảo nhau siêng chăm
tham gia cúng kính, cầu kinh mỗi khi có đạo hữu quy liễu. Cũng là một cách góp
phần trợ duyên cho những người có thiện căn gõ cửa Cao Đài, bước vào ngôi nhà
Đại Đạo.
TRẦN NGỌC TÂM
02-6-2018