ĐỌC LẠI CHUYỆN GIẢI
BUỒN
HUỆ KHẢI
Paulus Huình Tịnh Của, hiệu Tịnh Trai, sinh
năm 1830 tại làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu),
làm công chức tới ngạch đốc phủ sứ,([1]) rất có công
truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu ở đất Nam Kỳ. Năm 1908 ([2]) ông Paulus (Phaolô) Của trở về với Chúa, được an táng tại Bà Rịa.
Ông soạn Chuyện
Giải Buồn gồm hai tập (tổng cộng 112 truyện), in lần đầu ở Sài Gòn năm 1880
(tập đầu) và năm 1885 (tập sau). Vì ông không ghi xuất xứ các truyện ông dịch
nên phần đông độc giả Nam Kỳ hâm mộ Chuyện
Giải Buồn đều khó biết rằng rất nhiều truyện ly kỳ trong sách được dịch từ
bộ Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh
(1640-1715).([3])
Là tín hữu Công Giáo, nhưng trong Chuyện Giải Buồn Paulus Của không loại trừ niềm tin về luân hồi
chuyển kiếp. Có thể ông không quan tâm tới khác biệt tiểu tiết về tín lý, mà chỉ
nhắm tới tính chất cốt lõi của những chuyện kể trong hai tập sách ấy là khuyến thiện. Do đó, một số chuyện còn dạy
người đời hãy biết sợ nhân quả báo ứng, hãy biết ăn hiền ở lành.
Tôi tuyển lại đây một số chuyện kể thú vị trong hai tập Chuyện Giải Buồn. Mỗi chuyện đều được
Paulus Của đánh số thứ tự, và tôi giữ nguyên số thứ tự của mỗi chuyện ấy khi
trích lại nơi đây. Lỗi chánh tả trong nguyên bản thì phải sửa lại. Những tiếng
Việt cổ sẽ được chú thích cho dễ hiểu.
Ước mong rằng những chuyện này có thể giúp ích cho quý vị thuyết
minh giáo lý, bình giảng thánh giáo, hướng dẫn các lớp hạnh đường, v.v...
Trích Chuyện Giải Buồn, tập đầu (Sài Gòn,
1880)
2. Cầu tiếng chửi cho rụng lông vịt
Có một
ông già nhơn đức hiền lành, cả đời không hề biết chửi ai. Lối xóm có đứa gian
thấy ông ấy nuôi vịt, lén tới bắt trộm một con, đem về làm thịt mà ăn. Đứa gian
ấy ăn con vịt rồi, không biết làm sao lông vịt mọc ra đầy mình, lấy làm sợ hãi;
phần thì xốn xang khó chịu, phần thì xấu hổ, không dám ra khỏi nhà, vợ con nó
chạy thuốc thang gì uống vào lông vịt cũng không rụng, nó lại càng kinh hãi hơn
nữa; nó cầu khẩn hết sức, xin cho khỏi tật gì quái gở như vậy.
Đêm kia
nó nằm chiêm bao thấy thần nhơn mách bảo rằng: Phải lạy ông già nhơn đức ấy,
xin ông ấy chửi cho một tiếng, thì rụng hết lông vịt, chẳng phải cầu thầy chạy
thuốc làm chi.
Trời vừa
rựng sáng, thằng ăn trộm vịt lật đật qua nhà ông già, ban đầu kiếm điều nói dối,
mà rằng: Tôi nghe ông mất một con vịt, tôi thấy thằng ở một bên tôi ăn cắp, nó
sợ chửi lắm, nếu ông chịu chửi một tiếng, nó phải trả lại cho ông bây giờ.
Ông già
nói: Ối thôi! Mất còn, còn mất cũng chẳng làm gì, ai có hơi đâu mà chửi nó cho
mệt.
Thằng ăn
cắp thấy ông già không chịu chửi, tức mình phải lạy mà thú thiệt rằng: Tôi ăn cắp
vịt ông mà bởi tôi ăn thịt nó rồi thì mình mẩy tôi mọc đầy những lông vịt, uống
thuốc gì cũng không rụng; nay có thần nhơn mách bảo, dạy tôi phải thú thiệt
cùng ông, xin ông chửi một tiếng thì lông vịt sẽ rụng hết; vậy xin ông làm phước,
chửi giùm cho tôi một tiếng, kẻo tôi đau đớn khó chịu lắm. Nó và nói và khóc,([4]) ông già thấy
vậy động lòng, mới chửi một tiếng, tức thì lông vịt trong mình thằng ăn cắp rụng
sạch, trơn tru lại như cũ.
Kẻ bày
chuyện bàn rằng: Ấy tội ăn trộm đáng sợ hãi là dường nào, vì một lần ăn trộm mà
lông vịt mọc ra đầy mình; vả ([5]) sự chửi bới
cũng nên xa lánh là thế nào, vì một tiếng chửi trừ hết tội ăn trộm.
* Ghi chú của HK: Trong Dưới Mái Đạo Viện (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo,
2013; quyển 69.1 của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo), tôi bàn
về triết lý chuyện này như sau: “Miệng
thèm ăn ngon mà bắt trộm vịt là ẩn dụ tạo nghiệp khẩu; ăn xong bị mọc lông vịt
là ẩn dụ quả báo của nghiệp khẩu; nhờ bị chửi mà rụng lông vịt là ẩn dụ trả
nghiệp khẩu bằng cách phải chịu ác khẩu.” (tr. 109)
3.
Địa ngục ở miền dương gian
Có một người chết tức,([6]) phải
đi theo quỷ xuống âm phủ, vua Minh Vương tra bộ không có tên, nói quỷ bắt lầm,
dạy quỷ phải đem trả lại dương gian. Người bị quỷ bắt có ý tọc mạch, muốn coi
chỗ âm ty ra làm sao, mới nói nhỏ với quỷ, xin đem đi coi cho biết. Quỷ nghe
lời, dẫn người ấy đi coi khắp chín cửa ngục, tới một chỗ thấy có một thầy sãi
bị cột ngang bắp vế mà treo ngược lên, kêu van rên xiết khốn nạn.([7])
Người ấy bước gần, coi tạn mặt,([8]) thì
là anh ruột mình, liền thất kinh hỏi quỷ làm sao mà anh mình phải treo lên khốn
khổ như vậy. Quỷ nói tại nó quyên tiền người ta, tưởng để mà làm phước, chẳng
dè quyên đặng bao nhiêu, nó đánh bạc hết bấy nhiêu, cho nên phải phạt tội nó
như vậy. Người ấy lại hỏi quỷ có lẽ gì ([9]) mà
cứu anh mình chăng. Quỷ nói phải ăn năn sám hối thì khỏi.
Đến khi người quỷ bắt lầm sống lại, nhớ
việc mình thấy dưới âm phủ, bèn tưởng tới người anh ruột đương tu bên chùa Tập
Phước, mới đi qua đó mà thăm anh. Tới nơi thấy anh nằm xó vách, đau một cái ung
lớn ở dưới bắp vế, phải treo chon lên, in như ([10])
chuyện thấy dưới âm phủ, thì lấy làm sợ hãi, hỏi anh làm sao mà phải treo chơn
lên?
Người anh nói: Tao đau cái ung độc dữ
quá, nếu không treo chơn lên, thì nó đau thấu ruột gan. Người em học lại ([11]) mọi
việc mình đã thấy dưới âm phủ cùng các lời quỷ nói, thì người anh thất kinh, ăn
năn thống hối, qua ít ngày chỗ ung độc lành; từ ấy mới trở nên một ông thầy sãi
tốt.
Kẻ bày chuyện bàn rằng: Đứa tiểu nhơn
thường nói chừng nào xuống địa ngục sẽ hay; mà chẳng biết những sự họa hại ở
đời nầy, thì rõ ràng là hình phạt dưới địa ngục.
* Ghi chú của HK: Ông thầy tu chùa Tập
Phước phạm tội quyên tiền bá tánh rồi đem đánh bạc. Hiểu rộng ra là mượn danh
làm đạo quyên tiền rồi dùng cho việc riêng. Kinh
Sám Hối (câu 261-264) răn dạy:
Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
Ăn gian xới bớt cho mình,
Nhưng quả báo của ông ấy đâu phải đợi
xuống âm phủ; lúc còn sống mà đã phải bị treo chân. Đó là quả báo nhãn tiền.
Như vậy, phải chăng những hoạn nạn đời người chính là để trả quả kiếp trước và
hiện tại?
4. Ăn
mày xin vàng nén
Có một người giàu có lớn, mà hà tiện cũng
lớn, cứ bo bo giữ của không chịu làm phước cho ai. Có một tên ăn mày tới xin
quyết ([14]) một
nén vàng,([15])
người nhà giàu phát giận, nói giá ăn mày ([16]) dám
xin tới vàng nén, biểu đày tớ đuổi đi. Tên ăn mày la lết ([17])
không chịu đi, cứ việc ở trước nhà mà xin mãi. Trong nhà không ai thèm nói tới,
tên ăn mày sớm đi xin chỗ khác, trưa lại lộn về ở tại nhà giàu mà nài hoài cho
đặng nén vàng.
Nó làm như vậy đã đặng ba năm, người nhà
giàu thấy nó có công gắn vó,([18]) cũng
mỏi lòng ([19]) mà
chịu cho. Tên ăn mày được nén vàng, thì làm bộ nhảy nhót mầng rỡ bội phần, liền
cổi áo gói lại mà đi. Khi tên ăn mày đi ra một đỗi, thì người nhà giàu sai một
đứa đày tớ theo rình coi lão ăn mày đem nén vàng đi đâu, cùng làm ([20])
chuyện gì với nén vàng. Tên đày tớ đi theo xa xa, thấy lão ăn mày đi thẳng ra
ngoài đồng, tới chỗ bóng mát ngồi xuống mở áo lấy nén vàng, dồi lên dồi xuống
mà giỡn chơi, coi ra ý mầng rỡ lắm.
Cách một hồi lão ấy buồn ngủ, nằm chèo
queo, nén vàng thì để trần ([21]) một
bên chỗ ngủ. Đứa đày tớ nom đặng, chờ lão ăn mày ngủ mòm,([22]) lén
lại lấy nén vàng đem về cho chủ, chủ mầng còn nén vàng, liền đem đi cất. Lão ăn
mày thức dậy thấy mất nén vàng, không thèm tìm kiếm, xăm xăm trở lại nhà giàu
mà xin nén khác.
Ông nhà giàu nói: Mới cho một nén làm gì
hết đi, mà còn xin nữa?
Lão ăn mày nói: Tôi vừa nhắm mắt, nó liền
mất đi, nên phải xin ông nén khác.
Ông nhà giàu nghe nói, dường như ai soi
sáng tấm lòng, liền hiểu sự đời: Hễ con người ta nhắm mắt rồi thì chẳng còn của
cải sự nghiệp gì nữa; mới khẩn nguyền xin tán của cải ([23]) mà
làm phước với thiên hạ; sau nghĩ lại, mới biết người ăn mày ấy là tiên.
* Ghi chú của HK: Giấc ngủ của lão ăn mày
ẩn dụ cái chết. Chết là hết. Của cải có nhiều cỡ nào cũng không giữ được. Chỉ
còn hai bàn tay trắng.
HUỆ KHẢI
([1]) Đốc phủ sứ (thường gọi tắt đốc phủ) là ngạch công chức cao hơn
ngạch tri phủ. Ngạch tri phủ có hai
hạng: tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe);
tri phủ hạng nhứt (phủ de 1er classe).
(Tham khảo: Ngày 01-01-1924 tiền khai Ngô Văn Chiêu thăng lên ngạch tri phủ
hạng nhì, tiền lương là 1.672 đồng. Ngày 01-7-1926 tiền khai Ngô Văn Chiêu
thăng lên ngạch tri phủ hạng nhứt, tiền lương là 1.933 đồng. Dưới ngạch tri phủ
là ngạch tri huyện, cũng có hai
hạng: tri huyện hạng nhì (huyện de 2e
classe); tri huyện hạng nhứt (huyện
de 1er classe). (Tham khảo: Ngày 14-7-1920 tiền khai Ngô Văn Chiêu thăng
tri huyện hạng nhứt, tiền lương 1.222 đồng.) Thơ ký các cơ quan hành chánh Nam Kỳ thời Pháp thuộc muốn được
thăng lên ngạch huyện, phủ đều phải qua các kỳ thi rất gắt gao.