Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

09 Chuyện Đạo - ĐẠO UYỂN 2018


TẢN MẠN CHUYỆN ĐẠO
NGUYỄN VĂN NGHĨA
1. Có lần đi cúng ở thánh thất, sau khi bãi đàn tôi bắt gặp hai chị em vừa cúng ra, đang tìm đôi dép để chung trong đống dép của các đạo hữu, nhưng không thấy. Với vẻ buồn bực, người em thốt: “Ở đây chỉ có người đi cúng mới lấy đôi dép thôi chớ không phải người ngoài. Người biết tu rồi mà còn tham quá!” Nghe thế, người chị khuyên: “Em không nên nói vậy. Kỳ lắm! Thôi, bỏ đi. Mình đến đền thờ lạy Phật Mẫu rồi ra chợ mua đôi khác.”
Hai chị em ra lấy xe máy rồi chạy đi. Cùng lúc ấy tôi đi bộ đến Điện Thờ để bái lạy. Vừa đến nơi, tôi lại thấy hai chị em khi nãy đang đi lòng vòng ngoài sân, mắt chăm chăm nhìn chân từng người để tìm đôi dép mới vừa bị mất cắp. Người chị hậm hực bảo người em: “Mày nhìn kỹ dưới chân mấy người đi cúng, nếu bắt gặp họ mang dép thì chỉ cho tao. Tao lột dép đập lên đầu cho nó biết nhục, cho nó bỏ tánh tham.”
Người em mỉm miệng cười, vừa vuốt nhẹ lưng chị vừa nói khẽ như đùa: “Hồi nãy, khi mất dép em chỉ mới cằn nhằn thôi là chị rầy em rồi. Ai dè chị còn nóng tánh hơn em nhiều. Thôi đi chị, chị em mình hết xui rồi.” Người chị tuy còn bực nhưng có vẻ ngượng ngùng, bào chữa: “Ờ, ờ... Lúc giận thì nói vậy thôi, chớ làm vậy coi sao được.”
Người em cười tươi rồi nói: “Lâu nay em thấy trong lòng chị lửa còn nhen nhúm. Coi chừng có ngày nó sẽ đốt cháy hết cả rừng công đức của chị đó. Thôi, trưa rồi. Chị em mình ra chợ mua dép mới rồi đến quán dùng cơm luôn nha.”
Cả hai cùng nắm tay đi ra bãi giữ xe. Tôi đứng tựa vào vách tường suy gẫm: “Trong lòng vẫn có lửa ư? Nó ở nơi nào sao không ai thấy? Thế mà nó lại có thể đốt cháy cả rừng công đức. Khiếp thật! Câu nói rất ấn tượng. Quả thật như vậy.
2. Tôi có một anh bạn đạo thân quen nhiều năm nay. Anh thông thạo giáo lý và nói chuyện đạo rất hoạt bát. Anh thường khuyên bạn bè nên ứng xử tốt với mọi người.
Có lần tôi chứng kiến một em học sinh chạy nhanh băng qua đường, té nhào vào chiếc xe máy của anh khiến cả hai cùng té ngã. Anh đứng lên thật nhanh, một tay nắm cổ áo em bé còn tay kia tát vào mặt em. Lúc ấy có vài người bước đến đỡ em bé đứng dậy và ngăn cản. Nhưng anh vẫn tiếp tục đánh, lại còn hăm he khiến em bé hoảng sợ, vừa khóc vừa bỏ chạy. Thấy vậy, mọi người xung quanh bất bình, biếm nhẽ và tôi cảm thấy không còn tôn trọng anh như trước.
Vài hôm sau tình cờ gặp anh, tôi mời ngồi uống nước, chủ ý tâm tình với anh việc vừa qua. Nhưng anh không muốn nghe, lại còn tỏ vẻ bất bình, trách móc tôi xen vào việc của anh, rồi đứng dậy bỏ đi.
Ngồi buồn một mình, tôi suy tư thắc mắc, tại sao nhiều người đã theo đạo lâu rồi mà tâm tánh không thay đổi, thói hư tật xấu vẫn còn, cố chấp, bảo thủ, che đậy, lừa dối, v.v... Tôi luôn trách họ.
Sẵn trên tay có quyển sách của đạo Thiên Chúa mới vừa được người bạn cho mượn về xem, tôi ngồi lật xem cho khuây khỏa. Sau vài trang đầu quyển sách, tôi thấy ngay lời Chúa dạy: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Luca 6 :41). Tôi sực tỉnh, nghiền ngẫm, soi rọi lại bản thân, thấy mình cũng không khác gì họ.
3. Đọc trong sách nhà Phật, tôi thấy có đề cập “tu tánh luyện mạng” và “trau tâm sửa tánh”. Dù đọc mãi nhưng tôi vẫn luôn suy tư, trăn trở để tìm ra phương pháp thực hành.
Thời gian không lâu, nhờ xem được mẩu chuyện về cách tu của ngài Trình Tử, dùng hai cái hũ để đựng hạt đậu: Làm điều tốt thì bỏ vào hũ này hạt đậu trắng. Làm điều xấu thì bỏ vào hũ kia hạt đậu đen. Mỗi tháng ngài phấn đấu và khắc phục dần nên hạt đậu trắng thêm nhiều hơn còn hạt đậu đen giảm bớt đi.
Tôi áp dụng cách này thử vài tháng thấy có sự tiến bộ hơn, nhưng cố tìm mãi vẫn không thể biết hết lỗi lầm của từng hạt đậu đen. Vì chưa biết cách khắc phục nên sự lỗi lầm vẫn luôn tiếp diễn.
Tôi chợt nghĩ cách là mỗi ngày dành thời gian vào buổi tối, trước khi ngủ ngồi tĩnh tâm, quán tưởng mọi sự việc diễn tiến trong ngày, giống như mình đang xem lại đoạn phim mà chính mình là diễn viên mới thấy được từng lỗi lầm của mình.
Trong lúc ngồi quán tưởng, tái hiện diễn tiến từng sự việc, điều hết sức kỳ diệu là tôi cảm nhận như có người luôn ở bên trong tôi đang giám sát đoạn phim do tôi đang diễn. Thấy tôi làm được điều tốt thì vị giám sát có lời khen ngợi, khuyên nên cố gắng phấn đấu. Khi thấy tôi lầm lỗi thì vị ấy phân tích đúng sai, chỉ dẫn... Tôi tự thấy hổ thẹn và hứa khắc phục, chớ không như trước đây, hễ ai chỉ ra việc xấu của tôi thì tôi bất mãn, phẫn nộ.
Sau này, khi được xem bài Tam Thể Xác Thân do Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy (1950), tôi chợt nghĩ: Người diễn viên trong đoạn phim quán xét ấy phải chăng chính là Tánh (là Chơn Thần) do Đức Phật Mẫu chiết ra, ban cho sự khôn ngoan hiểu biết? Còn vị giám sát đang phán xét chính là Tâm (là Chơn Linh) do Đức Chí Tôn chiết ra, ngự trị trong mỗi con người của chúng ta?
Giai đoạn đầu, những thói hư tật xấu tích lũy lâu ngày không thể khắc phục được hoàn toàn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên tôi ý thức được rằng dù những thói hư tật xấu vẫn tái tục nhiều lần (ví dụ như khi còn cơn giận thì tự biết chưa hoàn thiện), nhưng lần sau thấy gương mặt, cử chỉ, hành động dịu hiền hơn, biết là sự tu tập của mình có tiến bộ.
Do sự tìm tòi học hỏi, nhờ xem được bài học ngàn vàng rằng “hễ làm bất cứ việc gì trước hết phải xét hậu quả của nó”, và câu châm ngôn “hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, tôi rất lấy làm thích thú và cố gắng thực hành, vì nếu đợi hư mới sửa thì sự việc đã rồi. Lúc thực hành, tôi nghĩ đơn giản là mới vừa muốn làm điều gì thì phải dành thời gian ngắn suy xét kỹ trước khi hành động.
4. Tôi thường nghe nói Chủ Nhơn Ông hay là Lương Tâm nhưng thật sự lúc này tôi vẫn được chưa biết Tâm ở nơi đâu.
Có lần trong một giấc mơ tôi thấy Mẹ tôi tự trách: “Con ơi, con hư là tại Mẹ vì từ trước đến nay con muốn gì thì Mẹ đều chìu chuộng, đã đưa đẩy con vào nơi vực thẳm. Phải chi khi con muốn mà Mẹ hỏi ý Cha con thì đâu ra nông nỗi. Từ nay Mẹ giao cho con tự định đoạt chính bản thân mình. Con phải hiểu rằng trên đời muôn ngàn cạm bẫy. Con hãy thương chính con bằng trí tuệ sáng suốt và lòng dũng cảm mới có thể vượt qua được. Khi có điều gì còn phân vân, chưa tự quyết được thì nên hỏi ý Cha con trước nghe.”
Rồi Mẹ vỗ về, nhắn nhủ: “Mẹ mong con đặng phi thường, đặng đem con đến tận đường hằng sanh. Cha và Mẹ hằng mong đợi ngày con sum hiệp.”
Khi Mẹ vừa vẫy tay chào, tôi thấy mình lạc lõng, đơn côi, vội vàng ôm chặt Mẹ: “Mẹ ơi, con rất cần Mẹ. Xin Mẹ đừng bỏ con.”
Sao tôi thấy tình thương của Cha Mẹ thật bao la vô tận, khiến tôi không cầm được nước mắt. “Con xin lỗi vì cảnh đời vật chất mà con xa rời Cha Mẹ. Bây giờ con mới hiểu rằng thể xác, trí não tinh thần và linh hồn của con đều do Cha Mẹ ban cho. Cha Mẹ luôn lo lắng vì con. Con nguyện từ nay vâng lời Cha Mẹ. Cha Mẹ hãy an tâm, xin tha thứ cho con.”
Lúc này tôi cảm nhận như Cha Mẹ chạm nhẹ bàn tay vào đầu tôi, khẽ cười và nói: “Này hỡi con ngoan, khi chung sống trong một gia đình, mọi người hòa hợp cùng nhau thì có niềm vui nào bằng phải không con?”
Lúc này tôi không hiểu sao khi Cha Mẹ tôi cười mà nước mắt tôi cứ tuôn trào ràn rụa khiến tôi nức nở nghẹn ngào. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới cảm nhận rằng nước mắt không chỉ thể hiện sự đau khố tuyệt vọng mà khi có được niềm vui tuyệt đỉnh, cảm xúc dâng trào cũng được biểu hiện bằng nước mắt.
NGUYỄN VĂN NGHĨA
Bàu Năng, Tây Ninh, ngày 14-5-2018.