Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

02 Đời Đáng Yêu - ĐẠO UYỂN THU 2018


Thánh giáo
ĐỜI ĐÁNG YÊU
CHỚ KHÔNG ĐÁNG CHÁN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
Tuất thời, ngày 15-7 Giáp Dần (Chủ Nhật 01-9-1974)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Pháp Đàn: Chơn Tâm. Đồng Tử: Hoàng Mai xuất khẩu. Điển ký: Ngọc Kiều, Hồng Cẩm, Kim Nhung, Lập Hạnh.
(…)
THI
Ngày tháng trôi qua rất lẹ làng
Chưa nguôi lửa hạ gió thu sang
Hỡi người sứ mạng Thiên ân đó
Nhặt bấy công lao mấy dặm ngàn.
CAO TRIỀU PHÁT
Chào chư Thiên ân hướng đạo. Chào chư hiền hữu hiền muội. Mừng các em thanh thiếu niên.
Giờ này Tiên Huynh đến để cảm thông với chư hiền hữu, hiền muội vài dòng đạo sự. Mời chư hiền hữu, hiền muội cùng các em đồng an tọa.
Hỡi hiền hữu, hiền muội! Hỡi các em thanh thiếu niên! Tiên Huynh là người đã tự nhận một sứ mạng qua một đoạn đường. Hiện tại phần hữu hình không còn nữa để phục vụ cho hữu hình, chỉ còn thần lực vô hình chờ đợi dòng cảm ứng giữa tâm linh và thần minh để góp tay vào công việc tái tạo dinh hoàn mà thôi. Thế nên Tiên Huynh trông cậy ở chư hiền hữu, hiền muội và những người Thiên ân sứ mạng, những hàng môn đệ tín hữu trung kiên góp tay nhau chung lo sứ mạng của dân tộc này được phó giao trong Tam Kỳ Phổ Độ và cũng chính dân tộc này mới đáng phổ độ trước hết. Với sứ mạng to tát trong thời hạ nguơn, Tiên Huynh chỉ nhận một phần vụ thay Lê Đại Tiên lo về phần thanh thiếu niên.
Ngày còn tại thế, Tiên Huynh có tổ chức một đoàn thể [mang tên] Thanh Niên Đạo Đức ([1]) mà hiện giờ vẫn còn duy trì hoạt động trong mọi cảnh khó khăn. Khai sanh một danh từ cho một tổ chức, một đoàn thể là để thực hiện mục đích của chính danh Thanh Niên Đạo Đức. Danh từ có tính cách ước vọng tổng quát là làm thế nào cho mỗi người thanh niên đều có đạo đức trong đoàn thể đạo đức. Để làm gì? Có phải để mang những chiếc đạo y hàng ngũ hóa, để cúng để lạy, ê a tiếng kệ câu kinh?
Ngoài hình thức đạo, người thanh niên phải có chí hướng quật khởi tinh thần đạo đức để cải tạo bản thân, cải tạo gia đình, cải tạo xã hội đạo đức bằng cách bắt nguồn từ những mầm non trong khu vườn cây ương của nước non, của dân tộc.
Hoài bão của Tiên Huynh là thế, dù thực tại có phũ phàng. Những cơn gió lốc của lòng tham dục bạo tàn. Những ngọn lửa chiến tranh ác liệt trùm phủ khu vườn nhân thế. Những hàng tre già đang xác xơ cằn cỗi chống chỏi, chở che để những hàng măng mụt đang vươn mình trong muôn vàn khó khăn trở ngại.
Giai đoạn đã qua, con tàu đã đến bến, người lữ khách dời chân. Con tàu lại vượt trùng dương đón những người khách mới. Giờ phút trở lại trần gian với Cơ Quan, Tiên Huynh lại đến với các em thanh thiếu niên trong sứ mạng phổ thông giáo lý. Một trách nhiệm liên tiếp của Thiên cơ, tùy thời cơ mà thực hiện, hẳn không có gì để lòng thắc mắc cho ngại bước đăng sơn.
Hỡi chư hiền hữu, hiền muội! Hỡi các em thanh thiếu niên! Đời hiện tại, đời đang có những gì? Đời có rất nhiều sự việc đáng yêu, không đáng chán, chỉ chưa biết dùng đến những điều kiện chính yếu để bảo đảm lòng yêu, nên không biết yêu mà cũng không hề chán.
Đời tiến bộ, đời văn minh, đời khoa học, đời đạo lý. Có rất nhiều nhà bác học đại tài lên cung trăng, dò đáy biển. Có những nhà phát minh nguyên tử, một tiếng nổ ngã gục hàng ngàn sanh mạng, một loạt hơi cũng đủ cho rừng cây nội cỏ ủ lá khô cành. Những cái phát minh hùng hậu trong lý trí con người đang lấn át cả nội tại, chỉ còn cái vỏ bên ngoài. Tiến bộ, văn minh, khoa học, đạo lý không đủ sức ngăn chặn hòn bi trên dốc lửng đang xuống, xuống vực thẳm cơ hàn và tiêu diệt. Muốn yêu đời không được yêu. Muốn chán đời không được chán. […] Thực trạng có phải thế không? Tuy nhiên, đời có thạnh suy bĩ thới, ta hãy biết để tùy thời mà hoàn thành sứ mạng, chớ không phải biết để bó gối khoanh tay, than vắn thở dài, chờ vận đợi thời.
Dầu thế nào cũng chưa phải bất lực, vì Thượng Đế đã đến với hiện trạng và ở trong lòng mỗi người. Mọi người sẽ vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh nếu biết có Thượng Đế đang ngự trị ở lòng mình. Con người sẽ tiến bộ. Quốc gia sẽ văn minh. Khoa học sẽ giúp người đạt địa. Đạo lý sẽ giúp người thông thiên. Thế gian không còn là biển khổ, là sông mê. Đời đáng yêu chớ không đáng chán. Đoàn người tiếp tục sứ mạng hãy tâm niệm điều đó. Hãy nhớ trong cơn bão bùng phải yên lặng. Dù là tay thủy thủ chuyên nghiệp chớ giành lái con tàu. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục đưa con tàu đến bến.
Trở về phần thanh thiếu niên. Nầy các em thanh thiếu niên! Hãy nghe Tiên Huynh nói. Bao nhiêu năm tu học, các em đã trưởng thành mọi mặt với lứa tuổi thanh niên. Dầu ít dầu nhiều, toàn vẹn hay không toàn vẹn, các em cũng đã có và đang định hướng tiến đời cũng như đạo.
Bao nhiêu năm qua, các em đã hoạt động trong lông cánh của Cơ Quan. Tuy các em chưa thấy phỉ chí vẫy vùng, nhưng Tiên Huynh thấy các em ngoan lắm. Hãy cố gắng thêm. Trách nhiệm tương lai đang rất cần tới các em có điều kiện tối thiểu tài năng cấp bực Tu Sĩ, Giáo Sĩ để phục vụ cho đạo cũng như đời. Các em hãy nhớ lời Đức Mẹ dạy các em đêm rằm tháng Giêng Canh Tuất và những gì Tiên Huynh đã chân thành gởi gắm cho các em.([2])
(…)
Cuối cùng, Tiên Huynh có vài lời muốn nói với chư hiền hữu, hiền muội là nhắm vào sứ mạng to tát của Đại Đạo, nhắm vào sứ mạng của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, nhắm vào sức sống hiện tại của bản thân để tạo lập một tương lai vững chắc. Muốn có một vườn thật đẹp phải cần nhiều bàn tay thật khéo léo vun quén chớ không phải đợi chuyên nghiệp.
Tiên Huynh chỉ mong bấy nhiêu thôi. Chúc chư hiền hữu, hiền muội hoàn thành được khu vườn theo ý muốn. Giờ xin tạm biệt tất cả chư hiền hữu, hiền muội và các em thanh thiếu niên. Tiên Huynh lui gót. Thăng.
PHỤ ĐÍNH
1. THANH NIÊN ĐẠO ĐỨC ĐOÀN
Năm 1938, tiền bối Cao Triều Phát (1889-1956) thành lập Thanh Niên Đạo Đức Đoàn quy tụ thanh niên Cao Đài Hội Thánh Hậu Giang để huấn luyện những phần tử ưu tú, đạo đức, ngõ hầu xây dựng nền móng thuần túy, ổn định cho Đạo. Tiền bối được Hội Thánh cử làm Tổng Trưởng.
Ngày 27-10-1939 (15-9 Kỷ Mão): Bản điều lệ hoạt động của Thanh Niên Đạo Đức Đoàn với tên gọi Kỷ Luật Thanh Niên Đoàn Đạo Đức, gồm tám điều, do tiền bối Cao Triều Phát soạn được gởi đến chánh quyền thuộc địa. Ngày 27-11-1939, chủ tỉnh Bạc Liêu là Larivière ký duyệt. Sau đó, bản điều lệ được in tại nhà in Nguyễn Lộc Tiêng (Bạc Liêu), dày 18 trang (12,5x15,5cm). Theo đó, tín đồ nam (18-35 tuổi) gọi là thanh niên, mặc áo dài trắng và đội khăn đóng đen. Tín đồ nữ (16-30 tuổi) gọi là thanh xuân, mặc áo dài trắng.([3])

2. LỜI ĐỨC MẸ DẠY (15-01 CANH TUẤT)
Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, ngày 15-01 Canh Tuất (Thứ Sáu 20-02-1970), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy thanh thiếu niên:
Đây, mấy đứa nhỏ nghe Mẹ dạy. Hiện tình thế sự ngày nay, các con đang bị sống trong cơn lo ngại phập phồng đối với một tương lai không tự chủ. Con ơi, đời là thế! Nhưng Mẹ khuyên các con hãy định tâm lại và kiểm điểm mọi vấn đề. Có phải chăng các con vì nỗi lo âu trên đường số phận mà quên rằng các con đã có một chủ tâm hướng thượng, tức nhiên luôn luôn các con được an bài trong sự định đoạt của Thiêng Liêng? Làm trai ngũ hồ tứ hải, chí tang bồng há lại quên sao? Dầu cho ở cảnh nào, ở cương vị nào, các con cũng có đủ năng lực để làm tròn một sứ mạng của Thượng Đế phó giao là bổn phận làm người, là phổ thông giáo lý Đại Đạo. Nếu các con được vậy, tất nhiên có một quyền năng vô vi hỗ trợ các con trong mọi phương diện, mọi hoàn cảnh, để các con đi cuối tận con đường mà các con đã xác nhận và quyết định trong đạo lý.
THI
Hỡi các con ơi! Hỡi các con!
Tương lai đạo nghiệp ấy mầm non
Đời bao nhiêu cảnh bao thay đổi
Vững dạ mà lo sứ mạng tròn.

3. ĐỨC CAO TRIỀU PHÁT VỚI THANH THIẾU NIÊN
Tiền bối Cao Triều Phát quy thiên lúc 2 giờ chiều, ngày 09-9-1956 (05-8 Bính Thân) tại bệnh viện B303 (Hà Nội). Hơn mười năm sau, Đức Tiền Bối thọ sắc Thiên Đình trở lại trần gian để dìu dắt thanh thiếu niên trong Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo).
Có hai mốc thời gian ghi nhận sự trở lại của Ngài:
a. Ngày 08-02-1967 (29-12 Bính Ngọ): Đàn giờ Tuất tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, đường Nguyễn Khoái, Vĩnh Hội, quận 4, Sài Gòn), Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đã truyền lịnh cho Cao Triều Phát lai đàn hầu dạy thanh thiếu niên Phổ Thông Giáo Lý, để cho các con được thông cảm tình đồng đạo, và Cao Triều Phát lập công tiến vị theo sự khẩn cầu của Tiền Bối Đại Đạo đang ở bên cạnh của Thầy.” Sau đó, Đức Cao Triều Phát giáng cơ, xưng danh:
CAO thấp hơn thua một nước cờ
TRIỀU suy kẻ sĩ há làm ngơ
PHÁT ngôn chẳng ngại ai thương ghét
Bản tánh như nhiên tự thuở giờ.
b. Ngày 20-8-1967 (15-7 Đinh Mùi): Cũng tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, chiếu theo sắc lịnh Đức Lý Giáo Tông giao phó, Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý ([4]) được đặt dưới quyền trực tiếp lãnh đạo vô vi của Đức Tiền Bối Cao Triều Phát.([5])


([1])  Xem Phụ Đính 1 ở cuối bài thánh giáo này (tr. 9).
([2]) Xem Phụ Đính 2 và 3 cuối bài thánh giáo này (tr. 9-11).
([3]) Cao Bạch Liên và Huệ Khải, Hành Trạng Tiền Bối Cao Triều Phát. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 21, 22.
([4]) Ngày 30-8-1966 (15-7 Bính Ngọ), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch thành lập tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam một tập thể mang danh hiệu Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý.
([5]) Hành Trạng Tiền Bối Cao Triều Phát, tr. 30, 32.