Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

16 Cháu Bà Nội - ĐẠO UYỂN THU 2018



CHÁU BÀ NỘI, TỘI BÀ NGOẠI
LỘC ĐÌNH
Nói đến văn minh Việt Nam, nếp sống tình cảm Việt Nam thì phải dẫn hai câu tục ngữ này mà có lẽ chỉ dân tộc chúng ta mới có:
Nhất mẹ nhì cha, thứ ba bà ngoại.
Cháu bà nội, tội bà ngoại.
Câu trên, ai cũng hiểu được. Ông bà nào cũng yêu hết thảy các cháu, nhưng thường yêu cháu ngoại hơn cháu nội vì hai lẽ: Trong xã hội cổ, con gái về nhà chồng, ít người được sung sướng, cực nhọc thì nhiều mà được khen thì ít, nên cha mẹ thương con gái hơn là con trai ở bên cạnh mình, mà hễ thương con thì thương cháu; lại thêm cháu ở với ông nội, bà nội, lâu lâu mới về thăm bên ngoại, nên được bên ngoại cưng, mà hai tiếng “quê ngoại” luôn luôn gợi trong tâm hồn chúng ta những kỷ niệm cảm động mà nên thơ.
Còn câu dưới thì phải trải qua cảnh như anh em chúng tôi hồi nhỏ, mới hiểu được hết ý nghĩa thâm thúy, chua xót.
*
Tôi sinh ra đời thì bà nội và ông ngoại tôi đều đã quy tiên từ lâu, mà ông nội tôi cũng đã thất lộc được vài năm, nên tôi chỉ được biết có bà ngoại.
Đời bà thật long đong, lấy lẻ một ông phủ, chưa được mười năm thì góa chồng và chỉ sanh được mỗi một người con gái. Tính bà khảng khái, không chịu được thói quan cách và có lẽ hơi khinh bạc của con chồng, bà dắt má tôi hồi đó còn nhỏ, về ở với một người em trai, làm lược để nuôi con, nhất định không lui tới họ hàng bên chồng nữa. Khi tôi đã hơi lớn, mỗi lần giỗ ông ngoại hoặc các cụ ngoại tôi, má tôi đều dắt tôi theo, nhưng tuyệt nhiên không lần nào bà ngoại tôi đi cả.
Lược bà làm là thứ lược bí, ngày nay không còn thấy. Răng lược bằng tre cật, ngâm kỹ cho khỏi mọt, phơi thật khô rồi vót cho đều, nhỏ, mỏng, đặt cho sát nhau, chỉ hở một kẽ rất nhỏ bằng sợi tóc, sau cùng gắn lại bằng sơn. Công việc cần kiên nhẫn, khéo tay và tỉ mỉ.
Bà sống bằng nghề đó, chật vật trong mười mấy năm, chắc nhiều lúc thiếu thốn, có lần bị cháy nhà, nhưng không hề vay mượn của ai. Má tôi và tôi được di truyền tính đó của bà: Gặp những lúc nghèo túng thì thắt bụng lại cắn răng mà chịu, không nhận sự giúp đỡ của họ hàng.
Khi má tôi đã lớn, bắt đầu biết buôn bán thì bà tôi mới nghỉ làm lược, và ít năm sau, má tôi về nhà chồng thì ba má tôi đều mời bà về ở chung, như vậy mẹ con suốt đời không lúc nào rời nhau. Nhà tôi nghèo, không mướn người giúp việc, nên bà tôi coi việc bếp núc và săn sóc bốn anh em chúng tôi. Đứa nào cũng do bà đút cơm, bồng bế, tắm rửa cho cả, vì má tôi bận buôn bán quanh năm. Bà cực khổ nhất với tôi, vì hồi nhỏ tôi hay đau ốm. Lại thêm, lúc tôi vừa mới dứt sữa, ba tôi bị Pháp nhốt ở khám lớn Hà Nội một tuần lễ để tra khảo, bắt khai tung tích hai ông bác tôi làm quốc sự đã trốn từ lâu. Ba tôi có biết gì đâu vì hai bác tôi tuyệt nhiên không liên lạc gì với gia đình tôi hết. Suốt tuần lễ đó, ngày ngày bà tôi bồng tôi ngồi vào một chiếc nón ở gốc một cây me bên hông khám. Lớn lên mỗi lần đi ngang qua chỗ đó, tôi lại bùi ngùi nhớ lại chuyện cũ.
Hồi ức xa xăm nhất là năm tôi sáu tuổi. Lần đó vì mải chơi, không thuộc bài, tôi bị ba tôi nọc ra đánh. Tôi khóc lóc, van lạy; bà đương nấu bếp, vội bỏ đó, lên xin giùm cho tôi.
Tôi được tha tội, một lát sau, chạy xuống bếp; bà xoa đầu tôi hỏi:
- Có đau không con? Lần sau nhớ học xong rồi hãy chơi nhé. Bà đã nhắc con học, mà con không nghe lời. Bà đã để dành cái này cho con này.
Và bà chìa cho tôi một trái ô mai, không biết cất ở đâu từ hồi nào.
Bây giờ tính lại thì tôi thấy năm đó bà mới ngoài ngũ tuần, mà lưng đã khòm - có phải tại mười mấy năm ngồi vót răng lược không - và tóc đã bạc nhiều. Nước da bà sáng sủa, vẻ mặt thanh tú, thân hình nhỏ nhắn, nhưng trán thấp và ít nói, ít cười, suốt ngày cặm cụi làm việc và quanh quẩn với các cháu.
Mấy năm đó, anh em chúng tôi tương đối sung sướng, nghĩa là nhà cửa đông đủ, hòa thuận, không đói rét, thỉnh thoảng được ăn quà, tết nhất có áo mới.
Nhưng năm tôi tám tuổi thì ba tôi mất sau một trận đau vài tháng. Sáng sớm hôm đó bà tôi đánh thức tôi dậy, dắt tôi đi ngang qua chỗ ba tôi nằm. Mấy tuần nay, mùng của ba tôi không lúc nào vắt lên, nhìn vào thấy người nhắm mắt nằm yên, tôi tưởng người còn ngủ. Ra tới nhà ngoài rồi, bà tôi mới bảo:
- Cậu ([1]) con mất hồi gần sáng rồi. Con đương đau mắt, đừng khóc, mắt thêm sưng mà khổ đấy. Thương cậu thì cố nén đi. Hôm nay và vài hôm nữa con nằm ở nhà ngoài này. (Nhà ngoài đó là nhà của một bà cô tôi, vì ba gia đình chia nhau ở chung một ngôi nhà cổ, sâu thăm thẳm của tổ tiên để lại). Nào, nằm xuống bà đắp thuốc cho.
Tôi không khóc thành tiếng, nhưng thổn thức, nước mắt ứa ra.
Hai ngày sau, đưa ba tôi tới huyệt rồi, trở về nhà, vào lúc năm sáu giờ chiều. Trời gần cuối thu, u ám, lá bàng đỏ bay lả tả dưới gió lạnh. Tôi buồn và lo, nghĩ bụng: “Mới hai tháng trước cậu còn khỏe mạnh, và mới tuần trước ông lang còn bảo bệnh sẽ hết, mà bây giờ mình đã hóa ra con côi. Nếu rủi mẹ cũng lại đau nữa thì bốn anh em mình...! Lần đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thấm thía sự bất an toàn của kiếp người. Tôi chỉ lo thầm như vậy thôi, không dám thổ lộ ra với ai.
Từ đó tôi quấn quít với bà hơn nữa. Suốt ngày trong nhà chỉ còn có một già và bốn trẻ.
Ba tôi mất rồi, cảnh nhà thật thảm. Tôi là anh cả, mới tám tuổi, em gái út tôi mới sanh được mấy tháng. Một mình má tôi phải nuôi mẹ già và bốn đứa con nhỏ. Người còn lo lắng gấp mười, gấp trăm tôi nữa, nhưng cùng không phàn nàn, chỉ thỉnh thoảng, buổi tối, ngồi nói chuyện nho nhỏ với bà tôi và thở dài.
Một phần vì phải làm việc nhiều hơn trước để đủ chi tiêu, một phần vì về tới nhà chỉ thấy không khí lạnh lẽo, nên quanh năm người buôn bán không nghỉ, chỉ trừ ba ngày Tết, ngày thượng nguyên, ngày trung nguyên (2) đi lễ Phật và hai ngày giỗ: giỗ cha và giỗ chồng.([2])
Cảnh của người còn vất vả hơn cảnh bà Tú Xương:([3])
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
vì dù sao bà Tú cũng còn chồng.
Người ra đi từ mờ mờ đất, tối mịt mới về nhà, thành thử mọi việc trong nhà bà tôi phải đảm đương lấy hết. Lúc đó mà không có bà thì chắc anh em chúng tôi đã phải ly tán, kẻ về Sơn Tây với một ông bác, kẻ lại ở nhờ một bà dì mà chắc là chẳng học hành gì được cả. Thật là “tội bà ngoại”.
Sự chi tiêu trong nhà phải rút xuống cái mức tối thiểu. Bà tôi phải chắt bóp từng đồng. Ngày nay mỗi lần đọc bài “Nhặt Lá Bàng” ở đầu truyện Đôi Bạn của Nhất Linh,([4]) tôi lại xúc động nhớ lại thời đó, cứ cuối thu đầu đông, có gió lớn là bà bảo tôi và em trai tôi xách một cái thúng ra cửa ngõ nhặt lá bàng với bà. Bà lom khom lượm một lát, lại cố đứng ngay lên, đưa tay ra phía sau, đấm đấm vào xương sống.
Tôi bảo:
- Bà về nghỉ đi, để chúng con nhặt một nháy mắt là đầy thúng.
Bà mỉm cười, không lượm nữa, ngồi đợi chúng tôi để cùng về.
Một thúng lá bàng không đáng một xu, nhưng bây giờ tôi mới thấy cái lợi tinh thần thật vô cùng: Nhờ sự làm lụng, gia đình đoàn kết mà vui vẻ, càng khổ cực càng thương nhau hơn.
Cuối hè, khi trái bàng chín, rụng đầy đường, chúng tôi cũng lượm về cả rổ, phơi khô lớp cùi, bửa hột ra lấy nhân ăn, béo bùi hơn đậu phộng, còn lớp vỏ cứng của hột để đun bếp, than đượm (5) hơn than củi.
Mấy năm sau, nhờ cần kiệm, gia đình tôi lại vượng lên một chút, anh em tôi tết lại có áo mới, riêng bà thì không chịu may sắm thêm gì cả, tới trầu cau bà cũng bỏ, nhưng trong cái hộp sắt nhỏ của bà, luôn luôn có một ít xu hào, và mỗi năm độ hai lần, vào mùa hè, tối nào thật nóng bức, thấy anh em tôi chạy chơi ở ngoài phố về mồ hôi nhễ nhại, kiếm nước vối uống thì bà bảo:([5])
- Đừng uống vội, bà cho cái này.
Rồi bà mở hộp sắt nhỏ ra, chìa cho chúng tôi một đồng năm xu bằng kền:
- Ra hàng chú khách ([6]) ở bờ sông mà uống một chai nước chanh.
Nước chanh hồi đó là thứ limonade chứa trong một cái chai lớn hơn chai coca bây giờ một chút, trong cổ ve, chỗ gần miệng có một hòn bi bằng thủy tinh trong suốt. Ngồi trên bờ đê Hồng Hà, gió thổi lồng lộng, uống nước chanh, chúng tôi cho là không sướng gì bằng, nên hớp từng hớp nhỏ một, để kéo dài thời gian, tận hưởng cái vị vừa chua vừa ngọt vừa cay nó thấm vào miệng, lưỡi, cuống họng, rồi truyền khắp cơ thể.
Ba tôi mất được hai năm thì má tôi cho tôi theo một người anh họ về Sơn Tây thăm quê nội. Hồi đó chưa có xe đò đi Sơn Tây, phải đi tàu thủy của hãng Bạch Thái Bưởi,([7]) hoặc ngồi xe kéo ([8]) đi từng chặng một từ Ô Cầu Giấy lên Nhổn, Phùng, Sơn Tây. Lần ấy chúng tôi đi tàu thủy. Bến tàu ở ngay trước nhà. Tàu đã kéo còi mấy lần rồi mà chưa chạy. Tôi hơi sốt ruột, bỗng nhìn lên bờ, thấy bà tôi bồng em út tôi, lúp xúp chạy xuống. Tới nơi bà bảo em tôi:
- Đưa hoa cho anh đi.
Nó chìa cho tôi một bông lài. Thứ lài này không biết bà tôi lấy giống ở đâu, cao tới hai thước, phải cắm cọc cho nó dựa. Chỉ có một gốc mà như một bụi lớn. Bông to gần bằng bông hồng, thơm thoang thoảng.
Tôi bồng em tôi, nựng nó, nó trắng trẻo, mũm mĩm, hiền lành, rất dễ thương. Khi tàu sắp chạy, tôi đưa nó cho bà, bà bảo:
- Con nhổ vào bàn tay nó đi cho nó khỏi nhớ.
Tôi thấy hơi kỳ cục, nhưng cũng vâng lời, chấm nước miếng, quệt vào gang bàn tay nó. Rồi bà lại bồng nó, lúp xúp lên bờ, tới mặt đê, ngừng lại, ngó tôi một lần cuối, nắm tay em tôi đưa lên vẫy vẫy.
Tàu từ từ rời bến, nước mắt tôi ứa ra, lần đó là lần đầu tiên tôi xa bà. Mùa đó là mùa nước đổ, tàu chạy ngược dòng rất chậm, nhìn những đám bèo và cành cây khô trôi trên dòng nước đỏ như gạch, nhìn làng xóm đìu hiu hai bên bờ, chỗ cạn chỗ bồi, tôi buồn vô hạn. Hình ảnh bà tôi và em tôi hôm đó không bao giờ tôi quên được.
Một lần cảm động nữa là lần bà khuyên tôi. Năm đó tôi đã vô học trường Bưởi.
Ba bốn chục năm trước không có phong trào học tư rầm rộ như ngày nay, cả Hà Nội chỉ có một hai trường tư dạy chương trình trung học cho những học sinh thi rớt vô trường công. Học trò trường công như tôi nếu được lên lớp thì ba tháng hè tha hồ chơi, nếu không được lên lớp thì đành ở lại một năm, chứ không học tư thêm. Vả lại ít gia đình đủ sức cho con học tư: Học phí rất cao, từ ba tới năm đồng một tháng, bằng ba ngàn, năm ngàn đồng bây giờ.(9)
Thấy tôi ở không, má tôi cho tôi về Sơn Tây học thêm chữ Nho với bác tôi một hai tháng trong mỗi vụ hè để “sau này đọc được gia phả, chứ không lẽ con cháu nhà Nho mà không biết gốc gác ông bà,” như người nói.([9])
Hôm tôi sửa soạn lên đường, bà gọi tôi lại bảo:
- Mẹ con cho con về học chữ Nho với Bác Hai con, hợp ý bà lắm. Bà chỉ gặp ông nội con có vài lần, nhưng bà rất quý cụ. Bà nghe nói hồi khánh thành cầu Sông Cái ([10]) cụ đi coi cầu gặp ông Trần Văn Thông.([11]) Ông Thông thấy tướng cụ phúc hậu, làm quen, hỏi chuyện, biết cụ đậu tú tài, ở nhà dạy học, hỏi cụ có muốn đi tri huyện thì ông giới thiệu với “quan Tây” cho. Cụ từ chối. Bà nghe vậy biết rằng bên nội con có đức. Sau, các bác con không ai chịu thi cử để làm quan, mà cậu con cũng không chịu làm việc cho Tây, thà chịu cảnh nghèo, như vậy đều là nối được cái đức của cụ nhà cả. Con về quê, học thêm chữ Nho là phải. Cho bà gửi lời thăm các bác con nhé.
Suốt đời bà không rầy tôi, mà cũng chỉ khuyên bảo tôi mỗi lần đó là quan trọng hơn hết. Bà đã thay má tôi, nuôi nấng, săn sóc chúng tôi, lại thay cả ba tôi trong sự dạy dỗ chúng tôi nữa. Ngày nay, anh em tôi, con cháu tôi có ai giữ được một chút cái tính khí khái của bà, không chịu lụy ai, cái đức cần cù, tiết kiệm, cố chiến đấu đế vượt khỏi cảnh nghèo, cái nếp sống đạm bạc, cái tinh thần thanh khiết của nhà Nho, phần lớn là nhờ bà.
Công của bà đối với chúng tôi lớn lao như vậy mà chúng tôi chưa đền đáp được chút gì. Chỉ có mỗi một lần tôi đã làm cho bà tôi vui. Nghỉ hè năm đó tôi học tư để luyện thi vào trường Bưởi. Ông đốc ([12]) trường tư là một nhân viên kế toán ở sở hỏa xa. Thấy tôi giỏi toán và cẩn thận ông bảo sáng Chủ Nhật lại nhà làm sổ sách giùm ông, ông cho tiền mua sách. Tôi cộng sổ trọn một buổi sáng, ông đưa tôi năm hào. Năm hào hồi đó bằng năm trăm đồng bây giờ. Tôi mừng quá, vội vã về nhà để đưa cho bà tôi.
- Bà, con làm sổ cho ông đốc, ông cho con tiền này. Con không tiêu gì, bà giữ lấy giùm con.
Bà cười:
- Ừ, để bà giữ cho. Khi nào có muốn mua gì thì bà đưa.
Được hai Chủ Nhật như vậy rồi thôi, cộng là một đồng. Đồng bạc đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được trong đời, và tôi muốn dâng hết cho bà, không bao giờ tôi xin lại.
Lần đó là lần đầu tiên vui nhất trong đời tôi. Lần sau, tiếc thay bà tôi không còn nữa.
Hôm đó vào mùa thu, tôi đi coi bảng từ buổi sáng, thấy đậu vô trường Cao Đẳng Công Chánh, về nhà không báo tin cho ai cả, ngong ngóng đợi tối má tôi về. Khoảng tám giờ tối, tôi đương nằm ở giường đọc sách thì nghe tiếng má tôi gọi từ ngoài cửa:
- Trong nhà có đứa nào không? Ra tiếp tay cho tao này.
Tôi nhảy phắt xuống đất, chạy ra vừa thấy má tôi, tôi thưa ngay:
- Con đỗ vào trường Công Chánh rồi mẹ ạ. Đỗ đầu, được học bổng.
Má tôi cười rất tươi:
- Giỏi nhỉ.
Rồi hai mẹ con cùng nhau khiêng thúng gạo vào. Tới phòng đặt thúng xuống, tôi bảo:
- Giá bà còn thì bà mừng lắm.
Má tôi thở dài, hai mẹ con ngồi yên lặng một chút, rồi người hỏi tôi:
- Có phải sắm sửa gì vào trường không?
Vì bà tôi đã mất năm trước, vào thượng tuần tháng Sáu âm lịch. Cũng như mọi năm, hè năm đó tôi về Sơn Tây, nhưng mới ở được độ mươi bữa, nhân bác tôi và một người em họ tôi có việc xuống Hà Nội, tôi cũng về theo. Tới nhà thì được tin: Hai đêm trước, bà tôi trong khi rửa chân trước khi đi ngủ, trúng phong té xỉu. Má tôi khiêng người vào, đánh gió, đổ gừng vào miệng, người mở mắt ra, nhưng cấm khẩu, toàn thân tê liệt, không cử động được nữa. Chắc bà tôi đã đứt gân máu. Má tôi vừa tính nhờ người về Sơn Tây gọi tôi thì may sao tôi đã xuống kịp như có linh cảm gì đó. Tôi ngồi bên cạnh bà, nắm tay bà, hỏi: “Bà có nhận ra con không? Con đây này.” Nhưng người chỉ nhìn trân trân mà không cử động. Nước mắt tôi lã chã.
Bác tôi mời cụ Tú Phùng ở hàng Bồ lại chẩn bệnh. Cụ coi mạch một lúc lâu, bảo má tôi:
- Cụ suy rồi, trị khó hết được, nhưng tới mùa thu này mới đáng ngại.
Rồi cụ quay lại nói với tôi:
- Lúc này đương nghỉ hè, cậu chịu khó săn sóc cụ đi để đáp ơn cụ.
Nhưng tối hôm đó người tắt thở, một cách thật bình tĩnh. Tôi không được hầu hạ người trọn một ngày nữa! Tôi thức trọn đêm đó bên cạnh người, ôn lại những năm bà cháu sống với nhau.
Đám tang của người, hết thảy họ hàng bên ngoại tôi đều tới đủ mặt. Những người ba chục năm trước tỏ vẻ khinh bạc với bà, bây giờ đều kính trọng bà, kính trọng tính khí khảng khái và đức hy sinh của bà. Từ khi biết suy nghĩ tôi không bao giờ thấy bà tỏ vẻ ghét họ cả, cũng không chê trách họ một lời; đối với những kẻ giàu sang mà hợm mình, bà không biết tới họ, thế thôi.
Mộ bà tôi nằm ở làng Mọc Hạ Đình,([13]) trong một cánh đồng lúa, bên bờ sông Tô Lịch. Nhưng ba chục năm nay tôi không được về thăm. Ngoài đó không còn ai là máu mủ, chắc quanh năm không được một nén hương.
*
Cô Hồng Minh (1856-1928), một học giả Trung Hoa đồng thời với Nghiêm Phục, và thuộc lớp đàn anh của Lương Khải Siêu,([14]) thấy trong nước ai cũng đề cao văn minh phương Tây, bèn qua du học châu Âu để tìm hiểu xem văn minh đó ra sao. Ông ở châu Âu luôn mười mấy năm, đậu những bằng cấp triết học, văn học cao nhất của Đức, Anh, Pháp; rồi lại tìm hiểu tận gốc văn minh La Mã, Hy Lạp, qua cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đọc hết một phần tư sách trong thư viện Geneviève ở Paris,([15]) thông thạo bốn, năm sinh ngữ và hai cổ ngữ châu Âu. Sau mười mấy năm khảo cứu tường tận đó, ông tìm ra được tiêu chuẩn này: Muốn đánh giá một nền văn minh thì cần nhất là phải xét xem nền văn minh đó đào tạo được những người dân ra sao, những người làm cha, làm mẹ, làm con ra sao; còn những cái khác như mỹ thuật, văn học, kiến trúc, khoa học, kỹ nghệ... ông cho là phụ thuộc hết. Vì cần nhất là con người, con người có tốt thì xã hội mới tốt đẹp và những cái con người tạo ra mới tốt đẹp được.
Một nền văn minh tạo được những người đàn bà hy sinh cho cha mẹ, chồng con như bà ngoại và má tôi, thì phải coi là rất đẹp rồi, mặc dầu có thể cổ hủ về vài phương diện. Nhìn tình trạng xã hội tan rã kinh khủng lúc này, chúng ta mới thấy công lao với gia đình, với xã hội của những bà cụ đó. Hồi xưa chúng ta không có cô nhi viện, dưỡng lão viện, dưỡng bần viện, vì xã hội chúng ta không cần những tổ chức đó. Ông bà cha mẹ hy sinh cả đời mình cho con cháu, tuyệt nhiên không nghĩ tới bản thân; họ hàng làng mạc đùm bọc nhau, cho nên con cái được nuôi nấng dạy bảo, người già được săn sóc, tôn kính.([16]) Mất cái tinh thần gia tộc, tinh thần tương trợ trong họ hàng, làng mạc rồi, mới phải lập cô nhi viện, dưỡng lão viện. Vậy thì những cơ quan từ thiện này đâu phải là dấu hiệu của sự tiến bộ. Chỉ để cứu vãn một sự sụp đổ thì đúng hơn. Chỉ là một sự bất đắc dĩ: Có trẻ nào mà muốn vào cô nhi viện? Có ông già bà già nào muốn vào một dưỡng lão viện? Những cái đó không phải là nhà, gọi nó là viện cho đẹp đẽ vậy, chứ sự thực chỉ là những cái trại như trại lính.
Tôi không phủ nhận tinh thần hy sinh của những vị trông nom các trại đó, nhưng tôi nghĩ giá cái nếp sống cũ của mình mà còn thì hiện nay trong nước không có nhiều trại cô nhi như vậy đâu. Mười bà quả phụ bây giờ có bao nhiêu bà chịu hy sinh cho con, tôi không được biết. Anh em chúng tôi thực có phước được sinh vào thời trước, thời mà nhiều người gọi là cổ hủ, và trong một gia đình còn tôn trọng nếp sống cũ.
Bà tôi, má tôi đều góa chồng từ hồi trẻ, thế nào mà chẳng có nhiều lúc thấy thân phận mình là khổ; nhưng chắc chắn các người còn khổ hơn cả chục lần nếu phải để con cháu các người phải xa các người. Các người rất chất phác, không thắc mắc tìm hiểu ý nghĩa của đời sống như các triết gia.
Các người chỉ lẳng lặng hy sinh, mà còn có cuộc đời nào đẹp bằng cuộc đời hy sinh?
Câu Nhất mẹ nhì cha, thứ ba ba ngoại” chẳng phải chỉ diễn tả lòng yêu cháu của bà ngoại mà thôi đâu, còn ghi công của bà ngoại nữa. Công đó ở xã hội ta nhiều khi hơn công của bà nội, cho nên mới có thêm câu “Cháu bà nội, tội bà ngoại”.
Sài Gòn, Vu Lan 1974
LỘC ĐÌNH



Đạo Uyển chú thích:
([1]) Người miền Bắc nói cậu nghĩa là cha.
([2]) thượng nguyên 上元: Rằm tháng Giêng. trung nguyên 中元: Rằm tháng Bảy.
([3]) Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (1870-1907), người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là phố Minh Khai, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định). Ông đi thi nhiều lần, chỉ đậu tú tài. Vợ ông là Phạm Thị Mẫn, sanh được sáu trai, hai gái. Bà buôn bán nhỏ, tảo tần nuôi đàn con và ông chồng chỉ giỏi làm thơ, phó mặc chuyện mưu sinh cho vợ. Cảnh nhà luôn túng thiếu.
([4]) Nhà văn Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam (1906-1963), sanh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; nguyên quán làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là cây bút chánh yếu của Tự Lực Văn Đoàn do ông sáng lập vào đầu thập niên 1930 tại Hà Nội. Năm 1960 tại Sài Gòn, ông ủng hộ cuộc đảo chánh lật đổ Ngô Đình Diệm. Đảo chánh thất bại, ông bị quản thúc tại nhà riêng. Lẽ ra bị ra tòa xét xử ngày 08-7-1963, thì ngay đêm trước (07-7), ông dùng rượu pha thuốc độc quyên sinh tại nhà riêng để phản đối chánh quyền Ngô Đình Diệm. Di bút của ông có câu: "Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả.”
([5]) đượm: Dễ bắt lửa, cháy tốt, đều và lâu.
([6]) chú khách: Một cách gọi người Hoa sanh sống ở Việt Nam.
([7]) Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là một doanh nhân Việt Nam rất nổi tiếng, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn, kinh doanh trong ngành hàng hải, khai thác than, và in ấn. Ông luôn thể hiện tinh thần dân tộc trong hoạt động kinh doanh, chống lại sự thao túng của thương nhân nước ngoài. Các con tàu của ông mang tên Đinh Tiên Hoàng, Hàm Nghi, Hồng Bàng, Lạc Long, Lê Lợi, Trưng Trắc... Vốn là con nhà nghèo, ông luôn quan tâm chăm lo đời sống thợ thuyền, nhân viên của mình, trợ cấp cho học sinh nghèo du học. Ông dạy con cái biết quý trọng giới cần lao nghèo khó, cho con trực tiếp làm việc trên các con tàu hay các khu mỏ của ông. Ông được kính trọng là một đấng trượng phu làm tấm gương sáng trên thương trường.
([8]) xe kéo (xe tay): Xe có hai bánh. Một người (xưa gọi là phu xe) nắm hai càng phía trước, chạy và kéo theo một hoặc hai khách ngồi trên xe.
([9]) Tức là năm 1974 ở Sài Gòn.
([10]) Tức cầu Doumer, sau đổi tên là cầu Long Biên, nối Hà Nội với Gia Lâm. Sông Cái đó tức sông Hồng Hà. [Lộc Đình chú]
([11]) Trần Văn Thông là thân phụ Trần Văn Chương, ông nội của vợ Ngô Đình Nhu [tức Trần Lệ Xuân]. Hồi đó Trần Văn Thông mới làm thông ngôn chứ chưa làm tổng đốc [tỉnh Nam Định]. [Lộc Đình chú]
([12]) ông đốc: Đốc học, tức là hiệu trưởng.
([13]) Nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.
([14]) Cô Hồng Minh 辜鴻銘: Cô là họ; Hồng Minh là tên. Ông là người Hoa gốc Phúc Kiến, sanh tại bang Penang, nước Malaysia (Mã Lai), nơi cha ông làm cai đồn điền cao su cho người Anh. Mẹ ông là người Bồ Đào Nha. Ông mất tại Bắc Kinh, nơi ông từng làm giáo sư tại Đại Học Bắc Kinh (1915).
Nghiêm Phục 嚴復 (1853-1921): Nhà văn, dịch giả, rất có ảnh hưởng ở Trung Quốc.
Lương Khải Siêu 梁啟超 (1873-1929): Nhà tư tưởng và hoạt động chánh trị ở Trung Quốc.
([15]) Tức là Bibliothèque Sainte-Geneviève. Thư viện mang tên Thánh Geneviève (sanh năm 419 hay 422, tạ thế năm 512), là Thánh quan thầy của Paris. Tọa lạc ở quận Năm, đây là thư viện công và đại học, thừa hưởng toàn bộ kinh sách của Tu Viện Thánh Geneviève (Abbaye-Sainte-Geneviève).
([16]) Đây cũng là mơ ước của Đức Khổng Tử, như ngài thổ lộ với Tử Lộ và Nhan Hồi: Thầy mong sao người già [được phụng dưỡng mà] an vui, bạn bè tin cậy nhau, người trẻ được bảo bọc thương yêu. 老者安之, 朋友信之, 少者懷之. Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi. (Luận Ngữ 5:26)