Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

14 Chùa Ông Ở Thanh Hà - ĐẠO UYỂN THU 2018


VỀ NGÔI CHÙA ÔNG Ở THƯƠNG CẢNG CỔ THANH HÀ (HUẾ)
NGUYỄN ANH HUY *
Ở bài “Về Địa Danh Chùa Ông Ở Huế”,([1]) tôi đã có dịp giới thiệu ngôi chùa Ông do chúa Nguyễn thành lập ở Huế, và điểm danh các ngôi chùa thờ Ông trên địa bàn Huế. Do tục thờ Ông xuất phát từ người Minh (Trung Quốc), nên không thể không nhắc đến sự thành lập “Đại Minh khách phố” là những phố người Tàu trong đó thường có những ngôi chùa Ông do chính Hoa kiều thành lập...
Về sự ra đời của phố cảng Thanh Hà ở Thuận Hóa, năm 1943, học giả Đào Duy Anh cho biết: “Le dépouillement des archives communales nous a permis de découvrir la copie d’une requête datée de la 7e année de la période Bảo Thái des Lê (1726) où on peut lire le passage suivant: ‘Le seigneur Thượng Vương, après avoir fixé la capitale à Kim Long, a octroyé par ordonnance à nos ancêtres un terrain situé dans le village de Thanh Hà, et empiétant sur le domaine du village de Địa Linh, pour établir un quartier de commerce’...”.([2]) Điều phát hiện này của Đào Duy Anh cho thấy vùng đất Thanh Hà - Minh Hương ở Thừa Thiên - Huế, thật sự phát triển thành thương cảng sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan di dời thủ phủ Đàng Trong từ Phước Yên đến Kim Long vào tháng 12-1635, mà Giáo Sư Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) cũng dựa vào đó để cho rằng thương cảng cổ này ra đời “có lẽ là năm 1636”.([3])
Năm 1644, tại Trung Quốc, nước Đại Thanh chiếm diệt nước Đại Minh, và đến năm 1662 thì nước Đại Minh bị mất hoàn toàn.([4]) Trong hoàn cảnh mất nước, các thần dân Đại Minh, vì muốn khôi phục tiên triều, họ lại càng đề cao hình tượng Quan Công trung nghĩa với Đại Hán để ví von và ngầm khơi dậy lòng trung nghĩa của người Hán chống lại Mãn Thanh. Một số trung thần triều Minh không chấp nhận sự đô hộ của ngoại tộc, phần lớn rời bỏ Trung Quốc ly hương đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Thuận Hóa ở Đại Việt để sinh sống.
Do thương cảng Thanh Hà (Thuận Hóa) được thành lập trước năm 1662, nên Hoa kiều ở đó gọi phố này là “Đại Minh khách phố”, mà mãi đến năm 1695, Thích Đại Sán đến Thuận Hóa vẫn còn nghe: “Vừa rồi xưng Trung Hoa làm ĐẠI MINH, người ấy chỉ biết tiên triều, cũng như các phụ lão ở Đào Nguyên, chỉ biết có nhà Tần vậy.” ([5])
Vì việc thờ Quan Thánh xuất phát từ người Trung Quốc, nên các phố Hoa kiều thường có các miếu thờ ngài, và được người Việt chấp nhận thờ trong chùa, vì theo truyền thuyết trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, ngài đã quy y với thiền sư Phổ Tĩnh, ngộ lý “sắc sắc không không” khi đầu rời khỏi cổ. Tuy nhiên phần lớn ngài được thờ chỉ với một án thờ trong các chùa Phật. Đối với người Trung Quốc thì hình tượng của ngài lớn hơn, nên thường được lập đền thờ riêng gọi là Quan Công Từ, hoặc Quan Thánh Miếu..., mà người Việt gọi là chùa Ông.
Ở đây, tôi muốn giới thiệu về ngôi chùa Ông ở làng Địa Linh (Thừa Thiên - Huế) mà từ trước đến nay hầu như chưa được tìm hiểu sâu... ([6])
I. MÔ TẢ NGÔI CHÙA HIỆN NAY
Về ngôi chùa Ông này, sử chỉ chép đơn giản: Đền Quan Công: Ở xã Địa Linh. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trùng tu, vua ban cho tấm biển đồng. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), ban cho tấm biển gỗ thiếp vàng.([7])
Tuy nhiên, nếu đến khảo sát trực tiếp tại di tích này, ta sẽ được biết lịch sử xa xưa hơn...
Qua khỏi cống của khu phố cổ Bao Vinh (Huế) là đường Địa Linh; đi tiếp khoảng năm trăm mét, phía bên trái có cổng tam quan với biển tên 關聖殿 Quan Thánh Điện (Hình 1), niên đại của cổng này xây năm Bính Ngọ (1966). Hai bên trụ cổng có câu đối: /
Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ,
Vô luận anh hùng địch vạn nhân.


- Vào trong cổng, phía bên trái điện thờ (nhìn từ trong ra), có bia đá làm năm 1861 (Hình 2) ghi:
Nguyên văn chữ Hán:([8])
西
Phiên âm Hán Việt:
Đô thành Tây Bắc, Quan Công từ tại yên. Tiền lâm Hương Giang, ngự chu tuần hạnh sở kinh quá đạo dã. Tinh sảng hật hưởng miếu mạo hữu nghiêm, Minh Mệnh Tân Mão khâm phụng thánh chế thi nhất thủ.
Thần văn duệ tảo
Kim bản hoàng hoàng
Tâm chúc chi quang
Thiên cổ thường kiến
Nhị thập nhất niên tái phụng tu bổ.
Tự Đức Canh Tuất hựu phụng ngự chế thi nhất thủ, chuẩn chi trang ngạch dĩ kế kỳ thịnh. Tân Dậu xuân đặc mệnh kinh doãn thần trùng tu, tồ hạ tất công. Đường vũ ngũ viên tường biểu trụ thực thực nhiên, khoái khoái nhiên, hữu tuất chi chiêm nghiễm như dã. Duy công trung nghĩa chính khí tắc hồ thiên địa gian, tráng tai sùng từ, vinh tai bao cổn, vị thử giang sơn tăng sắc, kỳ sở dĩ hựu ngã hữu dân vi thế thế trung thần liệt sĩ, khuyến giai ư thị hồ tại, khởi cận hoàng châu nhất tráng quan dĩ tai. Viên thư dĩ chí.
Tự Đức thập tứ niên ngũ nguyệt sơ thập nhật sắc cung ký.
Thái Bộc Tự Khanh lĩnh Thừa Thiên phủ Phủ Doãn Phan Đình Tuyển phụng.
Dịch nghĩa:
Phía Tây Bắc đô thành, có đền Quan Công, phía trước sát sông Hương, là đường đi ngang qua của thuyền ngự đi tuần. Sáng sủa hưng vượng, miếu mạo nghiêm trang. Năm Tân Mão (1831) triều Minh Mệnh kính được ban một bài thơ ngự chế. Văn của vua tươi đẹp, bảng vàng rờ rõ, ngọn đuốc tâm hồn sáng tỏ, ngàn đời vẫn còn thấy rõ.
Năm thứ 21 (1840) lại kính tu bổ. Năm Tự Đức Canh Tuất lại kính được ban một bài thơ ngự chế, chuẩn cho sơn son biển ngạch, để nối tiếp sự thịnh vượng.
Mùa xuân năm Tân Dậu (1861), đặc sai quan Kinh Doãn trùng tu. Qua mùa hạ thì hoàn tất. Nhà chính và nhà bên năm ngôi, tường thành, trụ biểu lớp lớp, sáng sủa thay, chiêm ngưỡng nghiêm trang vậy.
Kính nghĩ: Ngài trung nghĩa, chính khí lấp đầy khoảng trời đất. Hùng tráng thay đền thờ cao quý. Vẻ vang thay việc tặng phong, vì thế non sông rạng vẻ, cốt để giúp đỡ dân ta làm nên kẻ trung thần liệt sĩ, khuyến khích đều được như thế. Há dè sẻn gì với một cảnh quan ở kinh đô, bèn viết để ghi lại.
Tự Đức năm thứ 14 ngày 10 tháng 5 năm 1861
Sắc cho kính ghi
Thái Bộc Tự Khanh lãnh Phủ Doãn phủ Thừa Thiên
Phan Đình Tuyển kính.
- Phía trước điện thờ, có đỉnh sắt (Hình 3) ghi:
殿
Quảng Đông Quảng Châu phủ Nghi Nghĩa mộc ân chúng tín đệ tử Lê Nhật Quang, Hồng Dịch Đỉnh, Thôi Thục Hành, Ngũ Hiệp Hòa, La Xuân Nhân, Ngũ Khanh Viên, Ngô Hằng Phong, Ngô Liên Tường kiền cụ long đình nhất tọa trọng thất bách cân kính tại Quan Âm Nương Nương, Quan Thánh Đế Quân điện tiền, vĩnh viễn cung phụng. Càn Long tứ thập ngũ niên tuế thứ Canh Tý mạnh xuân cát đán lập, Long Thịnh lô tạo.
Dịch nghĩa
Các đệ tử đội ơn [Quan Thánh] ở Nghi Nghĩa, phủ Quảng Châu, Quảng Đông là Lê Nhật Quang, Hồng Dịch Đỉnh, Thôi Thục Hành, Ngũ Hiệp Hòa, La Xuân Nhân, Ngũ Khanh Viên, Ngô Hằng Phong, Ngô Liên Tường kính dâng vĩnh viễn một bảo đỉnh nặng bảy trăm cân làm tại lò Long Thịnh, đặt tại tiền điện của Quan Âm Nương Nương và Quan Thánh Đế Quân vào ngày tốt tháng giêng năm Canh Tý, Càn Long thứ 45 (1780).


- Trong chính điện, ngoại trừ hoành phi 浩氣凌霄 Hạo Khí Lăng Tiêu (Hình 4) do các hội quán Quảng Triệu, Triều Châu, Hải Nam tặng nhân dịp trùng kiến đền thờ mùa thu năm Giáp Thìn (1964), còn có một câu đối cổ (Hình 5a, 5b), rất đáng lưu ý về niên đại Long phi Kỷ Tỵ:
Nghĩa khí tráng sơn hà toàn lại thánh ân phổ chiếu,
Tinh trung đồng nhật nguyệt, thâm hạ đế lực hồi xuân.
,
Long phi Kỷ Tỵ niên, Mộc ân đệ tử Thạch Thái Ký kính phụng.


Về giai tự Long phi ([9]) phối hợp với thiên vận can chi, ta gặp phần lớn ở các di tích của người Minh (Trung Quốc) lánh nạn Mãn Thanh sang Việt Nam, như các mộ Hoa kiều ở Hội An có ghi Long phi Bính Tý (1696), hoặc Long phi tuế thứ Giáp Tuất (1694).([10]) Do tại Đại Việt thời ấy, ở Đàng Trong tuy là một quốc gia độc lập nhưng chưa có chính sóc rõ ràng, chỗ thì dùng niên hiệu vua Lê, chỗ thì dùng thiên vận can chi, không thống nhất. Nếu ở Trung Quốc còn triều Đại Minh (1368-1662), thì các thương khách Trung Quốc tại Đại Việt cũng chỉ sử dụng chính sóc triều Minh như từ đường họ Lâm ở Hội An (nhà số 20, đường Trần Phú), bức hoành có dùng quốc hiệu Đại Minh Thiên Khải. Do vậy, cách sử dụng giai tự “Long phi” phải sau khi nước Đại Minh bị mất hoàn toàn vào năm 1662. Mặt khác, tại Việt Nam, sau khi Nguyễn Vương Phúc Ánh nhất thống từ Gia Định đến Thăng Long để đặt niên hiệu Gia Long, thì các cơ sở của người Hoa cũng bắt đầu dùng chính sóc của vua Nguyễn, vì ngay phía sau đền thờ Quan Thánh ở Thanh Hà (Huế), hiện vẫn còn Quan Đế Miếu Chung ghi niên đại Gia Long tam niên tuế thứ Giáp Tý (1804).
Do đó, cách sử dụng giai tự “Long phi” (Hình 6) phối hợp với can chi chỉ xảy ra trong khoảng 1662-1802. Và Kỷ Tỵ ở câu đối trong đền thờ Quan Công này, chỉ có thể là năm 1689 hoặc 1749.
Ở đây, ta cần đặt lại vấn đề là tuy thương cảng Thanh Hà ra đời khoảng năm 1636 vì có bản văn với nội dung “Thượng Vương sau khi định vị thủ phủ ở Kim Long, đã ra văn bản cấp cho tổ tiên chúng tôi một vùng đất ở làng Thanh Hà, có ăn qua địa phận làng Địa Linh để làm khu vực buôn bán”, nhưng kỳ thực để ở đây trở thành là khu phố của người Hoa kiều ở để xây thêm các miếu thờ tín ngưỡng, thì còn có thêm các chứng cứ về việc lập phố Thanh Hà:
- Trong một lá đơn trình quan làm năm 1754, có nói rằng Tiền triều ra ơn, có lấy đất đồn tại hai xã Thanh Hà, Địa Linh, cho lập phố 1 mẫu 5 thước 4 tấc ; năm Thịnh Đức thứ 6 (1658), đã biên số đất phố ấy vào sổ hiện canh...([11])
- ... theo bộ canh (bộ điền thổ) năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), đất phố (Thanh Hà) bây giờ đã mở rộng thêm đến 7 mẫu 5 sào 8 thước 2 tấc ; trong số ấy, 6 mẫu 3 sào 3 thước ở trong địa giới xã Thanh Hà, còn bao nhiêu thuộc xã Địa Linh. Về sau, thương kiều lại mua thêm được trên bờ sông 4 mẫu 1 sào 3 thước, đất của xã Địa Linh để cất thêm phố buôn bán; do đó, đủ thấy phố Thanh Hà phát triển hướng về thành Thuận Hóa...([12])
Một điều đáng bàn nữa, về tín ngưỡng dân gian, nhất là tín ngưỡng ngoại nhập như tục thờ Quan Thánh, thì thường xuất hiện trong dân gian trước, sau đó triều đình / nhà nước mới công nhận, sắc phong sau. Mà ta đã biết Minh Vương Nguyễn Phúc Chu từ khi lên ngôi năm 1691, đã có các hoạt động tôn giáo sau:
- “Tân Mùi, [1691]… tháng 3, phong các vị linh thần trong cõi.” ([13])
- “Quý Dậu, năm thứ 2 [1693]… tháng 3… Gia phong các linh thần trong cõi.” ([14])
Rồi đến năm Giáp Ngọ (1714), khi ngự kiến Thiên Mụ Tự để tạo một trung tâm tôn giáo của xứ Đàng Trong ở đồi Hà Khê, Minh Vương còn cho xây Quan Công Từ bên trái chùa Thiên Mụ, và chính Vương đích thân ngự đề bức Trung Nghĩa Chi Tắc (tấm gương trung nghĩa) ([15]) để treo vào đền thờ.
Như vậy, đền thờ Quan Công ở Thanh Hà, do dân gian xây dựng, phải xuất hiện trước đền thờ do triều đình xây, tức năm 1714. Và như thế, năm Kỷ Tỵ, niên đại ở ngôi chùa Ông này là năm 1689, thì lại rất phù hợp với công việc phong thần của chúa Nguyễn Phúc Thái: “Kỷ Tỵ, năm thứ hai [1689]… Mùa hạ, tháng 5… Gia phong các vị linh thần trong cõi”, ([16]) mà từ trước đó đã: “[1687] Mùa hạ, tháng 4, phong sắc cho các vị linh thần trong cõi”,([17])trước đó có cả sắc phong cho Quan Thánh.([18])
Phía sau điện thờ Quan Thánh ở làng Địa Linh hiện nay, có ngôi điện khác gồm hai tầng, có 廟鐘 Quan Đế Miếu Chung như đã nói ở trước, nhưng lại thờ Phật, tên là Linh Quang Tự, có kiến trúc rất lạ mà tôi sẽ trình bày ở phần sau...
II. KIẾN TRÚC NGÀY XƯA
Các nhà nghiên cứu hiện nay, do tìm hiểu không đến nơi đến chốn, nên mô tả kiến trúc hiện nay mà không tìm hiểu kiến trúc ban đầu của đền nên có nhiều thắc mắc:
1. Kiến trúc điện chính
Kiến trúc sư Đỗ Thị Thanh Mai ([19]) mô tả chùa Ông như sau: Điện chính thờ Quan Công, phía sau điện chính có một ngôi điện hai tầng thờ Bồ Tát [...]. Điện phụ phía sau dạng nhà lầu cao hai tầng xây gạch, sàn tầng một đổ bê tông cốt thép. Hai hệ thống cầu thang xây gạch hai bên đi lên tầng hai...([20])
Đến quan sát tận nơi, ta thấy sự mô tả này tuy đúng với thực tế hiện nay, nhưng lại không đúng với kiến trúc ban đầu của điện thờ:
Theo ông Lê Kết, người địa phương được giao thủ từ năm 1963 đến nay vẫn còn ở trong đền thờ, cho biết rằng năm 1946, theo chính sách tiêu thổ kháng chiến, người ta đã phá ngôi điện này lớn này đi, chỉ còn lại vài bức tường và nền móng. Sau đó, quân đội chiếm giữ để làm một điểm trấn sông Hương, đã cải tạo đề thành lô cốt quân sự, đến năm 1963 mới trả cho dân làng.
Năm 1964, sau khi cộng đồng người Hoa quyên góp tiền, do kinh phí ít, nên không thể trùng tu ngôi điện cũ, họ chỉ xây ngôi điện mới nhỏ hơn ở vị trí thờ Quan Thánh hiện nay. Như vậy, ngôi điện hai tầng thờ Bồ Tát [...] (tức) điện phụ phía sau dạng nhà lầu cao hai tầng xây gạch, sàn tầng một đổ bê tông cốt thép mới chính là ngôi điện gốc, kiến trúc cũ ngày xưa để thờ Quan Thánh. Chung quanh điện này hiện vẫn còn dấu vết móng, chu vi của ngôi điện cũ rất lớn đã sụp đổ...
Trong khuôn viên đền thờ, hiện vẫn còn nhiều viên đá móng có lỗ để lót trụ cột rất lớn, chứng tỏ có kiến trúc cũ rất to cao ở đây...
Chính hai bức tường hai bên của ngôi đền cũ được ghép bằng gạch rất dày, đã sập, và đã được cải tạo thành lô cốt quân sự, rồi lại được gỡ các viên gạch theo lối bậc cấp để tiếp tục cải tạo thànhhai hệ thống cầu thang xây gạch hai bên đi lên tầng hai như ta thấy hiện nay (Hình 7).
2. Về việc thờ Quan Âm
Giáo Sư Suenari Michio (nghiên cứu viên thuộc Đông Dương Văn Khố, Nhật Bản) có thắc mắc: ... sự tồn tại của chùa Linh Quang (người Kinh xây) đằng sau Quan Thánh Điện. Trong lư bằng sắt có pho tượng Quan Âm niên hiệu Càn Long. Như vậy, niên đại xây khuôn viên này là cuối thế kỷ XVIII...([21])
Sau khi xây ngôi điện mới nhỏ hơn để thờ Quan Thánh ở vị trí hiện nay vào năm 1964, đến năm 1966, người ta cải tạo lại ngôi điện cũ để thờ Phật, đặt tên là Linh Quang Tự, cho nên mới có sự tồn tại của chùa Linh Quang (người Kinh xây) đằng sau Quan Thánh Điện.
Tuy vậy, do kiến trúc ban đầu của điện hai tầng này là điện thờ Quan Thánh gốc, nên trong tầng hai vẫn còn lầu chuông, trong đó vẫn còn Quan Đế Miếu Chung như đã kể.
Việc Giáo Sư Suenari Michio viết là trong lư bằng sắt có pho tượng Quan Âm niên hiệu Càn Long chỉ là một sự hiểu nhầm ngẫu nhiên vì trong cái lư sắt có ghi câu tại Quan Âm Nương Nương, Quan Thánh Đế Quân điện tiền. Tôi đã có hỏi ông Lê Kết rằng trước khi xây ngôi điện thờ Quan Thánh mới vào năm 1964, ở khuôn viên đây có thờ phật Quan Âm không, ông này nói hoàn toàn không có.
Như vậy, việc viết chữ Quan Âm Nương Nương trên xuất phát từ lò tạo chứ không phải vào thế kỷ XVIII đã có người Kinh (Việt Nam) thờ Quan Âm ở đây. Hơn nữa, người Việt thì sử dụng từ Quan Âm Bồ Tát chứ không dùng chữ Quan Âm Nương Nương đặc thù như người Trung Quốc. Vả lại, tín ngưỡng thờ Quan Âm cũng xuất phát từ người Trung Quốc chứ không phải là tín ngưỡng thuần của người Việt Nam: “(M)ỗi khi nhắc đến Quan Thế Âm Bồ Tát, chúng ta đều không khỏi ngạc nhiên về người Trung Quốc, đặc biệt những tình tiết và những điều bí ẩn về Quan Âm của dân tộc Hán, Tạng thì lại càng phong phú và sâu sắc... Hình ảnh của Quan Thế Âm xuất hiện ở mọi nơi… đã in sâu vào tâm hồn tất cả người Trung Quốc, từ người già đến trẻ em… từ đó trở thành tín ngưỡng truyền thống chủ yếu của Trung Quốc. Thời nhà Minh, quyển Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là điển hình của việc bình dân hóa và nghệ thuật hóa tín ngưỡng này.([22])
Do vậy, cho rằng đền thờ Quan Thánh ở Địa Linh (Huế) là do người Việt xây, trong đó có thờ cả Quan Âm vào thế kỷ XVIII là một nhận định không chính xác:
- Nếu đền này do người Việt xây, vì sao không dùng niên đại vua Lê như những nơi khác, mà lại dùng giai tự Long phi?
- Nếu đền này do người Việt xây, vì sao lại có đệ tử từ Quảng Đông đến cúng cái đỉnh bằng sắt?
- Nếu từ năm 1780 đã có Linh Quang Tự để thờ Quan Âm, vì sao khi đúc chuông năm 1804, không ghi tên chuông là “Linh Quang Tự Chung” mà phải ghi là Quan Đế Miếu Chung (Hình 8)?


Và đền thờ Quan Công ở Địa Linh này cũng là một địa danh quan trọng ở vùng đất Phú Xuân, nên trong bản đồ quân Trịnh vẽ năm 1785 cũng có ghi địa danh là Quan Thánh Miếu,([23]) chứ không hề ghi là Linh Quang Tự.
3. Con đường Địa Linh xưa và nay
Như trên, ta đã biết là cái cổng 殿 Quan Thánh Điện được xây năm 1966, và trước cổng này hiện nay là con đường mang tên Địa Linh, con đường chính xuyên suốt cả khu vực Địa Linh - Thanh Hà - Minh Hương này. Phía ngoài đường Địa Linh hiện nay, sát bờ sông Hương, lại có một cái cổng rất xưa, rêu phong cổ thụ um tùm, mang tên Quan Thánh Miếu (Hình 9), và cũng có câu đối / (Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ / Vô luận anh hùng địch vạn nhân.)
Nghĩa là giữa hai cái cổng (một cổng rất xưa và một cổng mới xây năm 1966) của miếu thờ Quan Thánh, là con đường Địa Linh chạy ngang... 
Điều khá lạ là, ta thử tưởng tượng, nếu trước đây chưa có cái cổng 殿 Quan Thánh Điện xây năm 1966, thì con đường Địa Linh hiện nay sẽ chạy xuyên ngang khuôn viên của miếu thờ Quan Thánh, một điều rất kiêng cữ đối với một ngôi miếu trang nghiêm mà ngay từ xưa năm Thái Đức thứ mười triều Tây Sơn (1787), dân xã Địa Linh lấy cớ phố buôn Thanh Hà ngăn trở cửa đền Quan Công của làng ấy, làm đơn nhờ triều đình Tây Sơn can thiệp. Nhà đương cuộc Tây Sơn, một mặt vì quyền lợi của các thương kiều, một mặt tôn trọng việc tôn giáo cấm kỵ của dân xã Địa Linh, xử giao trả đất vùng ấy cho xã Địa Linh...([24])
Đoạn vừa trích dẫn cho thấy có hai vấn đề đã xảy ra:
1, Phía trước cổng Quan Thánh Miếu ở bờ sông Hương hiện nay, phải có một con đường khác bên ngoài khuôn viên của miếu.
2, Vùng đất thuộc khuôn viên miếu Quan Thánh sau năm 1636 “ở làng Thanh Hà, có ăn qua đa phn làng Đa Linh để làm khu vực buôn bán”, đã do Hoa kiều quản lý, đến thời Tây Sơn mới giao lại cho làng Địa Linh hiện nay.
Năm 1919, R. Morineau mô tả toàn cảnh Thanh Hà và đền Quan Công như sau: ... Le terrain occupé par toutes ces constructions s'étendait depuis l'emplacement de la pagode actuelle de Quan Công, élevée lors de l'érection du village de Minh Hương, jusqu'au sentier de Thanh Hà, actuellement indiqué par un ponceau servant à l'écoulement des eaux se déverant des rizières dans l'ancien sentier.([25])
Ta được biết làng Minh Hương còn có tên là Phố Lở, nghĩa là khu phố bị sông Hương xâm thực lần lần, mà từ đầu thế kỷ XX, Morineau đã chứng kiến cảnh bể dâu kể trên.
Và ông Lê Kết còn cho biết, đã chứng kiến con đường phía ngoài cổng miếu Quanh Thánh ở bờ sông đã bị lở dần dần, nên năm 1964, người ta đã làm con đường Địa Linh mới phía trong như hiện nay, và năm 1966 thì xây lại cổng 殿 Quan Thánh Điện phía trong con đường mới.
III. THAY CHO LỜI KẾT
Ta được biết thương cảng cổ Thanh Hà (Địa Linh, Hương Vinh) có lẽ hình thành vào năm 1636 và từ đó hình thành khu Hoa kiều đô hội ở đây. Để đánh dấu sự ổn định khu Hoa kiều ở Thanh Hà, năm 1689, họ đã xây ranh giới phía bắc khu này là Thiên Hậu Cung ([26]) và phía nam là Quan Thánh Miếu để hàng năm cúng tế theo tín ngưỡng của người Hoa.
Đầu thế kỷ XIX, cảng Thanh Hà suy tàn, khu Hoa kiều được dời lần lên phố Chợ Dinh (tức đường Chi Lăng ngày nay). Việc cúng tế tại đền Quan Thánh ở Minh Hương - Thanh Hà có phần xa xôi khó khăn. Do vậy, vua Thiệu Trị đã cho dời đền Quan Công ([27]) được chúa Nguyễn Phúc Chu xây từ năm 1714 từ chùa Thiên Mụ về bên cạnh Diệu Đế Quốc Tự để vừa biểu hiện khu vực này là trung tâm tôn giáo mới của nước Đại Nam, vừa thuận tiện cho Hoa kiều ở phố Chợ Dinh đến làm lễ:
Đất Thần Kinh trai hiền, gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng,
Tháp bảy tầng, Thánh Miếu, chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa...
Kim Long Thư Hương Các, Phật Đản 2018.
NGUYỄN ANH HUY



* Bác sĩ Y Khoa, hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Thừa Thiên - Huế.
([1]) Nguyễn Anh Huy, “Về Địa Danh Chùa Ông Ở Huế”, Đại Đạo Văn Uyển, Tập Lợi (11). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 109-121.
([2]) Đào Duy Anh, “Phố Lỡ, première colonie Chinoise du Thừa Thiên”, B.A.V.H., XXXe Année, No 3, Juin-Septembre, 1943, tr. 250. Nghĩa là: Việc sưu tầm và nghiên cứu các văn bản làng xã cho phép phát hiện bản sao một tờ đơn năm 1726 với nội dung: “Thượng Vương sau khi định vị thủ phủ ở Kim Long, đã ra văn bản cấp cho tổ tiên chúng tôi một vùng đất ở làng Thanh Hà, có ăn qua địa phận làng Địa Linh để làm khu vực buôn bán.”
([3]) Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương Và Phố Thanh Hà Thuộc Tỉnh Thừa Thiên”, Đại Học, tạp chí nghiên cứu của Viện Đại Học Huế, số 3, Năm thứ IV, tháng 7-1961, tr. 101. Nhiều nhà nghiên cứu sau này khẳng định rằng thương cảng Thanh Hà (Huế) ra đời chính xác vào năm 1636, nhưng không trình bày được một chứng cứ cụ thể nào về niên đại 1636, nên cũng chỉ dựa vào suy luận phỏng đoán về mặt thời gian từ một bản sao tờ đơn kể lại câu chuyện gần một trăm năm về trước này của Giáo Sư Trần Kinh Hòa, như vậy là thiếu chính xác về phương pháp luận sử học. Kể từ năm 1961 đến nay, đã có nhiều bài viết làng Minh Hương và phố Thanh Hà, nhưng vẫn chưa có bài viết nào vượt được bài này của Giáo Sư Trần Kinh Hòa về mặt phương pháp luận sử học, như cách sử dụng tài liệu tham khảo, công bố nội dung mới, tư liệu mới, hoặc suy luận mới, nhận định sử học mới...
([4]) Sau năm 1644 một số thân vương của triều Minh như Phúc Vương, Đường Vương, Quế Vương đã xưng đế để tìm cách phản Thanh phục Minh; năm 1646, Quế Vương lấy niên hiệu Vĩnh Lịch, xưng đế ở miền Nam Trung Quốc, các nhà sử học sau này gọi là “Hậu Minh” hoặc “Nam Minh”, nhưng quốc hiệu chính thức vẫn là Đại Minh, đến năm 1662 thì bị diệt, triều Minh bị mất hoàn toàn.
([5]) Thích Đại Sán (Hải Tiên Nguyễn Duy Bột và Nguyễn Phương dịch; Nguyễn Thanh Tùng hiệu chú, giới thiệu), Hải Ngoại Kỷ Sự, Nxb Đại Học Sư Phạm, 2016, tr. 148.
([6]) Điều mà tôi thắc mắc về bài viết của GS Trần Kinh Hòa, không hiểu vì sao giáo sư không đề cập gì đến ngôi miếu Quan Thánh ở làng Địa Linh, cũng là một di tích quan trọng của Hoa kiều. Phải chăng giáo sư cho rằng miếu này là ở làng Địa Linh của người Việt, trong khi giáo sư chỉ nghiên cứu về “làng Minh Hương và phố Thanh Hà” của Hoa kiều? Tuy nhiên, chúng ta đã thấy có văn bản cho biết rằng Hoa kiều “ở làng Thanh Hà, có ăn qua đa phn làng Đa Linh để làm khu vực buôn bán”, như vậy, rõ ràng miếu Quan Thánh ở làng Địa Linh cũng rất cần được bổ túc vào việc nghiên cứu “Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên”.
([7]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Hoàng Văn Lâu dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 1. Nxb Lao Động, 2012, tr. 131.
([8]) Tôi sử dụng bản chữ Hán và bản dịch tiếng Việt của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Văn Bia & Văn Chuông Hán Nôm Dân Gian Thừa Thiên - Huế. Huế: Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 47-49), và đối chiếu trực tiếp với nguyên tác trên bia, để bổ túc thêm chữ bị sót.
([9]) Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển. Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002, tr. 731, giải thích: “Long: ... Lại dùng để ví với ông vua, cho nên vua lên ngôi vua gọi là long phi.” Nhưng thực tế, các năm “Long phi” được dùng trên các di tích chúng tôi chứng kiến được, không phải năm “Long phi” nào cũng trùng với việc vua lên ngôi, do vậy, không thể gán ghép với việc năm có giai tự “Long phi” chính là năm một vị vua nào đó lên ngôi được.
([10]) Chen Ching Ho, “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”. Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Số 1 năm 1960, tr. 25-26.
([11]) Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên”, Bài đã dẫn, trang 102.
([12]) Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên”, Bài đã dẫn, trang 102.
([13]) Đại Nam Thực Lục, Sách đã dẫn, Tập 1, trang 105.
([14]) Đại Nam Thực Lục, Sách đã dẫn, Tập 1, trang 107.
([15]) Nguyễn Anh Huy, “Về địa danh Chùa Ông ở Huế”, Bài đã dẫn.
([16]) Đại Nam Thực Lục, Tập 1. Sách đã dẫn, tr. 101.
([17]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học dịch), Đại Nam Thực Lục, Tập 1. Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 96.
([18]) Hiện tại chùa Ông ở Hội An còn bức sắc phong Quan Thánh của chúa Nguyễn Phúc Tần vào năm 1653: “ : , . , . Sắc phong: Tam Giới Phục Ma Đại Đế, Thần Uy Viễn Chấn Thiên Tôn. Khánh Đức Quý Tỵ niên, quý đông, cốc đán thư. Minh Hương, viên quan các chức toàn xã lập.” Có dịp, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu ngôi chùa Ông ở Hội An, để các bạn thấy sự quan tâm của chúa Nguyễn đối với tín ngưỡng của Hoa kiều.
([19]) Phó Giám Đốc Phân Viện Khoa Học Và Công Nghệ Xây Dựng Miền Trung.
([20]) Văn Hóa - Lịch Sử Huế Qua Góc Nhìn Làng Xã Phụ Cận Và Quan Hệ Với Bên Ngoài. Sách đã dẫn, tr. 138.
([21]) Bộ Giáo Dục, Văn Hóa, Thể Thao, Khoa Học Và Công Nghệ Nhật Bản - Chương Trình COE Toàn Cầu - Viện Nghiên Cứu Tương Tác Văn Hóa - Đại Học Kansai & Khoa Lịch Sử, trường Đại Học Khoa Học Huế, Việt Nam, Văn Hóa - Lịch Sử Huế Qua Góc Nhìn Làng Xã Phụ Cận Và Quan Hệ Với Bên Ngoài. Huế: Nxb Thuận Hóa, 2010, tr. 123, chú thích số 15.
([22]) Chu Trạc Nhai (Thế Anh biên dịch), Truyền Thuyết Về Quan Thế Âm. Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2010, tr. 394-395.
([23]) Nguyễn Huy Quýnh, Quảng Thuận Đạo Sử Tập. Nxb Đại Học Vinh, 2018, tr. 79, địa điểm được đánh số 34.
([24]) Trần Kinh Hòa, “Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên”, Bài đã dẫn, tr. 102.
([25]) R. Morineau, Souvenirs historiques en aval de Bao Vinh: 1, Phố Lở ou Minh Hương et les maisons de Vannier et de De Forsans, B.A.V.H., 6e Année No 4, Oct-Déc1919, tr. 454. Tạm hiểu: Đất phố mà trên đó gồm các công trình kiến trúc kéo dài từ đền thờ Quan Công dựng lên khi làng Minh Hương mới hình thành đến tận con đường Thanh Hà, hiện nay chỉ dẫn bằng một cống cho dòng chảy đổ vào các ruộng lúa trong con đường mòn cũ.
([26]) Hiện tại ở Thiên Hậu Cung (ở làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà) có tấm bia bằng đá mới khắc bằng tiếng Việt để giới thiệu cung này “xây dựng đầu tiên vào năm 1685 về triều Lê năm Chánh Hòa thứ sáu Ất Sửu…”. Tôi cho rằng việc khắc tấm bia khẳng định năm xây dựng là 1685 này sẽ gây sai lệch về lịch sử, nên gỡ bỏ, vì không có một chứng cứ cụ thể nào về mặt niên đại xây dựng Thiên Hậu Cung chính xác vào năm 1685. Xét ra, trong bài của Giáo Sư Trần Kinh Hòa đã giới thiệu, cho biết các văn bản có liên quan đến Thiên Hậu Cung chỉ còn duy nhất một tờ đơn trình quan vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835) có ghi: “Nguyên các Hoa thương dâng cung Thiên Hậu trên địa phận bản xã, trải qua 150 năm nay.” Người ta đã dựa vào năm của tờ đơn (1835) để tính lui 150 năm, tức năm 1685, lấy làm năm xây dựng Thiên Hậu Cung. Về con số 150 năm trong tờ đơn, chỉ là một cách nói ước lệ, sai số có thể trên dưới mười năm, cho nên, năm 1685 chỉ là một phỏng đoán và nên viết là “Thiên Hậu Cung có lẽ xây dựng vào khoảng những năm 1685”, chứ không thể khẳng định chính xác là “xây dựng vào năm 1685” được. Dựa vào các chứng cứ sử học đã trình bày trên, tôi cho rằng, có lẽ Thiên Hậu Cung cũng được xây dựng vào năm 1689 cùng lần với miếu Quan Thánh, vì hoàn toàn phù hợp với việc hai năm trước đó (1687) chúa Nguyễn Phúc Thái phong thần trong cõi thì người ta bắt đầu đặt vấn đề xây miếu thờ, để đến năm 1689 khi người ta đã xây nên Quan Thánh Miếu và Thiên Hậu Cung thì chúa Nguyễn lại tiếp tục gia phong các thần linh như sử đã ghi; mà từ năm 1689 đến năm 1835 là 146 năm cũng suýt soát là 150 năm như tờ đơn ghi.
([27]) Nguyễn Anh Huy, “Về địa danh Chùa Ông ở Huế”, Bài đã dẫn.