LÀM CON
NÊN NHỚ
NGUYỄN HIẾN LÊ (1912-1984)
Hôm nay tôi đọc lại không
biết là lần thứ mấy bức thư của Livingston Larned nhan đề là Làm Cha Nên Nhớ ([1]) mà Dale Carnegie đã trích dẫn trong cuốn Ðắc Nhân Tâm. Bức thư mở đầu như vầy: “Con
ơi, con ngủ, má đỏ kề bên tay, tóc mây dính trên trán...”
Trong cái kho tàng văn học Ðông, Tây tôi
chỉ mới thấy được bốn năm bài cảm động như bức thư ấy. Lần nào đọc lại tôi cũng
rưng rưng nước mắt mà hối hận rằng đã nhiều lần, y như ông Livingston, tỏ ra
gắt gỏng quá, nghiêm khắc quá với con tôi, bất công với nó nữa. Nhưng hôm nay
đọc lại, tôi còn cảm động hơn tất cả các lần trước, tôi đã sụt sùi vì chẳng
những tôi đã nghĩ đến con tôi mà còn nghĩ tới ba tôi nữa.
Lạ thật! Bức thư đó chỉ là lời sám hối
của một người cha mà sao hôm nay nó lại gợi cho tôi lòng sám hối của một người
con, là tôi?
Hồi đó tôi mới đúng năm tuổi, vừa thuộc
vần quốc ngữ. Ba tôi chỉ bài cho tôi rồi đi thăm một người bạn; trước khi đi
dặn kỹ tôi ở nhà phải học bài cho thuộc rồi hãy chơi để khi người về thì trả
bài. Nhưng ba tôi vừa mới ra khỏi cửa thì một đứa trẻ bên hàng xóm qua rủ tôi
đánh bi và tôi đã quên lời dặn của ba tôi, vui vẻ đánh bi. Vài giờ sau ba tôi
về, bài không thuộc và tôi bị nọc ra đánh. Tôi không còn nhớ trận đòn đó dữ ra
sao, chỉ nhớ rằng bà ngoại tôi phải xin giùm cho tôi.([2])
Tối hôm đó, ăn cơm xong tôi vẫn còn len
lét, tính mở sách ra học thì ba tôi bảo: “Tối nay cho con nghỉ học; thay quần áo
rồi đi chơi với cậu.” ([3]) Tôi
mừng quýnh. Ba tôi thuê xe lại đường Paul Bert, dắt tôi vào một tiệm rực rỡ ánh
đèn, mua cho tôi một gói kẹo tây, rồi hai cha con nắm tay nhau thủng thẳng đi
lại hồ Hoàn Kiếm, phía đối diện với Tháp Bút, ngồi hóng mát và thưởng sen bên
bờ nước. Ba tôi giấu gói kẹo, bảo tôi kiếm, đùa giỡn với tôi trên bãi cỏ. Chỗ
đó vắng người và ít ánh đèn. Bình thường ba tôi rất nghiêm khắc mà lúc đó thật
âu yếm.
Chuyện đó có gì lạ đâu, mà sao đã gần nửa
thế kỷ, hôm nay tôi vẫn nhớ rành mạch, nhớ từ nếp khăn ba tôi chít tới những
đám sen trên mặt hồ. Hồi đó tôi chỉ cảm được lòng thương của ba tôi chứ chưa
phân tích được tâm lý của người, nhưng hôm nay tôi đã hiểu tâm lý đó.
Tâm lý đó cũng y như tâm lý của tôi cách
đây mười sáu năm, hồi con tôi mười một tuổi. Một lần nó vô ý mắc nhiều lỗi nặng
khi làm bài, tôi đánh nó mấy roi; mươi, mười lăm phút sau, qua cơn giận, tôi
thấy tôi vô lý, tôi hối hận, vắt cho nó một ly nước cam, đưa lên kề môi cho nó
uống và trong khi nó uống thì nước mắt của chúng tôi rớt trên tập vở của nó,
làm nhòe mất mấy chữ. Chiều đó tôi cho nó nghỉ học sớm, rủ nó ra sân đánh bi.
Và tôi để cho nó thắng. Thắng được tôi, nó thích lắm. Hôm nay nó còn nhớ trận
đòn đó không (tôi mong rằng không), nhưng tôi thì không quên.
Một nỗi thương tâm chung cho loài người
là khi hiểu được tình của cha mẹ thì cha mẹ thường đã khuất bóng. Sau cái đêm
trên bờ hồ Hoàn Kiếm, ba tôi chỉ sống thêm được khoảng hai năm. Bây giờ đây tôi
biết đổi cái gì cho ba tôi sống lại được, dù chỉ trong mười phút, để nghe lời
sám hối của tôi, đọc bức thư này của tôi!
Tôi biết rằng một đứa trẻ mới năm tuổi
thì chưa thể tự chủ được, chưa hiểu được thế nào là bổn phận, việc nào là phải
làm, vậy thì tuổi đó tôi ham chơi, không học bài, đâu phải là có lỗi. Nhưng hôm
nay tôi vẫn sám hối. Vì tôi đã gây khổ cho ba tôi, dù là vô tình. Ðêm hôm đó
chắc ba tôi đã bứt rứt, hối hận lắm, nên mới âu yếm với tôi như vậy. Xin vong
linh cậu tha lỗi cho con. Hôm nay lòng con cũng nát như lòng cậu đêm đó vậy.
Phải có con rồi mới hiểu được nỗi lòng
của cha. Trong một trăm gia đình, dù giàu dù nghèo, dù sang dù hèn, tôi không
chắc có được một gia đình nào mà cha mẹ không buồn khổ ít nhiều vì con cái.
Chúng ngu đần thì nhất định là cha mẹ buồn rồi, mà chúng thông minh thì nhiều
khi cha mẹ cũng bực mình; chúng khó dạy thì nhất định là cha mẹ khổ rồi, mà
chúng dễ dạy thì cha mẹ chưa chắc đã khỏi khổ. Hồi nhỏ tôi thường được khen là
ngoan mà nay nhớ lại đã bao lần làm cho cha mẹ tôi rầu rĩ! Rồi còn biết bao gia
đình trẻ mắng lại cha mẹ, từ bỏ cha mẹ mới là đứt rưột cho chứ! Nếu không vậy
thì lại là những đứa chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến cha mẹ. Hai mươi lăm
tuổi đầu, tư chất kém, thi hoài Tú Tài I mà không đậu, mà vẫn không chịu kiếm
một nghề để giúp nhà, vẫn bắt cha già bảy chục tuổi lọm cọm kiếm từng đồng một để
đóng tiền cơm, tiền học cả ngàn đồng mỗi tháng. Những cảnh thương tâm đó nhan
nhản trong xã hội.
Thời nay nhà giáo dục nào cũng bênh vực
quyền lợi của trẻ, điều đó rất chính đáng. Người lớn chúng ta nhiều khi bất
công thật, có kẻ tàn nhẫn nữa, cho nên lời của Livingston Larned mới làm cảm
động lòng ta như vậy, mới được dịch ra mười bốn thứ tiếng, đăng trên hằng trăm
tờ báo, đọc trên hằng chục đài phát thanh. Nhưng có ai lưu tâm chỉ một chút
thôi, tới nỗi lòng của cha mẹ không? Trong mấy chục năm nay tôi chưa được đọc
một cuốn nào, một bài nào kể những nỗi khổ tâm của người cha đấy. Không dạy trẻ
thì có tội bỏ bê chúng, mà dạy chúng thì làm sao chẳng có lúc nghiêm khắc mà
phải chuốc lấy lời trách oán của các nhà giáo dục kia?
Má tôi ít học, nhưng có tình thương con
thì là có lương tri, mà có lương tri thì còn hơn là có học: Người đã để tôi tự
ý định đoạt lấy cuộc đời của tôi, không can thiệp vào sự lựa nghề, sự lập gia
đình của tôi. Hồi trẻ tôi cho vậy là tự nhiên; phải đợi tới ngày nay, hai thứ
tóc rồi, tôi mới hiểu rằng người đã hy sinh cho tôi. Không hy sinh, mà tôi là
con trưởng lại để tôi sống xa người tới hai ngàn cây số! Không hy sinh, mà nhà
tôi trước sau làm dâu không đầy một tháng! Không hy sinh, mà người phải đi về
bốn ngàn cây số để bồng cháu nội của người trong có bảy ngày!
Nhưng giả sử hồi đó người có “can thiệp”
vào đời sống của tôi thì bây giờ tôi cũng hiểu được rằng người không phải là
ích kỷ. Người chỉ tìm hạnh phúc cho con người theo quan niệm, kinh nghiệm của
người thế thôi. Người làm sao có thể hành động khác được vì con nguời chẳng
phải là một phần của người, là tất cả hy vọng và lẽ sống của người ư? Khi quan
niệm của cha mẹ không hợp với nguyện vọng của ta thì ta bảo rằng cha mẹ không
sáng suốt! Lạ thật! Chỉ tại “Nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược” như
tục ngữ đã nói.
Tình thương của cha mẹ tự nhiên như nước
chảy xuôi, mà lòng hiếu của con phải nhờ giáo dục, nhờ kinh nghiệm rồi mới có.
Không, tôi không tin cha mẹ mà lại ích kỷ
bao giờ. Ích kỷ là chỉ nghĩ tới mình, phân biệt ta và người, mà cha mẹ thì không
phân biệt mình và con. Không ai nuôi con để mong chúng sau này đền đáp mình cả.
Má tôi về già vẫn làm lụng vất vả từ sáng tới khuya để tự túc mà khỏi trông cậy
vào chúng tôi. Mà những cha mẹ nào bất đắc dĩ phải trông cậy vào con thì luôn
luôn ân hận rằng chẳng giúp chúng được gì cả. Ôi! Nuôi chúng cả một đời, về già
chúng có đáp lại trong ít năm - mà
đáp lại cách nào? - thì
vẫn ân hận rằng chẳng giúp được gì cả! Nước chảy xuôi hoài cho tới khi cạn. Cha
mẹ cứ muốn giúp con hoài cho tới khi chết. Vậy mà người ta còn bảo rằng cha mẹ
ích kỷ!
Trong cái trào lưu sinh hoạt vĩnh viễn
bất tuyệt của loài người, nước đã chảy đi thì không bao giờ trở lại về nguồn.
Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt đầu rời suối, các bạn
nên ngừng bước lại một chút, quay lại nhìn nguồn để hiểu nguồn thì trên đường
đời các bạn sẽ đỡ phải ân hận, đỡ phải sám hối như hôm nay tôi sám hối trên bàn
viết, trước mặt bàn thờ ba má tôi mà lư trầm đang lặng lẽ tỏa hương.
NGUYỄN HIẾN LÊ
([1]) Có thể đọc bản tiếng
Việt của Huệ Khải, nhan đề “Sao Bố Lại
Quên”, in trong hiệp tuyển Cao Cao
Dáng Núi, 168 trang, quyển 107-1, do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện
(Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2017), làm quà tặng Vu Lan (2017).
([2]) Trong Hồi Ký, đầu Chương III (Tuổi Thơ), Nguyễn Hiến Lê viết: “Mẹ tôi [con dòng thứ] mồ côi cha từ nhỏ, bà ngoại tôi không ưa
thói khinh bạc của một người con chồng lúc đó làm tri huyện, khảng khái dắt con
về ở với em ruột, làm lược để nuôi con. Mẹ tôi tập buôn bán và khi người có
chồng thì bà ngoại tôi theo con về ở với rể, tại số 4 ngõ Phất Lộc,…”