Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

VỀ CÁCH TÍNH NĂM ĐẠO CAO ĐÀI / ĐẠO UYỂN XUÂN 2021 (TẬP 37)

 


VỀ CÁCH TÍNH NĂM ĐẠO CAO ĐÀI

DIỆU NGUYÊN

Hiện nay, trong đạo Cao Đài tồn tại hai cách tính năm Đạo:

Cách 1. Đổi năm Đạo vào ngày Tết Nguyên Đán (mùng 1 tháng Giêng) hằng năm vì căn cứ theo lời dạy của Đức Chí Tôn vào đêm giao thừa Đinh Mão (1927) được ghi lại trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Bổn thứ nhứt, xuất bản năm 1970, trang 70, xác định Thầy lập Đạo vào ngày mùng 1 tháng Giêng Bính Dần (1926): Trung, Cư, Tắc, mấy con nhớ đêm nay năm rồi thế nào, còn nay ra thế nào chăng? Thầy lập Đạo năm rồi ngày này, thì môn đệ của Thầy chỉ có mười hai đứa (...).

Theo cách này, năm Đạo tính như sau:

01-01 Bính Dần (1926): Bắt đầu năm Đạo thứ nhất.

01-01 Đinh Mão (1927): Bắt đầu năm Đạo thứ hai.

01-01 Mậu Thìn (1928): Bắt đầu năm Đạo thứ ba.

Như vậy, hằng năm cứ đến ngày mùng 1 tháng Giêng (âm lịch) thì đổi năm Đạo; cứ lấy năm dương lịch hiện tại trừ cho 1926 rồi cộng thêm 1 thì ra năm Đạo mới. Ví dụ:

01-01 Canh Tý (2020), năm Đạo là 2020-1926= 94+1 = 95.

Đến 01-01 Tân Sửu (2021), đổi sang năm Đạo 96.

Đến 01-01 Bính Ngọ (2026), đổi sang năm Đạo 101.

Cách 2. Đổi năm Đạo vào ngày lễ kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo (rằm tháng 10 hằng năm) vì cho rằng đây mới là ngày đạo Cao Đài chính thức ra mắt nhơn sanh, nên đổi năm Đạo từ ngày này mới đúng về mặt pháp lý.

Theo cách này, năm Đạo tính như sau:

15-10 Bính Dần (1926): Bắt đầu năm Đạo thứ nhất.

15-10 Đinh Mão (1927): Bắt đầu năm Đạo thứ hai.

15-10 Mậu Thìn (1928): Bắt đầu năm Đạo thứ ba.

Như vậy, hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 10 thì đổi năm Đạo: Lấy năm dương lịch hiện tại trừ cho 1926 rồi cộng thêm 1 thì ra năm Đạo. Ví dụ:

15-10 Canh Tý (2020), năm Đạo là 2020-1926= 94+1 = 95.

Đến 15-10 Tân Sửu (2021), mới đổi sang năm Đạo 96. Theo cách này thì thời điểm đổi năm Đạo trễ hơn thời điểm theo cách thứ nhất mười tháng.

Như vậy, hiện nay, trong toàn Đạo đã có sự nhầm lẫn khi vào ngày rằm tháng 10 Canh Tý vừa qua đã đổi sang năm Đạo 96 (lẽ ra là năm Đạo 95).

Rằm tháng 10 năm Bính Ngọ (2026) dự kiến sẽ kỷ niệm 100 năm đạo Cao Đài; lẽ ra năm Đạo là 2026-1926 = 100+1 = 101. Tuy nhiên, do nhầm lẫn nói trên, ngày rằm tháng 10 Bính Ngọ (2026), năm Đạo lại là 102, quả không hợp lý.

Do đó, đổi năm Đạo theo cách nào cũng có cái lý của nó, nhưng nhất thiết phải tính cho đúng con số mới tránh khỏi điều bất hợp lý như hiện nay.

Kế đến, chúng ta hãy tham khảo xem Thiên Đình đổi năm Đạo vào lúc nào. Sắc Dụ của Đức Chí Tôn ban phong Tiên vị Quảng Đức Chơn Tiên cho cố đạo trưởng Tổng Lý Minh Đạo Huệ Lương (Trần Văn Quế) của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo vào ngày mùng 7 tháng 6 năm Tân Dậu (08-7-1981) như sau (trích):

SẮC DỤ

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt

Năm thứ 56, tiết Quý Hạ

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ VIẾT CAO ĐÀI

Vào ngày mùng 7 tháng 6 Tân Dậu (08-7-1981) tức là trước ngày lễ kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo, Thiên Đình ghi năm Đạo là Năm thứ 56.

Vậy, theo hai cách tính năm Đạo như nói trên, chúng ta có thể biết ngay Thiên Đình đổi năm Đạo vào thời điểm nào trong năm: 1981 – 1926 = 55 + 1 = 56

Như vậy, rõ ràng Thiên Đình đổi năm Đạo vào ngày Tết Nguyên Đán (mùng 1 tháng Giêng), vì nếu đổi năm Đạo theo cách thứ hai thì phải đến ngày Rằm tháng 10 Tân Dậu (11-11-1981) mới đổi sang năm Đạo thứ 56.

Qua những điểm nêu trên, chúng ta rất mong các Hội Thánh trong toàn Đạo sẽ xem xét lại vấn đề này để đạt được sự thống nhất trong toàn Đạo về việc chọn thời điểm để bắt đầu đổi sang năm Đạo mới. Như vậy sẽ rất tốt đẹp cho việc xác định năm nào sẽ chánh thức tổ chức đại lễ trân trọng kỷ niệm 100 năm đạo Cao Đài.

DIỆU NGUYÊN

Tham khảo hai thánh giáo khác

1. Thứ Tư 02-02-1927 (mùng một Tết Đinh Mão), Đức Chí Tôn giáng đàn, nhắc lại: Thầy lập Đạo năm rồi ngày nầy [mùng một Tết Bính Dần] thì môn đệ của Thầy chỉ có mười hai đứa...([1]) Đức Chí Tôn dạy thêm, sau một năm lập Đạo đã độ được hơn bốn muôn sanh linh (hơn bốn mươi ngàn môn đệ), là nhờ huyền diệu của Đức Thượng Đế cùng với sự tận tụy của sáu vị tiền khai.([2])

Nếu căn cứ theo thánh giáo này thì cách tính lịch đạo của đạo Cao Đài bắt đầu từ mùng một Tết Bính Dần (Thứ Bảy 13-02-1926). Nói khác đi, mỗi khi bắt đầu Tết Nguyên Đán theo truyền thống dân tộc thì cũng bắt đầu bước vào năm Đạo mới của cộng đồng tín hữu Cao Đài.([3])

2. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), ngày 15-10 Tân Sửu (Thứ Tư 22-11-1961), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy: Ba lăm năm chẵn trải thăng trầm.

Đạo Cao Đài khai minh tại chùa Thiền Lâm (Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh) ngày 15-10 Bính Dần (Thứ Sáu 19-11-1926). Đức Giáo Tông giáng cơ dạy như thế vào ngày 15-10 Tân Sửu (Thứ Tư 22-11-1961). Như vậy, tính ra thời gian vừa tròn ba mươi lăm năm chẵn.

Sau đó, Đức Giáo Tông dạy tiếp: Năm nay Đạo Trời vào buổi hạ nguơn đã vượt theo thời gian ba mươi sáu năm, tưởng cũng một việc đáng mừng.

Câu này ý nói Đạo Trời đã bước vào năm đạo thứ ba mươi sáu. Như vậy, phải chăng có thể hiểu là kể từ ngày rằm tháng 10 Tân Sửu thì lịch đạo Cao Đài tính thêm một năm?



([1]) Gồm mười hai vị: Ngô Văn Chiêu, Vương Quan Kỳ, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Hoài, Đoàn Văn Bản, Cao Hoài Sang, Lý Trọng Quí, Lê Văn Giảng, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Phạm Công Tắc, và Cao Quỳnh Cư.

([2]) Sáu vị này gồm có: Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung), Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, và Thượng Bản Thanh (Đoàn Văn Bản). Theo Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934), tr. 112. (Bản thảo, 1.213 trang)

([3]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926 / A Concise Caodai History: the 1926 Inauguration. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 33.

*

Năm Tân Sửu tương ứng với quẻ Dịch thứ mười chín là Địa Trạch Lâm . Quẻ Lâm gồm hai hào dương (vạch liền) ở dưới và bốn hào âm (vạch đứt) ở trên, tượng trưng cái thế đang tăng trưởng của khí dương (tốt đẹp), cũng là đà thăng tiến của các bậc tu hành đạo đức. Vì thế quẻ Lâm báo trước một thời kỳ hưng thạnh, phát đạt về việc đạo.

Quẻ Địa Trạch Lâm bên trên là quẻ Khôn  (địa, đất), bên dưới là quẻ Đoài  (hồ nước). Bờ hồ (đất) và nước hồ tiếp giáp, gần gũi mật thiết với nhau (nước hồ vỗ nhẹ vào bờ hồ). Cho nên quẻ Lâm tượng trưng tình thân ái, lòng chân thành giao tiếp, liên kết, hợp tác giữa các nhà lãnh đạo các tôn giáo.

Quẻ Lâm bên dưới là quẻ Đoài (chan hòa, vui vẻ), bên trên là quẻ Khôn (mềm mỏng). Như vậy, các bậc lãnh đạo tôn giáo nhân lúc gặp thời cơ thuận lợi cho vòng tay đại kết hãy chan hòa, vui vẻ, mềm mỏng khắc phục các dị biệt bên ngoài để đồng thanh cất lên tiếng nói chung (cùng lý tưởng phụng sự) mà siết chặt tay nhau tiến bước, hợp quần kiến tạo hạnh phúc cho muôn dân.