Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO / ĐẠO UYỂN XUÂN 2021 (TẬP 37)

 



CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO

SỬ KIẾN NGUYÊN

Có thực mới vực được Đạo. Tạp bút này xoay quanh cái nơi mà ngày nào không đến là tôi… đi cúng không nổi.

Cách Nữ Đầu Sư Đường chừng năm phút đi bộ, Trai Đường là nhà ăn trong nội ô Tòa Thánh, nơi để nạp năng lượng cho các ban Lễ, Nhạc, Đồng Nhi, Nhà Thuyền Bát Nhã, Kiến Trúc, và những người công quả... Hồi xưa mấy bàn ở góc nhà trên dành cho các vị chức sắc đang phiên trực nghi lễ.

Chẳng có tiếng kẻng báo giờ cơm nhưng ai cũng tới đúng giờ: 11 giờ trưa. Trên các dãy bàn dài xếp nhiều mâm cơm, mỗi mâm sáu người. Tiếng đọc kinh vang vang của nhóm đồng nhi mở màn cho bữa cơm. Các bàn khác thường im lặng đứng chắp tay nghe Kinh Vào Ăn Cơm.([1]) Sau khi niệm danh Thầy, tất cả ngồi xuống cầm đũa. Các bữa cơm ở trai đường lúc nào cũng có khoảng gần trăm người mà tôi vẫn nghe được tiếng chim ríu rít chuyền trên các xà ngang dưới mái Trai Đường bởi đũa và muỗng trên tay mọi người có khua cũng khẽ khàng, với lời nói tiếng cười nhẹ nhàng trong bữa cơm đạm bạc.

Ở Sài Gòn có nhà hàng chay V.Ch. trong khuôn viên một chùa lớn. Một người bạn đạo của tôi đã đến thưởng thức và rất thích không gian của nhà hàng này, vừa cảm nhận vị ngon của món ăn chay tịnh, vừa nghe tiếng trì kinh trầm lắng sâu xa nên người ấy có một ý kiến rất hay: “Phải chi mình có điều kiện sửa Trai Đường của Tòa Thánh lại như nhà hàng ngay trong nội ô. Cách tổ chức cần phải nâng cấp theo trình độ tiến hóa của nhân sanh. Đi ăn chay, vừa học đạo, tránh sát sanh, vừa thưởng thức văn hóa, hội họa, thơ ca, âm nhạc, như vừa ăn vừa thiền. Nghĩa là tới đi nhà hàng cũng tu, cũng như đi chùa.”

Tôi rất đồng ý nhưng ngẫm nghĩ, cái ngon của Trai Đường là ở chỗ thanh đạm đạo vị; không biết khi sửa sang khang trang, món ngon vật quý, chén thanh ly đẹp có làm phai cái hương nguyên sơ của Đạo Thiện Phòng (cái tên mỹ miều tôi đặt cho Trai Đường) hay không? Tôi sợ mình làm mòn đi những tiếng đũa tre mộc mạc thô sơ bên chén sờn ly mẻ. Tôi e ngại những tiện nghi hiện đại sẽ làm lạc lõng những con chim núp nắng dưới mái ngói Trai Đường cũ kỹ. Khi đó thì tôi sẽ tiếc lắm, tiếc vô cùng.

Bữa cơm ở Trai Đường rất đơn giản. Nguồn thực phẩm đến từ các sở công quả của Đạo trồng tỉa. Phân bón chỉ là chút tro than nhà bếp ủ hoai nên cây trái cũng hiền lành. Thêm vào đó mỗi chiều có một người công quả ra chợ Long Hoa “hái” những rau củ bán không hết của bạn hàng để chở về Trai Đường bổ sung vô kho lương thực. Bởi vậy món chay nơi đây ngon với một hương vị khác, một mùi đạo rất riêng mà không nơi nào có được và cũng không thể nào tái tạo được nếu lỡ làm mất đi.

Tôi xem truyện Tây Du Ký, hồi Tôn Ngộ Không đánh bật gốc cây nhơn sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên ở Ngũ Trang Quán, bị ông ấy bắt đền, hẹn ba ngày không cứu sống cây thì đốt cháy mấy thầy trò Đường Tăng. Trước khi từ giã đi tìm thuốc cứu cây, Tôn Ngộ Không căn dặn Trấn Nguyên phải phụng hầu Đường Tam Tạng một ngày ba bữa cơm, sáu bữa nước, nếu thiếu một bữa là miễn đền cây luôn. Tóm lại là người tu cũng cần ba bữa no lòng mới có sức tụng kinh; thế mà Trai Đường chỉ có hai bữa trưa và chiều, nước thì kèm theo sau khi ăn cơm, vậy có thể gọi thành “bữa nước” được không?

Sẵn “bán cơm”, tôi rao thêm mấy đặc sản nữa cho thèm chơi các món độc chiêu ở Trai Đường mà tôi nghĩ hiếm nơi nào có được, trừ các cơ sở Đạo như Vạn Pháp Cung hay Trí Giác Cung mà thôi. Chỉ những nơi nổi tiếng đông người đạo công quả thì may ra mới có, bên ngoài khó ai kiếm ra nổi.

Gỏi chuối cây, không phải gỏi bắp chuối đâu. Ai cũng biết cây chuối chỉ ra buồng một lần; hễ hạ quày chuối xuống thì đốn cây làm rau luôn cho gọn vườn, nhường chỗ cho cây con mau lớn. Nhà ai nuôi vịt thì băm chuối cây trộn cám cho ăn độn. Còn chuối cây ở Trai Đường là đặc sản. Những bẹ chuối già nua bao ngoài được lột bỏ, tước bớt xơ rồi bào mỏng, ngâm vào thau nước khế chua cho sạch nhựa chuối. Sau đó trụng sơ mớ chuối đó, vắt ráo rồi trộn với nước dầu giấm, muối, đường, rau răm và vài lát ớt là thành gỏi chuối cây. Có khi mới vào mùa đậu phộng thì còn chút đậu hạt rang vàng đâm vụn để bổ sung chất béo cho những thực khách gầy nhom thiếu đủ thứ (nên cũng thích đủ thứ như tôi đây).

Nói thỉnh thoảng có đậu phộng rang vì cứ phơi khô đậu xong là đem ép dầu hết, để dành cho nhà bếp xào nấu cả năm, chẳng mấy khi chừa lại để bỏ vào món này món kia cho mọi người nhai nhóp nhép đâu. Bởi vậy giấc mơ nhai đậu phộng trong gỏi chuối vẫn chỉ là giấc mơ, mà chẳng có ai mơ giữa ban ngày, nhất là ngay giờ cơm đâu, phải không?

Nói thêm vài món liên quan tới rau chuối, đó là cháo khuya. Sau khi hành tang lễ xong, gia quyến trong vùng quê thường đãi đồng đạo lót lòng để có sức đạp xe hay cuốc bộ về nhà lúc đêm khuya. Không hiểu tại sao chữ cháo và rau đứng với nhau thấy xứng đôi thật. Mỗi lần nhớ lại mà tôi tưởng như ngay trước mắt là dĩa rau chuối ghém với rau quế, húng lủi, húng cây ngất ngây chén cháo lỏng bỏng với mấy đầu nấm rơm thơm lựng vị ngọt bùi của chất gạo rang vừa chín tới.

Biết là lạc đề nhưng tôi vẫn chui đầu vô bụi chuối bàn thế thái nhân tình một tí.

Cây chuối với cả quày chín vàng như nhuộm nắng mấy tháng, lá nõn xanh mát sau hè, che mưa cho mấy đám rau chóc mọc dại quanh chân. Rồi cái thân chuối cũng nhiều hữu dụng vậy mà người ta cữ cái tên của chuối, tết không dám xếp mấy nải chuối căng tròn lên dĩa vì sợ chúi nhủi cả năm. Người ta chỉ dành nải chuối để trên bụng người mất, có lời giải thích rằng dằn lên như vậy để tránh linh miêu nhảy qua làm xác người bật dậy kiểu quỷ nhập tràng. Thiệt là tin không nổi nhưng đã thành lệ rồi, giờ ai chết cũng đem nải chuối theo (còn người thân và vàng bạc thì bỏ lại hết). Thôi, quay trở lại Trai Đường uống trà nói chuyện tiếp.

Trước tiên mời dùng trà nấu từ râu cây “Thiềm Thục Ngọc” (nói theo nông dân cho gọn, dễ nhớ là trà râu bắp). Trà này cũng một đặc sản của nơi đây. Thường, sau bữa cơm Trai Đường, ai cũng ghé nồi nước trà râu bắp nghi ngút khói thơm ở góc sân do một bác công quả đứng khuấy cái gáo dừa cán dài và rót liên lục vào chén cho mọi người. Miệng ông cười vui vẻ. Chắc bởi nụ cười móm mém này nên mỗi khi uống nước xong, tôi thấy nhẹ cả lòng. (Bữa cơm lưng lưng gặp nước ấm nên trôi êm, cảm giác đoi đói sắp len về.)

Lỡ uống trà rồi nên đành ngưng việc kể thêm mấy “món ngon vị lạ của Đạo Thiện Phòng”; hẹn dịp khác tôi sẽ giới thiệu mọi người những “sơn trân sông rạch vị” như rau sam mọc trên núi Bà, đọt bông lục bình nấu canh chua…

Trước khi chấm dứt, tôi cũng còn luyến tiếc món sả dầm lá me đất với muối ớt. (Ai cũng biết xứ Tây Ninh nổi tiếng món muối ớt nên có bao nhiêu là thứ ngon đi kèm theo: bánh tráng trộn muối ớt, riêng khoai mì và củ lùn chấm muối ớt là món ruột của nông dân tôi.)

Chủ đề là “Có thực mới vực được Đạo”, và đi lòng vòng nãy giờ chỉ mới chui ra khỏi chỗ “có thực”. Bây giờ đội nón lá băng qua đại lộ Phạm Hộ Pháp là vô cửa Báo Ân Từ để kiếm Đạo. Đây mới là chuyện chính.

Cái câu “Có thực mới vực được Đạo” nghe sơ qua thấy đặt việc ăn lên hàng đầu gây cảm giác ngồ ngộ: Cái việc bình thường nạp năng lượng mỗi ngày mà cũng đi trước cái Đạo cao cả mênh mông. Coi vậy mà đúng.

Ăn để làm gì? Để sống. Sống thế nào? Sống cho phải Đạo. Đơn giản vậy sao?

Chừng hai mươi phút sau tiếng đọc Kinh Khi Ăn Cơm Rồi,([2]) Trai Đường trở lại im vắng. Chén đũa sạch sẽ nằm phơi nắng lim dim trên cái chạn sau bếp. Đám rau muống trổ bông tim tím rướn cái đọt bò lên chân kệ úp nồi, mấy cái lá hơi rũ vì hanh nóng giữa ban trưa.

Trời đứng bóng, trống canh điểm 12 giờ vừa dứt thì tiếng chuông nhập đàn ngân nga làm rung rinh mặt nước trong cái lu làm hơi lao xao ánh mặt trời soi trực diện. Tiếng đờn cò rao ò e rồi vô nhịp ngọt ngất. Đồng nhi bắt kinh cúng nghe trong veo như ai treo một chùm chuông gió ở đầu cành cây.

Những điều tôi vừa kể trên đã qua mấy mươi năm, chỉ còn đọng lại trong ký ức mơ hồ. Ngày nay việc tổ chức nơi Trai Đường đã thay đổi. Thế nên các bạn đạo chớ có ngạc nhiên khi đến Trai Đường mà không thấy những điều tôi đã kể.

SỬ KIẾN NGUYÊN




([1]) Giữa vạn vật con người một giống / Phải uống ăn nuôi sống thây phàm / Từ Bi ngũ cốc đã ban / Dưỡng nuôi con trẻ châu toàn mảnh thân / Công Thần Nông hóa dân buổi trước / Dạy khôn ngoan học chước canh điền / Nhớ ơn bảo mạng Huyền Thiên / Con mong mượn xác đoạt quyền vĩnh sanh.

([2]) Nguyện nhớ ơn nông canh nhằn nhọc / Nguyện ơn người lúa thóc giã xay / Ngậm cơm, ơn ngậm hằng ngày / Nên người, con nguyện ra tài lợi sanh / Con cầu xin mảnh hình tráng kiện / Giúp nên công xây chuyển cơ đời / Trên theo pháp luật Đạo Trời / Dưới thương sanh chúng một lời đinh ninh.


*

Bần Đạo dặn một điều: Bất cứ người tu sĩ làm gì, ở đâu, sống như thế nào, cũng đặt vấn đề công phu tu học lên trước, chớ đừng đặt cái gì trước nữa. Đặt công phu lên trước để đảm bảo cho lời nói, cho việc làm, cho con người không bị rẻ rúng.

NGÔ CAO ĐẠI TIÊN, Tu xá Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam), ngày 13-3 Canh Tý (Thứ Sáu 08-4-1960)