Bắc nhịp cầu liên tôn tương ái
dưới mái ấm mạc khải yêu thương
MỘC HUYỀN KHẢI
1. Tóm tắt phần trình bày
của tác giả ([1])
Sau hai năm chờ đợi với nhiều lý do khác nhau, cuối cùng Học
Viện Mục Vụ (Tổng Giáo Phận TpHCM) đã mở lớp Tìm hiểu Ki-tô Giáo và các tôn giáo khác vào học kỳ I, niên khóa
2020-2021, do linh mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê Bảo Lộc hướng dẫn. Chương trình đào
tạo gồm có: a/ Tìm hiểu Ki-tô Giáo và các tôn giáo khác; b/ Giáo huấn của Giáo
Hội Công Giáo về đối thoại liên tôn; c/ Thực hành đối thoại liên tôn. Sau đây
là năm điểm mốc đáng ghi nhớ trong thời gian đào tạo:
Ngày 11-9: Lớp Tìm hiểu
Ki-tô Giáo và các tôn giáo khác chính thức khai giảng.
Ngày 14-10: Linh mục PX Bảo Lộc hướng dẫn lớp và một số nữ tu
viếng thăm thánh đường Islam (số 66 đường Đông Du, quận 1).
Ngày 06-11: Lớp thuyết trình về đạo Islam, gồm: a/ Lịch sử
hình thành Islam; b/ Giáo lý căn bản; c/ Đối chiếu giữa Islam và Ki-tô Giáo.
Sau buổi thuyết trình, lớp được Imam Muhammad Ibrahim (Ngọc Đạt) giải đáp một
số câu hỏi về đạo Islam.
Ngày 13-11: Ông Nguyễn Đình Thỏa (Tổng Thư Ký Hội Đồng Tinh
Thần Cộng Đồng Tôn Giáo Baha’i tại Việt Nam) thuyết trình về đạo Baha’i tại lớp
học và giải đáp một số câu hỏi.
Ngày 20-11: Lớp thuyết trình về đạo Cao Đài.
2.
Thuyết trình về đạo Cao Đài
Ngày 20-11-2020, lớp thuyết trình về Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (The Great Way of the
Third Universalism), nói tắt là đạo Cao Đài (Caodaism). Sau khi được linh mục PX Bảo Lộc hướng dẫn và phê duyệt
nội dung, phần trình bày của lớp kéo dài trong một tiết gồm năm mục: a/ Lược sử
hình thành đạo Cao Đài; b/ Khái quát về cơ cấu tổ chức và các chi phái Cao Đài;
c/ Đại cương giáo lý Cao Đài; d/ Thực hành nghi lễ Cao Đài; e/ Đạo Cao Đài từ
góc nhìn Ki-tô Giáo.
Đạo huynh Huệ Khải (chủ biên Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo) được linh mục PX Bảo Lộc mời đến tham dự
buổi thuyết trình này. Phần thời gian dành cho lớp trao đổi với đạo huynh rất
thú vị và đầy ý nghĩa. Chuông báo giờ học đã kết thúc, mà vẫn còn một số câu
hỏi chưa kịp nêu ra để nghe đạo huynh giải đáp.
Có lẽ phần trao đổi lôi cuốn nhất là khi
đạo huynh chia sẻ về vấn đề cơ bút, vốn
phổ biến tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, chính là phương tiện thông công (means of spiritual communication) gắn
liền quá trình hình thành và phát triển đạo Cao Đài, từ thu nhận tín đồ, ân
phong chức sắc, ban hành luật đạo và kinh điển, quy định nghi lễ và phẩm phục,
đến thiết kế kiểu mẫu cơ sở thờ tự.
Liên quan tới phương tiện thông công ở
Pháp là “xây bàn” (la table tournante),
một học viên hỏi: Liệu có sự tương đồng giữa Thông Linh Học (Spiritism) và
Thông Thiên Học (Theosophy)? Đạo
huynh cho biết Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) hình thành ở
phương Tây vào năm 1875, do bà Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891, người Nga)
đồng sáng lập cùng với ông Henry Steel Olcott (1832-1907, người Mỹ) và bà Annie
Besant (1847-1933, người Anh). Theo đạo huynh: a/ Ba nhân vật này được ban cho
khả năng đặc biệt, tiếp nhận được khải thị của Đấng tối cao; b/ Thông Thiên Học
không phải là một tôn giáo, và khác với Thông Linh Học.
Học viên hỏi: Giáo luật Cao Đài quy định
thế nào về thụ thai nhân tạo, chuyển giới, hôn nhân đồng giới, an tử, v.v…? Đạo
huynh cho biết Tân Luật đạo Cao Đài ra
đời năm Bính Dần (1926),
những vấn đề mà lớp thắc mắc thì vào lúc ấy chưa phát sinh trong xã hội; vì vậy, Tân Luật chưa có
quy định liên quan những vấn đề này.
Trả lời một câu hỏi khác, đạo huynh cho biết tín đồ Cao Đài tin
vào thuyết tái sinh hay luân hồi (reincarnation),
vì phù hợp với thuyết nhân quả (law of cause and effect), và con người
tái sinh nhiều đời, nhiều kiếp với thân phận kiếp này tốt hơn hay xấu hơn kiếp
trước tùy theo kiếp trước sống thiện lành hay sống tội lỗi.
Ngoài phần giải đáp rất nhiệt tình để giúp
lớp hiểu thêm về đạo Cao Đài, đạo huynh Huệ Khải còn tặng lớp các sách do chính
mình viết, cụ thể là:
a/ Tam Giáo Việt
b/ Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài / A Preliminary Survey of Some Christian Terms used in Caodaism
(song ngữ Việt-Anh).
c/ Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson (dịch các chuyện kể dựa theo Phúc
Âm).
d/ Như Hoa Nở Muộn (các bài viết liên quan
tới Công Giáo).
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách
Đại Đạo do đạo huynh chủ biên từ năm 2008 tới nay đã xuất bản 170 đầu
sách. Đạo huynh cho biết sẵn sàng gởi biếu tận nhà những cuốn sách có
trong thư mục mà anh chị em học viên muốn đọc. Đó là một công trình thật đáng
ngưỡng mộ đối với tất cả những ai đang đi trên đường tìm kiếm chân lý.
Khi vài học viên tỏ ý muốn đóng góp một
chút công quả ấn tống, thì đạo huynh vui vẻ nói: “Rất cảm ơn quý anh chị, nhưng hãy dành phần đó cho quý cộng đoàn Công
Giáo trước đã.” Đặc biệt, các sách thuộc Chương Trình Ấn Tống được xuất bản
để kính biếu rộng rãi, chứ không buôn bán.