Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

CHẬP CHẠ KÈN KÊU / ĐẠO UYỂN XUÂN 2021 (TẬP 37)

 


CHẬP CHẠ KÈN KÊU

TRẦN HUIỀN ÂN

Phải là tuần trăng tháng Hai hay tháng Ba.

Mới vừa ăn tết xong, hương cốm bột còn mềm trên đầu lưỡi, vị rim gừng còn cay trong hơi thở, tuần trăng tháng Giêng còn thấm đậm không khí vui chung của làng xóm, chúng tôi nghe lời ông bà cha mẹ phải đi chùa lễ Phật.

Tuần trăng tháng Hai, tết như đã qua xa, những bâng khuâng còn đó nhưng sự chờ đợi thì chưa. Tuần trăng tháng Ba, mùa cắt lúa, ruộng đồng trải một màu vàng, những đống rơm mới rải rác trong đất thổ mỗi bữa một cao hơn, những đám đỗ xanh, đỗ đen thân cây ngã rụi chồng chất lên nhau, vỏ đỗ và bao bắp đổ vương vãi… Mùi thơm thơm, gay gay, lẫn lộn với mùi cỏ khô, đất ẩm như đặc lại, phảng phất đâu đó nơi hàng rào, lắng xuống đâu đó theo lối đi quanh co nhỏ hẹp.

Đó là tuần trăng của tuổi nhỏ. Bọn chúng tôi họp nhau lại nơi trảng gò. Chung quanh gò là đất thổ, hai bên đất thổ là ruộng thấp. Nếu là ban ngày sẽ thấy rõ từng ngọn cỏ tai bèo cánh hoa nhỏ xíu và chất nhựa cỏ bị dẫm đạp bám đen dưới lòng bàn chân, đưa tay sờ nhẹ thấy gót chân trơn láng.

Làng xóm như rộng thêm, đêm như dài thêm, chờ mãi không thấy khuya, mặt trăng cứ lơ lửng như lảng tránh, không chịu lên đỉnh đầu, ánh sáng cứ lẩn quất la đà nơi những cành lá trong các chòm cây rải rác ven gò chuyển màu thành xám bạc.

Vào một đêm ở buôn gần có đám xây cột đâm trâu. Tiếng cồng chiêng theo ngọn gió đêm vượt qua đồi lũng bay đến nghe rõ mồn một. Càng về khuya tiếng cồng chiêng càng thánh thót. Lũ trẻ thấy lòng mình rộn lên, tưởng tượng ra ở đó cả dân buôn nắm tay nhau vòng quanh cây nêu múa điệu “vớt rong”. Một đứa nói rằng tiếng cồng chiêng ấy không phải chỉ có mấy âm thanh “ồn ên ồn ên” như nhiều người bảo, nghe ra thật rõ là “mồng Mười tháng Ba, mồng Ba tháng Mười”. Thời điểm hiện tại là sau mồng Mười tháng Ba.

Chúng tôi nảy ra ý tưởng cùng lập một “ban nhạc” với hai loại “nhạc cụ”: trống lỗ và kèn lá.

Để có trống lỗ, đào một hố tròn, đường kính độ bốn tấc, sâu độ năm tấc. Một đứa tìm được chiếc thùng gánh nước hư lủng bỏ ra cắt lấy miếng thiếc, đặt lên thật vừa vặn trên miệng hố, một đứa tìm được sợi dây thép dài hai sải tay. Cây cọc cao khoảng bốn tấc dựng đứng trên miếng thiếc, hai bên miệng lỗ cách độ sải tay đóng mỗi bên một chiếc cọc thấp, xiên xiên, hai đầu dây thép buộc vào đó, căng thật thẳng qua đầu chiếc cọc trên miệng lỗ. Đó là “cái trống”. Dùng hai que tre lớn bằng chiếc đũa đơm cơm đánh lên sợi dây thép coi như mặt trống, tạo ra âm thanh “thùng thình thùng – thùng thình thùng” với nhiều cung bậc, giống như tiếng “trống quân” sau này nghe và xem các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, chiếu trên màn ảnh nhỏ.

Kèn lá quấn bằng lá múi dẻ (có nơi gọi là dủ dẻ). Đây là một loại cây chỉ cao ngang đầu gối tới ngực, mọc nơi giồng đồi. Thân cây rất dẻo, được chuộng dùng làm cần sanh gài bẫy chim. Hoa múi dẻ màu vàng đất, cánh dày, hơi thô tháp, hái bỏ trong túi, lúc chạng vạng tối tỏa ra mùi thơm thật đặc biệt, một chút nồng nàn, một chút ngây ngất, bay xa. Trái múi dẻ có vị ngọt thanh và bùi, hạt đen mướt. Những cây tơ trái bằng ngón tay cái, mọng mật, no tròn như con heo sữa. Muốn cho chiếc kèn lớn hơn, gần bằng kèn thật, thì phần ngoài quấn thêm lá chuối tước thành rẻo nhỏ, dùng gai thồ lồ găm ngang nơi miệng kèn, giữ không cho bung ra. Gai thồ lồ khoảng năm phân, dài, nhọn và cứng nhất trong các loại gai rừng. Đến hạng anh hùng lục lâm thảo khấu như Chú Lía ở Truông Mây cũng phải nể sợ, như lời ca dao dẫn chứng: Thằng Lía là thằng Lía cồ. Bẻ gai thồ lồ chích đít thằng Lía.

Đâu phải đứa nào cũng quấn được kèn kêu và biết thổi kèn, phải có “tay” quấn kèn, cũng như tay bỏ mắm, bỏ tương, tay đánh chim, câu cá. Không có “tay” thì kèn chỉ phát ra mấy tiếng “cà-hịp cà-hịp” như người đứt hơi, nấc cụt. Chẳng biết ai đó đã nghĩ ra rằng quấn xong phải “chập chạ” kèn mới kêu. Trước hết cắn nhẹ nơi lưỡi kèn (chỗ thổi) để có dáng hơi nhọn, hình chữ v, rồi nhúng kèn vào nước, phùng má thổi ngược cho nước chảy ra, lòng kèn được thông. Đặt kèn vào lòng bàn tay, bàn tay kia úp lên, ân cần vỗ nhẹ, đọc câu “thần chú” nửa khuyến khích, nửa hăm dọa: Chập chạ kèn kêu. Chập chạ kèn kêu. Kèn kêu tao cho ăn cơm với cá… Nếu kèn vẫn không kêu thì nhờ đứa có “tay” quấn kèn sửa giúp.

Ở miền núi cá biển là thức ăn hiếm, lời hứa hẹn cho ăn cơm với cá thật là “khích lệ lớn lao” với chiếc kèn. Chuyện xưa bên Tàu... Khi Phùng Huyên đến làm khách nhà Mạnh Thường Quân ban đầu bị xếp vào hạng hạ khách, chỉ được ăn cơm rau dưa, mỗi khi đến bữa, ông gõ bát hát lên: Về đi, về đi, ăn cơm không có cá. Được gia nhân trình báo, Mạnh Thường Quân đưa ông lên hạng trung khách, ông hát: Về đi, về đi, đi đâu không có xe. Được đưa lên hàng thượng khách, ông hát: Về đi, về đi, ăn rồi không có việc gì làm. Mạnh Thường Quân nhờ ông đi đòi nợ nơi ấp Tiết, Phùng Huyên hỏi: Xin cho biết thu nợ xong mua món gì đem về? Mạnh Thường Quân đáp: Tiên sinh xem ở nhà món gì còn thiếu thì mua. Đến nơi Phùng Huyên thu được một ít tiền, sai làm mâm cỗ đãi cả thảy dân ấp, rồi đem giấy t vay mượn đốt cháy ra tro, tuyên bố rằng Mạnh Thường Quân tha hết nợ cho bà con. Dân ấp Tiết còn gì vui mừng hơn nữa? Khi về, Mạnh Thường Quân không được vui, Phùng Huyên trình bày: Tôi thấy ở nhà thứ gì cũng quá thừa thãi, có còn thiếu chăng là “đức”, nên mua món ấy. Sau đó, Mạnh Thường Quân bị nhà vua bãi chức, chọn ấp Tiết làm nơi định trú, đến nơi được dân chúng già trẻ trai gái kéo nhau ra tiếp đón với lòng biết ơn nồng hậu. Mạnh Thường Quân cảm động nói với Phùng Huyên: Bây giờ tôi mới hiểu rõ món đức mà ngài đã mua cho ngày trước.

Chính cái đứa diễn giải tiếng cồng chiêng là đứa có đôi tai và đôi tay của người nhạc sĩ dân gian đồng quê đã gõ lên dây trống tạo ra tiếng vang y hệt tiếng cồng chiêng. Cũng đứa ấy có “tay” quấn kèn, tỏ ra rất điệu nghệ lúc chập chạ kèn kêu và thổi kèn đúng theo từng bài hát. Lũ trẻ thích thú vô cùng, tiếng kèn của nhiều đứa dẫu chỉ là “ò e í e” đã xen lẫn trong bao nhiêu tiếng kèn khác, trong tiếng trống lỗ êm đềm và nhịp nhàng “mồng Mười tháng Ba, mồng Ba tháng Mười” để hòa quyện cùng nhạc điệu cồng chiêng nương theo làn gió băng rừng vượt trảng bay đến.

Bảy mươi năm trước, tôi là một “thành viên” – không phải chủ lực – trong ban nhạc này. Thời ấy, chúng tôi chưa có ý niệm rõ ràng về tiết xuân, chưa biết dùng hai tiếng “xuân về”. Đám bạn bè sống nơi cao nguyên, quanh năm chăm chúi trong vùng đất hẹp, dưới khung trời nhỏ, chợt một lúc nào đó cảm nhận trong mùi nắng, mùi gió, mùi cây cỏ có cái gì khác lạ. Y như đám thú rừng ngẩng cao đầu, vểnh đôi tai, tròn đôi mắt… ngắm nhìn, nghe ngóng tự chốn xa xôi nào đó, chúng tôi reo lên: Tháng Ba rồi. Tháng Sáu rồi. Tháng Tám rồi. Tháng Ba, tháng Tám, mùa cắt lúa, lảy bắp, phơi đỗ. Tháng Sáu nghỉ hè, tát cá suối, hái trái rừng, bẻ măng tre. Và càng vui hơn khi bảo nhau: Tết tới rồi. Tết tới rồi…

Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn về lại xóm cũ trên vùng cao nguyên miền Trung. Nắng lửa mưa dầu, mấy năm gần đây thời tiết khắc nghiệt, liên tiếp bị bão và lũ, việc làm ăn thật khó khăn, vất vả, bà con nhiều người còn nợ nần chồng chất, nợ tư nhân và nợ ngân hàng. Tôi chạnh lòng, chợt nhớ câu thơ Nguyễn Bính: Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự! Làm sao có được một Phùng Huyên thay mặt các chủ nợ, không phải khoanh vùng, mà thu gom đốt hết chứng từ?

Bạn bè thiếu niên đã bốn phương tan tác, đứa mất, đứa còn. Nhớ đến họ, không khỏi nghĩ đến ban nhạc với tiếng trống lỗ và tiếng kèn lá. Thật sự thì những âm thanh ấy làm sao hay bằng trống thật, kèn thật. Nhưng nhìn lại bờ bến đã qua, xét ra trong niềm vui tự nhiên và đơn giản có một phần lớn ý thức tự lực và cộng đồng. Khi đào trống lỗ, đa kiếm món này, đứa tìm món nọ, không chờ đợi, không nạnh hẹ, tự nhận việc làm, “cái trống” không của riêng ai. Khi cùng thổi kèn, có đứa giỏi đứa kém, nhưng biết đ vớt nhau, nương theo nhau, mới không lạc điệu. Niềm vui luôn luôn được góp thêm, vun đầy, lắc chặt, lớn dần, lớn mãi, cả đám chung nói, chung cười, không chia năm xẻ bảy biến thành của tư “manh mún”. Phải chăng do vậy mà chúng tôi còn thương mến nhau cho đến ngày nay, da mồi tóc bạc?

Lại nghĩ: Hình như những chuyện buồn mới đọng thành kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng buồn.

Buồn như câu ca: Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội.

TRẦN HUIỀN ÂN