Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

CHU VĂN AN (1292-1370) CON NGƯỜI VÀ THỜI ÐẠI / ĐẠO UYỂN XUÂN 2021 (TẬP 37)

 


CHU VĂN AN (1292-1370)

CON NGƯỜI VÀ THỜI ÐẠI

NGUYỄN DUY CHÍNH

Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc?

Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong.

(Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?

Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân.)

Câu đối thờ Chu An

Hơn sáu trăm năm trước, nhà Nho Chu An 朱安 ([1]) đã một thời làm rạng danh cho tầng lớp sĩ phu, nêu cao khí tiết và thể hiện tinh thần chính trực uy vũ bất năng khuất. Trong khi chính sự suy đồi, tình thế nhiễu nhương, ông đã hiên ngang dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần, và khẳng khái từ quan khi không được nhà vua chấp thuận. Ông trở về mở trường dạy học, mang cái phong vị “giày cỏ, vớ gai” để truyền bá đạo lý thánh hiền.

Thân thế

Chu An tự là Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn 樵隱, người làng Quang Liệt 光烈, huyện Thanh Đàm 清潭 (nay là Thanh Trì 青池), tỉnh Hà Ðông. Sử sách không chép ông sinh năm nào, chỉ biết ông mất năm Canh Tuất (1370), Thiệu Khánh nguyên niên đời Trần Nghệ Tông. Theo thần tích đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm Thành Hoàng thì ông sinh năm Nhâm Thìn (1292). Như vậy ông thọ bảy mươi chín tuổi. Ông đỗ thái học sinh (tức tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà ở tại quê nhà. Ông tính ưa đọc sách, dựng một ngôi nhà ở sườn đồi, cạnh bờ đầm vừa làm thư viện, vừa làm trường lại là nơi soạn sách.

Theo thiên Văn Trinh Ngạnh Trực 文貞鯁直 trong Nam Ông Mộng Lục 南翁夢錄 thì ông “tính liêm khiết, cương trực, ở nhà thì hết lòng học hành, học vấn tinh thông tiếng tăm lừng lẫy xa gần” 性廉直剛介, 居家篤好讀書, 學業精醇, 名聞 遠近.([2])

Cứ theo sử cũ, thời Trần nước ta có bốn học hiệu, có thể coi như bốn đại học quốc gia, gồm học hiệu Trần Ích Tắc, học hiệu Thiên Trường, thư viện Lạn Kha và học hiệu Cung Hoàng của Chu An. Cứ theo phỏng đoán, thư viện Lạn Kha trong núi Phật Tích có lẽ thiên về Thiền Tông vì do triều đình thiết lập, học hiệu Trần Ích Tắc dành cho vương tôn công tử và tôn thất nhà Trần, chỉ có hai học hiệu Thiên Trường và Cung Hoàng mới thực sự là của dân gian.

Tác phẩm

Chu An là một danh Nho, từng sáng tác nhiều sách vở trong đó có Tứ Thư Thuyết Ước 四書說約, Tiều Ẩn Thi Tập 樵隱詩集, và Quốc Ngữ Thi Tập 國語詩集, nhưng đều bị người Tàu thời Minh thuộc tịch thu đem về Kim Lăng cả. Ông còn soạn một cuốn sách thuốc có tên là Y Học Yếu Giải Tập Chu Di Biên.

Cho đến nay, người ta chỉ mới tìm thấy mười hai bài thơ của Chu An chép trong Toàn Việt Thi Lục, liệt kê sau đây:([3])

1. Nguyệt Tịch Bộ Tiên Du Sơn Tùng Kính 月夕步仙遊山松 (Đêm trăng dạo bước trên đường thông ở núi Tiên Du).

2. Đề Dương Công Thủy Hoa Đình 題楊公水華亭 (Đề đình Thủy Hoa của ông họ Dương).

3. Linh Sơn Tạp Hứng 靈山雜興 (Tạp hứng ở núi Chí Linh).

4. Thôn Nam Sơn Tiểu Khế 村南山小 (Tạm nghỉ ở núi Thôn Nam).

5. Cung Họa Ngự Chế Động Chương 恭和御制洞章 (Họa lại bài thơ vua làm tại trong động).

6. Thanh Lương Giang 清凉江 (Sông Thanh Lương).

7. Thứ Vận Tặng Thủy Vân Đạo Nhân 次韻贈水雲道人 (Họa vần tặng Thủy Vân Đạo Nhân).

8. Xuân Đán 春旦 (Sáng mùa xuân).

9. Miết Trì 鱉池 (Ao Miết).

10. Giang Đình Tác 江亭作 (Làm thơ ở đình bên sông).

11. Sơ Hạ 初夏 (Đầu mùa hè).

12. Vọng Thái Lăng 望泰陵 (Nhìn về Thái Lăng).

Sự nghiệp

Khi ông mất, vua Nghệ Tông đặt tên thụy là Văn Trinh, truy tặng tước Công (tước lớn nhất trong năm tước mà người ngoài hoàng tộc có thể được phong), ban hiệu là Khang Tiết Tiên Sinh và được đem vào thờ trong Văn Miếu. Ngô Thế Vinh trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã giải thích: Văn, đức chi biểu dã. Trinh, đức chi chính cố dã. (Văn là cái vẻ đẹp bên ngoài của đức. Trinh là sự bền vững bên trong của đức.) Nghĩa là cả ngoại mạo và tâm hồn ông đều đạo đức và kiên định.

Trường ông lại đào tạo nhiều danh thần như Phạm Sư Mạnh 范師孟, Lê [Bá] Quát [] giữ đến chức hành khiển (người đứng đầu một đạo, ngang tổng đốc sau này) mà đến thăm thầy vẫn chắp tay đứng hầu. Tổng hợp một số chi tiết liên quan đến Chu An, người ta tin rằng ông đặt nặng vấn đề cương thường, luật pháp và có thể coi như một tư tưởng gia và cũng là một hành chánh gia lỗi lạc. Chính vì thế mà ông được vua Trần Minh Tông triệu vào cung làm tư nghiệp Quốc Tử Giám 國子監司業 lại kiêm việc dạy thái tử. Tư nghiệp Quốc Tử Giám là hiệu trưởng trường dạy người ra làm quan (tương đương với viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn trước năm 1975). Trần Nguyên Đán 陳元旦 (1325-1390) ([4]) có thơ mừng ông như sau:

賀樵隱先生拜國子監司業 ([5])

學海瀾俗再醇, 上庠山斗得斯人.

窮經博史工夫大, 敬老崇儒政化新.

芒鞋歸漢日, 蒼顏白髮浴沂春.

花勳只是垂衣治, 爭得巢由作内臣.

Dịch âm

Hạ Tiều Ẩn Tiên Sinh Bái Quốc Tử Giám Tư Nghiệp

Học hải hồi lan tục tái thuần

Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân

Cùng kinh bác sử công phu đại

Kính Lão sùng Nho chính hóa tân

Bố miệt mang hài quy hán nhật

Thương nhan bạch phát dục Nghi xuân

Hoa Huân chỉ thị thùy y trị

Tranh đắc Sào Do tác nội thần.([6])

Dịch nghĩa

Mừng Tiều Ẩn Tiên Sinh Nhận Chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám

Xoay lại sóng biển học để phong tục thuần hậu

Nhà trường nay được bậc Thái Sơn, Bắc Đẩu đến dạy học

Kinh sử đều học rộng, công phu thật lớn thay

Kính đạo Lão, sùng đạo Nho nên chính sự nay đổi mới

Ngày ông mặc vớ vải, giày cỏ về làm dân thường

Người trẻ cùng tắm sông Nghi mùa xuân với người già

Vua Nghiêu, vua Thuấn chỉ thõng tay mà trị nước

Bởi vì có ông Sào, ông Do là bầy tôi.

Sự nghiệp của ông sau này được nhắc đến nhiều qua bài Thất Trảm Sớ 七斬疏 tức lời tâu xin chém bảy tên nịnh thần năm Canh Tuất (1370) đời Trần Dụ Tông. Tính theo niên biểu, ông làm quan một thời gian rất dài, từ đời Minh Tông (1314-1329), qua đời Hiến Tông (1329-1341) tới đời Dụ Tông (1341-1369). Sau khi Minh Tông thượng hoàng mất (1357), Dụ Tông nắm quyền, dùng nhiều kẻ gian, ông can ngăn không được mới treo mũ ở cửa Huyền Vũ, từ quan về ở ẩn núi Phượng Hoàng 鳳凰, làng Kiệt Đặc 傑特, huyện Chí Linh 至靈 (Hải Dương).([7])

Khi ông về ở ẩn, người đương thời rất tiếc, cố khuyên can ông ở lại nhưng ông không nghe. Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán có thơ tặng ông:

贈朱樵隱

黼冕桓圭心已灰, 風霜安敢閉寒梅.

白雲高疊山扉掩, 紫陌多歧我馬隤.

蕙帳勿驚孤鶴怨, 蒲輪好下民迴.

昌期社稷天方作, 肯使先生老碧隈.([8])

Dịch âm

Tặng Chu Tiều Ẩn

Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi

Phong sương an cảm bế hàn mai

Bạch vân cao điệp sơn phi yểm

Tử mạch đa kỳ ngã mã đồi

Huệ trướng vật kinh cô hạc oán

Bồ luân hảo vị hạ dân hồi

Xương kỳ xã tắc Thiên phương tác

Khẳng sử tiên sinh lão bích ôi.([9])

Dịch nghĩa

Tặng Chu Tiều Ẩn

Triều phục và ngọc hoàn khuê nay đã lòng nguội lạnh

Gió sương không thể giam giữ cây mai lạnh

Mây trắng, lũy cao núi đóng lại

Đường tím nhiều lối ngựa ta chân mỏi

Trong trướng huệ không sợ chim hạc ở một mình oán giận

Bánh xe cỏ bồ hãy vì dân mà quay lại

Xã tắc thịnh trị Trời sẽ giúp

Lẽ nào tiên sinh lại đi ở chỗ non xanh.

Vua Dụ Tông tên thật Trần Hạo, là con thứ mười của vua Minh Tông, sinh năm Bính Tý (1336) lên ngôi lúc mới năm tuổi (Tân Tỵ 1341). Mười sáu năm đầu vì có thượng hoàng Minh Tông quyết định mọi việc nên tình hình tạm ổn, nhưng từ khi thượng hoàng mất (1357), Dụ Tông ăn chơi xa xỉ, cơ nghiệp suy đốn rất mau. Có lần nhà vua lẻn ra ngoài thành chơi, đêm về bị kẻ cướp chặn lại lấy mất cả gươm lẫn ấn. Năm Kỷ Dậu (1369) nhà vua mất, ngôi nhà Trần về tay Dương Nhật Lễ. Nhật Lễ vốn là con của một người nhà trò (người làm nghề xướng ca) tên là Dương Khương. Vợ Dương Khương cũng là con hát, đang có thai thì bị Cung Túc Vương Trần Dục ([10]) cướp về làm vợ. Ðứa con đó là Nhật Lễ. Vì thế Nhật Lễ khi lên làm vua đổi lại họ Dương. Tôn thất nhà Trần hợp sức lật đổ Dương Nhật Lễ tôn con thứ vua Minh Tông là Cung Tĩnh Vương Trần Phủ lên làm vua tức vua Nghệ Tông.

Tuy đã về hưu, mỗi khi hội lớn Chu An vẫn vào kinh sư để lấy ý can ngăn nhà vua và răn đe lũ nịnh thần không cho làm điều quá đáng. Vua Dụ Tông muốn đem chính sự giao cho ông nhưng ông từ chối. Hiến Từ Hoàng Thái Hậu bảo:

- Người này không thể bắt làm tôi được, làm sao có thể sai bảo ông ta.

Vua lại ban cho mũ áo nhưng ông tạ ơn rồi lại đem cho người khác chứ không giữ. Chỉ đến khi Dụ Tông băng hà, ông nghe tin vua Nghệ Tông lên ngôi mới chống gậy vào bái yết rồi lại về quê. Nam Ông Mộng Lục chép rằng “Học trò ông khi đã ra làm quan rồi vẫn thường đến thăm thầy, tới đều sụp lạy dưới sập ông ngồi, được cùng ông trò chuyện một vài câu rồi đi thì rất vui sướng. Những ai có điều không hay, ông đều quở mắng nặng nề, thậm chí đuổi đi không cho vào. Ông thanh cao nghiêm chính nổi tiếng một thời ai ai cũng biết([11])

Ngoài những đức tính của ông khi làm quan, làm thầy, Ngô Sĩ Liên trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư tôn ông là tổ của Nho gia nước Việt và đặt ông hơn hẳn những danh Nho khác như Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Ðán. Chúng ta thử xem lời nhận định đó dựa trên căn bản nào.

Trước thế kỷ 14, nước ta tuy đã có tổ chức hành chánh và cương vực rõ rệt nhưng về văn hóa có lẽ còn ở mức sơ khai. Mặc dù mình chịu ảnh hưởng của người Tàu sau hơn ngàn năm bị đô hộ, có thi cử, có văn chương nhưng vẫn còn nhiều nét thuần phác. Xem những tác phẩm còn sót lại ngày nay, chỉ được một ít bài có giá trị. Hơn thế nữa, tuy giai đoạn tự chủ của chúng ta đã kéo dài vài trăm năm nhưng vẫn chinh chiến nhiều, hết nội loạn tới ngoại xâm. Ðời Ðinh, Lê chúng ta đã phải lo củng cố thực lực, sang đời Lý lại chinh chiến nhiều phen với Trung Hoa, với Chiêm Thành. Ðến đời Trần, giai đoạn đầu, nhà Trần tuy có xây dựng được một số quy tắc trị nước và định chế giáo dục nhưng vẫn thiên về hình pháp, mang tính chất trấn áp và củng cố quyền lực hơn là văn hóa. Vừa ổn định được một chút, thì bốn lần giặc Nguyên sang chiếm nước ta, cả nước chuyển qua thế chiến tranh chống giữ. Thắng được địch đã là một kỳ công nên việc xây dựng một nền móng vững vàng về học thuật, chính trị, hành chánh chưa kịp tiến hành.

Phải đến đời vua Anh Tông (1293-1314) nước ta mới tạm yên. Chính từ giai đoạn này, vai trò của Chu An nổi bật lên vì ông đã chuyển biến từ một tổ chức hành chánh có tính chất bộ tộc lên tầm vóc một quốc gia. Chuyển biến đó không nằm trong hình thức công quyền nhưng nằm trong một số định chế và quan niệm cơ bản.

Thứ nhất, từ đời Anh Tông, tầng lớp quan lại là thành phần có vai trò quyết định trong việc nắm giữ vận mệnh quốc gia đã chuyển từ giới quý tộc nhà Trần sang giới Nho sĩ. Theo sách vở, triều đình có những lương đống như Ðoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu An đều không phải người trong tôn thất. Tuy vẫn có những tranh chấp trong giới thân tộc nhà Trần nhưng giới quan lại giữ được tư thế độc lập, không để bị lôi cuốn vào những phe đảng của hoàng gia. Giai đoạn này mặc dù các hoàng thân quốc thích vẫn còn giữ những thái ấp, điền trang rộng lớn nhưng chỉ là những phú gia chứ không còn vai trò quyết định quốc gia như thời kỳ đầu. Ngay cả binh quyền cũng đã giao cho nhiều người thuộc hàng dân dã. Chúng ta cũng đã thấy, triều Trần cũng như nhiều triều đại khác, giao phó việc quân sự cho một số người trong hoàng tộc, thường dân chỉ làm tỳ tướng, phó tướng. Ðến giai đoạn này, quyền lực đó đã giảm dần.

Thứ hai, quốc gia tuy vẫn chú trọng việc quân sự nhưng đã chuyển hướng nỗ lực sang xây dựng những định chế hành chánh, giáo dục, kinh tế và xã hội. Luật lệ được quy định rõ ràng, thay thế tính chất điền ấp nông nô. Tổ chức hành chánh được thành lập, có hệ thống quan chế, văn võ. Khoa thi Thái Học Sinh được mở ra từ năm 1323, lại cấm thói vẽ mình của quân lính. Chu An cũng cải tổ lại việc thi cử và khuyến khích việc dùng quốc âm. Chính ông cũng làm thơ bằng chữ Nôm. Tuy không rõ đời này thi cử gồm những môn gì nhưng thuở ấy nước ta không chỉ theo lối từ chương mà cũng có những học thuật mới, chẳng hạn như Trần Nguyên Ðán đã soạn được bộ Bách Thế Thông Khảo nghiên cứu về thiên văn, lịch pháp. Ðời Hồ lại có toán pháp trong kỳ thi đủ biết ông cha ta cũng chuộng thực dụng. Những cải cách về quân sự, những phát kiến về chiến thuyền, súng thần công vài mươi năm sau cho thấy thời đó trình độ khoa học của nước ta khá cao, nhiều điểm trội hơn cả Tàu. Có lẽ vì thế mà khi lấy được nước ta, nhà Minh bắt hết nhân tài, thợ khéo đem về nước.([12]) Việc cải cách thi cử cho ta thấy quốc gia đã chuyển từ việc sử dụng người thân thích trong hoàng tộc sang việc dựa trên thực tài để tuyển dụng quan lại trị nước.

Thứ ba, từ một xã hội với tinh thần đa giáo (Nho, Thích, Lão) Chu An và những bạn đồng liêu đã đẩy lùi hai tôn giáo lớn là Phật và Lão xuống quần chúng và nâng Nho Giáo lên thành một thứ khuôn mẫu chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà Văn Trinh Công đã trước tác Tứ Thư Thuyết Ước và rất có thể đây là một trong những diễn dịch, bình luận và giải thích đạo Nho sớm nhất của Việt Nam. Tuy hiện nay chúng ta không còn tài liệu nào về tác phẩm này nhưng có lẽ Chu An có quan điểm riêng chứ không sao chép lại quan điểm của Tống Nho, Hán Nho. Chuyển biến từ một học thuật sang một định chế chính trị, Chu An đã khởi đầu một thời kỳ mới trong đó Nho Giáo trở thành chương trình học đường chính thức và Tứ Thư là sách giáo khoa cho bất cứ sĩ tử nào muốn đi thi. Khuôn mẫu chính trị của ông nằm trong tám chữ cùng lý, chính tâm, tịch tà, cự bí 窮理, 正心, 闢邪, 距詖. Cùng lý là hiểu phải cho đến nơi đến chốn. Chính tâm là giữ lòng cho ngay thẳng. Tịch tà là trừ bỏ thói hư, tật xấu, chống lại tà thuyết. Cự bí là ngăn ngừa cái dở. Bốn điều đó cho thấy ông chú trọng hai điều tích cực (phải theo) và hai điều tiêu cực (phải chống). Mặc dù không ai biết chắc tịch tà, cự bí được hiểu theo nghĩa nào nhưng thời đó đạo Phật, đạo Lão suy vi, nhiều tăng lữ, pháp sư thích chuyện huyền hoặc, mê tín nên một số danh Nho đã lên tiếng đả kích. Có lẽ Chu An cũng muốn nhấn mạnh vào việc bài xích dị đoan. Ðiều đáng nói là ông không chống lại Phật Lão để nâng Nho Giáo lên hàng độc tôn, nhưng rõ ràng chú trọng về xây dựng một xã hội trọng cương thường, pháp trị theo khuôn mẫu Khổng Mạnh. Thành thử, đời sống ông vẫn không câu nệ mà lại tiêu dao tự tại. Biệt hiệu Tiều Ẩn mô tả cái phong vị nhàn nhã và là một hình ảnh khoáng dật rất Lão Trang. Hai câu của ông nói lên điều đó:

身與孤雲長戀岫 / 心同古井不生瀾.

Thân dữ cô vân trường luyến tụ

Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.([13])

Dịch nghĩa

Người với chòm mây đơn lẻ vẫn nhớ tới núi xanh

Lòng cũng giống như giếng cổ nước không còn sóng nữa.

Tạm dịch

Lòng như giếng cũ đâu còn sóng

Thân với mây chiều vẫn nhớ non.

Chỉ mười sáu chữ mà ta thấy cái tĩnh lãng, hư không chan chứa trong đời sống, nói lên một sự tiêu biểu của Tam Giáo hòa đồng, khi trẻ thì mòn gót lỏng trán để giúp đời nhưng khi già thì quay lại làm bạn với mây ngàn hạc nội.

Thứ tư, Chu An và thế hệ của ông cũng san định lại phong hóa, lễ nghi cho xã hội Việt Nam. Trước đây, dân tộc Việt có lẽ chưa có những quy phạm rõ rệt và đời sống và sinh hoạt còn nhiều tính chất bản năng. Ðiển hình là nhà Trần có thói anh em, họ hàng lấy lẫn nhau. Rất có thể tục lệ này thời đó phổ thông ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta nên khi đưa vào triều đình không ai phản đối. Từ thời Chu An, ngoài cải tổ hành chánh, ông cũng quy luật hóa các phong tục xã hội, tạo nên một bản sắc riêng cho một quốc gia mà người Tàu phải gọi là văn hiến chi bang.([14]) Người trong cùng họ không được kiện cáo lẫn nhau để nâng cao tinh thần gia tộc và liên đới trách nhiệm. Tuy đây chỉ là một điểm nhỏ trong cơ chế luật lệ thời bấy giờ, chúng ta có thể nghĩ rằng Chu An muốn chấn chỉnh lại phong hóa ngõ hầu củng cố cái gốc của nước là lòng dân hầu bảo tồn thực lực khi có ngoại xâm. Tiếc rằng vua Dụ Tông quá hèn kém, lại ham chơi nên Văn Trinh Công đành bất lực không cứu vãn được cơ nghiệp nhà Trần.

Từ những ưu điểm đó, tuy về sau nước ta bị nhà Minh xâm chiếm nhưng chỉ một thời gian ngắn lại giành được độc lập và đời Lê là một trong những giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử. Có thể nói một số thành quả của triều Lê chính là ảnh hưởng nối dài của giai đoạn cuối đời Trần mà Chu An là người khởi xướng.

Nói tóm lại, Chu An là một nhân vật hành chánh có công cải cách đã đành, nhưng đứng trên phương diện văn hóa, ông cũng đã có ảnh hưởng rất quan trọng. Ông là gạch nối giữa một thời đại mà dân tộc chúng ta tuy đã lừng lẫy về võ công nhưng văn minh lại chưa phát triển lắm để chuyển sang một thời kỳ xây dựng bản sắc dân tộc riêng ở một góc trời. Tuy sự nghiệp của ông không hoàn thành trọn vẹn, phần vì vua chúa hôn ám, phần vì vận nước ngả nghiêng, hết giặc Chiêm Thành lại đến giặc Minh tàn phá toàn bộ di sản tinh thần mà thời đại của ông đã gây dựng nhưng vẫn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử. Một điều đáng tiếc là ngoài một vài lời bình của sử thần về ông, chúng ta không biết chắc quan điểm của ông như thế nào. Nhiều học giả sau này đã phàn nàn là chủ trương thâm độc của nhà Minh đã hủy diệt toàn bộ kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam mà triều Trần đã lên đến cao điểm cả về binh bị lẫn học thuật. Sau thời Minh thuộc, tuy triều Lê có thừa hưởng cái phong thái văn minh của nhà Trần nhưng rồi lại rơi vào cái học hư văn, khiến Nho học trở thành một con đường tiến thân chật hẹp mà nhân tài không thoát ra được. Lê Quý Ðôn đã phải than: Sau khi khôi phục, sĩ phu ít ỏi, đến đời Hồng Ðức thì khoa mục nặng hư văn, từ đời Ðoan Khánh thì suy bại quá lắm.([15]) Chúng ta hãy đọc lại nguyên văn lời của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ vị trí của Chu An:

吳氏曰

我越儒者見用於時不不多. 未有志道德以致澤念者也. 如蘇憲誠之於李, 朱文貞之於陳始庶幾焉然. 憲誠遇君者也, 所以功業見於當時. 文貞不遇者也, 所以正學見於後世.

以文貞言, 其事君也必犯顏, 其出處也則以義, 造就人才則 公卿多出於其門, 高尚風節則天子不得而臣. 况巖巖体貌而師 道嚴, 稜稜聲氣而佞人讋, 千載下聞其風能無廉頑立懦者乎宜 我越儒宗而從祀文廟也.

他如元旦同姓之卿, 雖含忠憤之氣而付國勢於無奈全家屬 於顛沛, 漢超文學之臣, 雖有骨之直而交歡於不當交 (友善 於中官之輩) 嫁女於不當嫁 (於文貞乎何有).

Dịch nghĩa

Họ Ngô bàn rằng

Nước Việt ta những Nho sĩ gặp thời được dùng không phải không nhiều nhưng không có chí về đạo đức để mang trong lòng ý niệm ban ân trạch cho dân. Đời Lý có Tô Hiến Thành, đời Trần có Chu Văn Trinh ấy là những người được như thế. Hiến Thành thì gặp được vua nên đương thời người ta đã thấy được công nghiệp. Văn Trinh thì không gặp được vua, nên phải hậu thế mới biết đến chính học của ông.

Cứ như Văn Trinh mà luận, phàm việc thờ vua ắt phải nghiêm trang, đối đãi xuất xử ắt lấy điều nghĩa, vun đắp nhân tài nên công khanh hầu hết từ cửa ông mà ra, cao thượng phong tiết khiến thiên tử cũng không dám coi như tôi tớ. Huống chi dáng lẫm liệt mà dạy học trò nghiêm, tiếng vang vang nên nịnh thần sợ, nghìn sau nghe tiếng mà kẻ ương bướng không sợ hay sao? Không phải là tổ tông của Việt Nho ta đáng được đưa vào thờ tự ở Văn Miếu hay sao?

Còn người khác như Nguyên Đán vốn là công khanh cùng họ [nhà vua], tuy có bụng công phẫn nhưng mặc đất nước để gia thuộc mình khỏi lênh đênh, còn Hán Siêu là bầy tôi văn học, tuy cứng cỏi chính trực nhưng lại giao thiệp với kẻ không đáng giao thiệp (giao du thân mật với bọn hoạn quan), gả con gái cho người không đáng gả (sao sánh được với Văn Trinh).([16])

Một sử thần vốn nổi tiếng là kỹ lưỡng, kén chọn từng chữ, từng lời đã dành bấy nhiêu câu khen ngợi đủ thấy Chu An được kính trọng đến thế nào.

Lê Tung trong Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận thì hạ bút ca tụng bài Thất Trảm Sớ là: Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn. (Bài sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nghĩa khí động tới trời đất.)

Tính khí của ông lẫm liệt đã đành, văn chương của ông cũng hết sức cao tiết. Phan Huy Chú phê bình Tiều Ẩn Thi Tập là: Thơ hết sức trong sáng, u dật, nhàn nhã tự tại, khiến người đọc tưởng như thấy được cái thú cao của việc ở ẩn như thế nào. Họ Phan cũng ca ngợi ông là: Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt ta trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được.([17])

Ðể kết luận, chúng tôi xin mượn bốn câu thơ của vua Dực Tôn (Tự Ðức) trong Việt Sử Tổng Vịnh viết về ông như sau:

上庠山斗世間師, 心與人乖一去遲.

七斬疏成天地鑒, 直聲不共有陳衰.([18])

Thượng tường Sơn Đẩu thế gian sư

Tâm dữ nhân quai nhất khứ trì

Thất Trảm Sớ thành thiên địa giám

Trực thanh bất cộng hữu Trần suy.

Dịch nghĩa

Là bậc Thái Sơn, Bắc Đẩu của thế gian nơi trường học

Lòng ông khiến cho những kẻ không ngay thẳng phải chùn bước

Thất Trảm Sớ có trời đất chứng giám cho

Lời nói thẳng không cùng chung với sự suy vi của nhà Trần.

Phỏng dịch

Gian tà đâu để tung hoành

Khí cao vằng vặc lưu danh sáng ngời

Sớ dâng chứng với đất trời

Không đang tâm sống cảnh đời suy vi.

Tương truyền khi ông mở trường dạy học, rất đông học trò tìm đến thụ nghiệp. Trong số học trò có một thanh niên, mặt mũi sáng sủa hôm nào cũng đến thật sớm. Ông khen là chăm chỉ nhưng hỏi thì ngập ngừng không nói quê quán ở đâu. Ông cho người đi theo thấy người đó đi đến đầm Ðại (nằm giữa các làng Ðại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất nên ngờ là thủy thần.

Năm đó, trời đại hạn, nắng đã lâu mà không mưa, dân chúng khổ sở lắm. Một hôm, sau khi giảng bài xong, ông lên tiếng hỏi học trò ai là người có tài làm mưa giúp dân. Người học trò ấy ngần ngừ nhưng sau cũng bước ra thưa rằng:

- Việc mưa nắng là việc của Thiên Ðình, con vâng lời thầy là nghịch lại thượng giới, nhưng cũng xin thử sức. Nếu có chuyện gì không hay xin thầy chu toàn cho.

Nói rồi, ra đứng giữa sân, lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên khấn, lấy bút thấm mực vãi ra bốn phương. Lúc hết mực tung bút và nghiên lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, trời đổ một trận mưa thật lớn. Người học trò đội mưa đi về, ra đến cửa thì biến mất.

Sáng hôm sau, không thấy y trở lại học, Chu An cho người đến đầm Ðại tìm thì thấy một con thuồng luồng thật to chết nổi trên mặt nước. Ông thương xót, sai học trò vớt xác mang về mai táng tử tế. Dân làng thấy vậy lập đền thờ, nay vẫn còn.

Chỗ nghiên mực ném lên rơi xuống nay thành đầm nước lúc nào cũng đen, gọi là đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, sau này là một làng văn học nổi tiếng (quê hương Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhiệm triều Lê). Trong đền thờ còn một đôi câu đối ghi lại sự tích này:

Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận,

Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô.

(Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải,

Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng dội nước, đất đang khô cũng trổ mùa).

Chu đình là sân son mà cũng là trường học họ Chu. Không biết trong những người từ ngưỡng cửa Chu Văn An mà ra, ai đã theo gương tiền nhân mà làm được mây lành, mưa ngọt cho đất nước.

Tháng 5-2020 (CVA 1959-66)

THƯ MỤC THAM KHẢO

Ðặng Kim Ngọc, Chu Văn An (1292-1370) Nhà Sư Phạm Mẫu Mực Cuối Ðời Trần, tr. 165-166. Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, Văn Hóa Việt Nam, Tổng Hợp 1989-1995. Hà Nội: 1989.

Ðào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Hà Nội: Nxb Quan Hải Tùng Thư, 1938.

Dương Thị The (tổ chức công trình), Đại Việt Sử Ký Tiền Biên. Gia Lai: Nxb Hồng Bàng, 2012.

Dương Thị The (tổ chức công trình), Đại Việt Sử Ký Tiền Biên. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1997.

Hoàng Văn Lâu (dịch), Hà Văn Tấn (hiệu đính), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bốn tập). Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1998. Bản in Nội Các Quan Bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697).

Hội Ái Hữu Bưởi – Chu Văn An Nam California, Kỷ Yếu Chín Mươi Năm Văn Học Trường Bưởi – Chu Văn An. Ðinh Sửu, 1997.

Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập. Texas: Cơ sở xb ZIELEKS, 1985.

Ngô Tất Tố, Văn Học Ðời Lý (nguyên bản 1941). Ðại Nam, California in lại, không đề năm.

 Ngô Tất Tố, Văn Học Ðời Trần. Sài Gòn: Nxb Khai Trí, 1960.

Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng (dịch), Nguyễn Đổng Chi (hiệu đính), Đại Việt Sử Ký Tục Biên (1676-1789). Pleiku: Nxb Hồng Bàng, 2012.

Nguyễn Huyền Anh. Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển. Texas: Cơ sở xb ZIELEKS, 1981.

Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử Giai Thoại, tập 3. Nxb Giáo Dục, 1997.

Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam. Nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.

Phạm Cao Dương, Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại Và Hiểm Họa Bắc Phương (tuyển tập). USA: Truyền Thống Việt, 2019.

Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (bản dịch Viện Sử Học). Tập I: Dư Địa Chí, Nhân Vật Chí, Quan Chức Chí. Quyển XI. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.

Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Sài Gòn: Nxb Trung Tâm Học Liệu (Bộ Giáo Dục), 1971.

Trương Tú Dân 張秀民, Trung Việt Quan Hệ Sử Luận Văn Tập 中越關係史論文集. Ðài Bắc: Nxb Văn Sử Triết, 1992.

Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Lịch Sử Việt Nam. Tập 1. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1976.

Viện Hán Nôm (Hà Nội), Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh (1874) 御製越史總詠集 [内閣朝阮] (NLVNPF-0370-01), quyển IV.

Viện Văn Học, Thơ Văn Lý-Trần. Tập III. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1978.

Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San (Đệ Lục Sách). Nam Ông Mộng Lục, Nam Thiên Trung Nghĩa Thực Lục, Nhân Vật Chí. Đài Loan: Học Sinh Thư Cục, 1987.

NGUYỄN DUY CHÍNH



([1]) Ông chính tên Chu An, sau khi chết được truy tặng tên thụy Văn Trinh 文貞, tước Công nên đời sau hay gọi là Chu Văn An 朱文安.

([2]) Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San (Đệ Lục Sách). Đài Loan Học Sinh Thư Cục, 1987. (Nam Ông Mộng Lục, Nam Thiên Trung Nghĩa Thực Lục, Nhân Vật Chí, tr. 16.) Tác giả Hồ Nguyên Trừng 胡元澄 (tức Lê Trừng 1374-1446), tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông. Ông là con Hồ Quý Ly, bị quân Minh bắt đưa về Kim Lăng, soạn sách này (1433) khi ở Trung Hoa.

([3]) Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, Tập III. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 53-66.

([4]) Ông người làng Tc Mc, l Thiên Trường, cháu tng tôn Thượng Tướng Trn Quang Khi và là ông ngoi ca Quan Phc Hu Nguyn Trãi

([5]) Vin Hán Nôm, (Ng chế) Vit S Tng Vnh (1874) 御製越史總 詠集. [内閣朝阮] (NLVNPF-0370-01), quyn IV, tr. 8-9.

([6]) Tiều Ẩn: Chu An. Sơn Đẩu: Thái Sơn và Bắc Đẩu (tượng trưng cho người đứng đầu trong một ngành). Nghi: sông Nghi (quê hương Khổng Tử). Hoa Huân: vua Thuấn, vua Nghiêu. Sào Do: Sào Phủ, Hứa Do (hai danh sĩ đời Nghiêu Thuấn).

([7]) 後裕尊怠于政事, 臣多不法. []安陳不聽, 乃上疏乞斬佞臣七 人. 皆權幸者. 人謂之七斬疏. 疏入不報. 乃掛冠歸田. Sau Dụ Tông biếng nhác việc triều chính, quần thần nhiều người không coi pháp luật ra gì. [Chu] An bày tỏ mà vua không nghe, vì thế mới dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần, đều là những người quyền thế được vua tin dùng cả. Người đời gọi là Thất Trảm Sớ. Sớ đưa vào, vua không trả lời, ông treo mũ về quê. Việt Sử Tổng Vịnh (1874) quyển IV, tr. 8.

([8]) Vin Văn Hc, Thơ Văn Lý Trn. Tp III. Hà Ni: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 163.

([9]) hoàn khuê: Ngọc của chư hầu và đại quan cầm trên tay khi vào hầu vua. bồ luân: Xưa vua lấy cỏ bồ quấn vào bánh xe cho êm, dùng để đón người hiền tài.

([10]) Cung Túc Vương Dục là anh vua Dụ Tông, đáng lẽ phải được kế nghiệp vua Hiến Tông nhưng Minh Tông lại lập con út. Khi Dụ Tông mất, bà Hiến Từ lập Nhật Lễ lấy cớ là Nhật Lễ cũng là con của Cung Túc Vương, cha không được làm vua thì con phải được làm vua. Sau Nhật Lễ đánh thuốc độc giết Hiến Từ.

([11]) 昔安弟子執政者, 時來問候,拜床下, 得與談話片言而去者, 甚以. 有不善者, 切責唾, 甚至呵叱不納. 其清直嚴正, 名聞 一時Vit Nam Hán Văn Tiu Thuyết Tùng San (Đệ Lc Sách, 1987), tr. 17. (NDC dịch)

([12]) Số người bị nhà Minh bắt đưa về Trung Hoa rất đông, trong đó có một số nhân vật rất nổi tiếng, đóng góp lớn vào sự phát triển của Trung Hoa như Lê Trừng (Hồ Nguyên), người nổi tiếng về chế tạo súng thần công , Nguyễn An, viên kỹ sư trưởng xây dựng thành Bắc Kinh… (Xem: Trương Tú Dân 張秀民, Trung Việt Quan Hệ Sử Luận Văn Tập 中越關係史論文集. Ðài Bắc: Nxb Văn Sử Triết, 1992.)

([13]) Xuân Đán 春旦, câu 5-6 (Thơ Văn Lý-Trần. Tập III, 1978) tr. 61.

([14]) Ðời Dụ Tông (1368), Doãn Thuấn Thuần sang sứ Tàu được vua Minh khen là giữ được văn minh Trung Nguyên, hơn các dân tộc khác thay đổi theo nhà Nguyên. (An Nam tế hữu Trần, Phong tục bất Nguyên nhân. Y quan Chu chế độ, Lễ nhạc Tống quân thần.) Xem: Phạm Cao Dương, Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại Và Hiểm Họa Bắc Phương. Tuyển tập. USA: Truyền Thống Việt, 2019, tr. 297.

([15]) Ðào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Hà Nội: Nxb Quan Hải Tùng Thư, 1938, tr. 237-238.

([16]) Bản chép tay Viện Hán Nôm (có lược đi một vài chi tiết trong Bản Kỷ), tr. 49. (NDC dịch)

([18]) Việt Sử Tổng Vịnh (1874), quyển IV, tr. 9. (NDC dịch)