KHÔNG
PHẨM TƯỚC
VẪN
ĐOẠT VỊ THIÊNG LIÊNG
SỬ KIẾN NGUYÊN
Cô Tám Nghi là nhân viên Lễ
Viện ở Báo Ân Từ, công quả nơi phòng trù Lễ Viện, phụ trách nấu ăn cho quý chức
sắc và nhân viên.
Lúc nhỏ, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi,
cô về Tòa Thánh làm công quả, vào ban thợ hồ xây Đền Thánh. Năm sau, cô thấy có
một số đông anh chị được thăng phẩm vị, ban thợ hồ cũng có mà các ban khác cũng
có. Cô suy nghĩ: “Người ta có học, được thăng phẩm vị bổ đi Tộc, đi Châu ([1]) hành đạo; khi quy vị thì đám
tang long trọng, con cháu rỡ ràng. Còn mình dốt, không biết chữ, làm công quả
hoài cũng không bằng các anh chị ấy. Rồi thiếu công, khi bỏ xác có được siêu
thoát hay không?” Ý nghĩ ấy mãi vấn vương trong tâm trí mà cô không dám nói với
ai.
Một hôm, cô xách xô hồ, thấy Đức Phạm Hộ
Pháp từ xa đi tới, trong đầu óc lóe lên một ý nghĩ bạo dạn, rồi nửa run nửa sợ.
Đức Hộ Pháp vừa đến ngay bên cạnh, cô quỵ té dưới chân Ngài, xô hồ đổ ngang.
Đức Hộ Pháp đỡ cô dậy, và hỏi:
“Con có sao không? Sao vô ý vậy?”
“Bạch Đức Ông...”
Cô rươm rướm nước mắt đáp, rồi nghẹn lời
vì sợ. Khi đã trấn tĩnh, cô giãi bày: “Con ít oi dốt nát, nên không dám cầu
phong. Lại sợ rằng không đi Châu, đi Tộc hành đạo, không có phẩm vị thì sau này
thoát xác, biết có được bằng các anh, các chị của mình không? Có được về cõi thiêng
liêng hay không?”
Đức Hộ Pháp cười, nói:
“Con thiệt thà quá! Nghe Qua nói, đừng có
tủi thân. Con cố gắng giữ tròn bổn phận Đạo Sở ([2]) của con. Tá Lý ([3]) dạy gì con làm đúng, giữ
luật Đạo, thương yêu tất cả. Rồi ngoài giờ làm công quả, con đi cúng. Công quả
có, công phu có, rồi con để lòng trung thành với Hội Thánh, công quả con tròn
vẹn không gián đoạn, thì con cũng được đoạt vị không kém các anh, các chị đâu.
“Chức phẩm là của Thiêng Liêng cho mượn
chớ đâu phải thật là của mình. Cho mượn để làm nhiệm vụ. Hễ trọng quyền thì
trọng phạt. Có công thì công nhiều, mà có tội thì tội gấp đôi. Làm chức sắc là
đứng trước làm gương, nếu sơ thất là một trọng tội.
“Còn nữa, khi đi địa phương hành đạo thì
phải chịu phần lo lắng chăm nom của tín đồ. Công chưa biết bao nhiêu mà thấy ra
đã chia năm xẻ bảy. Còn các con là Đạo Sở, lúc nào cũng đứng phía sau, ai hạch
hỏi mình điều gì đâu. Công quả bao nhiêu là của mình, chắc nịch không chia sớt
cho ai, có phải hơn không?
“Đám xác của chức sắc thì long trọng tốn
kém, thì chức sắc phải ráng làm cho có công nhiều đặng hưởng phần báo ân về mặt
đời; chớ nếu ít công thì e không đủ để hưởng, mà còn phải thiếu lại nữa không
chừng. Còn Đạo Sở như con, đám tang không long trọng bằng, nhưng xung quanh con
cũng có đủ đầy anh chị em công quả tiễn đưa, cũng ấm cúng mà không phải mất một
phân nào, con thấy có hơn không?
“Còn về cõi thiêng liêng, được hay không
là do tâm đức của con nữa. Nếu con giữ đúng luật pháp chơn truyền, giữ tròn
phần trách nhiệm mà Hội Thánh giao phó thì lo gì không về được.”
Cô Tám nghe xong, nói: “Thưa Đức Ông, con
hiểu rồi.”
Từ đó cô dốc chí làm công quả, trau giồi
tâm đức, mà không nạp tờ cầu phong. Những người đồng thời với cô có vị đã là
Phối Sư, Chơn Nhơn, v.v... còn cô thì vẫn là Đạo Sở.
Về cuối đời, bà Tám Nghi nấu cơm nơi
phòng trù Lễ Viện.
Cái hạnh lớn nhất của bà là dọn cơm, rửa
chén, lui cui làm không biết mệt mỏi, phục vụ người khác không phân biệt phẩm
cấp. Bà vui vẻ với bạn đồng thời, đồng tuổi. Có những khi dọn cơm cho chức sắc
mà vị ấy là bạn cố cựu của mình, bà vẫn giữ lòng kính trọng. Đối với nhơn viên làm
công quả mà tuổi tác vào hàng con cháu, bà dọn cơm như một người mẹ, người bà, chăm
sóc rất chu đáo.
Bà không chồng, không con, một đời hiến
thân làm công quả cho đến chết. Lúc còn sống, bà dặn các cháu là khi bà bỏ xác
thì không cần phải làm đám tang cho long trọng, cứ theo thế thường đem vào
Khách Đình ([4]) tẫn liệm rồi chôn, đúng theo
nghi lễ của Đạo, miễn là đừng làm cực thêm cho người còn sống.
SỬ KIẾN NGUYÊN
([1]) đi Tộc, đi Châu: Được Hội Thánh bổ nhiệm
đi hành đạo tại các Tộc Đạo, hay Châu Đạo. Nếu là Lễ Sanh thì bổ làm Đầu Tộc
Đạo; Giáo Hữu thì bổ làm Khâm Châu Đạo.
([2]) Đạo Sở: Chức danh của người đạo mới hiến
thân vào làm công quả nơi các Sở Lương Điền, Công Nghệ hay Thương Mãi của Cơ
Quan Phước Thiện. Sau một thời gian làm công quả, giữ đúng nội quy và các điều
luật Phước Thiện, Đạo Sở được đưa vào phẩm Minh Đức, là phẩm khởi đầu của mười
hai đẳng cấp thiêng liêng.
([3]) Tá Lý: Chức danh thấp nhất trong ba chức
danh của Ban Kiến Trúc. Tá Lý có nhiệm vụ cai quản một Sở có nhiều công thợ,
chịu dưới quyền của Phó Tổng Giám và Tổng Giám. Tá Lý được đối phẩm ngang với
Chánh Trị Sự của Cửu Trùng Đài nhưng không có đạo phục riêng. Chỉ khi quy vị
mới được hành lễ tang theo hàng Nhơn Thần (hàng phẩm chức việc).
([4]) Khách Đình: Trong nội ô Tòa Thánh Tây
Ninh có xây một tòa nhà dùng làm nơi tổ chức tang lễ cho hàng phẩm Lễ Sanh trở
xuống tín đồ, và được đặt tên là Khách Đình, ngụ ý rằng con người là lữ khách
nơi cõi tạm trần gian, rồi cũng sẽ trở về quê cũ là cõi thiêng liêng. Khi mất,
xác quàn tại Khách Đình, coi như trạm dừng chân trên đường trở về quê xưa cảnh
cũ.