Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

RỪNG BỐN MÙA XUÂN / ĐẠO UYỂN XUÂN 2021 (TẬP 37)

 


RỪNG BỐN MÙA XUÂN

TRẦN HUIỀN ÂN

Cũng như hoa đến mùa xuân nở. Mực đến mùa xuân dậy ý thơ.([1]) Trong ước lệ văn chương nhiều người cũng cho rằng mùa xuân là mùa chim ca hoa nở. Nhưng thật sự không phải lúc này hoa nào cũng nở.

Thông thường chỉ những loài hoa trong sân, trong vườn, được người chơi hoa tính toán thời gian trồng trọt chăm sóc, chốn đồng nội thì những loài hoa tương đối nhỏ bé, ngày tết cùng nhau tưng bừng mở đóa đem lại nét đẹp cho phong cảnh và nhân gian. Còn những cây cao lớn nơi đại ngàn cả mùa đông còn bận lo thay lá, đầu xuân mới đâm chồi nẩy lộc, cuối mùa xuân mới nở hoa. Những cây cho trái cũng ra hoa muộn để đến đầu mùa hè kết quả, tháng Năm tháng Sáu trái chín trĩu cành, còn vắt qua mùa thu tháng Bảy, tháng Tám.

Sớm hơn, từ nửa tháng Giêng và dễ dàng nhận thấy hơn là những loài hoa ngang tầm mắt người, trước hết là hoa sim. Vùng cao nguyên sim mọc đầy gò đồi, xen vào đó rải rác có vài thứ cây khác không nhiều hơn. Vào buổi bình minh sương phủ trắng đục cả không gian cao nguyên, phải đợi mặt trời lên mới thấy tràn ngập một màu tím vừa đủ đậm, đủ đẹp, không gắt quá, không tối quá. Bầy ong hình như cũng chờ đợi thời điểm ấy để sà vào lòng hoa hút phấn làm mật.

Tương tự như sim là cây mua, hoa và trái khá giống sim, lớn hơn nhiều. Nhưng mua không là loại cây hữu dụng, trái không ăn được, thân cũng chẳng làm gì, chỉ có hoa, khác nào chỉ có phận sự hòa đồng, hưởng ứng. Sim cũng như nhiều loại trái rừng, lớn dần từ màu xanh non chuyển sang màu xanh đậm, rồi màu hồng nhạt, hồng sẫm, đến lúc chín tím đen, mập tròn, căng mọng.

Khắp cả nơi nơi còn có cây trâm dại, loại cây phát triển rất nhanh, chẳng thấy mấy lợi ích. Lá xanh đậm, hơi dày, nhám, hoa nhỏ nhoi kết tụ từng chùm, đủ màu, tím, vàng, cam, đỏ, khá đẹp, nhưng không được ưa thích, phải chăng vì nó nhiều quá, sinh trưởng dễ dãi quá, mùi thơm gắt đến khó chịu, còn phải mang thêm cái tên trâm hôi.

Hoa ổi nở vào mùa hè, đến tháng Tám trái chín rộ. Hầu hết hoa ổi màu trắng đục, pha một chút vàng nhạt ẩn hiện. Nhị hoa rơi rụng bay mong manh trong gió, mùi thơm thoang thoảng, nhẹ hơn hoa cau và có lẽ thanh khiết hơn hoa cau. Đi qua vạt rừng gặp mùa ổi chín mới nghe rõ mùi thơm thêm chút đậm đà.

Những trảng đế chạy suốt từ chân giồng qua vai giồng lên tận đỉnh giồng, không phải chỗ nào cũng phủ đầu lá nhọn cắt da, mà chừa lại nhiều khoảng trống rộng rãi cho người đi hái củi, lấy cây, trẻ chăn trâu bò thong thả bước. Hai loài hoa ta bắt gặp có thể nói trái nghịch nhau là hoa giấy và hoa găng. Hoa giấy còn nhỏ nhoi hơn hoa trâm dại, màu sắc kém phần tươi sáng, tạo ra trái giấy cũng nhỏ nhoi, có vẻ lam lũ, nhưng là thức giải khát tuyệt vời giữa ban trưa nắng gắt. Cây găng nhiều gai nhọn, hoa màu vàng trang nhã, úp ngược trên đầu ngón tay tưởng tượng đó là chiếc mũ trụ của hoàng đế thân chinh. Trái găng giống như trái soan, màu lục nhạt. Hoa nở đẹp cả đất trời, rừng núi, tạo cho cảnh vật thêm phong quang. Phải chăng hoa giấy chuộng phần thực dụng và hoa găng lãnh phần điểm tô mỹ thuật?

Ngang tầm mắt ta hoa lành ngạnh cũng màu sậm, dây cổ rùa quanh co khô khan… đều có hoa cho ong nhiều mật. Dưới chân ta hoa sâm nam ẻo lả mịn màng, hoa dáy cứng cáp dày dặn. Có thể gọi hoa dáy là “mãn sơn hồng” chăng, bởi nó tương t hoa mãn đình hồng sống nơi hoang dã. Một vài đóa hoa chưng bày trong sân đã mệnh danh là mãn đình hồng thì tại sao thắp đỏ cả một vệ đồi không đáng tôn xưng là mãn sơn hồng?

Có những loài hoa ẩn thân giấu mặt trong gốc cây mẹ như hoa bông giờ, hoa nhím. Hoa bông giờ tím phớt, mùi thơm dễ tan trong gió thoảng, là một món ăn ngon, hoa nhím tím đậm và thơm gay gắt y như hoa trâm hôi.

Trên đầu ta hoa mằng lăng màu tím nhạt. Những cây mằng lăng cao tuổi gốc phân ra nhiều bạnh dẹp, những cây còn trẻ suôn đuột vươn lên, đến mùa lột vỏ bóc ra từng mảng loang lổ. Hoa gạo màu đỏ rực cũng nằm tận trên cao. Hoa chàm màu trắng cánh tím. Thân chàm mốc thếch, lá chàm tròn, xanh đậm. Chàm mọc cả đám cách nhau khá đều trên những trảng đất bằng. Những nơi này thường mang địa danh Bằng Chàm, cũng như màu xanh do nó tạo ra gọi là xanh chàm.

Có một loài hoa bị thiệt thòi về tên gọi. Nó đâu phải xấu xí, lá đậm, hoa đỏ tươi, nhưng cái tên gây một ấn tượng không đẹp, khiến cho người lịch sự không nỡ gọi. Còn biết bao nhiêu loài hoa dại khác không mấy kẻ biết tên, nở lúc nào chẳng rõ, tàn lúc nào chẳng hay. Suy cho cùng, hoa nào cũng là hoa của đất trời, cho dẫu hẩm hiu chưa cả được đời đặt tên.([2])

Ai đã một lần đi trong mưa lạnh trên đường rừng núi vắng vẻ, chợt thấy những khóm hoa dại vô danh mà không có cảm giác ấm lòng, đồng điệu với người thơ, nghĩ rằng hoa nở cho riêng ta, bởi trong khoảng không gian mênh mông này ngoài ta có ai đâu nữa: Cảm ơn hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ mỗi lẻ loi. ([3])

Nở hoa muộn màng hơn cả là cây lót, loại cây thân thảo, mọc thành lùm bụi, quấn quýt nương nhau vươn lên. Hoa lót nép mình trong lá, vả lại lúc này đã hết mùa hoa, không còn ai để ý, cho đến khi trái lót chín đỏ. Thành ra nhiều người biết trái lót, ăn trái lót mà chẳng biết hoa lót ra sao. Thuở ấy khai giảng vào đầu tháng Mười dương lịch, những cậu học trò trong ngày tựu trường tuy nôn nả gặp lại trường lớp bạn bè không thể chốc chốc ghé tạt vào vệ đường rực rỡ màu lót chín, lựa hái năm ba trái lớn bụm trong tay vừa đi vừa tận hưởng hương vị ngọt thơm vừa tiếc rẻ. Sau đó gần như rừng không còn trái nữa, cây rừng lớn nhỏ chuẩn bị cơ thể để trải qua một mùa mưa to gió mạnh.

Như vậy, nếu bảo mùa xuân là mùa hoa thì đối với cây rừng có thể nói bốn mùa là cả bốn mùa xuân. Nhưng giờ này, cây rừng cũng đâu được yên thân. Gần tết người ta rủ nhau lên vùng cao chặt mai núi, bất kể cành lớn cành nhỏ, cành non cành già. Tất nhiên là mai núi đẹp hơn mai trồng trong vườn dù hoa nó ít hơn. Mai vườn thân cành thẳng đơ, có uốn ghép càng thêm vẻ giả tạo. Mai núi, nội cái màu vỏ cây xù xì cũng đủ thấy chứa đựng trong đó biết bao nhiêu nắng mưa sương gió. Cành đâm ngang chỉa dọc một cách tự nhiên, lá chỗ thưa chỗ dày một cách tự nhiên. Ngày xưa chỉ có một người Lục Khải đang thơ thẩn giữa rừng mai chợt gặp dịch sứ liền gởi cành nhỏ tặng bạn tri âm, thay cho tấm thiệp cung hạ tân hy 恭賀新禧 (kính mừng phúc mới). Đầu thế kỷ trước giữa lòng thành phố Nha Trang còn cảnh: Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt. Phước Hải rừng xuân cọp thưởng mai.([4]) Tại Sài Gòn đồn Cây Mai cũng là địa điểm chứng tích...

Hoa mai là hoa xuân của cả đất trời phương Nam, đến cọp cũng biết thưởng thức, nói chi hươu nai, chim chóc, bướm ong… Hà cớ con người đốn chặt về, càng nhiều càng tốt, cắm trong bình, trong ché, trưng bày nơi phòng khách để riêng tọa hưởng?

E rằng, đến một lúc nào đó, mai vàng trúc xanh của sơn khê không còn. Nếu không muốn nhìn ngắm mai vườn thì âu là đợi sau cơn mưa trông ngóng sân trước sân sau, thấy dấu chân gà tưởng tượng hình lá trúc, thấy dấu chân mèo tưởng tượng hình hoa mai. Võ hậu đình tiền, miêu túc mai hoa, kê túc trúc.([5]) Nhưng mà, sân trong cổng ngoài, đường làng ngõ xóm đã bê tông hóa hết rồi còn đâu! Gà công nghiệp không bước chân xuống đất, mấy chú tiểu hổ bị đem xuất khẩu và tận diệt rồi!

TRẦN HUIỀN ÂN



([1]) Thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969).

([2]) Thơ Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên, 1938-2019).

([3]) Thơ Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên, 1938-2019).

([4]) Thơ Thuần Phu Trần Khắc Thành. Ông là nhà nho gốc Quảng Nam, sống ở Nha Trang, học giỏi mà không đỗ đạt, mất năm 1954, thọ trên bảy mươi tuổi.

([5]) Không nhớ tác giả.