Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

SUY NIỆM VỀ NĂM ĐỀ TÀI TỌA ĐÀM TRONG HỘI NGỘ LIÊN TÔN LẦN X / ĐẠO UYỂN XUÂN 2021 (TẬP 37)

 


SUY NIỆM VỀ NĂM ĐỀ TÀI TỌA ĐÀM TRONG HỘI NGỘ LIÊN TÔN LẦN X

HUỆ KHẢI

Hội Ngộ Liên Tôn Lần X (Thứ Ba, 27-10-2020) đã hoàn thành tốt đẹp. Với chủ đề Người Trẻ Vun Trồng Đạo Đức, Ban Tổ Chức đã tạo cơ hội để lắng nghe ([1]) giới trẻ Công Giáo và các tôn giáo khác chia sẻ nhận thức và suy nghĩ của các bạn về năm đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. (Các bạn trẻ được chia làm năm nhóm, mỗi nhóm tọa đàm về một đức.)

Năm đức (ngũ đức 五德) nói trên còn gọi là ngũ thường 五常. Chữ thường có nghĩa là luôn luôn (always), bất biến (constant), phổ quát (common, general).([2]) Do đó, ngũ thường mang tính quy luật (bất biếnphổ quát); người Việt gọi nôm na là năm hằng (vì hằng có nghĩa là thường hằng, bất biến). Nhà thơ Lê Quang Chiểu (1852-1924), quê ở Nhân Ái, quận Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, kết thúc một bài thơ thất ngôn bát cú với hai câu:

Gian giảo trối ai theo thói vạy ([3])

Miễn ta gìn giữ vẹn năm hằng.

Xưa nay học giả Anh, Mỹ dịch ngũ thường the five constant virtues. Cách dịch này chẳng khác cách gọi năm hằng của người Việt, tức là chỉ giữ được nghĩa bất biến mà bỏ sót nghĩa phổ quát.

Ngũ thường trước kia còn được học giả Anh, Mỹ dịch là the five cardinal Confucian virtues (năm đức tính nền tảng của đạo Nho). Cách dịch này không khéo nên ngày nay hầu như lỗi thời (obsolete).

I. Ngũ thường gồm năm đức với ý nghĩa như sau:

1. Nhân (benevolence) là lòng thương người, thương vật. Trong Phúc Âm, dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10:25-37) là một ví dụ về đức nhân đối với người.

2. Nghĩa (righteousness) là cách sống hợp lẽ phải, đạo đức, đạo lý.([4]) Thuật ngữ công chính (righteous) trong Phúc Âm tương đồng với đức nghĩa. Ví dụ, Đức Giê-su dạy:

* Ta đến không phải để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ tội lỗi hãy sám hối. / I am not come to call the righteous, but sinners to repentance. (Mat-thêu 9:13)([5])

* Ai tiếp nhận một người công chính vì người ấy là người công chính sẽ nhận được phần thưởng của người công chính. / (H)e that receiveth a righteous man in the name of a righteous man shall receive a righteous man’s reward. (Mat-thêu 10:41)

* Rồi những người công chính sẽ được rạng ngời như mặt trời trong vương quốc của Cha họ. / Then shall the righteous shine forth as the sun in the kingdom of their Father. (Mat-thêu 13:43)

3. Lễ (propriety) là sự trang nghiêm, khuôn phép, đứng đắn trong tư tưởng và hành vi. Trong Cựu Ước, theo sách Sa-mu-en 2 (11:2), vào một buổi chiều, trong khi bách bộ trên sân thượng hoàng cung, vua Đa-vít đã đứng ngắm bà Bát Se-va đang tắm. Hành vi này theo ngũ đức là trái lễ (phi lễ 非禮: impropriety).



4. Trí (wisdom) là sáng suốt, biết phân biệt phải trái nên hư, biết tiến thoái đúng lúc. Trương Lương vừa nhìn thấy cái mòi Lưu Bang lên làm vua (Hán Cao Tổ) bắt đầu trở mặt, muốn âm mưu giết hại khai quốc công thần thì ông liền từ quan đi tu tiên, nên được an toàn tánh mạng. Còn Hàn Tín ở lại triều làm quan hưởng lộc, cuối cùng đành chết thảm vì vợ chồng Lưu Bang lập mưu hãm hại. Trương Lương là người trí; Hàn Tín không được như thế.

5. Tín (fidelity, sincerity) là không dối trá, lừa gạt và làm đúng những gì nguyện hứa. Xưa có Ngô Quý Trát đi sứ sang nước Từ. Vua nước Từ tỏ vẻ ưa thích thanh gươm của sứ thần mà không dám mở lời. Quý Trát biết thế, định bụng hễ xong chuyến đi sứ các nước, lúc quay về sẽ ghé nước Từ và tặng vua gươm báu. Nào ngờ khi trở về thì vua nước Từ đã mất. Quý Trát bèn treo gươm ở mộ vua để giữ trọn ý định tặng gươm dù ông chưa mở miệng hứa thành lời. Quý Trát là người trọng tín.

Trong năm đức, kể theo thứ tự thì tín đứng sau cùng, ví như cái nền móng đỡ nâng cho tòa nhà bốn tầng. Do đó, tín rất quan trọng. Nền móng tín yếu ớt thì bốn tầng nhân, nghĩa, lễ, trí ắt phải nghiêng đổ. Người mà không giữ chữ tín thì họ có nói nhân, nghĩa, lễ, trí cũng chỉ là nói suông, nói khoác.

II. Tính phổ quát của ngũ thường ở một số tôn giáo khác

Như đã nói ở phần I, ngũ thường hàm nghĩa những giá trị luân lý phổ quát (thường: common, general). Thế thì, không chỉ đạo Nho mà các đạo khác cũng trân trọng, xem là quy tắc của đạo làm người; tuy nhiên, mỗi đạo dùng ngôn từ khác nhau, diễn tả khác nhau.

Thật vậy, bằng một đối chiếu chưa đầy đủ – chỉ tạm so sánh ngũ thường của Nho Giáo với giới răn của các đạo như Cao Đài Giáo,([6]) Công Giáo,([7]) Do Thái Giáo,([8]) Lão Giáo,([9]) Phật Giáo ([10]) – có thể thấy rõ sự tương đồng, tức là cùng một lý lẽ. Cụ thể như sau:

1. Nhân (Nho Giáo) tương đồng với:

Cao Đài Giáo: Nhứt bất sát sanh. (Ngũ Giới Cấm: Giới 1.)

Công Giáo: Chớ giết người. (Mười Điều Răn: Điều 5.)

Do Thái Giáo: Ngươi chớ giết người. / Thou shalt not murder. (Mười Điều Răn: Điều 6.)

Lão Giáo: Cấm giết người và loài vật. (Thập Giới: Giới 1.)

Pht Giáo: Không sát sinh. (Ngũ Giới: Giới 1.)

2. Nghĩa (Nho Giáo) tương đồng với:

Cao Đài Giáo: Nhì bất du đạo. (Ngũ Giới Cấm: Giới 2.)

Công Giáo: Chớ lấy của người. Chớ tham của người. (Mười Điều Răn: Điều 7, 10.)

Do Thái Giáo: Ngươi chớ trộm cắp. Ngươi chớ thèm muốn bất kỳ thứ gì của kẻ khác. / Thou shalt not steal. Thou shalt not covet anything that belongs to thy neighbor. (Mười Điều Răn: Điều 8, 10.)

Lão Giáo: Cấm trộm cắp. Cấm tham lam. (Thập Giới: Giới 2, 8.)

Pht Giáo: Không trộm cướp. (Ngũ Giới: Giới 2.)

3. Lễ (Nho Giáo) tương đồng với:

Cao Đài Giáo: Tam bất tà dâm. (Ngũ Giới Cấm: Giới 3.)

Công Giáo: Chớ làm sự dâm dục. Chớ muốn vợ chồng người. (Mười Điều Răn: Điều 6, 9.)

Do Thái Giáo: Ngươi chớ ngoại tình. / Thou shalt not commit adultery. (Mười Điều Răn: Điều 7.)

Lão Giáo: Cấm về dâm. (Thập Giới: Giới 3.)

Pht Giáo: Không gian dâm. (Ngũ Giới: Giới 3.)

4. Trí (Nho Giáo) tương đồng với:

Cao Đài Giáo: Tứ bất tửu nhục. (Ngũ Giới Cấm: Giới 4.)

Lão Giáo: Cấm nóng giận. Cấm ngu muội. (Thập Giới: Giới 9, 10).

Pht Giáo: Không uống rượu. (Ngũ Giới: Giới 5.)

5. Tín (Nho Giáo) tương đồng với:

Cao Đài Giáo: Ngũ bất vọng ngữ. (Ngũ Giới Cấm: Giới 5.)

Công Giáo: Chớ làm chứng dối. (Mười Điều Răn: Điều 8.)

Do Thái Giáo: Ngươi chớ làm chứng gian có hại cho người khác. / Thou shalt not bear false witness against thy neighbor. (Mười Điều Răn: Điều 9.)

Lão Giáo: Cấm lời nói ác độc. Cấm cãi cọ. Cấm lời nói thêu dệt. Cấm vọng ngữ. (Thập Giới: Giới 4, 5, 6, 7.)

Pht Giáo: Không nói dối. (Ngũ Giới: Giới 4.)

Nếu có điều kiện mở rộng việc đối chiếu như trên ở nhiều tôn giáo khác trên hoàn vũ, ắt còn tìm thấy thêm nhiều tương đồng hơn nữa.([11]) Điều này chứng tỏ vạn giáo nhất lý (tất cả các tôn giáo có cùng một lý lẽ), như đạo Cao Đài luôn nhấn mạnh kể từ khi lập giáo (1926).

Nói cách khác, khi Ban Tổ Chức Hội Ngộ Liên Tôn Lần X tạo cơ hội để giới trẻ Công Giáo và các tôn giáo khác chia sẻ nhận thức và suy nghĩ của các bạn trẻ về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì đây chẳng phải chỉ là trao đổi về luân lý đạo Nho như bề ngoài của chữ nghĩa dễ khiến có người tưởng lầm.

Thật vậy, mọi xã hội từ xưa tới nay, từ đông qua tây, đều cần tới năm đức nói trên. Con người thế gian càng ngày càng quá tập trung vào mục đích thỏa mãn cho bằng được những tham muốn vô cùng tận về danh vọng và của cải, nên họ sẵn sàng bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức căn bản. Trong thực trạng này, các tôn giáo với chức năng hướng dẫn chúng sanh cần liên kết (liên tôn) phát huy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín để năm đức này là năm trụ cột vững chắc chống đỡ cho con người được sống đàng hoàng, tử tế trên thế gian và nên Thánh sau khi bỏ xác phàm trở về cõi thiêng liêng bất diệt, là cõi mà mỗi tôn giáo gọi bằng một tên khác nhau (Thiên Đàng, Thiên Đình, Cực Lạc, Niết Bàn, v.v…).

HUỆ KHẢI

24-11-2020

*

u Hồng Y FRANCIS ARINZE:

Đối thoại liên tôn là một gặp gỡ nhiều người theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong một bầu khí tự do và cởi mở, để lắng nghe nhau, để cố gắng hiểu tôn giáo của người khác, và hy vọng tìm kiếm những khả năng hợp tác. Chúng ta hy vọng rằng người đối thoại sẽ đáp ứng lại, bởi vì đối thoại nên là hai chiều chứ không phải một chiều.

(Gặp Gỡ Các Tín Đồ Tôn Giáo Khác, 1997, tr. 5)

____________

u Cardinal FRANCIS ARINZE:

Interreligious dialogue is a meeting of people of differing religions, in an atmosphere of freedom and openness, in order to listen to the other, to try to understand that person’s religion, and hopefully to seek possibilities of collaboration. It is hoped that the other partner will reciprocate, because dialogue should be marked by a two-way and not a one-way movement.

(Meeting Other Believers, 1997, p. 5)

 



([1]) Lắng nghe là bước thứ nhất trong ba bước định hướng mục vụ giới trẻ ba năm (2020-2022) do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra, đó là: Lắng nghe cuộc sống của người trẻ với những thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay.

([2]) https://www.mdbg.net/chinese/dictionary?page=worddict&wdrst=1&wdqb=%E5%B8%B8

([3]) trối ai: Mặc ai, mặc kệ thiên hạ. – thói vạy: Thói xấu, thói tà vạy.

([4]) Đừng hiểu lầm chữ nghĩa này là ý nghĩa, nghĩa lý (meaning, significance).

([5]) Các câu tiếng Việt căn cứ theo bản dịch 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Các câu tiếng Anh căn cứ theo bản King James (1611, 1987).

([6]) Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tân Luật. (Đạo Pháp, Chương IV, Điều Thứ Hai Mươi Mốt.)

([7]) http://gpbanmethuot.com/kien-thuc-ve-giao-ly/muoi-%C3%B0ieu-ran-45628.html

([8]) https://www.jewishvirtuallibrary.org/the-ten-commandments

([9]) Về Thập Giới của Lão Giáo, xem: Lê Anh Minh, Thiện Thư. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 174. Quyển 17-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.

([10]) Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典 Thích Quảng Độ dịch. Mục từ ngũ giới 五戒.

([11]) Chẳng hạn, so sánh với Ấn Giáo (Hinduism) và Kỳ Na Giáo (Jainism): Nhân tương đồng với Ahiṅsa (Ahiṃsā). Nghĩa tương đồng với Asteya. Tín tương đồng với Satya, v.v…

http://www.hindupedia.com/en/Ethics_of_Hinduism

http://www.jainpedia.org/themes/principles/vows/five-fundamental-vows.html