MINH
GIÁO THEO KIM DUNG
NGUYỄN DUY CHÍNH
Không biết rằng
vô tình hay cố ý, Kim Dung ([1]) đã cố tình pha
trộn giữa Bái Hỏa Giáo và Ma Ni Giáo. Mặc dù hai tôn giáo này có những điểm
chung, sử sách không nói rằng Ma Ni Giáo cũng coi lửa làm biểu tượng của quang
minh như Bái Hỏa Giáo. Do đó Minh Giáo ([2]) qua Kim Dung là một tổ chức được tiểu thuyết hóa, ít
tôn giáo mà nhiều tính chất bang hội. Chính vì thế chúng ta thấy Minh Giáo được
tổ chức chặt chẽ nhưng lại dựa trên những liên kết thế tục hơn là thần quyền. Từ
một đoàn thể bí mật, Minh Giáo đã nhanh chóng biến mình để thành một đảng cách
mạng. Chúng ta có thể nói rằng Minh Giáo của Kim Dung thời Nguyên mạt có nhiều
điểm tương đồng với Thiên Địa Hội đời Thanh
sơ hay Thái Bình Thiên Quốc đời Thanh
mạt và hoàn toàn khác hẳn những tôn giáo sẵn có ở Trung Hoa, tiêu biểu là Phật Giáo
hay Lão Giáo.
Ngay sau chương
giới thiệu Ỷ Thiên Ðồ Long Ký, Kim
Dung đã cho xuất hiện nhiều nhân vật liên quan đến tà giáo nhưng không đề cập
đến nguyên ủy ngọn ngành của họ. Một Ân Tố Tố cải nam trang cố tình làm cho
phái Thiếu Lâm tưởng Trương Thúy Sơn là thủ phạm vụ giết người ở tiêu cục Long
Môn, một Tạ Tốn thần oai lẫm lẫm khi đến Vương Bàn Sơn đảo cướp thanh đao Ðồ
Long. Rồi những nhân vật hạng nhì như Thường Kim Bằng hay Bạch Quy Thọ cũng có
võ công hơn người khi dương đao lập uy. Hết việc nọ tới việc kia, cho tới khi
hai vợ chồng Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố tự sát, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tà
phái được tổ chức như thế nào. Tấm màn bí mật đầu tiên được vén lên là khi
Trương Tam Phong cứu Thường Ngộ Xuân đang bị quân Mông Cổ truy kích trên sông
Hán Thủy:
. . . Ðại hán đó ở tại sàn thuyền khấu đầu nói:
- Lão đạo gia cứu mạng cho tiểu nhân,
Thường Ngộ Xuân này xin rập đầu bái tạ.
Trương
Tam Phong đưa tay đỡ dậy, nói:
- Thường anh hùng không cần phải dùng đại
lễ.
(. . .)
Thường Ngộ Xuân nói:
- Lão đạo gia võ công cao cường, từ xưa tới nay, tiểu nhân chưa thấy
ai như thế bao giờ, xin vô phép hỏi pháp hiệu của ngài là gì?
Trương Tam Phong cười:
- Lão là Trương Tam Phong.
Thường Ngộ Xuân “A!” lên một tiếng, vội
nhỏm dậy, lớn tiếng:
- Hóa ra lão đạo gia là Trương Chân Nhân của núi Võ Ðương, thảo nào
thần công cái thế, Thường Ngộ Xuân hôm nay may mắn được gặp tiên trưởng.
Trương Tam Phong mỉm cười:
- Lão đạo bất quá sống hơn vài năm, có gì là tiên với lại không
tiên. Xin Thường anh hùng mau nằm xuống, đừng làm động đến vết thương.
Ông thấy Thường Ngộ Xuân khẳng khái hào
sảng, ăn nói ào ào, cảm thấy mến y vô cùng, nhưng nghĩ đến y là người trong Ma
Giáo, nên không muốn nói chuyện nhiều, liền nhạt nhẽo:
- Ngươi bị thuơng không phải là nhẹ, chớ nên nói nhiều.
Trương Tam Phong tính tình khoáng đạt,
đối với chính tà hai đường, vốn không quá thiên kiến. Trước đây ông đã từng nói
với Trương Thúy Sơn: “Hai chữ chính tà, thật khó phân biệt. Ðệ tử trong chính
phái mà có tâm thuật bất chính, thì cũng là tà đồ; còn trong tà phái có người
nhất tâm hướng thiện, thì cũng là chính nhân quân tử.”
(. . .)
Canh hai đêm đó
thuyền đến Thái Bình điếm. Trương Tam Phong bảo thuyền phu rời thị trấn đến một
cái bến ở xa. Người lái đò lên chợ mua đồ ăn, nấu cơm, bày trên thuyền nào thịt
gà, thịt heo, cá, rau cả thảy đến bốn bát lớn.
(. . .)
Thường Ngộ Xuân không đụng tới thịt cá,
chỉ ăn sạch bát rau, tuy đang trọng thương, nhưng cũng ăn hết bốn bát cơm
trắng. Trương Tam Phong không kiêng thịt, thấy y ăn uống thật hào sảng, nên
khuyên y ăn tí thịt gà. Thường Ngộ Xuân nói:
- Trương chân nhân, tiểu nhân thờ Bồ
Tát nên không ăn mặn.
Trương Tam Phong “A” một tiếng:
- Ồ, lão đạo quên.
Lúc đó mới nhớ là người trong Ma Giáo quy
củ rất nghiêm, không ăn mặn, từ đời Ðường tới giờ, đều thế cả. Cuối thời Bắc
Tống, đại thủ lãnh của Minh Giáo là Phương Lạp khởi sự tại Triết Ðông, đương
thời quan cũng như dân gọi họ là “đạo ăn chay thờ ma”. Ăn chay và phụng thờ ma
vương là hai quy luật lớn của Ma Giáo, đã truyền từ mấy trăm năm nay. Ðời nhà
Tống, quan phủ chém giết Ma Giáo rất ngặt, người trong võ lâm cũng coi họ chẳng
ra gì, vì thế giáo đồ hành sự cực kỳ ẩn bí, tuy ăn chay nhưng đối với người
ngoài phải giả xưng là thờ Phật, bái Bồ Tát, không dám tiết lộ thân phận của
mình.
Thường Ngộ Xuân nói:
- Trương chân nhân, ngài có ơn cứu mệnh
đối với tôi, lại đã biết rõ lai lịch rồi, nên không dám giấu giếm. Tiểu nhân là
người trong Minh Giáo, phụng sự Minh Tôn. Triều đình quan phủ đối với chúng tôi
mười phần căm ghét, người hiệp nghĩa trong các danh môn chính phái cũng coi nhẹ
chúng tôi, thậm chí đến bọn đốt nhà cướp của, giết người không gớm tay trong
hắc đạo cũng gọi chúng tôi là yêu ma quỷ quái. Lão nhân gia đã biết rõ lai lịch
của chúng tôi mà vẫn ra tay tương cứu, cái ân đức đó, quả thực tôi không biết
lấy gì báo đáp.
Trương Tam Phong cũng đã từng nghe qua về
lai lịch của Ma Giáo, biết Ma Giáo phụng thờ đại ma vương tên là Ma Ni, người
trong tôn giáo gọi là Minh Tôn. Tôn giáo này đến trung thổ từ đời Nguyên Hòa,
Hiến Tông nhà Ðường, khi đó gọi là Ma Ni Giáo lại còn gọi là Ðại Vân Quang Minh
Giáo, giáo đồ tự xưng Minh Giáo nhưng người ngoài gọi họ là Ma Giáo. (Ỷ Thiên Ðồ Long Ký, tr. 415-8, bản dịch
Nguyễn Duy Chính)
Thế nhưng Minh Giáo
cũng còn rất mơ hồ, chưa thấy những liên kết với nhau. Khi sáu đại môn phái –
Thiếu Lâm, Võ Ðương, Hoa Sơn, Không Ðộng, Nga Mi, Côn Luân – tiến hành cuộc
trường chinh vây đánh thẳng vào trung khu của Minh Giáo là Quang Minh Ðính, sư
thái Diệt Tuyệt, chưởng môn phái Nga Mi mới tiết lộ qua về tổ chức của Minh Giáo:
Ma Giáo lấy hỏa làm thánh, tôn hỏa làm thần. Từ khi
giáo chủ đời thứ ba mươi ba của Ma Giáo là Dương Ðính Thiên chết đi, họ không
có giáo chủ. Tả hữu Quang Minh sứ giả, bốn đại Hộ Giáo Pháp Vương, Ngũ Tán
Nhân, lại thêm chưởng kỳ sứ Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, người nào cũng nhòm ngó chức
vị giáo chủ, tranh đoạt tàn sát lẫn nhau,
nên giữa đường Ma Giáo trở nên suy yếu. Lúc này lại là lúc sáu chính đại môn
phái hưng vượng, âu cũng là cái số của yêu tà phải bị tiêu diệt. Nếu như Ma
Giáo không có tranh chấp bên trong, muốn trừ đám yêu nghiệt này không phải là
dễ. (Ỷ Thiên Ðồ Long Ký, tr. 684-5.)
Và sau cùng,
Minh Giáo được tường thuật do chính người của giáo phái này là hòa thượng
Thuyết Bất Ðắc:
Thuyết
Bất Ðắc nói:
- Tiểu huynh đệ, Minh Giáo chúng tôi nguyên từ nước Ba
Tư, truyền tới Trung Thổ từ đời Ðường. Ðương thời gọi là Tiên Giáo. Vua nhà
Ðường cho xây chùa Ðại Vân Quang Minh tại các nơi, chính là tự viện của Minh Giáo.
Giáo nghĩa của chúng tôi là làm điều thiện, trừ điều ác, mọi người đều bình
đẳng, nếu như có vàng bạc tiền tài, thì đem cứu giúp người nghèo khổ, không
được ăn thịt, uống rượu, chỉ thờ Minh Tôn. Minh Tôn tức là thần lửa, mà cũng là
thiện thần. Chỉ hiềm là đời nào tham quan ô lại cũng áp bức chúng tôi, anh em
trong Minh Giáo không chịu nổi, thỉnh thoảng lại nổi lên chống lại.
(. . .)
- Chỉ vì bản giáo xưa nay luôn luôn chống lại triều đình, quan phủ nên
triều đình gọi chúng tôi là “Ma Giáo”, càng cấm đoán nghiêm nhặt hơn. Chúng tôi
muốn sống còn, hành sự không khỏi kín đáo, lạ lùng, để tránh tai mắt quan quân.
(. . .) Ðương nhiên, trong số giáo chúng của bản giáo, cũng đôi khi có những kẻ
không tự kiềm chế, làm những trò không phải, ỷ mình có võ công, giết người vô
tội cũng có, gian dâm cướp bóc cũng có, đem cái tiếng tăm của bản giáo đổ xuống
sông xuống… (Ỷ Thiên Ðồ Long Ký, tr. 757-8.)
Tuy nhiên, một cách chính thức phải kể đến đoạn mà
Kim Dung thác danh một cuốn sách của Dương Tiêu soạn ra để viết về lịch sử của
Minh Giáo:
Hai người nói chuyện một lát, Trương Vô
Kỵ thuận tay cầm một cuốn sách trên bàn của Dương Tiêu lên, thấy trên bìa có
viết bảy chữ nhan đề “Minh Giáo Lưu Truyền Trung Thổ Ký”, bên dưới có một hàng
chữ nhỏ “Ðệ Tử Quang Minh Tả Sứ Dương Tiêu cung soạn”.
(. . .)
Trương Vô Kỵ mở sách ra, thấy viết bằng
chữ nhỏ theo lối khải, mọi việc đều dẫn chứng sách vở rõ ràng. Trong sách kể
lại minh bạch, Minh Giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni Giáo, truyền
vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Ðường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư
tên là Phí Ða Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh Giáo đến triều, là lần đầu
tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này. Ngày 29 tháng 6 năm thứ ba đời Ðại
Lịch nhà Ðường, chùa Minh Giáo Ðại Vân Quang Minh được xây cất tại Lạc Dương,
Trường An. Sau đó tại các thị trấn lớn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu,
Hồng Châu, Việt Châu cũng đều có Ðại Vân Quang Minh Tự. Tới năm Hội Xương thứ
ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh Giáo đại suy. Từ đó về sau,
Minh Giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ
truy lùng giết chóc. Ðể có thể sinh tồn, người trong Minh Giáo không thể không
hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà
ma, người ngoài gọi là Ma Giáo.([3])
(. . .)
Dương Tiêu nói:
- Người trong Thích Đạo tuy nói phổ
độ chúng sinh, nhưng tăng chúng xuất gia đều cố giữ thanh tu, không để ý đến
chuyện đời. Ðạo Gia cũng thế. Còn bản giáo tụ tập lương dân, bất luận ai gặp
nguy nan khốn khổ thì mọi giáo chúng đều ra tay giúp đỡ. Quan phủ áp bức dân
lành, có đời nào ít đâu? Có vùng nào ít đâu? Nếu có người nào bị quan phủ ức
hiếp, oan khuất, bản giáo liền đứng ra chống lại.
(. . .)
Dương Tiêu lại nói:
- Bản giáo đời nào cũng bị nghiêm
cấm, thế nhưng thủy chung vẫn đứng được mà không sụp đổ. Năm Thiệu Hưng thứ tư
đời Nam Tống có một viên quan tên là Vương Cư Chính gửi lên hoàng đế một đạo
tấu chương, nói về việc của bản giáo, giáo chủ có thể xem qua.
Nói rồi lật cuốn sách đến đoạn sao lục
tấu chương của Vương Cư Chính. Trương Vô Kỵ đọc thấy trong đó viết như sau:
“Thần thấy hai huyện Chiết Châu có tục ăn
rau phụng thờ ma vương. (. . .) Thần nghe nói rằng kẻ thờ ma, mỗi làng mỗi xóm
có một hai tên kiệt hiệt, gọi là ma đầu, xem hết các tên họ trong thôn, đều có
thề thốt gia nhập ma đảng. Kẻ thờ ma không ăn thịt. Một nhà có chuyện gì, tất
cả đồng đảng đều đến giúp đỡ. Vì chưng chúng không ăn thịt nên giảm chi tiêu,
mà giảm chi tiêu nên dễ đầy đủ. Cùng một đảng nên thân lẫn nhau, thân lẫn nhau
nên có chuyện gì dễ giúp nhau…”
(. . .)
“. . . vì thế thần cố theo đạo của tiên
vương để làm cho dân tương thân, tương hữu, tương trợ. Cốt sống đạm bạc, dạy
dân tiết kiệm, khuyến khích lối sống giản dị. Nay làm kẻ dẫn dắt nhân dân, nên
không thể không lấy đó làm cách trị dân. Thế nhưng những ma đầu đã trộm cái
cách của triều đình để khuyến dụ dân chúng rồi, nên người người đều ca tụng đạo
ma, đi trợ giúp tà thuyết. Dân ngu không biết gì cả, nghe lời ma, thờ đạo ma,
dễ đủ ăn, dễ trợ giúp, thành ra những gì ma đầu nói ra đều tin, tất cả đều theo
về với chúng. Thành ra pháp cấm càng nghiêm, thì lại càng không thắng được
những điều cấm.”
Chàng đọc đến đây, quay đầu nói với Dương
Tiêu:
- Dương Tả Sứ, cái câu
“pháp cấm càng nghiêm, thì lại càng không thắng được những điều cấm” chính là
rõ ràng nói lên việc bản giáo được lòng dân chúng. (Ỷ Thiên Ðồ Long Ký, tr.
1016-8)
Thế nhưng khi tìm hiểu về Minh Giáo trong khung cảnh
thực tế xã hội Trung Hoa, chúng ta thấy rằng Kim Dung đã không đơn thuần chỉ
dựa vào tài liệu và sử sách. Minh Giáo trong Ỷ Thiên Ðồ Long Ký là sự kết hợp giữa một giáo phái với một bang
hội, một tổ chức mà những giáo đồ không chỉ có chung một đức tin. Chính cái
tinh thần tương thân tương trợ, một kỷ luật nội bộ, những quy tắc và thứ bậc đã
tạo cho Minh Giáo thành một tổ chức có thực lực chính trị vì họ đã huy động
được một hậu thuẫn quần chúng. Minh Giáo của Kim Dung dưới thời Nguyên mạt và
Thiên Ðịa Hội trong thời Thanh sơ có nhiều điểm tương đồng, ít nhất trong vai
trò chính trị của nó là một tổ chức đối kháng với triều đình. Cả hai đều có ý
định khôi phục lại giang sơn đang bị người bên ngoài thống trị. Tuy nhiên, Kim
Dung không chỉ biến giáo phái này thành một tổ chức ái quốc, ông còn muốn đặt
Minh Giáo như một trong ba nguồn văn hóa chính yếu tạo nên cái gọi là văn minh
Trung nguyên trong thời kỳ đó, đại diện cho một khuynh hướng võ thuật – võ công
Tây vực, có xuất xứ từ Ba Tư với nền văn minh Trung Ðông làm nền tảng. Văn minh
Tây vực đó là một trong ba nền văn minh làm thành thế đỉnh túc cho Hán tộc bao
gồm văn minh Trung nguyên, đại diện là quan niệm âm dương trong Dịch lý với
Trương Tam Phong và phái Võ Ðương, văn minh Thiên Trúc, với Phật học làm nền
tảng mà chùa Thiếu Lâm là đại biểu.
Trương Vô Kỵ được coi như một tập đại thành của ba
nền văn minh khi chàng có căn bản là Cửu Dương Thần Công phát xuất từ một vị
cao tăng của Thiếu Lâm, lại được học Càn Khôn Ðại Na Di và võ công trong Thánh
Hỏa Lệnh của Minh Giáo, cũng như Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm của Trương Tam
Phong.
KẾT LUẬN
Tại Trung Hoa, tôn giáo không dựa trên tín niệm như
tại châu Âu, cũng như tổ chức thường rất rời rạc. Nhiều đoàn thể kết hợp bằng
nhiều mẫu số, địa phương, sắc tộc, tương trợ, nghi thức tế lễ, giáo điều, ý
thức hợp quần, và cả những mô thức sinh hoạt chung. Những bang hội, hiệp hội,
môn phái, giáo phái… được kết hợp không khác nhau bao nhiêu. Riêng Minh Giáo,
tổ chức này không còn thuần túy như đạo Mani nguyên thủy mà đã bị đồng hóa với
những tôn giáo có sẵn để trở thành một tổ chức quần chúng, ít phần tôn giáo
nhưng nhiều phần thế tục.
Hiện nay, giáo đồ của đạo Bái Hỏa chỉ còn chừng hai
trăm nghìn, nhiều nhất là tại Ấn Ðộ (100.000) và
Trong lịch sử, người ta đã thấy nhiều nhóm giáo phái
biến hình thành một lực lượng nổi dậy, chẳng hạn như Giặc Khăn Vàng thời Tam
Quốc, Bạch Liên Giáo đời Minh, Thiên Ðịa Hội đời Thanh sơ, Thái Bình Thiên Quốc
thời Thanh mạt, loạn Quyền Phỉ thời đầu thế kỷ, hay Thanh Bang thời Dân Quốc
đều là những tổ chức bán chính trị, bán tôn giáo có ảnh hưởng rất mạnh đến vận
mệnh của một triều đại. Chính vì thế, những người cầm quyền tại Trung Hoa luôn
luôn nhìn tôn giáo bằng con mắt ít thiện cảm, nhất là những tôn giáo có khả
năng điều động tín đồ thành một phong trào, có thể đứng lên làm một cuộc thay chủ
đổi ngôi.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
- Ching,
Julia. Chinese Religions, New York: Orbis Books, 1993.
- Dương
Kim Ðỉnh (chủ biên). Trung Quốc Văn Hóa Sử Ðại Từ Ðiển (2nd.
Ed). Ðài Bắc: Viễn Lưu, 1990.
- Bishop,
Peter và M. Darton. The Encyclopedia Of World Faiths, An Illustrated Survey
Of The World’s Living Religions. New York: Facts On File Publications, 1988.
- Hook,
Brian (chủ biên). The Cambridge Encyclopedia of China. 2nd
ed. Cambridge University Press, 1991.
- Gernet,
Jacques. A History of Chinese Civilization. New York: Cambridge
University Press, 1986 (nguyên tác Le
Monde Chinois, J. R. Foster dịch sang Anh ngữ).
- Encyclopedia
Britanica 15th Edition 1982, Vol. 11&19.
- Vương
Gia Phượng và Lý Quang Chân. “When West Meets East” (International Sinology and
Sinologists) – Ðương Tây Phương Ngộ Kiến Ðông Phương. Sinorama Magazine,
Taiwan, 1991.
- Mao Bội
Kỳ và Lý Trạch Phụng. Tuế Nguyệt Hà Sơn. Hongkong: Trung Hoa Thư Cục,
1988.
- Dư Tử Lưu. Nguồn Gốc
Con Rồng – Long Ðích Căn. Hongkong: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1985.
NGUYỄN DUY CHÍNH