Gió
muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
* Lễ Sanh Thượng Vui Thanh (TT Hương Mỹ). Trích thư Hương Mỹ (Bến Tre), ngày
25-12-2017:
Từ khi tôi
xin nhập môn vào Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ năm 1960 và lập khánh thờ Đức Cao Đài
tại nhà, nhiều người gặp tôi hay hỏi về Đấng Huyền Khung Cao Thượng Đế, muốn
tôi trả lời cho họ biết được Ngài là ai? Hình dáng ra sao? Tuổi tác thế nào? v.v...
Tôi tự thấy mình rất là thiển cận, chưa đủ hạnh đức cũng
như hiểu biết, chưa chứng đắc về mặt tâm pháp (tịnh luyện), nếu tôi mở miệng
nói về Thượng Đế thì chắc chắn chẳng khác gì kẻ mù sờ voi.
Gần đây Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
có gởi về Bến Tre tặng tôi cuốn Ý Thức
Hệ Cao Đài. Tập sách này giúp tôi được dịp nghiền ngẫm nhiều tư tưởng cao
xa về Đức Chí Tôn: “Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài.” (tr. 22); “Thượng
Đế vẫn hiếu sinh, phân hóa phi phân hóa, kết hợp phi kết hợp.” (tr. 23); “Thượng Đế là tuyệt đối thể bất khả tư nghị.
Mọi nỗ lực của con người nhằm diễn tả Thượng Đế đều là đem cái hữu hạn để thăm
dò cái vô hạn.” (tr. 47-48), v.v...
Ban Ấn Tống: Chúng đệ muội chân
thành cảm ơn hiền huynh đã viết nắn nót bốn trang thư A4, bày tỏ nhiều cảm nghĩ
tốt đẹp dành cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Xin cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn
lành đến hiền huynh, một bạn đọc cao tuổi có thể nói là “tri âm” của chúng
đệ muội trong suốt mười năm nay.
*
) Hiền huynh Phan Lương Minh (Cần Thơ).
Điện thoại ngày 26-12-2017:
Trong Đạo Uyển Xuân 2018 (tr. 23-24) nhắc tới các vị tiền bối Cao Đài
mà thánh danh kèm theo chữ TINH như Thiên La Tinh, Liêm Trinh Tinh, Địa Tráng
Tinh. Tôi bổ sung rằng ở Cần Thơ xưa kia có tiền bối Võ Văn Ngàn, cai quản thánh thất Tây Thành; thánh danh tiền bối là Võ Khúc Tinh.
Huệ Khải: Kính thưa Phan hiền huynh,
tệ đệ rất cảm ơn hiền huynh. Nhân đây xin nói thêm:
Sao Võ Khúc là một trong nhóm bảy vì sao gọi chung là Bắc
Đẩu 北斗. Bảy sao này theo thứ tự là: Tham Lang 貪狼, Cự Môn 巨門, Lộc Tồn 祿存, Văn Khúc 文曲, Liêm Trinh 廉貞, Võ
Khúc 武曲, và Phá Quân 破軍.
Theo Phong Thần Diễn
Nghĩa thì tướng Ðậu Vinh 竇榮 được vua Trụ phong chức
tổng binh, cùng với vợ là Triệt Địa 徹地 trấn ải Du Hồn 游魂 hai mươi năm. Đậu Vinh bị Khương Văn Hoán chém chết tại
trận, còn vợ bị Mộc Tra chém mất đầu (hồi chín mươi ba và chín mươi bốn). Về sau,
Thiên Đình phong Đậu Vinh làm sao Võ Khúc, vợ làm sao Nguyệt Khôi 月魁 (hồi chín mươi chín).
*
@ Hiền tỷ Đại Cơ Minh (Minh Lý Thánh Hội). Điện thư ngày 25-01-2018:
Đạo muội rất thích đọc mục
Gió Bốn Phương vì học thêm được nhiều điều.
Văn Uyển tập Hanh (số 22), tr. 163, có giải thích chữ Đông Lâm. Muội xin bổ túc thêm một ý
nghĩa trích từ Tỉnh Thế Ngộ Chơn (bản
in của Minh Lý Đạo liên kết Nxb Tôn Giáo năm 2014), tr. 62: Theo phụ giải số
61, Đông Lâm là “Cõi phàm gian. Khi xuống phàm, con người lấy mộc
khí làm tánh. Vì mộc thuộc về đông nên gọi cõi phàm là Đông Lâm.”
Văn Uyển tập
Trinh 2017 (số 24), tr. 168, bàn về bài
thơ “Nhị bát giai nhân thể tự tô”. Đúng là người đánh
máy đã nhầm chữ ám với chữ âm. Lỗi này đã sửa khi tái bản (bản in
của Minh Lý Đạo liên kết Nxb Tôn Giáo năm 2014). Bài thơ này có trong Ngộ Tánh Cùng Nguyên [悟性窮原] của Hàm Cốc Tử [涵谷子], và căn cứ theo đó thì tác giả là Đức Lữ Tổ.
Huệ Khải: Tệ đệ rất cảm ơn hiền tỷ
đã bổ túc cho hai phần trả lời trên Văn Uyển tập 22 và 24. Tệ đệ rất mong sẽ
còn nhận được nhiều góp ý của hiền tỷ đối với các đầu sách do Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện. Kính chúc hiền tỷ an lạc.
*
@ Một tín hữu ẩn danh. Điện thư ngày 10-3-2018:
Đầu xuân Mậu Tuất, tệ muội về thánh thất và thỉnh
được quyển THÁNH TRUYỀN TRUNG HƯNG (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2017). Nơi trang 1002
có Bản Đính Chính. Theo đó thì hai chữ sông
non đã in ở trang 305 (cột I, dòng 6 đếm từ dưới lên) phải sửa lại là non sông. Tệ muội cảm thấy là lạ về sự
sửa chữa này nên muốn được Ban Ấn Tống giúp cho ý kiến. Ngoài ra, tệ muội cũng
xin quý huynh tỷ giải thích giúp ý nghĩa câu “Đạo dã THƯỢNG ĐẾ” (trang 880) trong bản in
nói trên.
Huệ Khải: Chào đạo hữu. Phần trả
lời hơi dài nên được tách thành hai mục như sau:
1. Bình thường chúng ta nói non sông, như thánh giáo tại Trước Lâm Thánh
Đức Thiền Điện (Vĩnh Long) ngày 02-5-1971, Đức Phan Thanh Giản dạy:
Non sông một dải kia kìa
Đừng cho ai cắt ai chia
giống nòi.
Nhưng tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 05-02-1956, Đức
Lý Thái Bạch áp dụng phép đảo ngữ khi dạy:
Năm lập pháp cộng
đồng vui khổ
Ngày thọ ân đã cố làm tròn
Tiếng tăm nổi với sông non
Khó khăn vững bước, chìu lòn quanh co.
Theo luật thơ song thất lục bát, chữ cuối câu lục
(non) phải hiệp vận với chữ cuối câu
thất trước nó (tròn) và chữ thứ sáu
trong câu bát tiếp theo (lòn).
Như vậy, Bản Đính Chính lẽ ra đừng đổi sông non thành non sông, vì sông
không hiệp vận với tròn và lòn.
Rất may ở trang 39 bản in nói trên còn có một bài
thánh thi khác cũng đảo ngữ thành sông non mà Bản Đính Chính không đổi
thành non sông. Đó là thánh giáo tại
Tòa Thánh Hậu Giang ngày 15-02 Đinh Sửu mà ấn bản Thánh Truyền Trung Hưng nói
trên lại in ngày dương lịch là 27-03-1937
(sic).
Một năm có mười hai tháng; riêng tháng Một và
tháng Hai nên viết số là 01 và 02 để tránh nhầm lẫn với tháng 11 và
12. Bởi vì không có các tháng 13, 14, ... 18, 19, thế nên từ tháng 3 tới tháng
9 KHÔNG cần viết là 03, 04, ... 08, 09 (điều này khác với quy ước ở văn bản điện
tử).
Trong thánh giáo ngày 27-3-1937, Đức Ngọc Hoàng
Thượng Đế xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ như sau:
NGỌC Kinh mở cửa
để chờ con
HOÀNG cảnh trần gian đạo
đức tròn
THƯỢNG chí hạ lưu tu đức
chính
ĐẾ dân khỏi thẹn với sông
non.
Ở đây, Thầy đảo ngữ thành sông non để hiệp vận với
con
và tròn.
Lại tiếc rằng ấn bản 2017 này in là Hoàng cảnh thì làm cho câu thơ sai chánh tả (hoàn cảnh 環境: environment,
circumstances, surroundings). Lẽ ra nên in: HOÀN(G) cảnh trần gian đạo đức tròn; như thế, tín chúng hiểu rằng đọc
theo quán thủ là NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, còn đọc theo câu thơ là HOÀN cảnh trần
gian đạo đức tròn.
(Khi dẫn lại các câu thơ ở ấn bản 2017 tôi đã bỏ
bớt các dấu phẩy, dấu chấm cuối câu.)
2. Trang 880 in là “Đạo dã THƯỢNG
ĐẾ.” Như vậy
sách đã in sai. Lẽ ra phải là: Đạo giả THƯỢNG ĐẾ.
Ở đây chúng ta gặp cấu trúc … GIẢ 者 … DÃ 也. Cấu trúc này giải thích về người hay sự vật.
A. Chữ DÃ ở cuối câu diễn tả
ý khẳng định; có khi dịch DÃ là VẬY, hoặc không dịch. Thí dụ:
a. Tuân Khanh giả Triệu nhân dã.
荀卿者趙人也. (Tuân Khanh là người nước Triệu.)
b. Sinh ngã giả ngã phụ mẫu dã.
生我者我父母也. (Người sinh ra ta là cha mẹ ta.)
Trong thí dụ b, chữ ngã
thứ nhất làm bổ ngữ (object) cho
động từ sinh, tương đương chữ me trong tiếng Anh. Chữ ngã thứ hai làm định ngữ (modifier) cho cụm danh từ phụ mẫu, tương đương chữ my trong tiếng Anh; ngã phụ mẫu tức là my parents
(cha mẹ ta).
c. Trung Dung
(chương 20) có hai câu này:
Nghĩa giả nghi dã. 義者宜也. (Nghĩa
là việc nên làm.)
d. Đổng Trọng Thư (179-104 trước Công Nguyên) viết:
Mệnh giả Thiên chi lệnh dã.
Tính giả sinh chi chất dã.
命者天之令也. 性者生之質也. (Mệnh là lệnh của Trời
vậy. Tính là bản chất lúc sinh ra vậy.)
e. Trong Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển, đàn ngày 13-01 Bính Dần (Thứ Năm 25-02-1926), Đức Ngọc Hoàng
Thượng Đế dạy:
Thiên giả Ngã dã.
B. Trong cấu trúc nói tới ở
mục A trên đây thì chữ DÃ cuối câu có thể
lược bớt. Đây là trường hợp ta gặp trong Thánh Truyền Trung Hưng, thánh giáo tại thánh thất Kim Quang Minh
Đài, ngày 22-6 Canh Tuất (Thứ Sáu 24-7-1970), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Nguyên thủy hữu Đạo. Đạo giả Thượng Đế. Đạo tức
Thượng Đế dã.
(原始有道. 道者上帝. 道即上帝也. / Đầu tiên có Đạo. Đạo là Thượng Đế. Đạo tức là Thượng
Đế vậy. / In the beginning, there is Dao.
Dao is
God. It is Dao that is God.)
Câu thứ hai có thể viết:
Đạo giả
Thượng Đế dã. (Đạo là Thượng Đế [vậy].)
Chữ dã/vậy có thể bớt đi.
Thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài thường dùng khá nhiều từ
Hán Việt; do đó, điển ký (hoặc người sao chép) nếu không rõ ý nghĩa thì rất dễ
viết sai, khiến cho câu văn, lời thơ khó hiểu. Nhất là trong Nam, bổn đạo lại
phát âm không phân biệt giả và dã (dấu ngã) thường nói cả hai y hệt
như dả (dấu hỏi) nên càng rối rắm.
Tình trạng này khiến cho người học đạo gặp nhiều trở ngại. Bởi vậy, công việc san định kinh sách Cao Đài rất hệ
trọng. Hiện nay, trên Internet tràn lan những văn bản viết về đạo Cao Đài
mà tiếng Việt thường mắc nhiều lỗi sai; thực trạng này khiến cho hình ảnh nhà Đạo
chúng ta trước mắt công chúng dường như thiếu sức thuyết phục.
*
@ Hiền hữu Trần Văn Vinh (Quế Minh,
Quế Sơn, Quảng Nam). Điện thư ngày 15-3-2018:
Trong một đàn cơ ban cho chức sắc Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài ngày 01-5 Bính Ngọ (Chủ Nhật 19-6-1966), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy như sau:
“Nếu dài có thước, nếu nặng có cân, ít nhiều có
cân, có lường để tính. Không thể lấy mắt đoán chừng, mà có giỏi đoán thì một
trăm lần cũng chưa đúng một. Nên sai một ly đi một dặm, thì mọi việc đâu đủ làm
căn bản cho ngày sau. Nên luật pháp đã quy định, thì cứ theo đó mà làm. Dầu vạn đợi cũng không sai, mà giữa ta cùng
người cũng không hề trái. Nên quy củ
chuẩn thằng là bốn nguyên tắc chính, dầu thợ giỏi cũng không sao bỏ mực
bỏ thước, mà làm cho khéo được.”
Tệ đệ xin Ban Ấn Tống cho biết: (1) “Vạn đợi” có
phải là chờ đợi rất lâu dài? (2) Tại sao Đức Lý bảo rằng “quy củ chuẩn thằng là
bốn nguyên tắc chính” ?
Huệ
Khải: Chào hiền hữu. Đợi tức là đại (generation)
nói chệch đi. Vạn đợi là vạn đại 萬代, muôn đời, đời đời, mãi mãi (forever).
Kế
đến, quy củ chuẩn thằng 規矩準繩 được hiểu là phép tắc (rules) và mẫu mực (norms,
criteria). Chẳng hạn, khi chú giải Tân Luật cho Hội Thánh Truyền Giáo
(1939), Đức Lý Giáo Tông dạy: “Tôn giáo có luật pháp để làm quy củ chuẩn thằng dìu dắt
nhơn sanh tùng Pháp đi đến Đạo.”
Nhưng
quy, củ, chuẩn, thằng nguyên nghĩa là
bốn dụng cụ đo đạc gồm có: Quy 規 là com-pa (compass),
dùng để vẽ vòng tròn, hay đo khoảng cách trên bản đồ... / Củ 矩 là ê-ke (tiếng Pháp: équerre), cây thước vuông (steel
square, framing square, carpenter’s square) dùng để đo góc vuông. / Chuẩn 準 là thước
thăng bằng (level), dùng để kiểm tra
mặt phẳng nằm ngang. / Thằng 繩 (tức thằng mặc 繩墨) là sợi
dây thợ mộc căng thẳng giữa hai điểm để lấy lằn mực thẳng (carpenter’s straight line marker). Có thể dùng phấn tẩm vào sợi dây
thay cho mực.
Như
vậy, Đức Lý Giáo Tông đã dùng ý nghĩa gốc của bốn dụng cụ này đồng thời còn nhắc
đến mực (ink)
và thước (rulers) khi dạy: “Nên quy củ chuẩn thằng là bốn
nguyên tắc chính, dầu thợ giỏi
cũng không sao bỏ mực bỏ thước, mà
làm cho khéo được.”
Thay
vì nói quy củ chuẩn thằng, người Việt
còn nói mực thước theo nghĩa mẫu
mực, khuôn phép, phép tắc. Thí dụ: Trong
nhà thì cha mẹ làm mực thước cho con cái; ở trường thì thầy cô làm mực thước
cho học trò.
Tại
Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 02-02 Mậu Tuất (Thứ Sáu 21-3-1958), Đức Tiếp Văn Pháp
Quân dạy: “Người Bồ Tát hay người hướng đạo
có cái thân đầy điển huệ. Thân ấy làm mực
thước cho người đời. Mực thước đây không phải họ muốn giữ cho ra mực thước,
mà mực thước ở trong lòng thuần chơn phát lộ.” =
([1]) Ngụ ý kẻ thiếu lòng
nhân thì chưa thật sự là người, chỉ mới mang hình dáng người bên ngoài mà thôi.
(Nhân giả nhân dã được James Legge dịch
là: Benevolence is the characteristic
element of humanity.) Minh Tâm Bảo Giám
có câu: Người xưa hình dáng tợ như
thú nhưng tâm có đức độ bậc đại thánh. Người nay bề ngoài tợ như người nhưng
lòng lang dạ thú há đâu lường được. (Cổ nhân hình tự thú, tâm hữu đại thánh
đức. Kim nhân biểu tự nhân, thú tâm an khả trắc. 古人形似獸, 皆有大聖德. 今人表似人, 獸心安可測.)